Thứ 2, 03/06/2024, 10:41[GMT+7]

Ứng dụng kỹ thuật khoa học nâng cao năng suất và chất lượng bò

Thứ 4, 02/05/2012 | 07:50:33
2,281 lượt xem
Để đạt được mục tiêu của Chiến lược phát triển chăn nuôi của tỉnh ta giai đoạn 2010 - 2015, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tạo ra những giống bò có năng suất chất lượng cao và sản xuất cung ứng giống bò tại chỗ, đáp ứng yêu cầu về con giống cho sản xuất hàng hóa là một trong những giải pháp quan trọng.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Mục tiêu của chiến lược phát triển chăn nuôi của tỉnh ta giai đoạn 2010 - 2015 là đẩy mạnh tốc độ phát triển sản xuất chăn nuôi hàng hóa, tăng chăn nuôi tập trung, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, nâng cao giá trị và tỷ trọng chăn nuôi; phấn đấu đến năm 2015 có 1.600 trang trại, 16.000 gia trại (trong đó có 30 trang trại chăn nuôi trâu bò quy mô trên 50 con); giá trị chăn nuôi chiếm 45% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Để đạt được mục tiêu trên, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tạo ra những giống bò có năng suất chất lượng cao và sản xuất cung ứng giống bò tại chỗ, đáp ứng yêu cầu về con giống cho sản xuất hàng hóa là một trong những giải pháp quan trọng.

Những năm qua, việc thụ tinh nhân tạo cho đàn bò nội đã được thực hiện. Tuy nhiên, tỷ lệ bò lai còn rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do đàn bò động dục quanh năm nên không thể tập trung theo dõi để dẫn tinh đúng lúc. Vì vậy, người dân cho bò đực có tại địa phương nhảy trực tiếp. Điều này có thể gây nên khả năng đàn bò thế hệ sau bị cận huyết, không tạo cho đàn bò được lai cấp tiến, làm giảm trọng lượng, giảm khả năng sống và khả năng thích nghi của toàn đàn.

Mặt khác, do dẫn tinh hoặc cho bò đực nhảy trực tiếp vào các thời điểm bò động dục tự nhiên rất khác nhau, nên bê con sinh ra có thể vào thời điểm khó khăn về thức ăn hoặc thời tiết bất lợi làm tỷ lệ bê nuôi sống không cao. Về mặt hàng hoá, bê con sinh ra vào các thời điểm khác nhau, nên khi cần có một số lượng lớn cần thiết phải đi mua gom từ các cơ sở và do có tuổi khác nhau, chất lượng bê và thịt bê thường không đồng đều.

Từ những thực tế nêu trên, Viện Công nghệ sinh học - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đề xuất triển khai thực hiện đề tài: “Ứng dụng kỹ thuật gây động dục và rụng trứng đồng loạt kết hợp với thụ tinh nhân tạo nhằm nâng cao năng suất và chất lượng đàn bò của tỉnh Thái Bình” trong 3 năm ( 2009 - 2011) tại 21 xã thuộc 2 huyện Thái Thụy và huyện Hưng Hà.

Trong thời gian thực hiện đề tài, 532 bò cái sinh sản đã được sử dụng 03 công thức hormone sinh sản gây động dục. Kết quả, có 448 bò động dục so với 532 bò được gây động dục bằng hormone sinh sản, tỷ lệ động dục đạt 84,2%. Tỷ lệ bò mang thai chung là 82,36% . Tuy nhiên, tỷ lệ động dục của bò ở các địa phương khác nhau. Nguyên nhân của sự khác nhau quá nhiều về tỷ lệ động dục không phải do các công thức xử lý khác nhau, mà nguyên nhân chính là do khâu tổ chức theo dõi bò động dục sau khi tiêm hormone. Biểu hiện động dục của bò sau xử lý hormone có sự khác biệt với bò động dục tự nhiên, bò gây động dục bằng hormone thì các biểu hiện động dục không mãnh liệt, đặc biệt dịch tiết âm đạo ít hơn bò động dục tự nhiên.

Với kết quả nhận được, có thể nhận định cả 3 công thức hormone sinh sản đưa vào ứng dụng để gây động dục đồng loạt đều cho kết quả tốt. Việc theo dõi chặt chẽ của chủ hộ chăn nuôi và cán bộ kỹ thuật có vai trò quyết định đến tỷ lệ bò động dục sau khi xử lý gây động dục. Chất lượng đàn bò và sự tuyên truyền, giảng giải cho người dân về kỹ thuật gây động dục đồng loạt kết hợp với thụ tinh nhân tạo cũng là nhân tố quan trọng để tăng được tỷ lệ động dục của bò sau tiêm hormone sinh sản. So sánh kết quả nhận được khi sử dụng 3 công thức hormone để gây động dục đồng loạt cho bò thịt cho thấy nên sử dụng công thức 1(PG –PG +PMSG) để gây động dục cho bò, vì hai loại hormone PG và PMSG có sẵn ở thị trường Việt Nam, giá thành rẻ hơn các loại hormone khác mà tỷ lệ gây động dục đạt kết quả cao.

Xu hướng hiện nay là nuôi bò tập trung. Như vậy, để duy trì và nâng cao chất lượng đàn bò thì việc cải tạo đàn bò bằng lai cấp tiến với nguồn tinh đông lạnh đã được kiểm tra là cách tiếp cận tốt nhất. Việc ứng dụng kỹ thuật gây động dục đồng loạt kết hợp với thụ tinh nhân tạo sẽ giúp chủ động tạo ra đàn bê vào đúng thời điểm thuận lợi về điều kiện thời tiết thích hợp, chủ động được nguồn thức ăn và tạo ra sản phẩm hàng hoá.

Ngay cả khi không còn nhu cầu về cải tiến giống bằng lai cấp tiến thì việc áp dụng gây động dục đồng loạt cũng tạo ra một loạt các lợi thế. Đó là, chủ động được thời điểm cho bò cái mang thai, góp phần làm tăng số bê, đồng thời làm giảm thiểu các bệnh sinh sản thường xảy ra với bò lâu không chửa đẻ. Qua đó, năng suất và chất lượng đàn bò sẽ ngày càng được nâng cao.

Ngọc Mai

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày