Chủ nhật, 04/08/2024, 05:20[GMT+7]

Máy phát điện sử dụng virus

Thứ 5, 17/05/2012 | 08:57:18
1,556 lượt xem
Các nhà khoa học thuộc Bộ Năng lượng Mỹ đang tìm cách để biến những năng lượng cơ học do một loại virus vô hại tạo ra thành nguồn điện năng có thể sử dụng được.

Các chuyên gia về công nghệ nano thuộc Phòng Thí nghiệm Quốc gia Mỹ Lawrence Berkeley cho biết họ vừa chế tạo thành công một bộ phát điện đầu tiên trên thế giới có khả năng tạo ra điện năng nhờ 'khai thác các thuộc tính áp điện của một vật liệu sinh học'.

Máy phát điện siêu nhỏ này sử dụng loại virus chuyên ăn vi khuẩn M13, có kích thước chiều dài 880 nano mét và đường kính 6,6 nano mét. Quan trọng hơn, virus M13 vô hại với con người bởi nó chỉ tấn công các loại vi khuẩn.

Nhóm nghiên cứu đã áp một trường điện từ vào một tấm phim chứa virus M13 (khoảng 2.700 protein tích điện) và sử dụng một chiếc kính hiển vi đặc biệt để quan sát những thay đổi. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các kỹ thuật gene để tăng sự chênh lệch về điện tích giữa hai đầu dương và âm của protein, nhờ đó tăng điện áp của virus. Các nhà khoa học cũng đã thử nghiệm sử dụng xếp lớp các virus theo một chồng và thấy rằng một chồng với 20 lớp sẽ mang lại 'hiệu ứng áp điện mạnh nhất'.

Một bộ phát điện được tạo ra từ ba lớp phim có kích thước khoảng 1cm2 có chứa các virus biến đổi gene được kẹp giữa hai tấm điện cực bằng vàng. Bộ máy phát điện này lại kết nối với một màn hình tinh thể lỏng. Nhóm nghiên cứu cho biết: 'Khi sức ép tác động lên máy phát điện, nó đã tạo ra một dòng điện có cường độ khoảng 6 nano ampe với điện áp 400 milivolt. Lượng điện này đủ để làm nháy lên chữ số '1' trên chiếc màn hình, tương đương với khoảng 25% điện áp của một viên pin AAA'.

Ông Seung-WukLee, một nhà khoa học thuộc Phòng Thí nghiệm Berkeley tham gia nhóm nghiên cứu cho biết nhóm của ông đang tìm cách để phổ biến rộng rãi công nghệ này. Ông nói: 'Do chúng ta có khả năng chế tạo các virus biến đổi gene với quy mô lớn, các loại vật liệu áp điện sử dụng virus sẽ giúp tạo ra một phương pháp đơn giản giúp chế tạo các thiết bị vi điện tử trong tương lai.

Theo Nhân dân

  • Từ khóa