Thứ 7, 20/04/2024, 16:14[GMT+7]

Thành phố: Phấn đấu trở thành đô thị loại I

Thứ 5, 11/02/2021 | 11:15:02
14,745 lượt xem
Thành phố Thái Bình, tiền thân là thị xã Thái Bình được thành lập từ năm 1890, quy mô chỉ có 2 làng và 2 đường trục là Bồ Xuyên và Kỳ Bá, mỗi đoạn dài khoảng 1km. Cùng với sự phát triển của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thành phố Thái Bình đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và là đầu mối giao thông quan trọng, nơi giao thoa các sắc thái văn hóa của tỉnh Thái Bình với tên gọi “Kỳ Bố Hải Khẩu”.

Năm 2003, thành phố Thái Bình trở thành đô thị loại III và 10 năm sau được Chính phủ công nhận là đô thị loại II. Đặc biệt, 5 năm qua, kinh tế - xã hội của thành phố có bước chuyển biến rõ rệt, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng địa phương được giữ vững, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt tiêu chí đô thị loại I. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 13,86%/năm cao hơn yêu cầu của đô thị loại I (đô thị loại I >9%/năm); cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại, nông nghiệp - thủy sản chỉ còn 1,8%. Cân đối thu, chi ngân sách nhà nước đáp ứng yêu cầu đô thị loại I, góp phần quan trọng cho ngân sách tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 1,5% (đô thị loại I <= 5,5%). Cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị được quan tâm đầu tư, 3 năm liền thành phố được Hiệp hội đô thị Việt Nam công nhận là đô thị xanh - sạch - đẹp. Công tác quy hoạch đô thị và nông thôn được chú trọng; đã hoàn thành quy hoạch chung thành phố đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết đạt trên 50% diện tích các phường; 100% số xã có quy hoạch nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị, các khu vực sản xuất gắn với du lịch và dịch vụ được quan tâm quy hoạch. Nhóm các tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan khu vực ngoại thành; trong đó các tiêu chuẩn về hạ tầng xã hội như trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, nhà ở dân cư; tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp điện; tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường và kiến trúc cảnh quan đều đạt yêu cầu tiêu chí đô thị loại I.

Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý.

Để đạt mục tiêu của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX quyết tâm phát triển mạnh mẽ đô thị,  trong đó xây dựng thành phố Thái Bình trở thành đô thị loại I vào năm 2025, bên cạnh sự quan tâm của trung ương, sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các địa phương trong tỉnh; thành phố Thái Bình sẽ chú trọng tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ và nhân dân về Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXVIII, trong đó nhấn mạnh chủ trương xây dựng thành phố Thái Bình trở thành đô thị loại I để tạo sự đồng thuận cao trong toàn Đảng bộ và nhân dân, đặc biệt trong giải phóng mặt bằng để đầu tư phát triển kinh tế và hạ tầng nói chung.

Xây dựng kế hoạch chi tiết với các nhiệm vụ và giải pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu các ngành kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp hiện đại gắn với đẩy mạnh chuyển dịch tăng tỷ trọng các ngành có kỹ thuật, hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, cơ khí chế tạo...

Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các khu, cụm công nghiệp, song song với tái cấu trúc các cụm công nghiệp trong nội thành, phát triển sản xuất đồng thời bảo đảm môi trường trong sạch, không ô nhiễm. Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp tái cơ cấu, chuyển sang kinh doanh dịch vụ, thương mại.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn chất lượng cao để đón đầu, phục vụ làn sóng đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình. Phát triển khu dịch vụ vui chơi giải trí quy mô lớn gắn với phát triển đô thị du lịch nghỉ dưỡng và giải trí có quy mô lớn hai bên sông Trà Lý.

Phát triển và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính - viễn thông, vận tải, dịch vụ logistics... Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu hàng hóa và phát triển mạnh thương mại điện tử.

Phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa gắn với du lịch sinh thái, du lịch tâm linh. Nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với các tiêu chí xây dựng phường.

Huy động tối đa các nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển. Đa dạng hóa các loại hình đầu tư, nguồn vốn đầu tư, vốn hỗ trợ từ ngân sách, vốn ngoài quốc doanh, vốn vay tín dụng ưu đãi, vốn ODA vào đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật.

Thành phố rực rỡ cờ hoa.

Phát triển thành phố Thái Bình thành đô thị loại I với tính chất là đô thị tổng hợp cung cấp dịch vụ cho xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình, là đô thị đào tạo và chữa bệnh của tỉnh và khu vực Nam đồng bằng sông Hồng. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội các khu đô thị hiện hữu để phát triển đô thị về cả hai phía Đông và Tây theo hướng hiện đại, thông minh và bền vững. Khai thác lợi thế tự nhiên của khu vực ven sông Trà Lý - trung tâm của thành phố để xây dựng các khu đô thị sinh thái, du lịch gắn với các điểm đến vui chơi giải trí, thể thao (các tổ hợp giải trí, sân golf...) có sức hấp dẫn cả trong nước và quốc tế.

Xây dựng kế hoạch để thực hiện quy hoạch chung thành phố đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch phân khu khu vực cảnh quan 2 bên sông Trà Lý. Rà soát lập, điều chỉnh quy hoạch phân khu các khu vực phát triển đô thị tại các xã gắn với quy hoạch xác định các khu vực ổn định phát triển sản xuất nông nghiệp bảo đảm đồng bộ với quy hoạch chung, làm cơ sở để đầu tư phát triển bền vững. Quy hoạch hệ thống tượng đài, các công trình biểu tượng văn hóa ngoài trời, công viên, cây xanh, các công trình tạo điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan văn minh, hiện đại tại khu vực nội thành và các khu vực cửa ngõ thành phố.

Hoàn thiện quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng, kết nối các tuyến đường giao thông trọng điểm. Thực hiện chỉnh trang các khu tập thể cũ, các quỹ đất sử dụng chưa hiệu quả theo hướng cao tầng, hiện đại đồng thời giảm mật độ xây dựng để bố trí cây xanh, bãi đỗ xe và các công trình công cộng. Hoàn thành xây dựng một số công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trọng điểm như công viên sinh thái Hoàng Diệu, công viên Kỳ Bá, công viên 30/6, hồ Ty Diệu...

Hoa Vũ Chính khoe sắc.

Huy động các nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để từng bước xây dựng thành phố thông minh, trước hết trong quy hoạch đô thị cả quy hoạch đô thị mới và chỉnh trang đô thị hiện hữu phục vụ: quản lý đất đai, xây dựng, vận hành các thiết chế của thành phố, tổ chức quản lý dân cư, bảo vệ môi trường, giao thông vận tải, giáo dục, y tế, môi trường, an ninh trật tự; triển khai các dịch vụ đô thị và các nhu cầu khác của nhân dân một cách phù hợp, giúp cho kinh tế đô thị tăng trưởng, duy trì tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.

Đồng chí HOÀNG VĂN THÀNH
(Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy)