Thứ 7, 20/04/2024, 03:14[GMT+7]

Tự hào sáng tạo Thái Bình

Thứ 2, 22/02/2021 | 09:17:27
8,720 lượt xem
Những năm gần đây, Thái Bình tự hào có thêm nhiều công trình, giải pháp đạt giải ở các cuộc thi, hội thi cấp quốc gia, được ghi danh vào Sách vàng sáng tạo Việt Nam và tham dự triển lãm quốc tế về khoa học, công nghệ.

Công ty TNHH Liên Hạnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Trong các giải pháp đạt giải, nhiều giải pháp đã được ứng dụng vào thực tiễn, sản xuất thành sản phẩm đại trà, xuất khẩu ra nước ngoài. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào đối với các tác giả mà còn là nguồn động viên, khích lệ  phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ trên địa bàn tỉnh.

Ghi danh ở những sân chơi lớn

Trong số 75 đại diện tác giả, nhóm tác giả có công trình khoa học, giải pháp sáng tạo khoa học - công nghệ được công bố trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2020, Thái Bình vinh dự có 4 công trình, giải pháp được công bố. Đó là các giải pháp: Hướng dẫn trẻ mầm non lứa tuổi 3 - 4, 4 - 5 và 5 - 6 khám phá môi trường tự nhiên, lồng ghép giáo dục tình cảm, đạo đức và bảo vệ môi trường của tác giả Nguyễn Viết Huy (Sở Giáo dục và Đào tạo) và các cộng sự; Nghiên cứu chế tạo máy cấy lúa sử dụng động cơ điện, nhóm tác giả Trần Đại Nghĩa, Trần Văn Thành, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Đại Nghĩa, xã Đông Hoàng (Tiền Hải); Nghiên cứu chế tạo dung dịch nano bạc - chitosan dùng gắn lên vải sợi định hướng ứng dụng sản xuất sản phẩm vô trùng trong lĩnh vực y tế của nhóm tác giả Nguyễn Tiến An, Lê Xuân Hưng, Lê Công Huân, Đỗ Quý Phương, Lê Thị Thu Miên, Trường Đại học Y Dược Thái Bình và Công trình xây dựng mô hình sinh thái giáo dục và tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động sáng tạo gắn với thực tiễn địa phương của nhóm tác giả Trần Thu Hương, Mai Thị Bích Nguyện, Trần Nguyễn Yến. Trong các tác giả được ghi danh có tác giả đã nhiều năm liền đạt giải cao tại các hội thi về khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia như Nguyễn Viết Huy, Trần Đại Nghĩa, Mai Thị Bích Nguyện.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Huy, Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: Bản thân tôi khi bắt tay vào nghiên cứu khoa học, công nghệ, không nghĩ giải pháp của mình sẽ được giải cao. Chỉ biết rằng, với niềm đam mê sáng tạo, tôi luôn muốn tạo ra bộ sách hoặc bộ sản phẩm nào đó để học sinh lĩnh hội kiến thức một cách tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Càng bắt tay vào nghiên cứu, sáng chế tôi càng thấy thú vị. Nhiều khi đang nghiên cứu đề tài này đã nảy ra sáng kiến làm đề tài khác. Vì thế, mạch nghiên cứu, sáng tạo không bị đứt đoạn.  

Nhằm khơi nguồn sáng tạo, tạo sân chơi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân, học sinh, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, nhiều năm qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, các đơn vị đã phối hợp tổ chức hội thi sáng tạo khoa học công nghệ và kỹ thuật và cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh. 

Đến nay, qua 8 kỳ hội thi sáng tạo khoa học công nghệ và kỹ thuật tỉnh đã thu hút hàng nghìn công trình, giải pháp tham gia dự, trong đó 25 giải pháp đạt giải hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, 7 giải pháp đạt giải thưởng Vifotec, 3 công trình đạt giải quốc tế; 11 công trình được ghi trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam. Với 4 kỳ tổ chức, cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh cũng đã thu hút hàng trăm em nhỏ ở nhiều lứa tuổi tham gia, trong đó 7 giải pháp đạt giải cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc. Hội thi, cuộc thi đã thực sự khơi dậy, thúc đẩy phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học của đội ngũ trí thức, các tầng lớp nhân dân và học sinh, sinh viên trong tỉnh. Nhiều giải pháp đã áp dụng trong thực tiễn giúp nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành, tạo sức cạnh tranh của sản phẩm, giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng chục tỷ đồng.

Đa dạng lĩnh vực nghiên cứu, tính ứng dụng cao

Có thể thấy, các đề tài nghiên cứu trên địa bàn tỉnh rất đa dạng. Ở lĩnh vực nào cũng có đề tài, giải pháp tham gia. Nhiều đề tài, giải pháp được ứng dụng vào thực tiễn, phục vụ thiết thực cho cuộc sống, tiêu biểu như: Giải pháp sản xuất, cải tiến chuỗi dây chuyền chiết lon tự động công suất 50.000 lon/giờ tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen của tác giả Trần Văn Trà; Giải pháp thiết kế, chế tạo một số bộ thí nghiệm quang học trong dạy học môn Vật lý ở bậc THCS, THPT và đại học của nhóm tác giả Nguyễn Viết Huy, Nguyễn Thị Thu Hà và Giải pháp nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chế tạo máy thái củ quả (chế biến nông sản sau thu hoạch) phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn tại Doanh nghiệp Điện cơ Thiên Thuận của tác giả Nguyễn Như Lĩnh... Với hiệu quả thực tiễn, tính ứng dụng và nhân rộng, nhiều đề tài, giải pháp còn được doanh nghiệp lựa chọn sản xuất với số lượng lớn, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, cụ thể như: máy cấy không động cơ, máy cấy có động cơ của tác giả Trần Đại Nghĩa (Tiền Hải); máy cấy của anh Phạm Văn Lữ (Đông Hưng).

Ông Bùi Quang Hộ, Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết: Các hội thi, cuộc thi sáng tạo về khoa học, công nghệ đã trở thành sân chơi lớn, đáp ứng nhu cầu đam mê nghiên cứu, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Qua các đợt tổ chức hội thi, cuộc thi cho thấy, cùng với sự đa dạng về lĩnh vực còn có sự phong phú về độ tuổi, thành phần tham gia. Ngoài đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn có sự góp mặt của nhiều người dân chưa từng tham gia nghiên cứu, thậm chí có cả người cao tuổi và các em nhỏ. Điều này cho thấy, sức hấp dẫn của các sân chơi khoa học, công nghệ và thể hiện sự tiếp nối trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, chất lượng và số lượng các đề tài, giải pháp tham gia cũng ngày càng được nâng lên. Trong thời gian tới, với vai trò cơ quan thường trực tổ chức hội thi, cuộc thi, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để có thêm nhiều người biết đến hội thi, cuộc thi; phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân tham gia nghiên cứu, sáng tạo khoa học, kỹ thuật; tổ chức tôn vinh, biểu dương kịp thời các tác giả có đề tài, giải pháp hiệu quả, có tính thực tiễn cao đồng thời chắp nối với nhà đầu tư, tạo mối quan hệ giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu để các đề tài, giải pháp hiệu quả được ứng dụng vào thực tiễn.

Mô hình trồng dưa trong nhà lưới tại Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân (thành phố Thái Bình).

Một mùa xuân mới lại về, nhìn lại chặng đường nghiên cứu, sáng tạo khoa học, kỹ thuật trên địa bàn tỉnh, mỗi chúng ta đều có thêm niềm tự hào về những kết quả đã đạt được. Thành công của các cuộc thi, hội thi đã cho thấy sức sáng tạo trong mỗi người là vô tận nếu biết khơi dậy và đánh thức. Hiện nay, cuộc cách mạng khoa học, công nghệ đang lan tỏa mạnh mẽ đòi hỏi mỗi cấp, ngành, địa phương, đơn vị, mỗi người dân cần phải ý thức sâu sắc vị trí, vai trò của mình, tích cực học tập, đổi mới tư duy, nhanh nhạy tiếp thu các thành tựu, kỹ thuật mới, say mê nghiên cứu, tìm tòi để có nhiều sáng kiến áp dụng vào sản xuất, kinh doanh và thực tiễn đời sống. 

Năm mới hy vọng mới, Thái Bình sẽ có thêm nhiều giải pháp sáng tạo được ứng dụng vào thực tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Hoàng Lanh