Thứ 7, 23/11/2024, 02:52[GMT+7]

Đền Pantheon - công trình kiến trúc lâu đời nhất thế giới còn hoạt động

Thứ 6, 02/04/2021 | 09:28:09
10,684 lượt xem
Toạ lạc tại Roma, một thủ đô sở hữu nhiều công trình kiến trúc cổ đại nổi tiếng thế giới, đền Pantheon là một trong những kiệt tác vĩ đại nhất thể hiện quyền lực và tham vọng của Đế chế La Mã.

Đền Pantheon nhìn từ bên ngoài. (Ảnh: CNN)

Sức nặng lịch sử kết hợp cùng sự sáng tạo của con người

Với bề dày lịch sử gần 2.000 năm tuổi, đền Pantheon là công trình kiến trúc lâu đời nhất thế giới vẫn đang hoạt động cho đến ngày nay. Từ thế kỷ VII, ngôi đền được sử dụng để làm nhà thờ Công giáo La Mã.

Mặt tiền của công trình được trang trí theo phong cách Hy Lạp. Đó là “portico” - một loại cổng vào đặc trưng của kiến trúc Hy Lạp cổ đại: mái vòm có đỉnh hình tam giác, được chống đỡ bởi nhiều hàng cột Corinthian lớn. Tuy nhiên, không gian bên trong của ngôi đền là một phong cách kiến trúc La Mã đầy ngoạn mục mà người Hy Lạp sẽ thể không tưởng tượng nổi. Rộng rãi và thoáng mát, sảnh chính được bao phủ bởi một mái vòm bê tông không cốt thép lớn nhất thế giới tính đến nay, với đường kính 43,3 mét - đúng bằng chiều cao của ngôi đền.

Khi bước vào đền Pantheon và đối diện với mái vòm khổng lồ nổi tiếng, du khách sẽ có một trải nghiệm đầy kịch tính và sống động, gần giống với cảm giác mà những vị khách đầu tiên đã trải qua gần 2.000 năm về trước.

“Bất cứ ai đặt chân tới đây đều ngay lập tức cảm nhận được sức nặng đáng kinh ngạc của lịch sử nhân loại, cùng với đó là sự sáng tạo vô biên của con người,” John Ochsendorf, Giáo sư Kiến trúc tại Học viện Công nghệ Massachusetts, đồng thời là cựu Giám đốc của Viện Mỹ tại Roma nhận xét.

Khi đứng trên sàn nhà được giữ nguyên vẹn từ thời La Mã, chỉ cần ngước nhìn lên, du khách sẽ thấy bầu trời xanh cùng những đám mây đang nhẹ nhàng trôi thông qua “Oculus” - tiếng La-tin nghĩa là “con mắt”. Đây là một lỗ tròn có đường kính khoảng 9,14 mét nằm trên đỉnh của mái vòm. Khi trời nắng, ánh nắng mặt trời xuyên qua lỗ hổng, tạo thành một chùm ánh sáng lớn chiếu thẳng xuống bên trong đầy mê hoặc. Còn khi trời nổi giông, “Oculus” khiến cơn mưa như một dòng thác đang đổ vào trong ngôi đền.

Mái vòm khổng lồ và luống sáng từ Oculus - "đôi mắt" của đền Pantheon. (Ảnh: CNN) 

“Oculus kết nối đền Pantheon với bầu trời, như một cánh cổng tới thiên đường. Nhưng Oculus cũng phản ánh sự thông thạo về hình học và kiến trúc của người La Mã cổ đại - rằng sau khi tạo nên một mái vòm khổng lồ, họ vẫn có thể nhẹ nhàng điểm xuyết thêm một lỗ tròn ở chính giữa,” Giáo sư Ochsendorf cho biết.

Sau khi đặt chân tới đền Pantheon, có lẽ nhiều du khách sẽ kinh ngạc rằng, làm thế nào mà con người có thể tạo ra một kiệt tác kiến trúc như vậy từ 2.000 năm trước?

Lịch sử hình thành trải qua nhiều biến động

Đền Pantheon được xây dựng vào năm 125 sau Công nguyên (SCN) dưới sự chỉ đạo của Hoàng đế La Mã Publius Aelius Hadrianus. Thực tế, đó đã là lần xây dựng thứ 3 của công trình này. Trước đó, khoảng năm 80 SCN, đền Pantheon đã trải qua một vụ hoả hoạn nghiêm trọng và được trùng tu lại ngay sau đó. Tuy nhiên, đến năm 110 SCN, ngôi đền lại tiếp tục bị thiêu rụi lần nữa do sét đánh. Số phận hẩm hiu của đền Pantheon làm dấy lên nhiều lời đồn đại rằng, ngôi đền có thể bị nguyền rủa.

Trong thời kỳ Trung Cổ, các giáo chủ đã nghi ngờ vào tính linh thiêng của đền Pantheon. Họ không tin vào kỳ tích xây dựng của người La Mã cổ đại và cho rằng ngôi đền phục vụ cho ma quỷ. Tuy nhiên, không phải bàn tay của Satan, mà chính bàn tay con người đã tạo nên kỳ quan này.

Trong số các vật liệu xây dựng, đá cẩm thạch trắng, đen, tím và vàng đều được nhập khẩu từ Địa Trung Hải. Nhưng bê tông, một phát minh của người La Mã, chính là vật liệu đã giúp các kiến trúc sư tự tin loại bỏ các cột chịu lực, tạo ra không gian cho những mái vòm rộng lớn. Người La Mã đã dùng một mẹo nhỏ để giúp những mái vòm lớn giữ được sự ổn định, đó là giảm dần thành phần đá trong hỗn hợp bê tông khi xây dựng tới phần đỉnh. Gạch nặng được sử dụng cho phần nền, còn đá núi lửa nhẹ và xốp được đắp xung quanh Oculus.

Không gian bên trong đền Pantheon. (Ảnh: CNN) 

Mặc dù một số bí mật thiết kế của đền Pantheon đã được hé lộ, Lynn Lancaster, một nhà sử học kiến trúc và giáo dục nhân văn, cho biết bà vẫn có thể tìm thấy điều kỳ diệu ở các chi tiết nhỏ. Trong một ngày, ánh sáng mặt trời sẽ chiếu xuống bên trong mái vòm thông qua Oculus và “dạo chơi” xung quanh nó, khiến đền Pantheon giống như một chiếc đồng hồ mặt trời khổng lồ. Lancaster cho biết: “Đây là một trong số rất ít địa điểm trên thế giới bạn có thể thực sự theo dõi chuyển động của Trái Đất.”

Vai trò của Mặt trời trong thiết kế của đền Pantheon đã được nghiên cứu bởi Giulio Magli, một nhà sử học kiến trúc thuộc Đại học Bách khoa Milan, Ý và Robert Hannah, một học giả thuộc trường Đại học Otago, New Zealand năm 2009. Năm 2011, họ công bố kết quả nghiên cứu thú vị của mình: đúng giữa trưa trong thời gian xảy ra điểm phân vào tháng 3 (khoảng ngày 20/3 hàng năm, khi mặt phẳng xích đạo của Trái Đất đi qua tâm Mặt Trời), ánh sáng Mặt Trời chiếu xuyên qua Oculus sẽ rọi thẳng tới lối vào uy nghiêm của ngôi đền. Không chỉ vậy, bởi sự tính toán chính xác của người La Mã, chùm sáng nói trên còn soi sáng vừa vặn hết mép vòm hình bán nguyệt ở cửa vào ngôi đền.

Thiết kế đầy tinh xảo này được cho là để tôn vinh quyền lực siêu phàm của Hoàng đế Hadrianus, khi ông bước vào ngôi đền để làm lễ điểm phân tháng 3. Luồng sáng rọi thẳng vào Hoàng đế Hadrianus được ví như con đường đưa ông tới “vùng đất của các vị thần”.

Mục đích sử dụng ban đầu: vẫn là một bí ẩn

Trong tiếng Hy Lạp, Pantheon nghĩa là “tất cả các vị thần”. Mặc dù đa số đều cho rằng đền Pantheon được xây dựng để thờ các vị thần La Mã, mục đích sử dụng ban đầu của ngôi đền thực chất vẫn là một bí ẩn.

Các văn bản cổ đại rất ít đề cập tới chức năng nguyên thuỷ của đền Pantheon, khiến các nhà khoa học gặp rất nhiều khó khăn để vén bức màn bí mật. Theo nhà sử học Lynn Lancaster, các công trình kiến trúc La Mã cổ đại đều được sử dụng đa mục đích. Vì vậy, rất khó để tìm hiểu ở đền Pantheon từng diễn ra những hoạt động gì.

Trong thần thoại La Mã, đền Pantheon chính là nơi Romulus, người sáng lập ra thành phố Roma, lên thiên đường. Một số người khác lại tin rằng ngôi đền là nơi hoàng đế La Mã giao tiếp với các vị thần. Theo Luca Mercuri - Giám đốc hiện tại của đền Pantheon, giống như các kỳ quan kiến trúc La Mã cổ đại khác, ngôi đền là một “biểu tượng quan trọng cho quyền lực của đế quốc La Mã”.

Khách du lịch đang tham quan bên trong ngôi đền. (Ảnh: CNN) 

Thời đó, các công trình kiến trúc La Mã là hiện thân của sự giàu có, quyền lực và địa vị. Nhiều thế kỷ sau, các kiến trúc sư Tân cổ điển đã tham khảo thiết kế cổng vào “portico” và các mái vòm của đền Pantheon để đưa vào những công trình của họ. Một số ví dụ tiêu biểu cho kiến trúc Tân cổ điển là Điện Capitol ở Washington, Mỹ và Nhà Somerset ở London. 

Theo ngaynay.vn