Thứ 6, 22/11/2024, 06:14[GMT+7]

Tháp Bà Ponagar – Di sản độc đáo giữa lòng thành phố

Thứ 6, 02/04/2021 | 15:30:40
1,702 lượt xem
Tháp Bà Ponagar Nha Trang – Di sản văn hóa Chăm Pa lớn nhất Việt Nam. Là một địa chỉ không thể không đến một lần cho lữ khách mỗi lần đặt chân tới Nha Trang.

Tháp Bà Ponagar nhìn từ Cầu Xóm Bóng.

Tháp Bà Ponagar có niên đại khoảng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII, được xây dựng trên ngọn đồi Cù Lao để thờ nữ thần Ponagar là mẹ xứ sở của người Chăm. Từ năm 1653, người Việt đã tiếp nhận khu đền tháp và thờ Thiên Y Na Thánh Mẫu. 

Tháp Bà Ponagar nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 50m so với mực nước biển. Nằm cạnh sông Cái, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 2 km về phía bắc. Theo bà Phan Thanh Trúc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Khánh Hòa: Sự khác biệt lớn nhất của Tháp Bà Ponagar so với những ngôi tháp Chăm ở một số tỉnh thành khác đó là nó là “di tích sống” chứ không phải phế tích, là tháp Chăm duy nhất còn duy trì các hoạt động tín ngưỡng thường xuyên. 

Hệ thống cột bát giác gồm có 12 cột nhỏ bên ngoài, 10 cột lớn phía trong, các hàng các cột bố cục đều tăm tắp. 

Theo như nghiên cứu, các nhà khoa học nhận định đây có thể là nơi chuẩn bị lễ vật trước khi dâng lên Bà hành lễ. Họ thấy rằng, trên đỉnh mỗi cột đều có các lỗ mộng. Xác suất cao đây là kiến trúc hở tường bao và có mái che. Vì thời gian, đến nay không còn lại mái che nữa. Mặc dù vậy nhưng đây cũng là điểm nhấn rất độc đáo của Tháp Bà.

Để lên dâng hương cho mẹ xứ sở bạn phải trải qua những bậc tam cấp rất dốc. Có khi tay phải bám sát vào những viên đá phía trên để không ngã ra sau mới có thể đi được.

Tổng thể kiến trúc của tháp Ponagar gồm 3 tầng, đi từ dưới lên trên.

Người xưa quan niệm rằng, để gặp được nữ thần, bạn phải vượt qua thử thách mới có thể gặp được Bà. Đó là sự tôn kính đối với vị thần của trời biển. Hiện giờ người dân đã mở những con đường bậc đá men sườn đồi bên cạnh. Nên bạn yên tâm việc di chuyển sẽ không khó khăn như trước nữa. Theo như các dấu tích xưa để lại thì phía đông Mandapa có có 2 cột nhỏ và thấp hơn nền. Nằm ở 2 bên bậc lên xuống của Tiền Đình, thẳng ra cổng chính. Khu đền tháp có tổng cộng là 6 Kalan. Kalan theo tiếng Chăm Pa là đền/tháp. Đang hiện hữu còn 4 Tháp, 2 tháp phía sau đã bị hủy và chỉ còn lại nền móng. 

Các tháp đều được xây dựng một kiểu giống nhau, chỉ khác về kích thước và độ rộng. Được xây dựng theo bình đồ hình vuông. Từ chân thẳng tắp đến gần đỉnh tháp, vị trí trên cùng được thiết kế theo kiểu hình chóp nón. 

Mỗi tháp đều có 4 cửa hướng ra Đông, Tây, Nam, Bắc. Nhưng chỉ có cửa Đông được mở cho khách hành hương và kéo dài đến tiền sảnh. 3 cửa còn lại tạo hình như cửa giả.

Trên đỉnh Tháp có tượng thần Shiva cỡi ngưu thần Nandin, và các tượng linh vật như chim thiên nga, dê, voi.

Tháp chính cũng là tháp cao nhất khoảng 23m. Được xây dựng năm 813 – 817 và được tu bổ, sửa lại vào thế kỉ XI. Sử dụng 5 hàng trụ áp tường chạy dọc trên thân tháp. Bốn góc mái là 4 tháp nhỏ trong đó có 3 tầng mái thu nhỏ dần lên phía trên. Hệ mái của Tháp được so sánh như núi Mêru – nơi có 5 ngọn núi của các vị thần tại Campuchia và có đỉnh ở giữa cao nhất. 

Tháp Bà Ponagar vừa có kiến trúc đẹp, vừa gợi lên cảm giác thanh tao, thoát tục mà bất kỳ ai có dịp đến đây đều cũng có thể cảm nhận.

Từ trên đỉnh Tháp Bà nhìn ra phía cửa biển là một khung cảnh thanh bình tuyệt đẹp.

Theo baoxaydung.com.vn