Thứ 2, 25/11/2024, 08:57[GMT+7]

Danh nhân Nguyễn Doãn Cử

Thứ 2, 12/04/2021 | 09:06:12
9,065 lượt xem
Là con thứ ba trong một gia đình có truyền thống nho học và yêu nước, năm 43 tuổi, Nguyễn Doãn Cử đỗ cử nhân và ra làm quan. Bởi tài năng và đức độ, ông đảm nhiệm việc dạy học cho con cháu của vua. Trong các học trò có một vị hoàng thân trẻ được ông dạy bảo tận tụy, sau này trở thành vua Hàm Nghi - vị vua đã xuống chiếu Cần Vương, dấy lên phong trào chống Pháp rộng khắp trong cả nước cuối thế kỷ XIX.

Danh nhân Nguyễn Doãn Cử (1821 - 1890) là trí sĩ yêu nước, đã đào tạo nên nhiều thế hệ học trò xuất sắc.

Ngày đầu xuân Tân Sửu, con cháu dòng họ Nguyễn Doãn, thôn Dũng Nghĩa, xã Duy Nhất (Vũ Thư) từ mọi miền đất nước trở về cội nguồn, tưởng nhớ người con ưu tú của dòng họ, danh nhân Nguyễn Doãn Cử. Kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Doãn Cử (1821 - 2021) là dịp để con cháu trong dòng họ, du khách thập phương và nhân dân địa phương ôn lại và hiểu hơn về cuộc đời của một danh nhân nổi tiếng là trí thức yêu nước thời cận đại. Anh em danh nhân Nguyễn Doãn Cử đã có công đào tạo được nhiều thế hệ học trò trở thành những danh nhân, sĩ phu yêu nước như Phan Đình Phùng, Nguyễn Danh Kế, Tiến sĩ Doãn Khuê, Phó bảng Trần Xuân Sắc... Riêng Nguyễn Doãn Cử không chỉ là một sĩ phu yêu nước chống Pháp mà trong 30 năm dạy học ông đã đào tạo được nhiều thế hệ học trò xuất sắc. 

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh chia sẻ: Khi ông đang làm quan, triều đình đã triệu về để giao cho chức giảng quan phủ Tôn Nhân. Trước đây, những người thầy giảng dạy cho con cháu của vua không chỉ đạo cao đức trọng, không chỉ giỏi về Nho học mà còn phải dạy đạo làm người. Danh nhân Nguyễn Doãn Cử đã làm được việc xuất sắc để đời, đó là “đào tạo” được vua Hàm Nghi - ông vua yêu nước, sau này ra xướng nghĩa Cần Vương.

Sau khi đỗ cử nhân ở tuổi 43, Nguyễn Doãn Cử được lên miền núi làm Huấn đạo huyện Thanh Ba, rồi giáo thụ, rồi Tri huyện Lập Thạch (nay là Vĩnh Phúc), sau là Tri huyện Quảng Lăng (nay là Quảng Trị). Sau, công cuộc phòng giặc, an dân khu vực miền núi phía Bắc cấp bách trước sự quấy nhiễu của quân Thanh và nhòm ngó của quân Pháp, ông được bổ nhiệm quyền Tuần phủ Sơn Tây - Hưng Hóa - Tuyên Quang. Ông giúp dân mở mang đồn điền, an cư lạc nghiệp, chăm lo việc học, giữ yên một vùng mạn ngược. Ông hiểu rằng lòng dân mới thật sự là phên giậu quốc gia. Nguyễn Doãn Cử với học vấn toàn diện, năng lực và uy tín của mình, trong vùng ông cai quản oan khuất được thanh minh, kẻ có tội bị nghiêm trị, kỷ cương phép nước được duy trì.

Ngày 12/1/1879, Nguyễn Doãn Cử được về kinh làm giảng quan phủ Tôn Nhân. Có lần, học trò Ưng Lịch không thuộc bài, thầy Cử đã phạt đòn thẳng tay, bất chấp trò là “cành vàng, lá ngọc”. Sau đó thầy dâng sớ tạ tội, cáo quan về quê cũ. Tuy nhiên, vua Tự Đức chẳng những không quở trách mà còn đưa thêm roi cho thầy và nói: “Khanh quý trẫm vì nể trọng khuôn phép, chứ không phải nể quyền uy nơi trẫm. Nếu không nghiêm như vậy thì làm sao đào luyện được tài năng, hoàng tộc sẽ không có người kế nghiệp xứng đáng”.

Do vua Tự Đức bao dung và thầy Doãn Cử nghiêm khắc nên các hoàng tử, hoàng tôn được thầy dạy dỗ đều học hành nghiêm chỉnh. Hoàng tôn Ưng Lịch sau là vua Hàm Nghi, một vị vua yêu nước.

Năm 1881, ông dâng sớ xin nghỉ hưu khi vừa tròn 60 tuổi, về quê giữa lúc thực dân Pháp đang ráo riết đánh Bắc Kỳ lần thứ hai. Ông cùng Nguyễn Hữu Bản, người làng Động Trung (Kiến Xương) xây dựng khu căn cứ chống Pháp. Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng ở tuổi 64, khi đang trên giường bệnh, thầy Cử nghe chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi truyền đến đã trở dậy, gọi người con cả Doãn Chí đến và bảo: “Mệnh thầy chưa hết đâu, thầy sẽ khỏe để cùng anh em, con cháu giữ làng, giữ nước theo chiếu Cần Vương”. Con cháu chưa bao giờ thấy ông vui như thế. Học trò Ưng Lịch - vua Hàm Nghi đã đứng lên phất cờ kháng chiến. Đây là phần thưởng xứng đáng của một người thầy, một sĩ phu yêu nước.

Ông có mặt trong trận huyết chiến giữ thành Nam ngày 27/3/1883. Thành bị hạ, Nguyễn Hữu Bản tử trận, còn ông trở về thu thập nghĩa binh giữ tuyến sau. Đó là ngọn lửa kháng chiến mà thầy Doãn Cử góp sức nhóm lên ở vùng quê này, cùng với tiếng súng giữ nước ở nhiều nơi trên toàn quốc, làm bà đỡ oanh liệt cho phong trào Cần Vương ra đời.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh chia sẻ: Ở Thái Bình có vài chục văn thân, sĩ phu yêu nước là thủ lĩnh chống Pháp nhưng danh nhân Nguyễn Doãn Cử có nét riêng. Khi thực dân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ hai và đánh vào Nam Định năm 1883, cụ cùng Nguyễn Hữu Bản và một số văn thân khác tử thủ giữ thành Nam Định. Khi thành thất thủ, cụ có để lại một cái bản đồ, hiện nay đã thất lạc nhưng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Đoàn, bản đồ ấy vẽ trên vải, hoạch định khu chống Pháp. Điều kỳ thú là bản đồ ấy gần trùng lặp với tỉnh Thái Bình khi Pháp thành lập.

Sau khi Nguyễn Doãn Cử qua đời, tinh thần yêu nước, chống Pháp của ông tiếp tục được con cháu trong dòng họ và nhân dân địa phương kế thừa, phát huy. Cuộc đời ông là tấm gương của một người dân luôn coi độc lập dân tộc là niềm ước vọng trên hết.

Tú Anh