Thứ 6, 03/05/2024, 03:33[GMT+7]

Chương trình hành động của bà Trương Thị Hương Giang, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ thể dục thể thao, Sở VH, TT & DL tỉnh Thái Bình, ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Thứ 3, 18/05/2021 | 20:51:26
3,120 lượt xem
Chương trình hành động của bà Trương Thị Hương Giang, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Chủ tịch Công đoàn Văn phòng Sở, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ thể dục thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026, đơn vị bầu cử số 2.

Họ và tên: Trương Thị Hương Giang
Ngày tháng năm sinh: 24/12/1975
Nghề nghiệp, chức vụ: Phó Bí thư Chi bộ, Phó Chủ tịch Công đoàn Văn phòng Sở, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ thể dục thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình.

Video: TRUONG_THI_HUONG_GIANG.mp4

Là người con sinh ra và lớn lên tại quê hương, thấm nhuần trang lịch sử vẻ vang của thế hệ cha ông đi trước, được ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại tỉnh nhà, tôi đã và đang chủ động nắm bắt nghiên cứu cơ chế, chính sách để phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, cấp xã, nhà văn hóa, các thôn đã tự thành lập các câu lạc bộ văn hóa dân gian, câu lạc bộ dân vũ, câu lạc bộ bóng chuyền hơi... Đây là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân về hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống ở các địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý, khai thác, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở vẫn còn hạn chế, chưa phát huy hết công năng của các thiết chế. Vì vậy, để đáp ứng ngày càng tốt hơn nữa nhu cầu sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của người dân, đáp ứng kịp sự phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội cần thiết phải xây dựng hỗ trợ và nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả hơn nữa các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở một cách đồng bộ.

Chính vì những lý do trên, tôi đã và đang chủ động nghiên cứu các thiết chế văn hóa, thể thao của tỉnh nhà, nhất là những khó khăn, vướng mắc; đồng thời, về cơ sở tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, cử tri, trên cơ sở đó đề ra chương trình hành động cho mình nếu trúng cử như sau:
Trước hết, là người đại diện cho nhân dân, tôi nhận thức rõ đại biểu không chỉ gần dân mà phải trọng dân nên tôi chủ động, tận dụng mọi cơ hội để tiếp xúc với cử tri, nhất là cử tri nơi bầu ra mình để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân kịp thời nói lên tiếng nói của nhân dân tại diễn đàn Quốc hội, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ các vấn đề về phát triển văn hóa, thể thao trong xu thế hội nhập và phát triển, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, rèn luyện sức khỏe của nhân dân, đồng thời tạo điều kiện để phát huy, quảng bá các giá trị văn hóa của tỉnh Thái Bình.

Thể dục thể thao (TDTT) có giá trị đặc biệt đối với việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe, phát triển và hoàn thiện thể chất con người.
TDTT còn có giá trị xã hội to lớn là làm cho con người có khả năng tự thể hiện, tự khẳng định và hoàn thiện mình; tạo cho con người niềm vui giao tiếp, gắn bó với tập thể, cộng đồng và xã hội; góp phần xây dựng lối sống lành mạnh, nâng cao tính tích cực xã hội, tiếp nhận những định hướng giá trị của xã hội.

“Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”, đó là một câu trong bài “Sức khỏe và thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc ngày 27/3/1946 và cũng chính là “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Bác.

Không có sức khỏe, con người không thể tham gia lao động xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Một cơ thể khỏe mạnh sẽ ham sống, vui sống trong niềm vui, trong sự lạc quan với lòng tự tin vào mình và sẵn lòng yêu thương, vị tha, đùm bọc lẫn nhau. Mỗi người cần bảo vệ, giữ gìn sức khỏe, vốn quý của mình. Xã hội cần có biện pháp nâng cao sức khỏe của toàn dân.

Chính những ý nghĩa trên, tôi nhận thấy mình rõ nghĩa vụ của bản thân khi xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển thể dục, thể thao, các văn bản quy phạm pháp luật về thể dục, thể thao.
Đối với công tác xây dựng pháp luật, tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất tập trung sửa đổi, xây dựng mới các đạo luật có liên quan chặt chẽ đến đời sống của nhân dân, đặc biệt các thiết chế văn hóa, thể thao từ cấp thôn, tổ dân phố; cấp xã, thị trấn; cấp huyện; cấp tỉnh.
Về những vấn đề quan trọng, tôi sẽ kiến nghị với Quốc hội, các cơ quan hữu quan có chính sách, biện pháp hợp lý, thúc đẩy các chương trình văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phù hợp nhu cầu của người dân, theo lứa tuổi, hấp dẫn, bổ ích nhằm thu hút đông đảo người dân tham gia.

Về hoạt động giám sát, tôi sẽ đề nghị Quốc hội tập trung giám sát có hiệu quả những vấn đề mà nhân dân quan tâm, mong chờ, để bảo đảm cho pháp luật được thực hiện nghiêm, các chủ trương, chính sách hợp lòng dân được đi vào cuộc sống.

Đối với Thái Bình của chúng ta, phong trào thể dục thể thao như là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi người dân Thái Bình. Vào các buổi chiều tối, các phong trào dân vũ, khiêu vũ, yoga và các môn thể thao khác được tập luyện tại các nhà văn hóa, khu thể thao... đã tiếp thêm sức mạnh cho mảnh đất và con người Thái Bình phát triển. Giờ đây nói đến các sự kiện thể thao người ta không còn nghĩ đơn thuần các cuộc so tài thi thố sức mạnh hay giải trí, mà thể thao còn là làm kinh doanh, là trình diễn và còn cả là địa chính trị chiến lược.

Thái Bình là tỉnh nổi bật trên bản đồ Việt Nam, không chỉ trong nước mà cả trên đấu trường thể thao khu vực và quốc tế được biết đến Thái Bình với các tên tuổi vận động viên nổi tiếng như Đoàn Văn Hậu, Bùi Thị Thảo, Tạ Thanh Huyền, Bùi Trường Giang... Thể thao được ví như chất gắn kết xã hội, vượt qua mọi chia rẽ dân tộc, tôn giáo và chính trị, thể thao là đại sứ, hiện thân, đại diện cho một đất nước, là nhân tố quan trọng của sức mạnh cường quốc.

Giờ đây các quốc gia đều nhận thấy vai trò, sức mạnh của thể thao và tùy theo cách riêng của mình, mỗi nước dù lớn hay nhỏ đều muốn gây dựng một nền ngoại giao thể thao.

Chính vì lẽ đó, tôi sẽ cố gắng tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách đã và đang được thực hiện trên địa bàn, từ đó đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp với đặc thù của địa phương; góp sức cùng các cơ quan trong tỉnh tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các cơ quan Trung ương nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương cho đầu tư phát triển văn hóa, thể thao của tỉnh nhà.

Đối với những vấn đề nổi lên của địa phương, tôi sẽ tích cực lắng nghe ý kiến của nhân dân, kịp thời có ý kiến cùng với các cơ quan của tỉnh, cấp huyện, cấp xã giải quyết, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày