Thứ 6, 22/11/2024, 22:01[GMT+7]

32 tỉnh, thành phố xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò

Thứ 5, 27/05/2021 | 14:59:47
4,778 lượt xem
Sáng ngày 27/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn trâu, bò.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị. Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 25/5, dịch bệnh VDNC đã xảy ra tại 2.306 xã của 32 tỉnh, thành phố với tổng số 60.176 con gia súc mắc bệnh và 9.539 con gia súc chết và tiêu hủy. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng trong thời gian tới rất cao do thời tiết thay đổi tạo thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển; một số địa phương chưa triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin VDNC thấp.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin tình hình dịch bệnh VDNC tại Thái Bình. 

Theo đó, bệnh VDNC xuất hiện tại Thái Bình từ ngày 27/02/2021, sau đó lan nhanh ra 53 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố; tổng số trâu, bò ốm là 410 con, số con chết là 50 con. Bám sát sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y, tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng và xử lý dịch ở cơ sở, không để lây lan ra diện rộng. Thái Bình đã cấp kinh phí mua 34.300 liều vắc xin VDNC hỗ trợ người chăn nuôi tiêm phòng cho toàn bộ đàn trâu, bò trong diện tiêm. Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành tiêm phòng, không có trường hợp trâu, bò phản ứng sau tiêm. Với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch cùng với việc sớm hỗ trợ vắc xin tiêm phòng, đến nay, dịch bệnh VDNC đã được khống chế, 52/53 ổ dịch đã qua 21 ngày không phát sinh thêm trâu bò ốm . Thời gian tới tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng và xử lý dịch ở cơ sở; phân công cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, hướng dẫn, hỗ trợ và giám sát thực hiện các biện pháp chuyên môn phòng, chống dịch. 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục ban hành văn bản hướng dẫn công tác xử lý dịch bệnh VDNC như: chỉnh sửa Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, trong đó bổ sung bệnh VDNC vào danh mục bắt buộc phải công bố dịch bệnh; hướng dẫn rõ quy trình tiêm vắc xin VDNC.

Ghi nhận và đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch VDNC tại Thái Bình, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y. Trong đó cần có kế hoạch và bố trí kinh phí để tổ chức tiêm phòng, chống dịch bệnh; tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh; hướng dẫn chủ chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch. Giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu bò, sản phẩm từ trâu, bò; kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp. Tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC; tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo và hướng dẫn việc thực hiện phòng, chống dịch tại cơ sở. Cục Thú ý tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng và hướng dẫn sử dụng vắc xin để tiêm phòng khẩn cấp phòng, chống dịch; nghiên cứu chuyên sâu về đặc điểm dịch tễ, đặc điểm vi rút, nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng bệnh VDNC trong nước.

Lưu Ngần