Chủ nhật, 24/11/2024, 04:29[GMT+7]

Các bệnh thường gặp mùa hè và cách phòng bệnh

Thứ 2, 08/06/2020 | 10:26:34
1,607 lượt xem
Vào mùa hè, nhiệt độ, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi và gây ra các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, viêm da... Để người dân hiểu hơn về các bệnh thường gặp trong mùa hè và cách phòng bệnh, phóng viên Báo Thái Bình đã có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa I Đặng Quang Huy, Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về nội dung này.

Nhiều gia đình cho con tiêm vắc-xin phòng bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Phóng viên: Bác sĩ có thể cho biết những bệnh thường gặp vào mùa hè và triệu chứng của một số bệnh thường gặp nhất?

Bác sĩ Đặng Quang Huy: Tại Thái Bình, qua hệ thống giám sát y tế đã phát hiện có 3 nhóm bệnh thường gặp trong mùa hè như: bệnh về đường hô hấp; bệnh về đường tiêu hóa và nhóm bệnh lây truyền qua vật chủ trung gian truyền bệnh. Cụ thể, đối với nhóm bệnh lây truyền qua đường hô hấp, bệnh thường gặp nhất là cúm hay viêm đường hô hấp cấp, thủy đậu và bệnh quai bị. Ở nhóm bệnh lây qua đường tiêu hóa là tiêu chảy cấp và các bệnh liên quan đến đường ăn uống. Đối với nhóm bệnh do vật chủ trung gian truyền bệnh, qua giám sát trong thời gian vừa qua đã phát hiện một số bệnh như: sốt xuất huyết hay còn gọi là sốt xuất huyết Dengue đang có triệu chứng gia tăng...

Về triệu chứng, đối với nhóm bệnh về đường hô hấp, triệu chứng là sốt, ho, nếu như có biến chứng thì viêm phổi. Bệnh thủy đậu thì có các nốt phỏng nhẹ, rộp, bệnh nhân có sốt và kèm theo có dấu hiệu của viêm long đường hô hấp. Ở bệnh quai bị, dấu hiệu nhận biết đặc trưng là đau ở vùng mang tai kèm theo sốt. Những trường hợp bị bệnh tiêu chảy có các triệu chứng như: đi ngoài 3 lần/ngày trở lên, phân lỏng dạng nước. Thời gian đầu, bệnh nhân kèm theo triệu chứng đau bụng; những trường hợp nặng thì có thể dẫn đến buồn nôn. Triệu chứng ở bệnh nhân sốt xuất huyết là những chấm sốt xuất huyết dưới da và biến chứng nặng thì xuất huyết theo từng mảng, xuất huyết nội tạng.

Phóng viên: Vậy nguyên nhân gây bệnh và độ tuổi nào thường hay mắc bệnh trong mùa hè thưa bác sĩ?

Bác sĩ Đặng Quang Huy: Những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, khí hậu nóng ẩm thất thường tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam là điều kiện thuận lợi để vi sinh vật phát triển, gây bệnh, nhất là thời điểm chuyển mùa giữa xuân sang hè. Hiện nay, miền Bắc đã bước vào thời điểm nắng nóng, nhiệt độ cao, có khi lên tới hơn 380C ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể, sức khỏe con người. Để thích ứng với nhiệt độ môi trường, cơ thể có những biến đổi sinh học dẫn đến tình trạng mắc một số bệnh đã nêu trên.

Về độ tuổi mắc bệnh, đối với trẻ em hay mắc nhiều nhất là bệnh tay chân miệng còn lại một số những bệnh khác thì không phân biệt độ tuổi, lứa tuổi nào cũng có thể mắc bệnh.

Phóng viên: Bác sĩ có thể chia sẻ cách phòng bệnh cũng như những khuyến cáo đối với người dân để bảo vệ sức khỏe trong mùa hè?

Bác sĩ Đặng Quang Huy: Qua hệ thống giám sát chúng tôi thấy rằng, từ ý thức phòng bệnh của người dân trong dịch Covid-19 như: thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn... đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ mắc một số bệnh như: tay chân miệng, thủy đậu so với những năm trước. Do đó, trong giai đoạn hiện nay, điều quan trọng nhất là từng cá nhân, gia đình, cộng đồng cần nêu cao ý thức vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Về phòng bệnh, đối với các bệnh thuộc về hô hấp, người dân cần thường xuyên vệ sinh cá nhân, nhà cửa, đeo khẩu trang khi ra ngoài, bảo đảm khoảng cách tối thiểu khi giao tiếp với những người xung quanh, tránh giọt bắn nước bọt. Về các bệnh đường tiêu hóa, khuyến cáo người dân cần phải ăn chín, uống sôi, vệ sinh nhà cửa hàng ngày. Nếu có điều kiện, người dân có thể lau nhà bằng nước sát khuẩn hoặc dung dịch Cloramin B sẽ góp phần đáng kể trong việc phòng bệnh. Đối với các bệnh do vật chủ trung gian truyền bệnh phải bỏ màn khi đi ngủ, tránh muỗi hoặc côn trùng đốt và phải tẩm hóa chất vào màn để bảo đảm không bị muỗi cũng như các loại côn trùng khác đốt. Khu vực xung quanh nhà không nên để những hố, vũng nước đọng hoặc đồ dùng chứa nước đọng tạo điều kiện cho bọ gậy sinh sôi, phát triển.

Phóng viên: Năm nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có những giải pháp gì để phòng, chống các bệnh thường gặp mùa hè thưa bác sĩ?

Bác sĩ Đặng Quang Huy: Triển khai các giải pháp phòng bệnh mùa hè, ngay từ đầu năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu với ngành Y tế có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm cụ thể với từng nhóm bệnh thường gặp; có kế hoạch chuẩn bị thuốc, vật tư, hóa chất đồng thời tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, Trung tâm đã phối hợp với ngành Nông nghiệp giám sát, xử lý các bệnh lây từ động vật sang người; phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ hóa chất xử lý môi trường trong trường học... Thời điểm này, Trung tâm đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị tập trung phòng, chống dịch Covid-19, bệnh sốt xuất huyết, thủy đậu... Hệ thống giám sát từ tỉnh đến cơ sở đã thường xuyên tổ chức giám sát; tổng hợp, thống kê số liệu về dịch bệnh để đưa ra những biện pháp kịp thời, nhất là những bệnh thường gặp trong mùa hè.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Hoàng Lanh

(thực hiện)