Thứ 3, 26/11/2024, 21:48[GMT+7]

Tích cực tham gia phòng, chống bệnh lao, lao kháng thuốc

Thứ 2, 07/12/2020 | 08:38:50
1,174 lượt xem
Những năm qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tích cực tham gia công tác phòng, chống bệnh lao, lao kháng thuốc, đạt được những kết quả tích cực, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cán bộ Hội Nông dân xã Đông Các (Đông Hưng) tuyên truyền, vận động người mắc bệnh lao khám và điều trị theo phác đồ.

Ngay từ khi tiếp nhận dự án quỹ toàn cầu về phòng, chống lao của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam năm 2011, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, ý nghĩa và thiết thực. Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền giúp hội viên, nông dân hiểu rõ về bệnh lao và cách phòng, chống bệnh lao trong cộng đồng. Lao là căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều nhưng vẫn được điều trị khỏi nếu biết cách phòng, chống và điều trị kịp thời. Việc duy trì một thái độ cởi mở, không kỳ thị là cách tốt nhất giúp những bệnh nhân lao không mặc cảm, tự ti vươn lên trong cuộc sống. Hội cũng phối hợp với các trạm y tế tham gia giám sát bệnh nhân lao tại cộng đồng, tư vấn, hướng dẫn cách điều trị đạt hiệu quả cao nhất.

Giờ đây, mỗi cán bộ hội nông dân đều là một tuyên truyền viên tích cực tham gia phòng, chống bệnh lao, lao kháng thuốc. Tại xã Đông Các (Đông Hưng), các cán bộ hội thực hiện nhiệm vụ này rất tốt. Ông Vũ Văn Sáu, thôn Trung Lịch Động cho biết: Trước kia mắc bệnh lao, tôi ăn uống kém, giảm hơn 10kg. Sau khi tham gia tổ phòng, chống lao và được cán bộ hội nông dân, cán bộ y tế tư vấn, hướng dẫn và đi điều trị theo phác đồ, sức khỏe tôi đã cải thiện hẳn. Đầu năm 2019, bệnh lao của tôi mặc dù có tái phát nhưng sau 6 tháng điều trị tôi đã khỏi, có thể tham gia lao động sản xuất bình thường. Ông Phạm Trung Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Các cho biết: Trước kia xã có nhiều người đi lao động ngoài tỉnh và mắc bệnh lao. Hội Nông dân xã đã thành lập tổ phòng, chống bệnh lao, lao kháng thuốc với sự tham gia của 50 hội viên nông dân. Từ khi thành lập đến nay, các thành viên trong tổ chủ động phối hợp với Trạm Y tế xã kiểm tra việc chấp hành phác đồ điều trị của những người mắc lao ở từng thôn; đồng thời thăm khám sức khỏe định kỳ cho họ nhất là vào những lúc thời tiết chuyển mùa. Toàn xã trước kia có hơn 10 người mắc bệnh lao, đến nay nhiều người đã chữa khỏi, chỉ còn 3 người mắc bệnh.

Bà Trần Thị Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Thái Bình cho biết: Từ tháng 1 - 11/2020, thành phố có 110 bệnh nhân lao được Hội Nông dân quản lý và điều trị tại 18/19 xã, phường. Trong năm 2020, hội đã phối hợp tổ chức 4 buổi sinh hoạt mô hình chi hội nông dân phát hiện lao sớm tại xã Vũ Lạc thu hút 280 hội viên tham gia nhằm giúp hội viên nông dân nắm bắt những kiến thức cơ bản về bệnh lao như: nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng, điều trị và đặc biệt là không phân biệt, kỳ thị đối với những người mắc bệnh lao, giúp giảm tỷ lệ người bỏ điều trị, giảm tỷ lệ mắc, chết do bệnh lao trong cộng đồng dân cư. Nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh, tiếp tục tham gia lao động sản xuất, tạo được dư luận tốt trong cộng đồng dân cư.

Bà Bùi Thị Nga, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Hội đã chọn 2 huyện là Đông Hưng và Kiến Xương để triển khai chương trình M.Health - hỗ trợ điều trị bệnh lao qua tin nhắn điện thoại di động và chọn 6 huyện, thành phố để triển khai chương trình lao, lao kháng thuốc. Năm 2020, Hội Nông dân từ tỉnh tới cơ sở đã tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức về bệnh lao, lao kháng thuốc cho 6.960 lượt cán bộ, thành viên các tổ phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh; tổ chức thăm, khám và trao quà cho 66 lượt bệnh nhân. Một số gia đình bệnh nhân có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế đã được hội nông dân tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với tổng số tiền cho vay hơn 6 tỷ đồng, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh vẫn duy trì hiệu quả hoạt động của 8 mô hình “Chi hội nông dân phát hiện sớm người nghi mắc lao; vận động nông dân nghi mắc lao đi khám và điều trị lao theo DOTS”. Qua triển khai đã tư vấn, hỗ trợ thông tin cho 4.200 người; vận động 700 lượt người nghi mắc lao đi khám và phát hiện 38 trường hợp mắc, được đưa đi điều trị theo DOTS.

Ông Vũ Văn Trâm, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh

Tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, số bệnh nhân điều trị nội, ngoại trú ngày một gia tăng. Đa số các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, phải thở hoặc hỗ trợ thở máy, do trước đó không sử dụng thuốc dự phòng thường xuyên hoặc chủ quan không đi khám. Bệnh viện đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ, hội viên nông dân; phối hợp cùng các cán bộ hội trực tiếp về cơ sở nắm tình hình, đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất.

Ông Nguyễn Văn Năng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Hưng

Điều kiện sống hiện nay có nhiều yếu tố tác động ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, là điều kiện để bệnh lao phát sinh. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường. Chỉ đạo hội cơ sở tuyên truyền về bệnh lao, vận động người mắc lao đi khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ; thường xuyên thăm hỏi và động viên hội viên mắc bệnh lao, lao kháng thuốc để hội viên yên tâm điều trị bệnh triệt để.

Ông Phạm Ngọc Trìu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vũ An, huyện Kiến Xương

Tôi thấy duy trì hoạt động nhắc nhở người mắc bệnh lao, lao kháng thuốc tuân thủ việc uống thuốc điều trị thông qua tin nhắn điện thoại là biện pháp hữu hiệu, cần được nhân rộng trong toàn tỉnh. Tôi mong Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục có thêm nhiều hoạt động đa dạng hơn nữa để nâng cao nhận thức của người dân về bệnh lao, lao kháng thuốc, tránh sự kỳ thị của cộng đồng với người mắc bệnh lao.


Tiến Đạt