Những danh nhân đất Việt quê Thái Bình được các địa phương trong nước lập đền thờ phụng
Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ (1194 - 1264) sinh ở vùng đất Hải Ấp (Hưng Hà) là trụ cột, là linh hồn kỳ vĩ trong công cuộc sáng nghiệp, hưng nghiệp và giữ nghiệp của vương triều Trần. Khi ông qua đời, nhiều làng quê ở vùng châu thổ Bắc Bộ và Thanh Hóa đã lập đền thờ. Hầu hết những ngôi đền thờ Trần Thủ Độ còn đến ngày nay trên các vùng miền của đất nước đều đã được Nhà nước xếp hạng là di tích quốc gia. Đền thờ Trần Thủ Độ tại đồi Lim (Bắc Ninh) còn lưu được đôi câu đối: “Công đáo vu kim bất đãn Trần gia nhị bách tải/ Luận định thiên cổ kỳ tại Nam thiên đệ nhất lưu”. Nghĩa là: “Công đức để lại đến nay, không chỉ bó hẹp trong hai trăm năm nhà Trần/ Sau nghìn đời, công luận đã định, ông đáng liệt vào bậc nhất dưới trời Nam”.
Phạm Đôn Lễ (1454 - 1531), Tam nguyên Trạng nguyên khoa Tân Sửu (1481), quê làng Hải Triều (Hưng Hà), là người có công mở mang nghề dệt chiếu, được dân suy tôn là Trạng Chiếu. Ông làm quan trải 4 đời vua nhà Lê: Thánh Tông, Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục. Tương truyền, dưới thời vua Lê Uy Mục (1505 - 1509), Phạm Đôn Lễ thường can ngăn vua vì ăn chơi vô độ, không chăm lo triều chính. Những kẻ xấu đã tìm mọi cách để hãm hại ông. Chung cục, Phạm Đôn Lễ từ quan về làng Mỹ Xá, xã Ngọc Sơn, thành phố Hải Dương và qua đời ở đó. Dân làng Mỹ Xá đã lập đền thờ và xây lăng mộ thờ ông. Ngôi đền nay không còn, lăng mộ đã được trùng tu tôn tạo khá khang trang. Hằng năm cứ vào ngày 9 tháng 7 âm lịch, họ Phạm ở xã Ngọc Sơn lại tập trung làm lễ giỗ, đại diện các dòng họ Phạm ở Hải Triều thường sang dự. Hoàng Công Chất (? - 1767), quê làng Hoàng Xá (Vũ Thư) là người khởi xướng và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa kéo dài 30 năm (1739 - 1769) chống triều đình Lê - Trịnh, hoạt động trên quy mô rộng lớn từ vùng hạ lưu sông Hồng đến thượng du Thanh Hóa và Tây Bắc. Khi đánh chiếm vùng Tây Bắc, ông đã xây thành Bản Phủ thuộc xã Noọng Hẹt, nay thuộc thành phố Điện Biên Phủ, là một thành trì quân sự lớn bậc nhất ở miền biên cương phía Bắc.
Đồng bào các dân tộc Tây Bắc tụng ca là ông Chúa bản mường. Khi ông qua đời, nhiều bản làng ở Tây Bắc đã lập miếu đền thờ phụng, trong đó ngôi đền lớn đặt tại thành Bản Phủ là di tích quốc gia đặc biệt.
Lê Trọng Thứ (1694 - 1782), Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1724), quê làng Diên Hà (Hưng Hà) là thân phụ của Lê Quý Đôn và cũng là một học quan có nhân cách lớn ở thời Lê trung hưng. Năm Tân Hợi (1731), ông dâng khải can gián. Trịnh Giang trách Lê Trọng Thứ không vâng lời răn, đuổi ông về quê. Năm 1740, ông lại được họ Trịnh đưa đi làm Giám sát sứ Đông Đạo, sau đó làm Hiến sát sứ Kinh Bắc rồi về triều nhậm chức Đông các Đại học sĩ. Năm 1759, vào tuổi 66, Lê Trọng Thứ về hưu. Tháng 3 năm Canh Thìn (1760), ông lại được mời ra giữ chức Tả chính ngôn. Năm 1773, đã 80 tuổi, ông lại xin nghỉ hưu. Khi qua đời được truy tặng tước Hà Quận công, sắc cho thôn Khả Duy, xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam xây đình thờ làm phúc thần.
Cử nhân Doãn Uẩn (1795 - 1849) hiệu Tuy Tĩnh, quê làng Ngoại Lãng (Vũ Thư). Trải 20 năm làm quan với hàng chục chức tước trong triều, ngoài trấn để phụng sự ba triều vua: Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức. Dưới triều Nguyễn, vùng đất duyên hải Tây Nam ít khi yên ổn. Quân Xiêm và quân Chân Lạp thường xuyên vào cướp phá. Năm 1844, Doãn Uẩn được bổ làm Tuần phủ An Giang đã cùng Nguyễn Tri Phương triển khai nhiều trận đánh đẩy lui quân Xiêm - Lạp ra ngoài bờ cõi. Vua Thiệu Trị tặng thưởng cho ông thẻ bài bằng vàng khắc “An Tây mưu lược tướng” và ban sắc: “Doãn Uẩn - Binh bộ thượng thư kiêm đô đốc ngự sử, Tổng đốc An Hà, An Tây mưu lược tướng tước Tử, hiệu Tuy Tĩnh”, đồng thời cho đúc súng quý, có ban bài ngự của vua làm kỷ niệm. Lời ngự của vua khắc vào cỗ súng thứ nhất trong chín cỗ súng mang tên “Thần uy phục viễn đại tướng quân”. Năm 1849, vua Tự Đức cho khắc bia đặt ở Võ miếu Huế ghi công Doãn Uẩn, đặt bài vị, cho xây đền Hiền Lương (phía Bắc kinh thành Huế) để thờ.
Người em họ của Doãn Uẩn là Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1838) Doãn Khuê từng làm Đốc học kiêm Doanh điền sứ tỉnh Nam Định và là người có công chiêu mộ dân khai hóa, mở mang lập một làng mới ven biển, nay là xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). Khi ông qua đời, dân làng này đã lập đền miếu để thờ và được triều đình ban sắc là thành hoàng. Trường Trung học cơ sở xã Nghĩa Thành đã được mang tên trường Doãn Khuê.
Nguyễn Quang Bích (1832 - 1890), Đình nguyên Hoàng giáp khoa Kỷ Tỵ (1869), quê làng Trình Phố (Tiền Hải), là một nhà yêu nước, nhà thơ có danh cao vọng trọng. Năm 1884, giặc Pháp tiến công đánh chiếm thành Hưng Hóa. Khi đó Nguyễn Quang Bích đang là Tuần phủ trấn giữ thành. Triều đình có lệnh triệu hồi ông về Kinh. Ông sai người nộp trả ấn tín, quyết tử thủ giữ thành. Khi thành Hưng Hóa thất thủ, ông định tuẫn tiết, nhưng được quân sĩ mở đường máu cứu ra, ông dẫn đoàn quân lên Tiên Động, nay thuộc xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) dựng cờ khởi nghĩa. Năm 1885, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần vương và sắc phong Nguyễn Quang Bích làm Hiệp Biện Đại Học sĩ, Lễ bộ Thượng Thư, Hiệp Thống Bắc Kỳ Quân Vụ Đại thần và ông đã trở thành thủ lĩnh Cần vương chống Pháp số một ở Bắc kỳ. Khi ông qua đời, đồng bào các dân tộc ở nhiều bản làng thuộc Phú Thọ, Yên Bái, Nghĩa Lộ đã lập đền thờ, trong đó có đền Tiên Động và đền Tôn Sơn (Phú Thọ) đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa.
Cử nhân Bùi Viện (1839 - 1878) quê làng Trình Phố (Tiền Hải) từng được sử sách khẳng định là một nhân vật xuất chúng ở thế kỷ XIX. Bùi Viện được lưu danh là người có công đầu mở mang bến Ninh Hải ở cửa Cấm thành thương cảng Hải Phòng. Ông cũng được lưu danh là người tìm đường sang Mỹ mưu cầu việc đánh Pháp, là người sáng lập Tuần dương quân (hải quân). Theo một số nguồn tư liệu thì tại cửa Cấm (Hải Phòng) và cửa Thuận An (Huế) thuở trước có đền thờ Bùi Viện.
Nguyễn Văn Cẩm (1875 - 1929) quê làng Ngọc Đình (Hưng Hà). Là một thần đồng có tài ứng đối được vua Tự Đức đặt cho là Kỳ Đồng (đứa trẻ lạ). Ngày 27/8/1887, các sĩ phu yêu nước đã tổ chức đám rước cho Kỳ Đồng ngồi kiệu tiến về thành Nam Định nhằm tạo dư luận về một “ông vua giáng thế” sẽ là vị thủ lĩnh mới của phong trào kháng Pháp. Công sứ Nam Định đã cho lính xả súng bắn thị uy, đám rước tán loạn, Kỳ Đồng cùng một số người tham gia đám rước bị bắt giữ. Để tách thần tượng Kỳ Đồng khỏi dân chúng và muốn đào tạo thành người phục vụ nhà nước bảo hộ, thực dân Pháp đã đưa cậu đi du học tại An giê ri. Sau 9 năm du học, tháng 9 năm 1896, Kỳ Đồng về Việt Nam. Thực dân Pháp muốn giao cho làm một viên chức văn phòng nhưng ông đã từ chối và xin được mộ dân lên Yên Thế (Bắc Giang) mở đồn điền để ngầm mưu nghiệp lớn với ý định tập hợp lực lượng xây dựng một căn cứ kháng chiến. Khi được tin này, những người yêu nước chưa tìm được minh chủ đã nhiệt thành hưởng ứng. Đến tháng 9 năm 1887, số người theo ông đi khẩn hoang ở Yên Thế đã lên đến bảy, tám nghìn người. Cho dù đã rất cảnh giác nhưng Kỳ Đồng cũng không lường hết được sự theo dõi của bọn mật thám Pháp với các hoạt động của ông. Toàn quyền Đu me đã ra lệnh tiến công bắt cóc ông tại căn cứ chợ Kỳ vào đêm 22/9/1897, tịch thu tang vật, vũ khí trong đó có cả những bản tuyên cáo hạ lệnh tổng khởi nghĩa và danh sách nội các chính phủ mới do Kỳ Đồng khởi thảo. Ngày 4/12/1897, chính quyền bảo hộ mở phiên tòa vắng mặt và kết tội ông phải di lưu đày biệt xứ. Chúng đưa ông sang Pháp giam giữ mấy tháng rồi đưa đi đày ở Ta hi ti trên quần đảo Pô lê nê di thuộc châu Đại Dương và ông qua đời tại đó vào ngày 17/7/1929. Khi Kỳ Đồng cùng lực lượng nghĩa quân xây dựng căn cứ, nhân dân Yên Thế đã tôn ông là bậc Thánh. Khi ông bị đưa đi lưu đày, dân các bản hạt trong vùng đã lập đền thờ tại động Thiên Thai. Ngôi đền đã được công nhận là di sản quốc gia đặc biệt.
Những người con ưu tú của Thái Bình là danh nhân đất Việt đã được các địa phương trong nước lập đền thờ phụng là niềm tự hào của cư dân Thái Bình, đồng thời cũng gợi mở cho các hoạt động kết nghĩa, giao lưu, giao thương, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển du lịch và phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.
Nguyễn Thanh
(Kiến Xương)
Tin cùng chuyên mục
- Thành phố: 133 giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi năm học 2024 - 2025 17.12.2024 | 16:12 PM
- Tiền Hải: Khánh thành nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tại xã Vân Trường 16.12.2024 | 17:56 PM
- Thành phố: Hơn 400 hộ dân được chi trả tiền bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng 08.11.2024 | 16:16 PM
- Vũ Thư tổ chức đêm hội hoa đăng tưởng niệm 1.008 năm ngày Thánh đản (1016 - 2024) 17.10.2024 | 10:47 AM
- Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố: Tổ chức chuyên đề thay sách giáo khoa mới lớp 9 11.10.2024 | 17:54 PM
- Hội thảo khoa học: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh 07.10.2024 | 17:12 PM
- Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 16.09.2024 | 17:13 PM
- Bắt giữ tàu khai thác cát trái phép trên sông Hóa 30.08.2024 | 15:32 PM
- Tiền Hải: Thành lập Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Hongxi Technology Việt Nam 10.07.2024 | 15:36 PM
- Giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác định giá tài sản 02.07.2024 | 17:14 PM
Xem tin theo ngày
- Khai mạc lễ hội đền Trần năm 2025
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khóa XVII
- Khai mạc hội chợ kết nối cung cầu doanh nhân họ Trần với các doanh nghiệp trong và ngoài nước xuân Ất Tỵ 2025
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình triển khai dự án khu công nghiệp Hải Long
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ một số dự án trọng điểm
- Quyết liệt, khẩn trương hơn nữa trong triển khai chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06
- Công bố các quyết định về thành lập, hợp nhất một số tổ chức, cơ quan của Đảng bộ tỉnh
- Họp báo triển khai cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ V, năm 2025
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy: Thăm, động viên các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịp đầu xuân mới