Thứ 4, 27/11/2024, 09:44[GMT+7]

Đảm bảo công tác khám, chữa bệnh ứng phó với rét đậm, rét hại

Thứ 6, 15/01/2021 | 08:00:25
1,086 lượt xem
Bộ Y tế vừa có công điện gửi các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ về việc chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại.

Ảnh minh họa.

Trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh được tăng cường liên tục, tại các tỉnh Bắc và Trung Bộ đã xảy ra những đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng, ở vùng núi cao đã xuất hiện mưa tuyết, băng giá làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là người già, trẻ em. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, rét đậm, rét hại còn tiếp tục kéo dài và có thể còn có thêm những đợt rét đậm, rét hại tăng cường tại các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ.

Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ khẩn trương thực hiện những công việc sau:

- Thường xuyên cập nhật, chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, bản tin về dự báo rét đậm, rét hại; đặc biệt chú trọng các địa bàn vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nơi có thể có mưa tuyết, băng giá để có kế hoạch và phương án phòng, chống rét.

- Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo công tác phòng chống rét; phối hợp với các cấp, ngành địa phương tuyên truyền cảnh báo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, chống rét.

- Cảnh báo để nhân dân biết, cảnh giác với nguy cơ cháy nổ, bỏng lửa, điện giật do sưởi ấm bằng điện và nhiễm độc khí than đốt do sưởi ấm bằng bếp than, củi trong nhà kín. Khuyến cáo người dân cần che chắn nhà cửa, giữ ấm cơ thể, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, nước uống; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; không ăn thức ăn bị nhiễm khuẩn, để lâu ngày.

Các cơ sở y tế cần có hướng dẫn cho người dân: đối với trẻ em cần giữ ấm chân, tay, ngực, cổ, đối với người già cần tránh thay đổi đột ngột vị trí tránh bị nhiễm lạnh, phòng chống đột quỵ.

Đối với trẻ em, khi trẻ có các triệu chứng ho kéo dài từ 3-5 ngày, kèm theo các triệu chứng sốt, đau ngực, khó thở cần đi khám để được phát hiện và điều trị kịp thời. Với các bệnh trẻ hay mắc phải như sổ mũi thì có thể rửa mũi bằng nước muối sinh lý ấm, hoặc pha nước muối ấm để súc họng giúp thông thoáng đường hô hấp trên, tránh viêm mũi, họng và đường hô hấp trên; thực hiện tiêm phòng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Khi thấy có những biểu hiện bất thường như nói ngọng, tê bì hoặc liệt nửa người, nhìn không rõ, đau đầu dữ dội, hen xuyễn; ho, sốt cao, khó thở… cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không để xảy ra biến chứng (chú ý phân biệt với các triệu chứng của COVID-19).

- Các cơ sở y tế cần bảo đảm cơ số thuốc điều trị và dự phòng cho người dân; bảo đảm tốt chế độ trực; tăng cường kiểm soát đối với các bệnh huyết áp, tim mạch, hô hấp… đặc biệt ở người già và trẻ em. Các cơ sở khám, chữa bệnh chủ động đảm bảo các điều kiện phòng, chống rét cho người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh. Nơi chờ khám, các buồng khám bệnh, buồng điều trị cho người bệnh phải kín gió, có đủ chăn đệm và phương tiện chống rét để đảm bảo cho người bệnh được giữ ấm trong thời gian thăm khám, làm thủ thuật và nằm điều trị. Bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh và chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu; chuẩn bị các đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa rét gây ra.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ khẩn trương triển khai thực hiện; báo cáo nhanh kết quả triển khai công tác bảo đảm y tế ứng phó rét đậm, rét hại, tình hình thiệt hại (nếu có) và đề xuất, kiến nghị về Bộ Y tế để xem xét, giải quyết.

Theo vtv.vn