Thứ 3, 28/01/2025, 00:09[GMT+7]

Thuốc lá và bệnh lý đường hô hấp Kỳ 1: Ảnh hưởng của thuốc lá đến chức năng phổi

Thứ 2, 13/12/2021 | 08:53:21
1,292 lượt xem
Thuốc lá là nguyên nhân không những gây ung thư phổi mà còn gây ra nhiều bệnh khác như viêm họng, viêm phế quản, viêm phế quản phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen...

Người hút thuốc lá có tỷ lệ tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao gấp 10 lần so với người không hút. Ảnh minh họa.

Khi chúng ta hít vào, không khí sẽ vào đường hô hấp trên qua mũi và miệng, nơi không khí được lọc, sưởi ấm và làm ấm. Không khí hít vào sẽ đi qua khí quản để vào phổi. Trong phổi chúng ta có hệ thống phế quản, phế quản gốc như là nhánh chính của cây với các cành cây nhỏ là những phế quản, sau 17 - 20 lần phân chia thành các tiểu phế quản tận, từ các tiểu phế quản đó sẽ dẫn đến các túi nhỏ chứa khí gọi là phế nang, nó giống như chùm nho. Ở phế nang quá trình trao đổi khí sẽ xảy ra. Máu sẽ đổi CO2 lấy O2 đến các tổ chức của cơ thể. Hệ thống hô hấp có một số hàng rào bảo vệ để chống lại các bệnh. Quá trình lọc ở đường hô hấp trên giúp ngăn chặn vi khuẩn, vi rút và các chất gây kích thích từ ngoài vào trong phổi. Khí quản và tổ chức phổi sản xuất ra chất nhầy giúp cho việc lấy và mang các chất bẩn ra ngoài. Hỗn hợp chất nhầy và chất tạp nhiễm sẽ được đưa ra ngoài nhờ các lông nhỏ li ti gọi là lông chuyển, những lông này lay động rất nhanh về phía trên, trong một số vùng tốc độ của lông chuyển rất cao tới 1.000 lần trong một phút.

Khi khói thuốc đi vào qua miệng, người hút thuốc đã vô tình bỏ qua cơ chế bảo vệ thứ nhất đó là quá trình lọc ở mũi. Những người hút thuốc thường bài tiết nhiều đờm hơn những người không hút thuốc mà khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp lại kém hơn. Điều này là do hệ thống lông chuyển ở người hút thuốc bị liệt thậm chí bị phá hủy. Khói thuốc cũng làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy và do vậy thành phần của chất nhầy cũng bị thay đổi. Đôi khi các tuyến tiết nhầy bị tắc lại làm giảm khả năng bài tiết đờm. Hậu quả là chất nhầy ở những người hút thuốc bị nhiễm bởi các chất độc hại và bị giữ lại nhiều trong tổ chức phổi, cản trở sự lưu thông trao đổi khí. Phổi của những người hút thuốc bị giảm diện tích bề mặt và giảm mao mạch, điều này có nghĩa là dòng máu lưu thông qua phổi bị giảm dẫn đến làm giảm cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cần thiết cho cả nhu môi phổi và các tổ chức khác trong cơ thể để duy trì sự khỏe mạnh và chức năng bình thường của chúng. Hút thuốc cũng gây ra hiện tượng gọi là tăng tính đáp ứng đường thở, do ảnh hưởng của các chất độc hại trong khói thuốc, đường thở bị co thắt. Khi điều này xảy ra thì luồng khí hít vào và thở ra đều bị cản trở ở người hút thuốc và do đó hình thành các tiếng ran rót, ran ngáy và có thể bị khó thở. Ở những người hút thuốc có nhiều thông số chức năng thông khí thay đổi, trong đó thể tích khí thở ra gắng sức trong giây đầu tiên (FEV1) giảm rất nhiều. Khói thuốc làm giảm sự phát triển của phổi và gây viêm tổ chức phổi ở trẻ nhỏ và thiếu niên biểu hiện bằng tốc độ tăng FEV1 chậm lại. Ở lứa tuổi từ 20 - 30 khi hút thuốc thì tổn thương phổi lại khác. Khi ở giai đoạn này của cuộc sống thì phổi tăng trưởng chiều cao nguyên. Ở người hút thuốc giai đoạn phát triển này ngắn lại và làm các bệnh lý gây ra do hút thuốc sớm xuất hiện. Ở lứa tuổi trên 30 nếu hút thuốc tốc độ giảm FEV1 sẽ tăng gấp đôi (khoảng 40ml/năm) so với người không hút thuốc (khoảng 20ml/năm). Những người hút thuốc ở tuổi càng trẻ thì thời gian hút để gây ra bệnh liên quan đến đường hô hấp càng ngắn so với những người bắt đầu hút ở tuổi muộn hơn.

Hoàng Thía
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

(còn nữa)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày