Thứ 7, 30/11/2024, 13:45[GMT+7]

Năm 2021, Việt Nam có 25.000 người mắc bệnh lao không được phát hiện

Thứ 5, 24/03/2022 | 15:50:39
1,264 lượt xem
Sáng 24/3, tại Bệnh viện Phổi trung ương đã diễn ra chương trình hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống lao (24/3) nhằm nâng cao nhận thức về bệnh lao và nỗ lực loại trừ bệnh lao. Thông điệp được đưa ra tại chương trình, đó là giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, tập trung nguồn lực, tăng cường phát hiện bệnh lao.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia tặng quà cho bệnh nhân lao.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao và là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. 

Cũng theo báo cáo của Chương trình Chống lao quốc gia, Covid-19 và lao đều là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. 

Hằng năm, nước ta phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng. 

Cùng với đó, tại Việt Nam, tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, có khoảng 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc. 

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia cho biết, bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh, mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao. 

Thế nhưng, theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, trong mấy năm trở lại đây, cả thế giới tập trung nguồn lực chống Covid-19, các hoạt động khác bị đẩy lùi về phía sau, trong đó có cả việc phòng, chống lao.

Thực tế, tại Bệnh viện Phổi trung ương, nhiều hậu quả nặng nề do bệnh lao đã xuất hiện trở lại. Năm 2021, Việt Nam có tới 25.000 người mắc bệnh lao không được phát hiện. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động phòng, chống lao, số người tới các cơ sở y tế phát hiện lao giảm mạnh, nhiều địa phương đã chuyển công năng bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi sang điều trị Covid-19, người bệnh lao không biết đến đâu để chẩn đoán, phát hiện, điều trị, làm gia tăng nguồn lây lao trong cộng đồng, tăng số người mắc và tử vong...

“Mục tiêu của năm nay là phải phát hiện nhiều nhất số người mắc lao, bù đắp cho chỉ tiêu của năm 2021… Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm, giúp cho hàng trăm nghìn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nói.

Năm nay, Chương trình Chống lao quốc gia đưa ra mục tiêu là 20 triệu phụ nữ trong 20 triệu gia đình có kiến thức thực hành bảo vệ gia đình họ không mắc lao cũng như có hiểu biết về Covid-19 và hậu Covid-19. Chi hội Phụ nữ sẽ là nòng cốt trong công tác tuyên truyền hướng dẫn phòng, chống lao đến từng hội viên Hội Phụ nữ Việt Nam trên toàn quốc. Khi người dân xuất hiện triệu chứng sẽ dễ dàng tìm đến các cơ sở y tế để được phát hiện sớm bệnh lao.

Nhân Ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3), Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao - PASTB tổ chức trao tặng quà cho người bệnh lao có hoàn cảnh khó khăn tại hơn 40 đơn vị trên 63 tỉnh, thành phố với gần 1.100 suất quà, tổng trị giá hơn 320 triệu đồng. 

Bên cạnh đó, với mong muốn vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua ảnh hưởng của bệnh tật, hòa nhập cộng đồng, Bệnh viện Phổi trung ương, Chương trình phòng, chống lao quốc gia, Quỹ PASTB phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ quỹ.

Theo hanoimoi.com.vn

 

  • Từ khóa