Đừng quên khám sức khỏe định kỳ
Thờ ơ với khám sức khỏe định kỳ
Bận mải công việc, chủ quan nghĩ bệnh đơn giản không đi khám sức khỏe (KSK), tự tìm bác sĩ trên google, nghe truyền miệng hay mượn đơn thuốc của người có cùng triệu chứng để điều trị cho mình... là lý do và cũng là cách nhiều người lựa chọn thay vì đi KSK định kỳ. Vì thế, rất nhiều trường hợp đã phải trả giá đắt, khi đến bệnh viện khám thì bệnh đã quá nặng.
Chỉ với triệu chứng ho nhiều, đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, bệnh nhân P.T.H, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) phát hiện mình bị ung thư giai đoạn 4. Hiện bệnh nhân vẫn đang điều trị tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bệnh nhân P.T.H chia sẻ: Tôi ít đi KSK. Đến khi ho nhiều vào bệnh viện thì bệnh đã ở giai đoạn 4. Biết thế tôi đã đi khám và điều trị sớm hơn. Tôi mong mọi người cố gắng đi KSK định kỳ, biết bệnh và điều trị kịp thời, đừng để nặng như tôi.
Bệnh nhân P.T.H không phải trường hợp hiếm gặp. Bác sĩ Phạm Thu Hương, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Có những bệnh nhân đến với chúng tôi biến chứng rất nặng. Ví dụ như bệnh lý cơ xương khớp. Bệnh nhân khi đau xương khớp đến bác sĩ khám, điều trị. Nếu theo đúng lộ trình bệnh sẽ khỏi từ từ, chứ không khỏi ngay. Song nghe người nọ người kia mách hoặc tin theo hướng dẫn trên mạng, nhiều người tự mua thuốc uống, điều trị. Sau một thời gian quay lại khám, bệnh biến chứng rất nặng, ảnh hưởng đến tim mạch, huyết áp, da. Vì thế, chúng tôi khuyến cáo người dân khi có bệnh thông thường với những triệu chứng nhẹ thì theo dõi sức khỏe tại nhà. Tuy nhiên, nếu theo dõi và điều trị triệu chứng ở nhà khoảng 1 - 2 ngày không cải thiện, thậm chí nặng hơn thì phải đến ngay cơ sở y tế. Người dân đã được chẩn đoán các bệnh lý mạn tính thì nên KSK định kỳ tại các cơ sở y tế tin cậy để có lộ trình điều trị hiệu quả, tránh biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
KSK định kỳ có vai trò quan trọng, giúp người dân phát hiện bệnh, điều trị hiệu quả, giảm chi phí điều trị. Tuy nhiên, nhận thức về KSK của nhiều người chưa đúng mức. Tại khoa khám bệnh của các bệnh viện, tỷ lệ người dân đến KSK định kỳ còn hạn chế, phần lớn đều có một bệnh nào đó mới thực hiện KSK tổng quát, định kỳ.
Tạo thói quen khám sức khỏe định kỳ, tránh để bệnh quá nặng
Bác sĩ Phạm Thu Hương cho biết thêm: Những bệnh lý trước kia thường gặp ở người cao tuổi thì nay có thể gặp ở cả người trẻ tuổi. KSK định kỳ có rất nhiều gói nhưng thường các cơ sở y tế sẽ khám gói cơ bản ít xâm lấn. Gói khám cơ bản gồm khám lâm sàng, được hỏi tiền sử bệnh tật, triệu chứng bệnh nhân đang có và dựa vào các y thuật nhìn, sờ, gõ, nghe để phát hiện sơ bộ các bệnh lý có thể nhìn thấy được bên ngoài như da, niêm mạc... Bên cạnh đó, người dân sẽ được thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng như xét nghiệm máu, nước tiểu, kiểm tra các chức năng sinh tồn, sinh hóa chức năng của thận, gan, các cơ quan chuyển hóa, điện tim, chụp phổi, siêu âm ổ bụng...
Việc KSK sẽ phân theo độ tuổi. Từ 16 tuổi trở lên nên KSK định kỳ với gói cơ bản. Ngoài gói khám cơ bản, ở độ tuổi từ 16 - 30 tuổi nên tầm soát các bệnh truyền nhiễm, bệnh liên quan đến sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân. Độ tuổi từ 30 - 40 tuổi cần ưu tiên khám bệnh liên quan đến chuyển hóa, bệnh nội tiết, đái tháo đường, tim mạch và các bệnh lý ung thư. Nữ giới nên tầm soát ung thư vú, cổ tử cung, nam giới tầm soát ung thư tiền liệt tuyến. Với độ tuổi từ 50 tuổi trở lên, các tầm soát bệnh ung thư, bệnh chuyển hóa cần được thực hiện sát sao hơn ở cả nam và nữ.
Ông Vũ Văn Lợi ở phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Sau khi được các bác sĩ tư vấn, hiểu được tầm quan trọng của việc KSK định kỳ, nhiều người đã chủ động đi khám. Tuổi cao, có bệnh nền nên cứ đến lịch ông Vũ Văn Lợi ở phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình lại đi khám để kiểm tra và nắm tình hình sức khỏe. Ông chia sẻ: Tuổi cao, sức khỏe thường xuyên biến động. Tôi lại mắc bệnh tim mạch. Đi khám, các bác sĩ xét nghiệm, chẩn đoán, hướng dẫn điều trị rất kịp thời. Tôi nghĩ mọi người nên duy trì việc KSK định kỳ, có thế mới phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Xã hội ngày càng phát triển, cơ cấu bệnh tật thay đổi. Ngoài các bệnh lý cấp tính, bệnh lý truyền nhiễm có những bệnh lý triệu chứng rất thầm lặng như bệnh lý nội tiết, chuyển hóa, đái tháo đường hay ung thư. Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo mỗi năm người dân nên KSK định kỳ 1 - 2 lần, thời gian giữa 2 lần khám cách nhau 6 tháng.
Hoàng Lanh
Tin cùng chuyên mục
- Bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn các cơ sở khám chữa bệnh 18.09.2024 | 16:23 PM
- Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa hè 31.05.2024 | 17:07 PM
- Đông Hưng: Thi tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học năm 2023 28.10.2023 | 18:42 PM
- Chủ động rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các bệnh truyền nhiễm không để dịch chồng dịch 16.03.2023 | 19:31 PM
- Tình hình dịch Covid-19 tuần qua 05.03.2023 | 20:43 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 11/2 11.02.2023 | 22:46 PM
- Truyền thông nha học đường "Chăm sóc sức khỏe răng, miệng" cho học sinh 31.10.2022 | 16:03 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/7 21.07.2022 | 18:41 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/5 21.05.2022 | 21:46 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 22/1 22.01.2022 | 20:53 PM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tiền Hải mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Gặp mặt cán bộ, hội viên Câu lạc bộ Lê Quý Đôn
- Khen thưởng 12 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác văn phòng cấp ủy
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng