Thứ 3, 13/05/2025, 19:16[GMT+7]

Cảnh giác với bỏng ở trẻ nhỏ

Thứ 2, 08/07/2013 | 14:27:42
1,981 lượt xem
Bỏng là loại tai nạn thường gặp trong đời sống, khi bị bỏng phần lớn người dân vẫn chưa biết xử lý và sơ cứu kịp thời. Ðặc biệt là những bệnh nhân ở vùng nông thôn, do thiếu kiến thức sơ cứu, chủ quan trong việc điều trị nên khi trẻ bị bỏng thường dùng các loại lá, thuốc: mỡ trăn, nhựa chuối, kem đánh răng bôi lên vết bỏng và tự chữa ở nhà hoặc mang đến thầy lang chữa trị; đến khi nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, để lại di chứng suốt đời.

Bé Vũ Thu Hoài ở Thụy Trường bỏng nặng do nghịch phích nước sôi

Một lần vào viện thăm người thân, tôi giật mình bởi rất đông trẻ nhỏ phải nằm viện do bị bỏng nước sôi, nước canh, cháo... chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi.

 

Ở Khoa Chấn thương, chỉnh hình - bỏng (Bệnh viện Ða khoa tỉnh), tôi chứng kiến không ít các bà, các mẹ bồng bế, nựng những đứa con thơ quấn băng, gạc kín cả cơ thể. Tiếng trẻ con khóc thét lên vì đau đớn, sợ hãi khi nhìn thấy mấy cô y tá, hoặc người lạ ra vào. Chị Phan Thị Duyên, trú tại xã Việt Hùng (Vũ Thư) vừa bế con, vừa sụt sùi kể về tai nạn xảy ra với bé Phạm Gia Bảo, 22 tháng tuổi: “Buổi tối, tôi nấu cơm dưới bếp, cứ nghĩ con vẫn còn chơi ở trên nhà nên đặt nồi canh dưới đất rồi lên nhà xem lại nồi cơm. Ai ngờ, tôi vừa quay đi đã nghe con khóc thét, nhìn lại thấy cháu đã ngồi hẳn trong nồi canh vừa nhấc khỏi bếp”. Dù đã được người nhà sơ cứu bằng cách ngâm trong thau nước sạch nhưng vì trẻ con hiếu động, sợ hãi giẫy giụa nên vết thương trầy xước, loét càng nhiều. Chị cho biết thêm: “Do bỏng nặng, lại ở phần mông nên mấy hôm nay cháu không ăn, không ngủ được, khóc suốt. Tôi và bà ngoại phải thay phiên nhau ẵm trên tay cả đêm lẫn ngày, thương con lắm nhưng không làm  sao được”.

 

Nằm giường bên cạnh là cháu Nguyễn Thị Thanh Trúc, (cũng ở Vũ Thư) cũng không yên giấc ngủ, thỉnh thoảng trở mình lại khóc. Bé Trúc mới hơn 1 tuổi, do đi chập chững nên trong lúc mẹ vừa đặt nồi canh xuống chiếu, chuẩn bị bữa cơm thì bé ngã úp mặt vào nồi canh. Do tâm lý hoảng sợ và  thiếu kiến thức của người nhà nên bé Trúc không được sơ cứu kịp thời, khi đưa bé đến trạm y tế mới phát hiện, ngoài mặt, cổ, bụng thì phần lưng cũng bị trầy xước, bỏng nặng vì nước ngấm xuống cả lưng.

 

Còn trường hợp của bé Vũ Thu Hoài, 15 tháng tuổi, ở xã Thụy Trường (Thái Thụy) bị bỏng do bất cẩn của người lớn. Chị Hà Thị Thắm chưa hết sợ hãi khi kể về tai nạn của con mình: “Ngày thường, tôi vẫn đặt phích nước nóng trên cao, hôm đó, cháu lên nhà ông bà ngoại chơi nên sau khi pha mì tôm tôi để phích dưới sàn nhà. Buổi trưa con về, tôi bận mải công việc nên quên không nhớ tới phích nước. Không ngờ, cháu kéo phích làm nước đổ lên 2 chân, rồi ngồi cả trên vũng nước nóng khiến mông cũng bị bỏng nặng”.

 

Bé Phạm Gia Bảo bị bỏng do ngã vào nồi canh. 

 

Theo bác sĩ Trần Văn Hoàng, Khoa Chấn thương, chỉnh hình - bỏng (Bệnh viện Ða khoa tỉnh) cho biết:  Gần đây, Khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện do bỏng, đặc biệt là trẻ nhỏ từ 9 tháng đến 3 tuổi. Trẻ ở tuổi này hiếu động, tò mò, thấy đồ vật trước mắt là bò tới nghịch. Bỏng nước, lửa, điện, ống bô xe máy... vẫn là phổ biến nhất. Tuy nhiên, nhiều trẻ bị bỏng bởi chính những bất cẩn từ người lớn: Do mẹ quên chưa pha nước lạnh vào thau nước nóng trước khi tắm cho bé; để cốc, bình nước nóng vừa tầm tay với của bé, bỏng do ngã vào bếp đun… Thời điểm mà trẻ gặp nạn thường là vào giờ nấu ăn. Quãng thời gian này, các bậc cha mẹ thường bất cẩn, không chú ý theo dõi hoạt động của trẻ vì thế dẫn đến tai nạn đáng tiếc.

 

Bỏng là loại tai nạn thường gặp trong đời sống, khi bị bỏng phần lớn người dân vẫn chưa biết xử lý và sơ cứu kịp thời. Ðặc biệt là những bệnh nhân ở vùng nông thôn, do thiếu kiến thức sơ cứu, chủ quan trong việc điều trị nên khi trẻ bị bỏng thường dùng các loại lá, thuốc: mỡ trăn, nhựa chuối, kem đánh răng bôi lên vết bỏng và tự chữa ở nhà hoặc mang đến thầy lang chữa trị; đến khi nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, để lại di chứng suốt đời. Ðiển hình như: Bé Phạm Thị Thùy Linh, 4 tuổi ở xã Minh Quang (Vũ Thư), Trần Thị Duyên, 26 tháng tuổi ở xã Vũ Ninh (Kiến Xương), Vũ Văn Việt ở xã An Bình (Kiến Xương)… Các bé bị bỏng nước sôi độ 3 do chữa trị bằng thuốc lá, nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng, phải điều trị nhiều thời gian, để lại sẹo. Cũng có trường hợp tự chữa trị khỏi nhưng để lại di chứng khó lường như: gây co cơ khó hoạt động, tạo sẹo gây mất thẩm mỹ… thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu bỏng nặng không được cấp cứu kịp thời.

 

Nói về cách sơ cứu tai nạn bỏng, bác sĩ Hoàng cho biết thêm:  Khi trẻ bị bỏng, dù nặng hay nhẹ người nhà cần hết sức bình tĩnh, tùy vào từng loại bỏng để xử lý sao cho an toàn và hiệu quả nhất. Ðối với trường hợp bỏng nước, sau khi đưa trẻ ra khỏi tác nhân gây bỏng, cởi hết quần áo và làm nguội vùng tổn thương bằng cách ngâm, dội nước lã sạch vào phần bỏng trong khoảng 15 - 30 phút. Sau đó, dùng khăn, vải, băng gạc sạch che phủ vùng bỏng và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời sơ cứu và khám chữa. Tuyệt đối không dùng đá lạnh để chườm vào vùng bỏng vì nhiệt độ lạnh sẽ làm co mạch, hạn chế máu đến nuôi dưỡng vùng tổn thương gây hoại tử và lâu liền hoặc cảm lạnh; không nên bôi bất cứ thứ gì lên vết thương do bỏng hay nhờ thầy lang chữa trị. Theo bác sĩ Hoàng, trong điều trị bỏng cần xác định mức độ nặng, nhẹ, nông sâu của vết bỏng để có biện pháp điều trị đúng. Thầy lang chỉ điều trị theo một vài bài thuốc dân gian, theo kinh nghiệm, không có kiến thức về chẩn đoán, xác định độ nông sâu của vết thương để điều trị phù hợp.

 

Trẻ nhỏ chưa đủ nhận thức về những tai nạn gây ra, tuy nhiên tai nạn có thể phòng tránh được nếu các bậc cha mẹ, ông bà chú ý hơn trong việc bày trí các vật dụng trong gia đình có nguy cơ gây bỏng; không để trẻ chơi đùa gần khu vực đun nấu, có lửa, điện... Có như vậy, chúng ta không còn phải chứng kiến những hình ảnh thương tâm do bỏng gây ra, vừa tổn hại đến trẻ, vừa tốn thời gian và tiền của điều trị.

Bài, ảnh: Bích Liễu

 

 

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày