Thứ 2, 06/01/2025, 19:01[GMT+7]

Thiếu thuốc, vật tư y tế: Quyết tâm gỡ khó Kỳ 2: Nguyên nhân từ đâu?

Thứ 2, 22/04/2024 | 21:54:14
2,501 lượt xem
Nếu như trong khoảng 2 năm đầu, việc thiếu thuốc, vật tư y tế với lý giải do sự tác động của dịch Covid-19 dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc toàn cầu đã được người bệnh chấp nhận như một sự thật khách quan thì đến thời điểm hiện tại, tình trạng thiếu thuốc vẫn tiếp diễn đã gây nên không ít bức xúc đối với người bệnh và khó khăn đối với cơ sở khám chữa bệnh. Tại sao tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế lại kéo dài từ năm này sang năm khác là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuẩn bị các suất ăn chăm sóc bệnh nhân nặng.

Nghịch lý: cần mua ít cần bán 

Hàng chục nhóm thuốc, hàng trăm danh mục thuốc, vật tư y tế mà các bệnh viện cần mua sắm sử dụng song số lượng kết quả trúng thầu sau mỗi đợt tổ chức đấu thầu cứ thấp dần qua các năm là thực tế đang diễn ra đối với các bệnh viện. 

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thuốc, hóa chất, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay được cung ứng từ 4 nguồn, trong đó cấp trung ương bảo đảm 2 nguồn thuốc từ gói đấu thầu tập trung cấp quốc gia và gói đàm phán giá (đối với nhóm thuốc, danh mục thuốc quý, hiếm, giá trị cao, ít nhà sản xuất); địa phương bảo đảm 2 nguồn từ gói đấu thầu mua sắm tập trung cấp địa phương và gói đấu thầu do các cơ sở y tế thực hiện. Danh mục thuốc do gói đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá chiếm khoảng 20% tổng số lượng thuốc cần sử dụng tại các đơn vị khám chữa bệnh công lập toàn tỉnh. Song, ngay nguồn thuốc đấu thầu cấp quốc gia chỉ đạt khoảng 80%; ở một số danh mục thuốc, ở một số thời điểm tỷ lệ này chỉ đạt 30 - 40%. 

Bà Nguyễn Thị Minh Chính, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Bệnh viện Đa khoa tỉnh là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, ngoài nhiệm vụ bảo đảm thuốc phục vụ cho đơn vị, Bệnh viện còn được giao nhiệm vụ rà soát, tổng hợp kế hoạch thuốc, vật tư y tế cần mua sắm đối với danh mục thuốc từ gói đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá và gói đấu thầu tập trung cấp địa phương cho các bệnh viện công lập toàn tỉnh. Như đối với nhu cầu sử dụng thuốc năm 2023 - 2024 ở gói đấu thầu cấp quốc gia, Bệnh viện đề xuất 229 danh mục thuốc cần mua sắm, song đến tháng 3/2024 chỉ hợp đồng mua được 73/229 danh mục thuốc, đạt tỷ lệ 31,87%. Đối với danh mục thuốc từ gói đấu thầu tập trung cấp địa phương phải trải qua 2 đợt đấu thầu, đợt 1 có 157/213 danh mục trúng thầu, đạt tỷ lệ 73,7%; tổ chức tiếp đợt 2 có 24/54 danh mục trúng thầu, đạt tỷ lệ 44,4%. Như vậy, việc thiếu thuốc đã bắt nguồn ngay từ danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá, ở cấp này đạt thấp nhất chỉ hơn 30%. 

Không chỉ đối với gói thầu tập trung cấp quốc gia hay cấp địa phương, đối với các gói thầu do các cơ sở y tế thực hiện, tỷ lệ trúng thầu cũng không đạt so với yêu cầu. Theo báo cáo của Sở Y tế, kết quả thực hiện các gói thầu thuốc, vật tư y tế phục vụ hoạt động chuyên môn năm 2023 - 2024, các gói thầu do các cơ sở y tế thực hiện chỉ có 2.261/3.450 danh mục trúng thầu, đạt 65,5%. 

Như phân tích của ông Trần Văn Khương, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Bình, tỷ lệ trúng thầu những năm trước đây cao, vì thế không có thời điểm nào thiếu thuốc sử dụng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, danh mục trúng thầu năm sau giảm hơn năm trước. Cụ thể, năm 2021 danh mục trúng thầu thuốc chỉ đạt 82% so với năm 2019, 2020; đến năm 2022 còn 77% so với năm 2019 và đến năm 2023 chỉ đạt 72%. Tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình, theo lãnh đạo Bệnh viện, kết quả các gói thầu tại Bệnh viện chỉ trúng dược liệu bắc, toàn bộ dược liệu nam không trúng thầu. Lãnh đạo nhiều bệnh viện so sánh nhu cầu sử dụng thuốc, vật tư tại các cơ sở khám chữa bệnh không giảm song các nhà cung ứng không còn nhiệt tình cung ứng thuốc cho các đơn vị khám chữa bệnh là một trong những nghịch lý đang diễn ra. 

Tại sao kết quả trúng thầu lại thường xuyên không đạt theo yêu cầu và tỷ lệ trúng thầu cứ thấp dần theo các năm? Theo phân tích của ông Nguyễn Quang Huy và nhiều lãnh đạo bệnh viện, nguyên nhân khách quan là giai đoạn vừa qua, nguồn cung bị ảnh hưởng từ các nguồn thuốc nhập khẩu, vì vậy ở nhiều danh mục thuốc tổ chức đấu thầu nhưng không có nhà thầu tham dự. Ví dụ cụ thể: Trong số 56/213 danh mục không trúng thầu của đợt đấu thầu lần 1 gói đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương phục vụ cho hoạt động năm 2023 - 2024, có tới 43 danh mục không có nhà thầu tham dự; tiếp đến khi tổ chức đấu thầu lại lần 2, trong số 30 danh mục không trúng thầu có tới 26 danh mục là do không có nhà thầu tham dự. Nguyên nhân là do một số danh mục thuốc có số lượng ít, giá trị nhỏ, khi tổ chức đấu thầu không có nhà thầu tham gia. Bên cạnh đó, thời gian qua, hầu hết các đơn vị khi định giá kế hoạch thầu thường tham khảo, căn cứ vào giá trúng thầu của các đơn vị y tế trong nước, không theo dõi, nắm bắt được giá biến động thị trường, vì vậy khi đưa ra giá kế hoạch không hấp dẫn được các nhà thầu, giá dự thầu thường cao hơn so với giá kế hoạch nên đấu thầu không thành công. Ở không ít thời gian, tại nhiều cơ sở y tế, tại một số gói đã trúng thầu, nhà thầu đã ký hợp đồng nhưng trong quá trình cung ứng không bảo đảm tiến độ hoặc cung ứng không đủ số lượng thuốc theo hợp đồng cung ứng dẫn tới thiếu thuốc, không có thuốc. 

Nhiều quy định, khó triển khai 

Chuyển câu hỏi của phần đông bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến lãnh đạo Sở Y tế: Tại sao chỉ bệnh viện công lập mới xảy ra thiếu thuốc, ông Nguyễn Quang Huy giải thích, công tác mua sắm thuốc, vật tư của bệnh viện công lập và tư nhân thực hiện theo 2 quy định khác nhau. Theo quy định, các bệnh viện tư nhân được chủ động mua sắm thuốc, vật tư y tế theo hình thức tham khảo giá của bất kỳ một đơn vị nào trong nước đã trúng thầu trong khi các bệnh viện công lập phải tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc theo 3 cấp như đã phân tích ở trên. Công tác đấu thầu thuốc cho hệ thống bệnh viện công lập hiện nay phải thực hiện theo rất nhiều văn bản quy định, song các văn bản này chưa thống nhất, đồng bộ dẫn đến khó khăn cho cơ sở khi triển khai thực hiện. Luật Đấu thầu ban hành vào tháng 6/2023, đến tháng 2/2024 mới ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật, đến thời điểm hiện tại chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định gây nên nhiều khó khăn cho cơ sở khi triển khai thực hiện. Cũng theo các quy định về đấu thầu, khi tổ chức đấu thầu lần 1, kết quả đấu thầu không đạt tiếp tục tổ chức đấu thầu lần 2, thậm chí lần 3 để mua sắm đủ thuốc cần sử dụng. Mỗi đợt tổ chức đấu thầu lại mất thêm thời gian, công sức, kéo dài thêm tình trạng phải chờ đợi để mua sắm thuốc. Đối với khoảng 20% tổng số lượng thuốc cần sử dụng tại các bệnh viện toàn tỉnh trong danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá, cũng theo quy định, sau khi Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia thông báo kết quả đấu thầu, (thời gian qua danh mục này chỉ đạt trung bình 80%; có thời điểm chỉ đạt 30 - 40%), cấp tỉnh được đấu thầu mua sắm bổ sung nếu danh mục thuốc đấu thầu quốc gia không đủ. Sự phụ thuộc vào kết quả đấu thầu cấp quốc gia gây nên sự bị động cho các đơn vị tuyến tỉnh, thêm khó khăn cho các bệnh viện, làm chậm tiến độ mua sắm đối với các danh mục thuốc, vật tư quan trọng. 

Cùng với các quy định trên, việc sử dụng thuốc, vật tư y tế cho người bệnh BHYT thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng, thanh toán của quỹ BHYT đối với danh mục do BHYT quy định. Ví dụ đơn giản là việc sử dụng bơm kim tiêm. Giải thích cho sự băn khoăn, khó hiểu của người bệnh: Tại sao với một vật tư tối thiểu như bơm kim tiêm, dây truyền có thể mua sắm ở bất kỳ hiệu thuốc nào trên thị trường song khi điều trị tại bệnh viện, người bệnh vẫn phải tự mua, lãnh đạo các bệnh viện cùng giải thích do liên quan đến việc thanh toán của quỹ BHYT. Bởi trong quy định thanh toán BHYT, khi có chỉ định thuốc, người bệnh mới có chỉ định vật tư y tế để sử dụng lượng thuốc đó. Vì vậy, nếu không có thuốc sử dụng thì sẽ không có vật tư (bơm kim tiêm hay dây truyền...). Cùng với đó, thuốc, vật tư y tế thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT đã trúng thầu, phải có mã vật tư trên cổng tiếp nhận dữ liệu thuộc hệ thống thông tin giám định BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trong khi mặt hàng thuốc ngày càng đa dạng, một hoạt chất song được các nhà sản xuất dược đưa ra nhiều mẫu mã sản phẩm, với nhiều tên gọi khác nhau và luôn có sự thay đổi mẫu nên khi xuất hiện tên gọi mới của thuốc mà không trùng với mã vật tư trên cổng tiếp nhận dữ liệu thuộc hệ thống thông tin giám định BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thì bệnh viện sẽ không được thanh toán thuốc, vật tư không trùng khớp mã quy định. Công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư đã khó, lại thêm quy định này càng bó chặt hơn việc đấu thầu, mua sắm thuốc tại các bệnh viện và việc sử dụng thuốc cho bệnh nhân BHYT. 

Cùng với những nguyên nhân khách quan trên, theo phân tích của ngành y tế, có một thực tế không thể phủ nhận là thời gian qua, việc xây dựng nhu cầu, kế hoạch sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế tại một số cơ sở y tế còn chậm, năng lực dự báo tình hình cung ứng tại đơn vị chưa phù hợp với thực tế dẫn đến có thời điểm thiếu thuốc. Bên cạnh đó, các đơn vị trong ngành chủ yếu thực hiện thuê tư vấn trong tổ chức lựa chọn nhà thầu dẫn tới phụ thuộc, thiếu chủ động tại đơn vị, làm ảnh hưởng đến tiến độ đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế. 

Đấu thầu không đạt kết quả, việc mua sắm thuốc không thực hiện được hoặc thực hiện với kết quả thấp dẫn tới việc không có thuốc hoặc thiếu thuốc sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh. Không có thuốc, thiếu thuốc, “trăm khổ đổ đầu bệnh nhân” đặc biệt là bệnh nhân BHYT vì số tiền BHYT vẫn đóng đủ hàng tháng, hàng năm song quyền lợi của mình thì đã thực sự bị ảnh hưởng. 

Người bệnh mua thuốc điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền. 


(còn nữa)

Trần Hương - Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày