Thứ 7, 10/08/2024, 18:11[GMT+7]

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh dại

Chủ nhật, 01/09/2013 | 16:23:43
1,062 lượt xem
Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Ban dự án quản lý bệnh dại của Bộ Y tế, tình hình này rất đáng lo ngại vì nguy cơ lây truyền bệnh dại là rất lớn, đặc biệt là nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại nếu chúng ta không kiểm soát tốt đàn chó.

Các gia đình nuôi chó phải tiêm phòng bệnh dại theo đúng yêu cầu của cơ quan thú y

Mặc dù nước ta đã khống chế thành công bệnh dại ở chó vào những năm 2000 (từ 410 ca người tử vong do bệnh dại trong năm 1995 xuống còn 34 ca vào năm 2003), tuy nhiên sau năm 2003 trở lại đây, bệnh dại có xu hướng tăng trở lại. Theo đó, năm 2007 có 131 ca tử vong, năm 2011 là 110 ca và năm 2012 là 98 ca. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2013 đã có 64 trường hợp tử vong vì bệnh dại.

Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, có 3 nguyên nhân chính khiến tình hình bệnh dại tăng trở lại trong thời  gian gần đây.

Thứ nhất, đó là tình hình bệnh dại ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc-nước láng giềng với Việt Nam, tăng lên đáng kể sau năm 2000. Chẳng hạn sau năm 2007, số ca tử vong do bệnh dại ở Trung Quốc tăng gấp 16 lần so với năm 1995. Do đó, việc giao lưu mua bán, vận chuyển giữa các đàn chó qua biên giới là yếu tố làm gia tăng việc lây truyền chó dại.

Thứ hai, do người dân chủ quan, vì quan niệm bệnh dại đã được kiểm soát thành công, nên sự tham gia của người dân, sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc đầu tư cho công tác phòng chống bệnh dại rất thấp. Mặt khác, những năm gần đây, chúng ta phải đối mặt với nhiều bệnh dịch khác như dịch cúm H5N1, dịch Sars, sốt xuất huyết, tả, tay chân miệng… nên các nguồn đầu tư tập trung cho việc phòng chống những dịch bệnh này và giảm đầu tư cho phòng chống bệnh dại, vì vậy hiệu quả dự phòng bệnh dại không cao.

Thứ ba là tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại thời gian gần đây rất thấp. Có nhiều địa phương ở nông thôn tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại khoảng 30%, còn các tỉnh miền núi trung du khoảng 10%, đặc biệt còn có tỉnh chưa tiêm phòng bệnh dại. Đây là mối lo ngại lớn vì bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Để khống chế bệnh dại ở Việt Nam, thời gian tới, việc quan trọng đầu tiên là chính quyền các cấp phải nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa trong việc thực hiện nghiêm túc Nghị định 05 của Chính phủ. Đó là chịu trách nhiệm trong việc tổ chức, triển khai các hoạt động phòng chống bệnh dại trên địa bàn. Đồng thời, huy động các ban ngành đoàn thể cùng người dân chủ động tham gia tích cực phòng chống bệnh dại, trong đó biện pháp chủ yếu là quản lý đàn chó, vì không có chó dại thì sẽ không có bệnh dại ở người.

Đối với việc quản lý đàn chó, người dân cần khai báo việc nuôi chó cho chính quyền địa phương, không để chó chạy rông, khi cho chó ra đường phải bịt mõm và phải có người dắt, đặc biệt là phải tiêm vắc xin cho chó để chủ động dự phòng bệnh dại.

Đối với chủ vật nuôi phải thường xuyên theo dõi động vật nuôi của mình. Nếu có hiện tượng bất thường (chạy cắn người hoặc cắn động vật khác) thì phải nhốt ngay lại, báo chính quyền địa phương. Khi bị chó dại cắn thì phải rửa kỹ vết thương bằng xà phòng và nước sạch, sau đó rửa bằng cồn 70% và đến ngay các cơ sở y tế để được chỉ định tiêm phòng bệnh dại.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần phải dự phòng chủ động tích cực trước khi bị chó dại cắn cho nhóm người có nguy cơ cao như cán bộ thú y đi bắt chó, tiêm phòng cho chó, người giết mổ chó…

Theo chinhphu

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày