Thứ 3, 06/05/2025, 11:14[GMT+7]

Những điều cần biết để điều trị và phòng tránh bệnh sởi

Thứ 3, 22/04/2014 | 08:49:49
766 lượt xem
Từ đầu năm đến nay, Thái Bình đã ghi nhận 260 trường hợp sốt phát ban, trong đó số bệnh nhân nghi sởi là 205, không có tử vong. Qua xét nghiệm 70 mẫu, kết quả có 35 mẫu xét nghiệm dương tính với sởi. Trước những diễn biến phức tạp của bệnh sởi, mỗi người dân cần chủ động tìm hiểu kiến thức để hiểu đúng về bệnh sởi và thực hiện các biện pháp phòng, tránh bệnh phù hợp, hiệu quả.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Bệnh sởi là gì?

Bệnh sởi có tên tiếng Anh là measles hoặc rubeola (phân biệt với bệnh sởi Ðức rubella), là một loại bệnh do virus cấp tính gây ra, thường xảy ra dịch lây vào mùa xuân ở các thành phố lớn.

Sởi có khả năng lây lan rất cao (90%) trên những người chưa có miễn dịch (chưa tiêm vaccine, chưa bị sởi lần đầu) qua đường hô hấp (lây từ người bệnh ho, nói chuyện hoặc tiếp xúc thông thường).

Tuy nhiên, về cơ bản đây là một bệnh lành tính vì thông thường, hệ miễn dịch của bạn sẽ tự loại bỏ virus sởi trong vòng từ 7 đến 10 ngày. Bạn chỉ cần cho người bệnh uống thật nhiều nước, vitamin, ăn uống thanh mát, không uống kháng sinh. Các biến chứng nặng của sởi là do cơ thể thiếu đề kháng và kiêng cữ không đầy đủ.

Triệu chứng của bệnh sởi

Các dấu hiệu đầu tiên của bệnh sởi thường xuất hiện trong vòng 4 -10 ngày sau khi nhiễm virus sởi. Các dấu hiệu bao gồm:

- Các triệu chứng giống như cảm cúm: chảy nước mũi, nước mắt; mi mắt sưng phồng, hắt hơi sổ mũi.

- Mắt đỏ và quá nhạy cảm với ánh sáng.

- Sốt cao, có thể lên tới 40 độ.

- Mệt mỏi, thiếu sức sống.

- Ðau mỏi người.

- Ho khan.

- Nội ban (hạt Koplik): các hạt nhỏ bằng hạt cát, màu trắng ngà, quanh có viền đỏ.

- Chán ăn.

- Sau vài ngày, các vết ban màu đỏ nâu sẽ xuất hiện.

Ðiều trị bệnh sởi

Bệnh sởi không có biện pháp điều trị chuyên biệt, chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc và phòng ngừa biến chứng. Với thể sởi lành tính, điều trị tại nhà. Cách ly trẻ tại phòng riêng ngay khi trẻ mới sốt và viêm họng; bảo đảm thoáng, sáng, tránh gió lùa; không cho tiếp xúc với những trẻ khác.

- Giữ vệ sinh sạch sẽ: rửa mặt, lau mắt, lau người bằng nước ấm; thường xuyên lau miệng bằng khăn sạch, mềm (nhúng nước đã đun sôi để nguội). Với trẻ lớn, cho súc miệng nước muối (pha loãng có độ mặn như nước mắt). Nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt mũi chuyên dùng khoảng 3, 4 lần/ngày.

Tắm, rửa chân tay cho người bệnh bằng nước đun sôi để nguội hoặc nước lá lành như: kinh giới, lá mùi, trà xanh...

Ðể tránh lây nhiễm cho mình và những người khác, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh. Rửa tay kỹ bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi tiếp xúc với người bệnh. Rửa tay trước khi chế biến thức ăn cho người bệnh.

Giặt riêng quần áo của người bệnh, tốt nhất là giặt bằng nước nóng, phơi đồ nơi có nắng và thoáng gió. Thay ga, gối, chăn sạch.

Vệ sinh môi trường: Tẩy trùng sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ, vật dụng của người bệnh.

- Ðiều trị cơn sốt và giảm đau: Uống paracetamol hoặc ibuprofen để giảm sốt, giảm đau và mỏi, lau người bằng khăn ấm để giảm sốt.

- Ăn uống đúng cách: Cho ăn nhẹ, lỏng, dễ tiêu hóa, đủ chất. Với trẻ đang bú, tiếp tục và tăng cường cho bú mẹ để tăng đề kháng. Trẻ đang ăn bổ sung, ngoài sữa mẹ cần ưu tiên khẩu phần đủ chất dinh dưỡng nhất là những thực phẩm giàu protid và caroten.

Không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn chứa protein gây dị ứng như các loại thủy sản, cá rô, cá chép, cua, tôm càng, tôm nõn, cá diếc, sò, nghêu, các loại thịt dê, thịt chó, thịt gà, vịt, ngựa, lừa, các loại côn trùng như châu chấu, kén nhộng, các loại rau kích thích như ớt, rau thơm, các thứ gia vị thơm cay như hoa hồi, bột hạt cải…

Cho uống thuốc giảm ho: Cho trẻ uống nước ấm, đặc biệt là nước có chứa mật ong hoặc chanh để giúp thả lỏng đường hô hấp, giảm chất nhầy trong đường hô hấp hoặc giảm ho.

Nếu con của bạn bị sốt cao, hãy cho bé uống rất nhiều nước vì các bé đang gặp nguy cơ mất nước rất lớn. Có thể uống sữa, uống nước cam, nước dừa, nước quả để cung cấp vitamin và tăng đề kháng, uống oresol để chống mất nước. Uống vitamin tổng hợp và vitamin C và uống vitamin A:

- Ðiều trị đau mắt: Kéo rèm cửa để giúp giảm khó chịu khi tiếp xúc với ánh sáng, có thể dùng khăn bông sạch thấm nước muối sinh lý để lau rỉ mắt.

- Ðiều trị các triệu chứng giống như cảm cúm.

- Không dùng thuốc kháng sinh cho trẻ bị sởi với mục đích dự phòng biến chứng vì dễ gây loạn khuẩn và dị ứng. Chỉ khi trẻ bị viêm tai giữa, viêm thanh - khí - phế quản, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn mới cho dùng thuốc kháng sinh và chỉ dùng khi có chỉ định của thầy thuốc.

- Chú ý theo dõi thân nhiệt hằng ngày, nhất là khi sởi bay có thể xảy ra biến chứng. Khi sởi bay mà trẻ vẫn sốt cần phải nghĩ đến biến chứng và đưa trẻ đi bệnh viện ngay.

Các biện pháp dân gian như uống và tắm nước lá mùi, dùng các bài thuốc sắc dân gian tuy chưa được y học khẳng định về tính hiệu quả nhưng bạn cũng có thể tìm hiểu để áp dụng, song không nên quá lo lắng và nên rửa thật sạch các thảo dược trước khi dùng.

TRUNG TÂM TTGDSK TỈNH

(Ðể tìm hiểu thêm về những vấn đề liên quan đến sức khỏe con người, cộng đồng, bạn đọc có thể truy cập vào trang web: t4gthaibinh.org.vn)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày