Thứ 5, 25/04/2024, 18:59[GMT+7]

Thái Bình: Quyết liệt và linh hoạt trong giải phóng mặt bằng Bài 1: Đồng thuận, sáng tạo

Thứ 2, 12/07/2021 | 18:20:19
993 lượt xem
Thái Bình xác định đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông là tiền đề vững chắc cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đó sẽ là động lực giúp Thái Bình bứt phá, vươn lên trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Để làm được điều đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là làm tốt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Những năm gần đây, Thái Bình đã tạo nên một “bức tranh" khá hoàn chỉnh về phát triển hạ tầng giao thông, với hàng loạt công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào khai thác. Sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan chức năng, sự đồng thuận của người dân trong công tác GPMB và việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư đã cho những "quả ngọt".

Thành phố Thái Bình với hạ tầng giao thông phát triển.

Đồng nhất trong chỉ đạo

Để kêu gọi các dự án lớn đến với Thái Bình, việc GPMB là bước quan trọng nhất, tạo đột phá trong thu hút đầu tư của tỉnh. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ khó và phức tạp, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người bị thu hồi đất, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Do đó chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh trong nhiệm vụ phát triển hạ tầng kinh tế là tập trung công tác GPMB. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 5/7/2021 về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác GPMB phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Với hàng trăm dự án lớn nhỏ đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, trong đó hầu hết đều phải GPMB, vì vậy Thái Bình đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đưa việc lãnh đạo công tác GPMB vào chương trình công tác hằng năm của cấp ủy và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cần tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cao. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, linh hoạt, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và nhân dân, tạo sự đồng thuận. Sự linh hoạt đó được thể hiện qua công tác bồi thường giá đất, nhà ở, tài sản trên đất, Thái Bình đã vận dụng khung giá bồi thường sát với giá thị trường trong khung bảng giá đất đã được ban hành, nhằm giúp những hộ dân bị giải tỏa đủ điều kiện để xây dựng nơi ở mới hoặc mua lại được diện tích đất tương ứng. Đồng thời, đầu tư xây dựng các khu tái định cư bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Vì vậy, hàng loạt các dự án, công trình quy mô lớn nhờ hoàn tất sớm việc đền bù, hỗ trợ GPMB đã khởi công đúng và trước dự kiến.

Thi công tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình đoạn qua xã Thái Thượng (Thái Thụy).

Theo ông Vũ Xuân Thành, Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải thì những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh Thái Bình được đầu tư khá đồng bộ, có những bước phát triển mạnh theo hướng hiện đại, tập trung vào các công trình có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống đường bộ hiện nay bao phủ rộng khắp và đóng vai trò trục chính kết nối mạng lưới giữa các huyện, các tỉnh, các cảng hàng không, cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng. Để có được thành quả này là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong công tác GPMB. 

Ông Phùng Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và tích cực phối hợp với các sở, ngành, các địa phương sớm hoàn tất các thủ tục về đất đai. Ngay khi có quyết định đầu tư các dự án, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, vai trò của công trình; trong đó, chú trọng tuyên truyền để người dân nhận thấy dự án góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế, các ngành nghề dịch vụ thương mại, mở hướng cho người dân cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất, Sở Tài nguyên và Môi trường tuyên truyền người dân tại dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình đi qua địa bàn xã Nam Cường (Tiền Hải).

Gắn trách nhiệm người đứng đầu

GPMB luôn được các cấp chính quyền xác định là việc phức tạp, nhạy cảm có thể “sai một ly, đi một dặm” gây thất thoát tiền của Nhà nước và mất lòng tin trong nhân dân. Do vậy, một số cán bộ, nhất là cấp cơ sở đã tìm cách “né” hoặc đùn đẩy cả việc chỉ đạo cũng như thực thi GPMB để giữ an toàn cho bản thân. Nhận thấy tình trạng “cha chung” sẽ khiến cán bộ không quyết liệt và sáng tạo trong chỉ đạo nên Thái Bình đã quy trách nhiệm người đứng đầu. Theo đó, người đứng đầu cấp ủy, đơn vị chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên về kết quả công tác GPMB của địa phương, đơn vị mình, tập trung lãnh đạo phổ biến, quán triệt sâu sắc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác GPMB, nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân đối với công tác GPMB. 


Lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quỳnh Phụ trực tiếp xuống cơ sở lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân trong công tác đền bù, hỗ trợ GPMB.

Theo ông Tô Xuân Thức, Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng thì việc hoàn thành các dự án giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm sẽ góp phần giảm thời gian di chuyển, tiết kiệm chi phí, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần liên kết vùng, tạo động lực phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Do đó, cấp ủy đảng, chính quyền huyện Đông Hưng đặc biệt chú trọng công tác GPMB. Xác định đây là việc làm khó, phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân nên tập trung vào cuộc, cùng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền để các dự án sớm được triển khai. 4 năm qua, huyện Đông Hưng đã thực hiện 113 dự án, với diện tích thu hồi gần 54ha; tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ trên 87 tỷ đồng cho 1.319 hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi ảnh hưởng trực tiếp tại các dự án.

Người dân xã Đông La (Đông Hưng) tự nguyện phá dỡ nhà cửa, các công trình bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Về các xã An Thanh, An Vũ, An Dục, An Tràng, thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ) những ngày này, tìm hiểu công tác liên quan đến GPM để xây dựng dự án tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn mới thấy giữa bộn bề công việc cần giải quyết, lòng dân đã cơ bản đồng thuận. 

Ông Phạm Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã An Vũ (Quỳnh Phụ) cho biết: Xác định GPMB tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn là một nhiệm vụ lớn và rất quan trọng đối với địa phương, trong đó yếu tố quyết định thành công là sự đồng thuận của người dân. Vì vậy, công tác tuyên truyền được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể của xã và các thôn liên quan tích cực thực hiện bằng nhiều hình thức; bảo đảm công khai thông tin để người dân hiểu đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của họ về GPMB. Đồng thời, địa phương gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình triển khai thực hiện; xã đã cử các thành viên làm công tác dân vận bám sát cơ sở để nắm thông tin, ra thông báo họp dân để công khai về quy hoạch, đối thoại với dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân để có biện pháp kịp thời giải quyết vướng mắc. Nhờ đó, cơ bản người dân đã đồng thuận trong công tác GPMB, nhận tiền đề bù, hỗ trợ GPMB và mong muốn tuyến đường sớm được thi công.

Cán bộ xã, thôn ở An Vũ (Quỳnh Phụ) gặp gỡ người dân tuyên tuyền về dự án tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn

Ông Đinh Gia Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình
Thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thành phố đã đề cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo và tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền, nhất là việc gắn trách nhiệm người đứng đầu. Có như vậy, công tác GPMB mới được đẩy nhanh, tránh tình trạng để dự án treo, hoặc thay đổi quy hoạch đã công bố trong dự án, hoặc bị cắt vốn khiến dự án lâm vào trình trạng dang dở, kéo dài.

Ông Trương Công Điều, thôn Đại Điền, xã An Vũ (Quỳnh Phụ)

Sau khi nhận được thông tin tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn đi qua đường 10 B đi qua địa bàn thôn, trong đó có phần đất nông nghiệp của gia đình, chúng tôi rất phấn khởi. Thời gian qua, cán bộ dự án, huyện, xã nhiều lần về thôn họp với bà con nhân dân. Khi người dân thắc mắc đều được giải đáp chu đáo, cặn kẽ nên bà con nhân dân đều ủng hộ phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB của Nhà nước.


Minh Nguyệt 

(còn nữa)