Thứ 7, 20/04/2024, 10:55[GMT+7]

Dấu vết văn hoá qua kiến trúc cổ

Thứ 3, 20/07/2021 | 17:20:45
701 lượt xem
Chẳng biết có phải là vùng đất 'địa linh nhân kiệt' mà trải qua suốt thời gian dài trong lịch sử, xứ Đoài vẫn được mệnh danh là vùng đất 'phi chiến địa'.

Cửa Bắc thành cổ Sơn Tây.

Cho đến tận bây giờ người dân Xứ Đoài vẫn còn nhớ câu nói nổi tiếng của Trạng Bùng – Phùng Khắc Khoan, rằng:

"Mặc dù đánh bắc dẹp đông

Ba phủ bốn huyện của ông thì chừa".

Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng: Xứ Đoài quả là một vùng hết sức yên ổn trong mọi cuộc chiến tranh xảy ra trên đất nước này. Cho đến hôm nay xứ Đoài vẫn xứng đáng là nơi lưu giữ được nhiều nhất, được mệnh danh là một trong bốn cái nôi văn hóa của đồng bằng sông Hồng. Đến xứ Đoài đồng nghĩa với việc đặt chân lên tầng tầng lớp lớp các công trình văn hóa như đình, chùa, đền, miếu… được bảo tồn cực kỳ bền vững trong mỗi cộng đồng dân cư.

“Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”. Quả là không ở đâu trên đất nước này còn một hệ thống đình làng phong phú như ở xứ Đoài. Hầu như làng nào cũng có một ngôi đình, nhiều tổng (đơn vị hành chính tương đương với xã) cư dân quần tụ đông đúc, năm sáu làng liền thổ, người bên ngoài khó lòng minh định được biên giới các làng một cách rõ rệt. Đình làng vì vậy liền kề nhau, hội làng mỗi nơi mở vào một ngày… Vào mùa lễ hội, không khí trong vùng tưng bừng suốt cả mùa xuân. 

Khoảng những năm 80 của thế kỷ XX, công cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ ba của thế giới diễn ra trên xu thế toàn cầu. Cuộc cách mạng này mang lại một nguy cơ làm biến mất những làng truyền thống (không riêng gì Việt Nam). Cũng thời gian này, một số học giả Pháp đến Việt Nam. Đặt chân lên đất xứ Đoài, họ vô cùng kinh ngạc, vẫn còn những làng Việt cổ nguyên vẹn trong các cộng đồng cư dân. Cùng với các nhà khoa học Việt Nam, họ nhất trí chọn xã Đường Lâm, một xã nằm ở đỉnh hữu ngạn tam giác châu thổ đồng bằng Bắc bộ, nơi còn lại rất nhiều nhà cổ. Hơn 450 ngôi nhà có niên đại từ đời Hậu Lê đến đời Nguyễn, đặc biệt là làng Mông Phụ - một làng cổ còn tương đối nguyên vẹn so với các làng khác trong vùng.

Đây là một ngôi làng đá ong, tất cả đều đậm đặc một không gian của cư dân nông nghiệp lúa nước. Dấu vết ấy thể hiện rõ nét ở kiến trúc đình làng. Đây là một ngôi đình lớn được khởi công xây dựng từ đời Lê, đến đời Nguyễn thì các hạng mục khác được hoàn thành trong một tổng thể như hiện nay. Cũng như các đình ở xứ Đoài, đình làng Mông Phụ to lớn về mặt qui mô, hoành tráng và tinh sảo trong kiến trúc.

Làng Mông Phụ là một làng nông nghiệp có cấu trúc tương đối hoàn chỉnh về mặt kiến trúc. Hệ thống từ đình, điếm đến cổng làng và các giếng nước chi tiết đến từng xóm nhỏ. Làng có 5 cổng làng hướng ra 5 phía, các cổng này được đóng, mở theo qui định chặt chẽ do “làng” tự đặt ra. Cổng làng hình thành không chỉ có ý nghĩa về mặt phòng thủ, tự vệ mà trong quá trình phát triển thì cổng làng góp phần thêm vào cho tính đóng kín của các cộng đồng công xã nông nghiệp thêm bền vững. Tính đóng kín này là sự bảo thủ đến cực đoan trong quá trình du nhập cái mới, nhưng trong bảo lưu văn hoá thì vô cùng bền vững.

Làng Mông Phụ hiện chỉ còn lại một chiếc cổng án ngữ trên con đường chính vào làng. Trong thời kỳ hợp tác xã, chiếc cổng này mấy lần rình rập toan phá bỏ chỉ vì lý do xe vận tải ra vào không thuận tiện, cản trở con đường đi lên của hợp tác lớn. Câu chuyện phá cổng làng đến nay đã qua đi mấy chục năm rồi vẫn có người nhớ, đôi lúc vui mồm kể lại.

Chuyện rằng: Cổng làng mấy lần được đưa ra bàn bạc và đi đến quyết định phá bỏ, ngày tháo dỡ đó được ấn định, công việc được giao cho thợ cày của các tổ sản xuất. Đến ngày, người phụ trách ra trước đợi mãi vẫn không thấy ai ra, đành hoãn. Mấy lần như vậy cho đến lúc “trên” thôi, không đôn đốc nữa thì cũng may quan niệm về cổng làng và những thứ tương tự thay đổi. Lúc bấy giờ những người thợ cày của làng mới lộ lý do vì sao họ luôn vắng mặt, thì ra họ sợ! Cha mẹ bảo con, vợ nói với chồng. Kẻ nào mà phá “cổng cái” thì chỉ có chuốc lấy cái hoạ lụn bại vào mình. Chẳng biết có phải cái “áo khoác thần linh” bên cạnh luật pháp thành văn là sự bảo vệ chắc chắn nhất cho các công trình công cộng.

Nhận thấy ý nghĩa của cổng làng, Sở VHTT Hà Tây (khi chưa sáp nhập với Hà Nội) tổ chức một cuộc triển lãm ảnh chuyên đề. Gần 1.500 ngôi làng mà chỉ còn chụp được hơn 80 bức ảnh. Triển lãm đó mang lại một cái đẹp sững sờ, một cái đẹp còn lại rất ít ỏi trong mỗi làng quê. Đình làng cũng không khá hơn, rất nhiều lý do kể cả khách quan lẫn chủ quan, chúng ta để bị mất một tài sản vô giá đã hình thành trong những giai đoạn nhất định của lịch sử.

Đình Chu Quyến (Ba Vì) là di tích quốc gia đặc biệt.

Xứ Đoài vẫn còn nguyên vẹn những đình làng nổi tiếng. Có thể kể đến đình Thụy Phiêu (xã Tích Giang, Phúc Thọ), đây là một ngôi đình mới được phát hiện gần đây. Đình có niên đại cổ nhất (Lê Trung Hưng) xứ Đoài nói riêng và cả nước nói chung. Đình Chàng (xã Chu Quyến, Ba Vì) là ngôi đình to nhất  (Đẹp đình So, to đình Chàng). Đình Tây Đằng (xã Tây Đằng, Ba Vì), một ngôi đình có cách đây hơn 400 năm với những trạm khắc độc đáo, không thấy xuất hiện ở bất cứ đình làng nào trong hệ thống đình Việt Nam. Tất cả vẫn tồn tại bên cạnh rất nhiều đình làng còn lại của xứ Đoài, đó là bằng chứng sống động biểu trưng cho một nền văn hoá được các nhà khoa học và đông đảo công chúng đang hết sức quan tâm.

Bên cạnh đình, xứ Đoài còn một kiến trúc tiêu biểu nữa đó là thành cổ Sơn Tây. Thành Sơn Tây là một ngôi thành nhỏ được xây dựng vào những năm 20 của thế kỷ VVIII, đời Vua Minh Mạng nhà Nguyễn. Nghe nói lúc xây thành, thợ đá của cả xứ Sơn - Hưng - Tuyên (Sơn Tây - Hưng Hoá - Tuyên Quang) được triệu tập về, tài hoa của cả một vùng địa linh nhân kiệt, hun đúc khí thiêng tạo nên ngôi thành đá ong với bốn cổng thành vòm cuốn mềm mại, thanh thoát. Bao nhiêu đời nay, những vòm cuốn đá ong vẫn hun hút trong chiều sâu tâm tưởng của những người xa xứ. Đó là niềm kiêu hãnh tự hào về kiến trúc đá ong như một đặc trưng xứ sở! Đáng tiếc là phần thành nổi cơ bản đó bị phá hoại trong “tiêu thổ kháng chiến”. Phần tường thành và hào nước nhiều năm tồn tại trong hoang tàn đổ nát. Chịu chung số phận với những ngôi thành khác trên đất nước này như thành nhà Hồ, nhà Mạc…

Theo baomoi.com