Kiến trúc xanh - một hướng đi bền vững
Từ bao giờ kiến trúc đã không còn xanh?
Trong quá trình đi tìm kiếm thức ăn và khám phá môi trường xung quanh, với mong muốn giảm bớt sự lệ thuộc, nâng cấp và có thể tự tạo các không gian sinh hoạt cho mình, con người đã khai thác sử dụng các loại thực vật (thân cây, lá cây...) hay động vật (xương thú, da thú...) kết hợp cùng các vật liệu có sẵn tại chỗ (đất, đá, kim loại...) để sáng tạo nên kiến trúc. Điều này càng rõ ràng hơn ở những khu vực thời tiết khắc nghiệt, con người phải sử dụng chính những yếu tố bản địa để xây dựng ngôi nhà cho mình vì các loại vật liệu khác không thể thích ứng được. Như vậy, con người cứ thế nương vào tự nhiên để tồn tại, mà cao hơn là nâng cao chất lượng cho các không gian kiến trúc của mình.
Nhưng rồi các cuộc cách mạng công nghiệp đã làm thay đổi quan điểm của con người. Với những máy móc được phát minh, con người ngày càng tự hào về khả năng chinh phục thế giới tự nhiên của mình. Thay vì sống cộng sinh với tự nhiên như thuở nguyên khai, con người dần thể hiện tư tưởng thống trị tự nhiên bởi sức mạnh lý trí, bởi quyền năng công nghệ mà con người nắm giữ. Hàng loạt máy móc, trang thiết bị được tạo ra và ứng dụng vào kiến trúc để cải tạo những bất lợi của môi trường tự nhiên. Chính sự kỳ diệu này đã làm con người trở nên tự phụ vào những tác phẩm kiến trúc của mình để rồi từ đó đề cao những tiểu không gian nhân tạo có thể đương đầu với những bất lợi từ đại môi trường tự nhiên. Các công trình với vai trò tâm điểm chính tạo nên các môi trường sống nhân tạo này được ca ngợi như những biểu tượng của sự phát triển, còn các hệ sinh thái tự nhiên lại trở nên mong manh hơn bao giờ hết bởi con người can thiệp ngày càng mạnh bạo, phá vỡ sự cân bằng vốn có.
Mải mê với những thành quả của mình, con người cũng đã không để ý đến những thay đổi của môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, sự phản ứng và nổi giận của môi trường, thông qua các hiện tượng biến đổi khí hậu hay những sự kiện tự nhiên bất thường xảy ra ngày càng nhiều, đã khiến con người phải suy nghĩ lại về cách mình đã ứng xử với môi trường, về tương lai của chính con người khi các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt và suy thoái. Trong bối cảnh đó, con người chợt nhớ lại mối quan hệ với môi trường tự nhiên đã từng tốt đẹp. Vì vậy, nửa cuối thế kỷ 20, một loạt khái niệm mới ra đời như kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái hay kiến trúc bền vững và trở thành những xu hướng phát triển mới của kiến trúc khi con người nhìn nhận lại thực trạng môi trường cùng sự xác xơ của các hệ sinh thái tự nhiên đã từng giúp con người phát triển được như ngày hôm nay.
Người Việt từng có kiến trúc thân thiện môi trường
Kể từ năm 1986, chính sách đổi mới đã giúp kinh tế Việt Nam trở nên khởi sắc. Các đô thị được xác định như những khu vực tăng trưởng, đầu tàu kinh tế. Do đó, đô thị hóa được đẩy mạnh thông qua việc thu hút người dân nông thôn tập trung về các thành phố lớn tham gia vào các hoạt động dịch vụ và sản xuất công nghiệp. Việc đẩy mạnh xây dựng đã dẫn đến áp lực “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” khiến công nghiệp hóa kiến trúc là điều không thể tránh khỏi. Những vật liệu nhân tạo được sản xuất đại trà thay thế dần các vật liệu tự nhiên trước đây do ưu thế về tính bền chắc, giá thành hợp lý và linh hoạt trong sử dụng. Mặt khác, đất đai đắt đỏ khiến những mảnh vườn, cái ao trở nên xa xỉ trong thành phố và dần dần cũng được lấp đầy bởi những công trình đầy lợi nhuận. Điều này vô hình trung đã làm cho kiến trúc mất đi sợi dây liên hệ với môi trường khi các hệ sinh thái tự nhiên nhường chỗ cho những khối bê tông san sát. Tình trạng ô nhiễm môi trường do phát thải từ các thiết bị máy móc cải thiện tiện nghi vi khí hậu bên trong các công trình, phát thải từ hoạt động xây dựng không thể tái tạo được làm chúng ta giật mình. Trong niềm hân hoan chung của loài người khi bước sang thiên niên kỷ mới, các đô thị Việt Nam lại bắt đầu chứng kiến một sự đổi sắc riêng đáng suy ngẫm: Thay vì các màu xanh của cây cối lại là màu xám của bê tông hay màu tím, màu đỏ của các mức cảnh báo ô nhiễm.
Trong bối cảnh đó, người ta thường nhìn lại quá khứ. Những kiến trúc nông thôn tại các làng, xã truyền thống Việt Nam đã cho thấy sự cân bằng khi một mặt vừa chống lại những bất lợi nhưng mặt khác lại nương tựa vào những thuận lợi của môi trường tự nhiên. Nhà quay về hướng Nam để đón gió mát mùa hè, mặt hướng Bắc thì trồng thêm chuối để cản gió lạnh mùa đông. Mái dốc cao và xòe rộng kết hợp hàng hiên che nắng xiên, mưa hắt, chống nóng tốt hơn. Mặt đứng mở với nhiều cửa tạo ra sự thông thoáng bên trong. Ngôi nhà được đặt giữa một tổng thể xanh tạo ra bởi vườn cây kết hợp bởi những cây tầng cao, lâu năm, thân gỗ để khai thác làm nhà như xoan, mít, tre... lẫn những cây tầng thấp, ngắn ngày, thân thảo để trang trí và làm lương thực, thực phẩm hằng ngày. Trong bối cảnh tự nhiên đó, những loài động vật cũng được lựa chọn nuôi để tận dụng các phế phẩm của cây xanh nhưng đồng thời lại cung cấp nguồn phân bón cho vườn. Có được từ việc đào lấy đất đắp nền cho ngôi nhà, ao nước không chỉ góp phần cung cấp nước sinh hoạt, nơi thả cá để gia tăng nguồn lương thực mà còn cải thiện điều kiện khí hậu, góp phần khép kín chu trình vườn-ao-chuồng xung quanh kiến trúc ngôi nhà của người Việt. Lối sống xanh tự cung tự cấp hay tự sản tự tiêu khi các nguồn năng lượng cho cuộc sống đều được sản xuất tại chỗ đã giúp kiến trúc trở nên thân thiện với môi trường, tạo nên sự đa dạng sinh thái khi con người cộng sinh với các màu xanh.
Nhà Bát Tràng (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) lấy cảm từ nghề làm gốm ở địa phương. Ảnh: Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa cung cấp.
Thúc đẩy phát triển kiến trúc xanh ở Việt Nam hiện nay
Kiến trúc xanh khuyến khích sử dụng cách thức xây dựng xanh cùng những vật liệu xanh, thân thiện với môi trường từ khâu chế tạo, sử dụng và phế thải, hay những vật liệu được tái tạo và có thể tái chế. Kiến trúc xanh hòa hợp, tôn trọng môi trường và các hệ sinh thái tự nhiên khi xác định kiến trúc cũng chỉ là một trong những yếu tố cảnh quan thành phần.
Những năm gần đây, các kiến trúc sư, với vai trò sáng tạo và trách nhiệm xã hội của mình đã góp phần thúc đẩy các trào lưu kiến trúc xanh tại Việt Nam. Những giải pháp thiết kế xanh truyền thống được sáng tạo để đưa vào các công trình kiến trúc đương đại, tạo nên những làn gió mới mát lành thổi vào các ngôi nhà theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Đầu tiên, đó có thể chỉ là những sáng tạo đơn lẻ khi thể hiện những trăn trở về một khái niệm kiến trúc xanh có thể áp dụng cho Việt Nam, nhưng dần dà, trở thành một phong trào lôi kéo không chỉ kiến trúc sư mà cả các nhà thiết kế nội thất, thiết kế các vật dụng, trang thiết bị, máy móc tham gia vào quá trình xanh hóa ngôi nhà. Màu xanh dần được lấy lại trong các ngôi nhà, những khu dân cư hay trong các quần thể kiến trúc không chỉ đơn thuần là việc đưa cây xanh trở lại với kiến trúc mà còn thể hiện bằng việc sử dụng các vật liệu xanh, thực hành lối sống xanh của người dân.
Do tính đặc trưng về địa điểm khi gắn với một môi trường tự nhiên nhất định cũng như tính cập nhật theo thời gian, việc phát triển kiến trúc xanh ở Việt Nam không chỉ đơn thuần là nhập khẩu nguyên bản các giải pháp kiến trúc từ nước ngoài hay bắt chước lại những gì mà ông cha ta đã làm trong quá khứ. Những mô hình kiến trúc xanh mới phải dựa trên các nhu cầu mới cùng những cách thức và vật liệu xây dựng được xanh hóa kiểu mới. Việc tôn vinh những tác giả, tác phẩm kiến trúc xanh (mới) thông qua truyền thông hay các giải thưởng cũng rất cần thiết để dần thay đổi quan điểm của xã hội, để kiến trúc xanh trở thành bản chất phát triển thực sự thay vì chỉ là việc trang điểm màu xanh hoa lá cho những công trình xây dựng.
Với sự phát triển của công nghệ vật liệu và xây dựng, cũng như canh tác và bảo dưỡng thì các giải pháp kỹ thuật cho việc xanh hóa kiến trúc hoàn toàn có thể thực hiện được. Cái khó cho kiến trúc xanh lại đến từ chính yếu tố con người-những chủ thể liên quan. Đầu tiên là các chủ sở hữu, chủ đầu tư hay chủ sử dụng kiến trúc. Liệu họ có thực sự muốn kiến trúc của mình “xanh” khi các tiêu chuẩn để đạt công trình xanh hay việc phải duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các yếu tố xanh trong công trình khiến chi phí đầu tư trước mắt cao hơn mặc dù chi phí vận hành lâu dài có thể thấp hơn? Thứ hai là chính quyền cùng các nhà quản lý kiến trúc và xây dựng. Họ cần có những chiến lược xanh hóa mạnh mẽ hơn đi kèm với những khuyến khích thực hiện thông qua các hướng dẫn cụ thể, phổ biến, dễ làm cũng như sự so sánh chi phí với mỗi phương cách. Cần hiểu rằng để xanh hóa kiến trúc thì không chỉ là trách nhiệm của riêng lĩnh vực kiến trúc mà đó còn là sự phối hợp liên ngành mang tính tổng thể, như: Vật liệu, trang thiết bị nội thất, đồ gia dụng... Thứ ba là các nhà thiết kế, cụ thể hơn là các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng. Bằng sự sáng tạo của họ, các giải pháp xanh hóa sẽ trở nên độc đáo nhưng cụ thể, rõ ràng và dễ hiểu nhằm thuyết phục các nhà đầu tư hay nhà quản lý, rộng hơn là xã hội chấp nhận những giải pháp đó cho dù có tốn nhiều công sức hơn. Thứ tư là các nhà sản xuất, nhà cung cấp kết hợp với các nhà nghiên cứu để tạo ra những vật liệu, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, giảm các loại rác thải, phế thải xây dựng không thân thiện hiện đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái.
Theo qdnd.vn
Tin cùng chuyên mục
- Kiến trúc độc đáo của cung điện gió gần 1.000 cửa sổ làm mát như điều hòa 08.04.2024 | 08:25 AM
- Nhà cấp 4 như mang cả bầu trời vào không gian nhờ cách thiết kế đơn giản 06.02.2023 | 15:06 PM
- Căn hộ Sài Gòn xóa tan cảm giác chung cư 25.04.2022 | 09:24 AM
- Chùa Bút Tháp - Kiến trúc cổ độc đáo vùng Kinh Bắc 19.07.2021 | 08:34 AM
- Độc đáo với nhà mang phong cách quán xá phố cổ Hội An 16.07.2021 | 14:56 PM
- Ngỡ ngàng với nhà mái bằng gác lửng có bể bơi trong nhà 15.07.2021 | 10:38 AM
- Căn nhà cấp 4 tuyệt đẹp với chi phí 850 triệu đồng. 15.07.2021 | 09:33 AM
- Ngôi nhà nhỏ sử dụng các vật liệu đơn giản, gần gũi tạo nên vẻ thân thiện, mộc mạc cho không gian sống. 13.07.2021 | 18:02 PM
- Độc đáo nhà gác xép bằng khung thép đặc biệt ở Đà Nẵng 13.07.2021 | 08:15 AM
- Ngẩn ngơ trước khu vườn bí mật trong ngôi nhà màu trắng ở Hải Phòng 12.07.2021 | 17:41 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng