Chủ nhật, 12/05/2024, 20:06[GMT+7]

Kỷ niệm 60 năm ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021) Nhớ mãi con đường huyền thoại mang tên Bác

Thứ 7, 23/10/2021 | 08:32:19
5,315 lượt xem

Tàu vận tải của Đoàn 759 cải dạng thành tàu đánh cá vận chuyển vũ khí, nhân lực chi viện cho chiến trường miền Nam.

“...Những con tàu góp lửa với miền Nam 

Mà lặng yên như vô tích vô tăm 

Dệt huyền thoại đoàn tàu không số...”

Cùng với đường Hồ Chí Minh qua dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một nét độc đáo, đặc sắc, sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân, trở thành thiên anh hùng ca bất tử, với phương tiện thô sơ, được vận hành bởi sức mạnh của ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, kiên cường, bất khuất đạp bằng sóng gió, vượt qua mưa bom bão đạn để tiếp lửa từ hậu phương cho tiền tuyến đánh giặc. 

Máu và hoa tạc bản hùng ca trên biển 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, song song với việc mở tuyến đường vận tải quân sự trên bộ, xuyên dãy Trường Sơn để chi viện vũ khí, trang bị, lực lượng cho chiến trường miền Nam, quân ta đã nhiều lần tổ chức các đoàn vượt biển thăm dò và khai thông tuyến vận tải độc đáo đi thẳng vào nơi địch mạnh nhưng lại rất sơ hở, thiếu phòng bị nhằm thiết lập tuyến đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho các tỉnh duyên hải miền Trung và đồng bằng Nam Bộ. 

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, tháng 7/1959, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Tổng cục Hậu cần thành lập Tiểu đoàn 603, tên gọi khác là Tập đoàn đánh cá Sông Gianh có nhiệm vụ nghiên cứu tìm phương thức vận chuyển bằng đường biển chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Sau nhiều chuyến hải trình thăm dò, nghiên cứu, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, ngày 23/10/1961, Bộ Tổng tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn 759 vận tải thủy (nay là Lữ đoàn 125 Hải quân), có nhiệm vụ mua sắm phương tiện, vận chuyển tiếp tế cho chiến trường miền Nam bằng đường biển, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh trên biển.

Trung tuần tháng 8/1962, Quân ủy Trung ương thông qua Nghị quyết mở đường vận chuyển chiến lược trên biển. Bắt đầu từ đây, Đoàn 759 bước vào một giai đoạn mới. Tháng 8/1962, Đoàn 759 nhận bàn giao 4 tàu gỗ từ xưởng đóng tàu I (Hải Phòng) và tiếp nhận bổ sung cán bộ. Đêm ngày 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) lên đường đi Cà Mau, sau 8 ngày vượt biển tàu đã vào bến Vàm Lũng, 30 tấn vũ khí từ hậu phương miền Bắc đã được chiến trường miền Nam tiếp nhận an toàn. 

Để bảo đảm bí mật cho tuyến đường vận tải trong suốt 14 năm (1961 - 1975), những chiếc tàu của Đoàn 759 phải cải hoán thành tàu đánh cá, từ tàu buồm, tàu gỗ nhỏ đến tàu sắt trọng tải trên 50 tấn, 100 tấn, 200 tấn từ đi gần bờ đến đi xa bờ trên hải phận quốc tế. Không hải đồ, không thiết bị định vị, không có số hiệu cố định, dùng mực gỗ, cá gỗ ngụy trang, xen kẽ, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân địa phương trên biển với tên gọi bất tử “Đoàn tàu không số”. Với phương châm “Nhanh, nhiều, táo bạo, thận trọng, bí mật, an toàn”, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759 đã thực hiện 1.789 chuyến đi, vận chuyển, chi viện cho chiến trường miền Nam 152.876 tấn vũ khí, trang bị, 80.026 lượt cán bộ, chiến sĩ với đoạn đường gần 4 triệu hải lý; đồng thời, trực tiếp chiến đấu với trên 300 lượt tàu địch, bắn chìm 10 tàu; đánh trả 1.200 lượt máy bay địch tập kích, bắn rơi 5 chiếc; khắc phục được hơn 4.000 quả thủy lôi..., vượt qua mọi sóng gió và hiểm nguy, chở vũ khí, hàng hóa và nghĩa tình của đồng bào miền Bắc với quyết tâm giải phóng miền Nam ruột thịt, thống nhất Tổ quốc. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Lữ đoàn 125 cùng với các lực lượng đã tham gia giải phóng vùng biển, đảo của Tổ quốc, tiếp quản các căn cứ hải quân của ngụy quyền. Đặc biệt, đã trực tiếp tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

Thời gian sẽ qua đi nhưng những sự tích anh hùng, những huyền thoại của đoàn tàu không số mãi mãi ngời sáng trong trang sử oanh liệt của dân tộc ta như một thiên anh hùng ca bất tử, tô thắm truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc, Quân đội và Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, tiếp thêm sức mạnh cho các thế hệ phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Hương lúa ngát Biển Đông 

Trong huyền thoại của đoàn tàu không số có đóng góp không nhỏ của những người con quê lúa Thái Bình. Mỗi chuyến hải trình là một chiến công, kể cả những chuyến đi thành công và những chuyến đi chưa thật trọn vẹn được viết nên bởi những câu chuyện thần kỳ về lòng dũng cảm, đức hy sinh, tình đồng đội, sự tài trí xông pha nơi hiểm nguy, vượt qua sóng to gió lớn cùng sự phong tỏa ác liệt, vây ráp gắt gao của kẻ thù. 

Đến nay, tên người, tên đất theo hải trình của những chuyến tàu không số vẫn vẹn nguyên trong ký ức cựu chiến binh (CCB) Phạm Văn Bát, xã Đông Hợp (Đông Hưng). Với cương vị chính trị viên tàu, từng tham gia 10 chuyến vượt biển, ông Bát không quên những giây phút căng thẳng trực tiếp đấu trí với kẻ thù để hoàn thành nhiệm vụ. Đó là chuyến đi ngày 24/8/1970, tàu phiên hiệu 154 với biên chế 12 người, chở theo 6 cán bộ tăng cường cùng 58 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam được lệnh nhổ neo rời cảng K20 Thủy Nguyên (Hải Phòng). Trải qua sóng to gió lớn, liên tục chuyển hướng qua Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia trong tình trạng bị tàu khu trục Mỹ theo kèm liên tục. Từ hải phận Malaysia, tàu chuyển hướng, bắt hải đăng Hòn Khoai (Cà Mau) để vào bến Vàm Hố giao hàng theo kế hoạch đã định trước. Ngay khi vừa cập bến, phát hiện một số tàu chiến của địch đang hoạt động và neo đậu, tàu 154 tiếp tục chuyển hướng đi về Bạc Liêu, trời đã tảng sáng tàu vẫn chưa vào được đất liền, chưa xác định vị trí tập kết. Sau khi hội ý, phương án quay tàu ra hải phận quốc tế không khả thi, chính trị viên Phạm Văn Bát quyết định cho tàu tiếp tục vào bờ, nếu địch phát hiện sẽ tổ chức chiến đấu tại chỗ, hủy tàu, người nào còn sống sẽ cố gắng bơi vào bờ để bắt liên lạc. Thủy triều xuống mạnh, tàu chở hàng nặng buộc phải chạy vào một con rạch trong sông Gành Hào chặt cây, phủ bạt ngụy trang, tàu chỉ cách đồn địch chưa đầy 1km, máy bay trinh sát quần đảo liên tục trên đầu. Sau gần 1 ngày căng thẳng trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, chờ thủy triều lên, tàu 154 rời khỏi vị trí ẩn nấp, bí mật di chuyển trong đêm theo giao liên về cửa bến Vàm Hố bàn giao cán bộ và hàng hóa an toàn.

6 năm làm nhiệm vụ bí mật trên đoàn tàu không số với những lần cùng đồng đội giáp mặt, chiến đấu trực tiếp với quân thù trên biển mãi là quãng thời gian bi hùng trong đời CCB Ngô Quốc Huy, xã Thái Đô (Thái Thụy). Ngày 11/11/1970, ông và đồng đội bí mật xuất phát từ Hải Phòng trên tàu mang phiên hiệu 176 tăng viện vũ khí và cán bộ cho chiến trường miền Nam. Sau 4 ngày bị máy bay, tàu chiến địch phát hiện, liên tục đeo bám ngoài khơi, tàu 176 bất ngờ tăng tốc độ tiến vào cửa Cung Hầu, huyện Ba Tri (Bến Tre). Địch điều thêm 2 tàu chiến vây ráp tàu 176 cùng đội hình 6 tàu giăng sẵn trong bờ với dã tâm bắt sống cán bộ, chiến sĩ cùng vũ khí, khí tài quân sự của ta. 22 giờ ngày 21/11/1970, sau khi nổ súng ép tàu ta dừng lại không thành công, địch bắn thẳng lên đài chỉ huy tàu 176. Ông Huy cùng đồng đội quyết định chiến đấu tại chỗ, vừa nổ súng đánh trả vừa đâm thẳng vào tàu địch. Đội hình chiến đấu mong manh dưới bão đạn của kẻ thù, chỉ huy tàu hạ lệnh cho các thủy thủ rời tàu bơi vào bờ và ra lệnh cho nổ bộc phá hủy tàu, quyết không để tàu và vũ khí rơi vào tay địch. 13 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trong đó có liệt sĩ Phạm Đức Lương và Nguyễn Xuân Trình quê ở huyện Vũ Thư; 2 người bị địch bắt; ông Huy cùng 5 đồng đội bơi được vào bờ, bắt liên lạc và tiếp tục chiến đấu... 

Trong danh sách 117 liệt sĩ Lữ đoàn 125 có 12 người con quê lúa Thái Bình mãi mãi nằm lại biển khơi cho ngày non sông thống nhất. Những cái tên Phạm Đức Lương, Trần Đình Tú, Vũ Xuân Ruệ, Vũ Như Tòng... không thể cùng đồng đội đi trọn quãng đường, đã hóa thân vào sóng gió, mãi trở thành bất tử, khắc tạc nên con đường huyền thoại trên sóng nước Biển Đông. May mắn trở về sau chiến tranh, có những đồng đội từng một thời hoa lửa gắn bó với đoàn tàu không số đã nên duyên vợ chồng như gia đình CCB Hồ Nghĩa Thắng và Nguyễn Thị Nhung ở thị trấn Vũ Thư (Vũ Thư). 

Với hơn 200 cán bộ, chiến sĩ đã tham gia, đóng góp, phục vụ hoạt động của đoàn tàu không số và đường Hồ Chí Minh trên biển, năm 2001, Ban liên lạc Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Thái Bình được thành lập với trên 150 hội viên. Những người con quê lúa một thời thanh xuân cùng đồng đội đã dệt nên huyền thoại bằng tuổi thanh xuân, nhiệt huyết của mình cho ngày toàn thắng nay về với đời thường lại tiếp tục phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, thường xuyên có nhiều hoạt động thăm hỏi, tri ân đồng đội, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách đã có những đóng góp, hy sinh phục vụ hoạt động của đoàn tàu không số và đường Hồ Chí Minh trên biển.

Tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021) do Ban liên lạc Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Thái Bình vừa tổ chức, các đại biểu đã ôn lại lịch sử truyền thống và những chiến công huyền thoại của đoàn tàu không số. Ban tổ chức đã trao 21 suất quà trị giá 2 triệu đồng/suất tri ân các thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách đã có những đóng góp, hy sinh phục vụ hoạt động của đoàn tàu không số và đường Hồ Chí Minh trên biển.



Ông Phạm Văn Bát, Trưởng ban liên lạc Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Thái Bình 

Sau khi thành lập Ban liên lạc, những người đồng chí, đồng đội một thời cống hiến tuổi xuân tham gia đóng góp, phục vụ hoạt động của đoàn tàu không số và đường Hồ Chí Minh trên biển đã có thêm điều kiện kết nối, sẻ chia, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đây như nguồn động lực để chúng tôi tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, sống vui, sống khỏe, gương mẫu, tích cực tham gia, cống hiến, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.


Ông Vũ Xuân Trường, xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư

Tôi cùng đồng đội nhận nhiệm vụ bí mật vận chuyển vũ khí để chi viện đánh cảng Cửa Việt, từng đón tết Nguyên đán năm 1971 giữa lòng địch trong cận kề sinh tử nên thấu hiểu những mất mát, hy sinh của bao liệt sĩ để giữ vững huyết mạch đường Hồ Chí Minh trên biển, góp phần để đất nước độc lập, tự do và phát triển như ngày hôm nay. Tên tuổi các anh mãi mãi thành bất tử, như tấm gương sáng để thế hệ trẻ tự soi mình và suy ngẫm về nghĩa vụ, trách nhiệm đối với quê hương, đất nước.


Ông Đỗ Duy Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển công nghiệp Hải Hùng (thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ Thư)

Trở về với đời thường, tôi cùng đồng đội tiếp tục “chiến đấu” trên mặt trận sản xuất, kinh doanh, đóng góp một phần trí tuệ, công sức để phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với việc tạo việc làm, cải thiện đời sống cho nhiều lao động địa phương và con em đồng chí, đồng đội, chúng tôi luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, “Đền ơn đáp nghĩa”, đóng góp xây dựng nông thôn mới số tiền trên 3 tỷ đồng.



Đại tá Hoàng Hữu Sơn, Chính ủy Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân

Rất vinh dự và xúc động khi chúng tôi được gặp gỡ những CCB quê Thái Bình, nhân chứng lịch sử đã góp phần làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. Là thế hệ đi sau, đang công tác trong Quân chủng Hải quân, chúng tôi nguyện sẽ cố gắng học tập, phấn đấu để tiếp tục phát huy truyền thống, chiến công, thành tích của thế hệ cha anh đoàn tàu không số đã giành được, góp phần cùng Quân chủng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Văn Ngật, xã Minh Tân, huyện Kiến Xương

Là thân nhân liệt sĩ Nguyễn Trọng Chấp, hy sinh ngày 16/4/1972 trong quá trình chiến đấu phục vụ đoàn tàu không số, tuy đau thương mất mát song gia đình chúng tôi luôn tự hào vì những chiến công của anh tôi cống hiến cho tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Thay mặt gia đình, tôi bày tỏ lòng biết ơn tới Đảng, Nhà nước, Quân chủng Hải quân và các cấp chính quyền địa phương luôn quan tâm, động viên, bảo đảm các chế độ, chính sách cho gia đình.

 TRỊNH CƯỜNG - TIẾN ĐẠT