Thứ 6, 10/05/2024, 11:20[GMT+7]

Ngành Giáo dục: Biến thách thức thành cơ hội

Thứ 2, 08/11/2021 | 09:28:11
2,279 lượt xem
Phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học do ngành Giáo dục phát động và triển khai trong những năm qua đã khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, cán bộ trong công tác giảng dạy, giáo dục, quản lý, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập, rèn luyện và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành Giáo dục, các thầy cô giáo đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, phù hợp với tình hình thực tế.

Học sinh Trường THCS Bách Thuận (Vũ Thư) hào hứng với tiết học trên lớp.

Linh hoạt các hình thức dạy và học

Từ đầu năm 2020 đến nay, tại Thái Bình, học sinh đã 4 lần tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19. Chuyển sang dạy học trực tuyến là lựa chọn phù hợp bảo đảm việc củng cố kiến thức cũ và cung cấp kiến thức mới cho học sinh, đồng thời cũng bảo đảm an toàn sức khỏe cho các em. 

Ông Phạm Văn Từ, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian tạm dừng đến trường, tỷ lệ học sinh học trực tuyến cấp THCS đạt trên 80%, cấp THPT đạt trên 95%. Các cơ sở giáo dục đã chú trọng xây dựng nguồn học liệu cho việc học trực tuyến là một việc làm quan trọng khi triển khai dạy học theo hình thức này. Cụ thể, đối với cấp THPT đã xây dựng được 996 tài liệu PDF và 421 video; cấp THCS đã xây dựng được 4.044 tài liệu PDF và 1.477 video. Thực tế cho thấy, việc đổi mới hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến khi học sinh tạm dừng đến trường đã có tác động lớn đến chất lượng giáo dục, giúp người học theo được mạch bài giảng đạt được mục tiêu của bài học và môn học... Dạy học trực tuyến đã, đang trở thành xu thế tất yếu, nhiệm vụ chính trong các nhiệm vụ triển khai năm học để thích ứng với tình hình mới.

Bước vào năm học 2021 - 2022, mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố và ngay trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, ngành Giáo dục đã xây dựng các phương án, kịch bản sẵn sàng đối phó với mọi cấp độ dịch. Trong đó, xây dựng ít nhất 3 phương án dạy học phù hợp với tình hình, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 gồm: phương án dạy học trực tiếp; phương án dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, học theo ca, thực hiện giãn cách và phương án dạy học trực tuyến. Đối với mỗi phương án, ngành chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, học liệu và bố trí thời gian thực hiện phù hợp với điều kiện của nhà trường. Theo thống kê, trong tổng số 400 bài giảng điện tử hưởng ứng cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, riêng ngành Giáo dục Tiền Hải đã có đến 389 sản phẩm dự thi, trong đó đã chọn được 49 sản phẩm có chất lượng cao để làm nguồn học liệu cho ngành. 

Ông Lương Chiến Thành, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tiền Hải cho biết: Mỗi cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đều có nguồn học liệu của đơn vị. Nguồn học liệu này thường xuyên được cán bộ, giáo viên các tổ, nhóm chuyên môn bổ sung như bài giảng điện tử, bài giảng powerpoint, ngân hàng đề kiểm tra... Bên cạnh đó, Phòng đã thành lập tổ công nghệ thông tin để hỗ trợ các nhà trường trong việc thiết kế bài giảng khoa học, hợp lý.

Biến thách thức thành cơ hội

Ở tuổi 54, cô giáo Phạm Thị Hồng Diệp, giáo viên môn Toán, Trường THPT Tiên Hưng vẫn miệt mài mỗi ngày bên chiếc máy tính. Nhớ về khoảng thời gian giữa học kỳ II năm học 2020 - 2021, cô Diệp tâm sự: Trước đây, nhiều giáo viên mới dừng ở phương pháp trình chiếu trên lớp học trực tiếp, khi bước vào môi trường dạy học trực tuyến, thầy cô giáo có nhiều bỡ ngỡ. Đầu năm 2020, trước yêu cầu phải đổi mới để phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, tất cả giáo viên đều phải tự trau dồi kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin để đáp ứng việc dạy học trực tuyến. Ở thời điểm đó, tôi là một trong những giáo viên lớn tuổi nhất trường nên việc sử dụng công nghệ thông tin dạy học trực tuyến cho học sinh cũng có phần hạn chế hơn những giáo viên trẻ. Được sự trợ giúp từ các đồng nghiệp, tôi cũng dần tiếp cận và sử dụng thành thạo máy tính và các phần mềm hỗ trợ dạy học trực tuyến, tăng tương tác với học sinh. Khi trở lại trường dạy học trực tiếp, tôi cũng thường xuyên soạn những bài giảng hay để giúp các em dễ dàng tiếp thu kiến thức. “Cố gắng và cố gắng hơn nữa, học hỏi và học hỏi không ngừng” là bí quyết mà cô giáo Phạm Thị Hồng Diệp có được sau những ngày cùng đồng nghiệp và các em học sinh vượt khó vì dịch Covid-19.

Tinh thần tự học, nỗ lực vượt khó của cô giáo Phạm Thị Hồng Diệp là một minh chứng rõ nét cho việc biến thách thức thành cơ hội trong giáo dục. Hình ảnh một giáo viên ngay những năm tháng trước khi về hưu vẫn sẵn sàng thay đổi, không ngừng học hỏi để truyền tải kiến thức đến học sinh trong mọi hoàn cảnh, cũng chính là tinh thần của hàng vạn giáo viên các trường học trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. 

Cô giáo Phạm Thị Hồng Diệp, Trường THPT Tiên Hưng thường xuyên áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Thầy giáo Dương Thế Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tiên Hưng chia sẻ: Covid-19 đặt ra cho chúng tôi những thử thách, khi học sinh buộc phải nghỉ học để bảo đảm an toàn thì cũng là cơ hội để chúng tôi học hỏi và cùng vượt qua bằng sự chủ động và sáng tạo. Vất vả hơn rất nhiều nhưng hạnh phúc nhất là hiện nay, giáo viên của trường đã trưởng thành hơn, chủ động thay đổi, còn học sinh cũng tích cực hơn. 

Cùng quan điểm, ông Vũ Minh Quyết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vũ Thư cho rằng: Từ dịch Covid-19, giáo viên toàn ngành đã có sự thay đổi từ suy nghĩ đến hành động. Không chỉ giáo viên phổ thông biết sử dụng công nghệ thông tin để dạy học trực tuyến mà ngay cả những cô giáo mầm non cũng quay lại các video về bài học, cách chăm sóc, giáo dục trẻ. Mặc dù hiện nay, các trường đều tổ chức dạy học trực tiếp song việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy vẫn được các thầy cô giáo thường xuyên sử dụng. Đây vừa là phương pháp để nâng cao chất lượng giáo dục vừa là sự chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến của dịch.

Có thể thấy, từ một giải pháp tình thế, ngành Giáo dục đã biến thành cơ hội để chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số không chỉ áp dụng trong dạy và học mà toàn ngành đã áp dụng trong quản lý giáo dục hay tổ chức các hội nghị, tập huấn, hội thảo... Tinh thần chuyển đổi số đã thấm đến từng cán bộ, giáo viên, học sinh. 

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Bước vào năm học 2021 - 2022, toàn ngành kích hoạt các buổi họp, buổi tập huấn theo hình thức online. Việc dạy học trực tuyến đã không còn là giải pháp tình thế trong mùa dịch mà được công nhận là phương pháp dạy học chính thức trong nhà trường. Với những kinh nghiệm có được, ngành Giáo dục tiếp tục có bước tiến trong công cuộc chuyển đổi số, góp phần đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo.

Đặng Anh