Tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên báo Đảng
1.Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung tuyên truyền cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây là vấn đề không mới nhưng luôn mang tính thời sự, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, kiên quyết, kiên trì của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò - đồng thời là một trong những nhiệm vụ trọng yếu - của các cơ quan báo chí - truyền thông của Đảng.
Từ năm 1991 đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết về bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới, trong đó có công tác đấu tranh tư tưởng. Tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia đã thể hiện rõ về quan điểm, mục tiêu, chủ trương, nhiệm vụ trong văn kiện các Đại hội VII (1991), Đại hội VIII (1996), Đại hội IX (2001), Đại hội X (2006), Đại hội XI (2011) và Đại hội XII (2016). Trong các nhiệm kỳ Đại hội, Đảng ta đã ban hành một số Nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực quan trọng này như Nghị quyết Trung ương 8 Khóa IX về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết Trung ương 5 Khóa X về “Công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới”...
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa X của Đảng về “Công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới” đã nêu rõ: “Báo chí phải nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới…; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng”(1)
Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng chỉ rõ: “Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch”.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 Khóa XII nhấn mạnh: “... Chủ động chuẩn bị các phương án, biện pháp cụ thể, sát với tình hình; xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Chỉ đạo công tác đấu tranh tư tưởng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Những luận điệu của các thế lực thù địch và các phần tử phản động, cơ hội chính trị… tuy không có gì mới, nhưng nó được tung ra, truyền bá vào lúc này là hết sức độc hại, nguy hiểm, gieo rắc hoang mang, nghi ngờ, phân tâm, mất niềm tin trong nội bộ ta, tác động hòng làm đội ngũ ta “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”(2).
Đặc biệt, trước các hoạt động chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động cùng những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới" (Nghị quyết 35).
Nghị quyết 35nhấn mạnh: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.
Quán triệt Nghị quyết 35 tại Hội nghị Báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tháng 7/2019, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một trong những nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây là vấn đề mang tính quy luật. Không chỉ Đảng ta mà tất cả các Đảng Cộng sản, đảng cầm quyền và các chính đảng ở các nước đều đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng. Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Qua các giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đến vấn đề quan trọng này.
Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 35, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị cả hệ thống tuyên giáo phải tập trung làm tốt là: phát huy vai trò của báo chí truyền thông trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch...
Theo đó, lực lượng báo chí của cả nước nói chung và các cơ quan báo chí của Đảng đã và đang tập trung vào những nội dung: Thứ nhất, đấu tranh phê phán, phản bác các luận điệu phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin. Thứ hai, đấu tranh phê phán, phản bác các luận điệu tấn công vào tư tưởng Hồ Chí Minh. Thứ ba, đấu tranh phê phán, phản bác, vạch trần các luận điệu chống phá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thứ tư, đấu tranh phê phán, phản bác các luận điệu phủ nhận thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thứ năm, đấu tranh chống xuyên tạc lịch sử, phản bác các luận điệu “viết lại lịch sử”, hạ bệ thần tượng, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao.
Ngoài những nội dung đấu tranh trực tiếp “chính diện”, việc tăng cường các bài viết lý luận - thực tiễn trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các cơ quan báo chí của Đảng nhằm khẳng định, phản ánh những kết quả, thành tựu trên mọi lĩnh vực của công cuộc đổi mới; coi trọng giá trị quyền con người, quyền công dân; nêu gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kết quả đạt được trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... đã tích cực góp phần vào đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là quá trình liên tục trên cơ sở kế thừa, phát huy những nội dung đã tiến hành trước đây, nhưng luôn đòi hỏi phải đổi mới, cải tiến cho phù hợp với tình hình - đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ 4.0 hiện nay - nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh tư tưởng trước những phương thức, thủ đoạn chống phá mới của các thế lực thù địch.
Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, có thể nói, công tác đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong hệ thống báo chí của chúng ta còn thiếu “sức mạnh tổng thể”, chưa “tới tầm”, hạn chế về tính thuyết phục... Điều này khiến cho một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức sâu sắc và nhận diện được bản chất đúng - sai, tính chất xuyên tạc - phản động và âm mưu xấu độc của các quan điểm sai trái, thù địch; chưa có ý thức tự giác, chủ động đấu tranh, phê phán, phản bác, vạch trần mưu đồ của các phần tử cơ hội chính trị, phản động; chưa ngăn chặn, đẩy lùi, vô hiệu hóa, giảm thiểu được các tác động, ảnh hưởng của các quan điểm sai trái; niềm tin của không ít cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, với chế độ còn dao động.
Vì thế, làm thế nào để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên các ấn phẩm báo chí của Đảng, trong đó trọng tâm là các bài viết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là vấn đề tuy không mới, nhưng luôn mang tính cấp thiết, đòi hỏi phải có sự “cập nhật” thường xuyên, liên tục, nhất là trong tình hình hiện nay. Và tất nhiên, để tìm được câu trả lời - giải pháp cặn kẽ, cụ thể, khoa học là không hề dễ dàng.
2. Bên cạnh chức năng thông tin, tuyên truyền và là diễn đàn trao đổi lý luận - thực tiễn về những vấn đề liên quan đến tôn chỉ mục đích của mỗi tờ báo, tạp chí, nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng là một nhiệm vụ trọng tâm được quy định cụ thể trong chức năng nhiệm vụ của mỗi cơ quan báo chí Đảng.
Với các ấn phẩm in và điện tử, trong những năm qua, cùng với các cơ quan báo, tạp chí trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí Đảng đã tích cực chủ động tham gia vào quá trình bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Luôn bám sát định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương và sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng, cơ quan chủ quản, hệ thống báo chí Đảng thời gian qua đã tích cực triển khai xây dựng các chuyên trang, chuyên mục và thường xuyên đăng tải các tác phẩm, bài viết trực tiếp và gián tiếp đấu tranh phê phán, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, tập trung vào những chủ đề, vấn đề: Bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; khẳng định con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; phân tích, lý giải kinh tế thị trường định hướng XHCN và vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; quyết tâm đổi mới tư duy, phát triển lý luận của Đảng ta; quyết tâm của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; quyết tâm bảo vệ chủ quyền, biển, đảo của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; phê phán, phản bác các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; chống các biểu hiện lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để nói xấu chế độ; phê phán các biểu hiện coi thường những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc; đấu tranh với các biểu hiện lợi dụng danh nghĩa phản biện xã hội để chống lại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, lợi dụng những mặt trái, mặt tiêu cực của xã hội để đả kích, phê phán chế độ; đấu tranh phê phán, phản bác những biểu hiện xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử cách mạng, lịch sử đất nước…
Về phương thức, các tuyến tác phẩm phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được thể hiện dưới những thể loại chính luận, bình luận, phản ánh hoặc phiếm chỉ.
Các tác phẩm chính luận tập trung khẳng định quan điểm của Đảng, các thành tựu của đất nước, nhất là thành tựu trên các lĩnh vực mà kẻ địch thường dễ lợi dụng để tấn công, phê phán chúng ta. Ví dụ, thành tựu về phát triển hệ thống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đây là những tác phẩm có tính tổng kết, nhân dịp kỷ niệm hoặc những sự kiện quan trọng của đất nước. Đó còn là những tác phẩm chính luận phân tích quan điểm của Đảng, Nhà nước ta như vấn đề nhân quyền, dân chủ, vấn đề cung cấp thông tin cho nhân dân…
Các tác phẩm phản ánh ngoài việc thông tin về những kết quả, thành tựu đạt được trên mọi lĩnh vực kinh tế - chính trị, quốc phòng - an ninh, văn hóa - xã hội của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, còn có tác dụng gián tiếp phản bác, chống lại các luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc.
Các tác phẩm bình luận, chính luận thể hiện sự chủ động, tích cực tiến công của chúng ta nhằm vạch trần và phê phán, đả kích các quan điểm xuyên tạc, bóp méo của kẻ địch.
Việc sắp xếp, bố trí theo chuyên mục, chủ đề tập trung (như "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, “Chống Diễn biến hòa bình”…), các tác phẩm, bài viết còn được bố trí “lồng ghép” “đan xen” ở nhiều chuyên mục khác nhau như Văn hóa - Xã hội, Nghiên cứu - Trao đổi, Thực tiễn - Kinh nghiệm, Sinh hoạt tư tưởng, Cùng suy ngẫm... Điều này xuất phát từ thực tiễn: Lượng tác phẩm đấu tranh trực tiếp phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thường rất “khắt khe” về yêu cầu chất lượng nội dung cũng như đòi hỏi “hàm lượng khoa học” cao trong dẫn chứng, lập luận, lý giải… vì thế rất “kén” tác giả, cộng tác viên, nên nếu để riêng chuyên mục sẽ khó duy trì thường xuyên.
Ví dụ, với Tạp chí Tuyên giáo, ngoài những bài viết theo kế hoạch và "phản ứng nhanh" - cập nhật trước những vấn đề "nóng" mà các thế lực thù địch, phản động lợi dung để xuyên tạc, chống phá; số lượng, phân bổ bài viết nhìn chung đã được triển khai tương đối đều theo từng số Tạp chí in và theo "thời lượng" trên Tạp chí điện tử. Bên cạnh số bài viết mới (chiếm 40% trên cả hai ấn phẩm), số bài còn lại được khai thác "đan xen" chọn lọc, phù hợp từ các báo, tạp chí có thế mạnh, uy tín. Sự chênh lệch giữa lượng bài viết mới và bài viết khai thác do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do chuyên mục đặc biệt “kén” người viết. Số cây viết “sở trường” lĩnh vực này lại tham gia cộng tác ở nhiều báo, tạp chí khác nhau, nhiều bài viết có nội dung khá trùng lắp. Chính vì vậy, việc Tạp chí tìm các bài viết hay, có sức hấp dẫn, thuyết phục và chiến đấu cao trên các báo, tạp chí khác, đặc biệt là báo Quân đội Nhân dân, Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Xây dựng Đảng, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam… để đăng tải, cũng góp phần tuyên truyền đậm nét và tạo sức lan tỏa cao cho những bài viết có giá trị này.
Về cơ bản, tuyến tác phẩm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên báo chí Đảng thời gian qua đã được nâng cao về số lượng và chất lượng. "Mật độ" bài viết trên cả các loại hình ấn phẩm ngày càng đều, đầy đặn và bố trí hợp lý hơn; nội dung ngày càng hấp dẫn, thuyết phục hơn (thể hiện qua sự "đo đếm" từ phản hồi và lượng "view" của bạn đọc). Tính hiệu quả được nâng lên, thể hiện ở một số khía cạnh:
Thứ nhất, góp phần định hướng dư luận xã hội. Thông qua hai phương thức cơ bản nhất là thông tin và bình luận, các tác phẩm đăng tải trên báo chí Đảng đã góp phần định hướng dư luận xã hội trước những vấn đề thực tiễn.
Trong bối cảnh sự hội tụ công nghệ thông tin truyền thông cho phép bất cứ ai cũng có thể đưa được thông tin lên mạng, kể cả các thông tin không được kiểm chứng. Cùng với hệ thống báo chí cách mạng, báo chí Đảng luôn cố gắng thể hiện vai trò của mình trong việc đưa dòng thông tin chủ lưu, chính thống, có kiểm chứng, có trách nhiệm tới công chúng, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị.
Thực tế cho thấy, việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thực chất là đấu tranh về chính trị, lý luận. Vì vậy, mũi nhọn phải chĩa vào các thế lực thù địch, dù núp bóng hay công khai lộ diện. Nhưng các tác phẩm trên nhiều ấn phẩm báo chí Đảng trước hết không phải để các thế lực chống đối, thù địch đọc và nghe mà là để giáo dục, thuyết phục đông đảo quần chúng, bạn đọc nhận rõ bộ mặt thật quan điểm sai trái, thù địch ấy, từ đó trang bị cho họ vũ khí đấu tranh, chống lại nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta(3).
Do đó, một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là chất lượng các tác phẩm, bài viết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, qua đó giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ tính phản khoa học, phản sự thật của các quan điểm sai trái, thù địch và “miễn dịch” với các quan điểm đó. Có hai cách thức để vạch rõ các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch: Thứ nhất, cách trực diện, phê phán, phản bác trực tiếp các quan điểm sai trái, thù địch đó, vạch rõ bản chất, bộ mặt thật của các phần tử phản động. Thứ hai, gián tiếp phê phán, phản bác các quan điểm đó, bằng việc đưa các thông tin có định hướng về vấn đề, về lĩnh vực mà các thế lực thù địch tấn công. Thời gian qua, báo chí Đảng đã làm tốt cả hai cách làm này, với nhiều mảng bài viết có tính “hỗ trợ” nhau, tạo nên hiệu quả tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội, nâng cao nhận thức của công chúng.
Thứ hai góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào hệ thống chính trị. Hệ thống các bài viết trên các ấn phẩm báo chí Đảng nói chung và các bài viết theo mảng đề tài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói riêng đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới, vào sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước.
Có một vấn đề đặt ra là, muốn bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng thì phải đấu tranh phản bác đúng và có sức thuyết phục đối với các loại quan điểm sai trái thù địch. Muốn vậy, trước hết phải nhận diện cho đúng các loại quan điểm ấy. Có thể có những quan điểm sai trái nhưng không hẳn là thù địch. Nhưng đã là quan điểm thù địch thì đương nhiên không thể không sai trái. Vì vậy, cần nhận thức rõ ràng để “không xếp vào loại quan điểm sai trái, thù địch việc phê bình, chỉ trích, thậm chí phê phán gay gắt các sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước nhưng trong tinh thần xây dựng chứ không phải chống đối, phá phách, cơ hội chủ nghĩa”(4).
Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, chất lượng nội dung tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên các ấn phẩm báo chí Đảng thời gian qua cũng còn không ít hạn chế, bất cập. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” khẳng định: “chưa chủ động và thiếu giải pháp phù hợp để định hướng thông tin trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ. Việc quản lý thông tin còn lỏng lẻo, thiếu giải pháp đủ mạnh để đấu tranh có hiệu quả với các thông tin sai lệch, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị”(5).
Một số cơ quan báo chí Đảng còn thiếu tính chủ động, kịp thời trong đấu tranh phản bác. Trước những luận điệu sai trái, xuyên tạc, kích động cần phải được “đáp trả” nhanh chóng, nhưng ở một số thời điểm vẫn chậm trong triển khai đặt bài, viết bài, xây dựng tác phẩm đấu tranh phê phán, phản bác. Thiếu những tác phẩm “phản ứng tức thời” có chất lượng cao. Chưa có những kế hoạch dài hơi, chưa triển khai được các bài viết có tính tương tác để lôi cuốn công chúng tìm hiểu...
Tác phẩm chính luận còn thiếu sức thuyết phục do mang tính độc thoại một chiều. Nhìn chung, vẫn có không ít tác phẩm, bài viết đăng tải trên báo chí Đảng, đặc biệt là những bài viết lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin, thường mang tính minh họa, hay “bảo vệ” đơn thuần. Nội dung một số bài viết còn nhiều phần khiên cưỡng, nặng về “tụng ca” và hoài niệm, độc thoại một chiều là chủ yếu, khả năng nghiên cứu độc lập, sáng tạo bị hạn chế, ít có các kết quả, ý kiến mới được nghiên cứu một cách công phu, nghiêm túc. Chưa có nhiều bài viết phê phán, phản bác trực tiếp các quan điểm sai trái, thù địch theo cách “trực diện”, nên tính thuyết phục, sức hấp dẫn của các bài viết không cao, đôi khi gây nhàm chán cho người đọc.
Vẫn còn một số lượng không nhỏ các bài viết chung chung, mang tính tuyên truyền một chiều, chưa thể hiện sự sắc sảo, tính chiến đấu cao về nội dung.
Các thể loại báo chí được sử dụng còn đơn điệu nên chưa tạo hiệu ứng, lôi cuốn, cổ vũ bạn đọc. Các tác phẩm thuộc chủ đề - nội dung này trên nhiều ấn phẩm báo chí Đảng vẫn đa phần là chuyên luận, bình luận với ngôn ngữ bác học, nặng về lý luận. Các thể loại báo chí thế mạnh như: phỏng vấn, ghi chép, phiếm chỉ… ít được sử dụng. Một số bài đôi khi còn nặng về thời sự trực tiếp, thiếu cơ bản và tính hệ thống, chưa có luận cứ khoa học vững chắc cũng như chưa có cách thể hiện thật phong phú, sinh động, có khi còn lúng túng và bị động trong việc phản bác lại những luận điệu phản tuyên truyền của các thế lực thù địch.
Các bài viết bình luận, chuyên luận là thế mạnh của các Tạp chí, của các cây viết lâu năm, nhưng đồng thời cũng là các thể loại rất “kén” độc giả, không phải ai cũng thích, cũng hiểu hết nội dung của những dạng bài kể trên. Chính vì vậy, để có thể cung cấp các luận cứ, luận điểm trong phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho cán bộ, đảng viên và đông đảo bạn đọc, cần có sự thể hiện dưới các thể loại báo chí khác nhau.
Tính gắn kết giữa các bài viết trong cùng một chủ đề trên các chuyên mục của mỗi ấn phẩm báo chí, vào nhiều thời điểm chưa tốt, dễ dẫn đến những cái nhìn biệt lập, khó hình dung ra toàn bộ sự kiện, dẫn đến tác dụng tuyên truyền, giáo dục của báo chí chưa cao. Nếu như với cùng một chủ đề bảo vệ nền tảng, đấu tranh phản bác một quan điểm thù địch, sai trái nào đó, trong một ấn phẩm (nhất là ấn phẩm điện tử) có sự liên kết thành một chùm bài, thậm chí có thể có thông báo trên các ấn phẩm cho độc giả về tính hệ thống của vệt bài ấy thì sẽ thu hút được nhiều độc giả hơn, hiệu quả tuyên truyền sẽ cao hơn.
3. Trong tình hình hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của báo chí, nhất là báo mạng điện tử, cũng như các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook đã tác động mạnh mẽ tới dư luận xã hội. Thông tin đa dạng, phong phú, nhiều chiều, trong đó có cả những thông tin tích cực, có giá trị định hướng dư luận xã hội, nhưng cũng có không ít thông tin tràn lan trên mạng xã hội, trên các trang thông tin điện tử, báo mạng điện tử đặt công chúng trước sự hoang mang, lo sợ, mất định hướng và niềm tin. Các thế lực thù địch tận dụng điều này để tung ra các thông tin phản động, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như các thành quả của công cuộc đổi mới.
Thực tiễn hiện nay cho thấy, trong điều kiện bùng nổ thông tin như vậy, trước những vấn đề "nóng" và bức xúc, tâm lý của khá nhiều độc giả, cũng như cán bộ, đảng viên và nhân dân tìm kiếm sự định hướng thông tin từ báo chí chính thống. Trong đó, công chúng cũng đặc biệt quan tâm tìm kiếm thông tin định hướng trên các ấn phẩm báo chí Đảng để biết rõ quan điểm của các cơ quan chức năng và Ban Tuyên giáo Trung ương trước những vấn đề "nóng", bức xúc như thế nào. Nhu cầu này của công chúng là chính đáng. Điều này đòi hỏi báo chí Đảng bên cạnh tuyến tác phẩm tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải không ngừng tăng cường đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đồng thời phải nhạy bén, kịp thời cung cấp thông tin - chuyển tải thông điệp có giá trị định hướng, giúp công chúng có cái nhìn chính xác, khách quan và chân thực.
Trong thời gian tới, đặc biệt là trước, trong và sau khi diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, những luận điểm chủ yếu trong các quan điểm sai trái, thù địch chắc chắn sẽ tiếp tục tập trung vào những lĩnh vực: tiếp tục kích động, reo rắc tâm lý “bài Mác - Lênin”, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh; tăng cường xuyên tạc tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam, phủ nhận những thành tựu to lớn của nhân dân ta trong quá trình đổi mới, đồng thời thổi phồng những yếu kém, khuyết điểm của Nhà nước ta trong quản lý kinh tế xã hội; xuyên tạc lịch sử, "hạ bệ thần tượng", phủ nhận những thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước; xuyên tạc vu cáo tình hình thực tế Việt Nam, nhất là vấn đề dân chủ, nhân quyền; tăng cường tung các quan điểm thù địch tác động vào nội bộ ta, xuyên tạc công tác nhân sự Đại hội, dựng chuyện có phe phái trong Đảng nhằm làm cho nội bộ ta nghi ngờ lẫn nhau và nhân dân nghi ngờ Đảng; lợi dụng Đảng ta đang tiến hành thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tiến hành xử lý các vụ án tham nhũng... để xuyên tạc, công kích...
Trong tình hình mới, để tiếp tục tăng cường, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên các báo chí Đảng, các cơ quan quản lý, chủ quản và cơ quan báo chí cần triển khai nghiêm túc, tích cực, đồng bộ một số giải pháp trọng tâm:
Một là, thường xuyên quán triệt và thực hiện có chất lượng, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch… liên quan đến lĩnh vực này, đặc biệt là Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới"; Kế hoạch 01-KH/BCĐTW, ngày 10/2/2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương 35…
Từ Đại hội XI, qua Đại hội XII của Đảng cho đến nay, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nổi lên với vị trí là nhiệm vụ then chốt trong sự nghiệp cách mạng và đổi mới của chúng ta. Các nghị quyết Hội nghị Trung ương từ khóa XI và XII đã tác động sâu sắc đến toàn từng tổ chức và các cá nhân trong Đảng. Trong khi khẳng định thành tựu đạt được Trung ương cũng cảnh báo rằng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên dẫn tới “tự diễn biến, tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Có nghĩa là lằn ranh giữa sai trái và thù địch là hết sức mỏng manh.
Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ cùng với sự phát triển bùng nổ của mạng Internet, cách mạng xã hội toàn cầu và những vấn đề nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường, các thế lực thù địch, phản động có những chiêu thức, thủ đoạn mới chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng còn những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Với việc nêu lên rõ ràng định hướng về mục tiêu, quan điểm chỉ đạo cùng 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Nghị quyết 35 NQ/TW đã thật sự trang bị cho toàn Đảng ta một vũ khí sắc bén để tiến hành mạnh mẽ hơn nữa việc “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Hai là, phải xác định hiệm vụ tuyên truyền về cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay của hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam không thể thiếu và tách rời nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong cuộc đấu tranh đó, cùng với “ngọn cờ đầu là tuyến bài chuyên luận lý luận chính trị chuyên sâu, bẻ gãy từ gốc những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch, cần kíp được chú trọng đầu tư thích đáng và phủ ngày càng nhiều lên không gian mạng, thông qua nền tảng các tạp chí lý luận và chính trị điện tử có chất lượng”(6), cũng cần quan tâm đến nhiều loại hình báo chí - tuyên truyền khác để tạo sự đa dạng, đa diện và phù hợp với nhiều đối tượng người đọc, người xem, người nghe.
Bên cạnh những tác phẩm, bài viết mang “chất lý luận” với văn phong chính luận, chân phương, khoa học... thì những dạng thức tuyên truyền phiếm chỉ khác như tiểu phẩm, châm biếm, hài hước... cũng nên cân nhắc sử dụng đan xen vào các loại hình báo chí hiện đại khác để tăng tính hấp dẫn, thu hút người đọc, người xem.
Ba là, từng bước xây dựng, nâng cấp các ấn phẩm báo chí điện tử thành phương tiện chủ lưu nhằm cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện tới người đọc, người nghe, người xem; tạo hiệu ứng lan tỏa thông qua các ứng dụng mạng xã hội và website. Song song với các ấn phẩm báo chí in, báo chí điện tử phải xây dựng được những kế hoạch dài hơi trong các tuyến báo bảo vệ nền tảng, đấu tranh phản bác; triển khai được các bài viết có tính tương tác hoặc tạo những chuyên mục hỏi - đáp để lôi cuốn công chúng tìm hiểu...
Việc tận dụng ưu thế của mạng Internet và ấn phẩm điện tử để tạo sức lan tỏa, tạo sự tương tác với bạn đọc trong bảo vệ nền tảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nếu không được phát huy cao độ, sẽ dẫn tới có những bài viết công chúng không biết và không tiếp cận được để có thể nâng cao nhận thức, tăng sức đề kháng trước các quan điểm sai trái, thù địch, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Bốn là, không ngừngmở rộng mạng lưới cộng tác viên chuyên gia, thường xuyên bồi dưỡng - nâng cao tay nghề, kỹ năng, trình độ công nghệ cho đội ngũ cán bộ, phóng viên - nhà báo trong mỗi cơ quan báo chí Đảng để tiến độ, dung lượng, chất lượng tuyên truyền đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch “cân bằng” được với phương thức tuyên truyền, chống phá đa dạng, nhanh nhạy của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong tình hình mới.
Chất lượng nội dung hạn chế, thiếu sắc bén, thiếu sức thuyết phục đang mâu thuẫn với sự linh hoạt, phong phú, đa dạng của các luận điệu sai trái, thù địch. Nội dung bảo vệ nền tảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên báo chí Đảng vừa qua vẫn còn không ít các bài viết có nội dung chung chung, nhắc lại số liệu, dẫn chứng cũ, thiếu sức thuyết phục; cách viết theo lối mòn, dài dòng, diễn đạt thiếu hấp dẫn và thiếu sức thuyết phục. Số lượng bài viết trực diện đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra.
Trong khi đó, ngược lại, các luận điệu sai trái, thù địch lại linh hoạt trong cách thức thể hiện, đa dạng về nội dung phản động. Minh họa cho các luận điệu sai trái là hình ảnh, video clip được chúng cắt ghép, dựng lên, lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng Internet. Sự mâu thuẫn này nếu không kịp thời giải quyết sẽ làm giảm sút nghiêm trọng hiệu quả tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng mà chúng ta đã tiến hành trong thời gian qua.
Năm là, tăng cường gắn kết trong tổ chức lực lượng tham gia viết bài - "ứng chiến" kịp thời với các quan điểm sai trái, thù địch.
Tính gắn kết và phối hợp giữa các cơ quan báo chí Đảng trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn hạn chế. Việc đấu phản bác các quan điểm sai trái, thù địch mới chỉ tập trung vào một số cơ quan báo chí chủ lực như Báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tạp chí Cộng sản…Trong phạm vi nhỏ hơn, các tạp chí trong khối các cơ quan Đảng Trung ương, như Tạp chí Tuyên giáo, Xây dựng Đảng, Dân vận, Kiểm tra, Đối ngoại… cũng chưa có sự kết nối, phối hợp trong đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái nói riêng.
Trong khi thực tiễn, đòi hỏi có những thời điểm cần sự hiệp đồng tác chiến, kịp thời, đồng bộ, sắc sảo giữa các cơ quan báo chí cách mạng nói chung, báo chí Đảng nói riêng để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quá trình bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch.
Tóm lại, thực tiễn việc tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên các báo Đảng nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới đã, đang đặt ra ba vấn đề cơ bản cần phải giải quyết: Thứ nhất, tư duy về phương thức tiến hành bảo vệ nền tảng, đấu tranh phản bác chậm đổi mới đang mâu thuẫn với phương thức tuyên truyền, chống phá đa dạng, nhanh nhạy của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Thứ hai, việc tổ chức lực lượng tham gia viết bài còn hạn chế, thiếu gắn kết đang mâu thuẫn với yêu cầu “ứng chiến” kịp thời để phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Thứ ba, chất lượng nội dung hạn chế, thiếu sắc bén, thiếu sức thuyết phục đang mâu thuẫn với sự linh hoạt, phong phú, đa dạng của các luận điệu sai trái, thù địch../.
_______________________________
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị Trung ương 5 khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2016. tr, 35.
(2) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt để phát triển đất nước, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2017, tr. 33.
(3) (4) Hà Đăng: Làm gì để nâng cao chất lượng mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” trên Tạp chí Tuyên giáo?, tham luận tại Tọa đàm “Nâng cao chất lượng bài viết phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên Tạp chí Tuyên giáo” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, tháng 11/2019.
(5) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr. 27.
(6) TS. Lê Hải: Xây dựng hệ bài chuyên luận đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên tạp chí điện tử - nghiên cứu trường hợp Tạp chí Cộng sản điện tử.
Lê Huy Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Tuyên giáo
Theo: dangcongsan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả 05.11.2024 | 14:15 PM
- Chống lãng phí - Thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm 30.10.2024 | 15:58 PM
- Quỳnh Phụ: Quán triệt, triển khai các văn bản về đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030 26.09.2024 | 17:45 PM
- Hưng Hà: Quán triệt, triển khai các văn bản về đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030 26.09.2024 | 17:55 PM
- Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư kiểm tra theo kế hoạch đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳnh Phụ 25.09.2024 | 17:48 PM
- Quy định 144-QĐ/TW: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới 04.07.2024 | 08:58 AM
- Họp báo phát động cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ tư năm 2024 24.01.2024 | 15:51 PM
- Phát huy vai trò của báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch 18.12.2023 | 15:50 PM
- Đảng ủy Quân sự thành phố: Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị 09.05.2023 | 19:34 PM
- Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 22.04.2023 | 21:43 PM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam