Thứ 5, 25/04/2024, 21:15[GMT+7]

Ghế an toàn trên ôtô - thiết bị bảo vệ mạng sống con trẻ

Thứ 5, 09/12/2021 | 10:23:49
1,658 lượt xem
Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới bắt buộc trẻ em đi ôtô phải ngồi ghế riêng, một số nơi lại phó mặc ý thức của phụ huynh.

Trẻ em trong độ tuổi theo quy định ngồi ghế riêng phù hợp trên ôtô. Ảnh: Turbo

Kiểu ghế riêng được thiết kế để lắp trên ôtô nhằm bảo vệ trẻ em không bị thương hoặc thậm chí thiệt mạng trong trường hợp xe gặp tai nạn. Việc chọn ghế sẽ dựa vào độ tuổi, cân nặng và/hoặc chiều cao của trẻ tùy theo những quy định của mỗi nơi.

Những chiếc ôtô đầu tiên được sản xuất vào đầu những năm 1900, sau đó đã có nhiều thay đổi và điều chỉnh nhằm bảo vệ tài xế và người trên xe. Đến đầu những năm 1930, những chiếc ghế trẻ em được sản xuất nhưng với mục đích ban đầu không phải để bảo vệ, mà giúp trẻ ngồi cao hơn để phụ huynh dễ nhìn thấy hơn qua gương chiếu hậu.

Đến 1962, hai thiết kế ghế trẻ em với mục đích rõ ràng là bảo vệ trẻ được phát triển độc lập. Nhà sáng chế người Anh, Jean Ames, tạo ra kiểu ghế đặt quay mặt ra sau với dây đai kiểu chữ Y tương tự các mẫu ngày nay. Còn Leonard Rivkin, người Mỹ, thiết kế ra loại ghế đặt quay mặt ra phía trước với khung kim loại.

Đến cuối những năm 1960, ghế trẻ em trên ôtô được bán ra nhưng ít phụ huynh sử dụng.

Tiêu chuẩn đầu tiên về ghế trẻ em trên ôtô được lập ra năm 1971, bởi Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA), yêu cầu ghế phải được chằng giữ bởi dây an toàn, nhưng chưa có thử nghiệm va chạm với thiết bị này. Từ 1985, luật an toàn đầu tiên được thông qua, buộc phụ huynh phải cho con ngồi ghế riêng khi đi ôtô.

Vị trí tốt nhất cho ghế trẻ em là ở giữa hàng ghế sau. Ảnh: Baby Mode

Vị trí tốt nhất cho ghế trẻ em là ở giữa hàng ghế sau. Ảnh: Baby Mode

Những năm 1990 chứng kiến sự xuất hiện quan trọng của ISOfix - hệ thống móc cài ghế trẻ em trên ôtô (LATCH). Đến 2003, LATCH mới trở thành trang bị bắt buộc theo luật tại Mỹ.

Ngoài kiểu ghế đầy đủ (thường dành cho trẻ đến 6 tuổi), trẻ em có thể chỉ cần ngồi trên phần đệm dưới (booster) nếu cân nặng trên 18 kg, nhằm nâng chiều cao cho trẻ để sử dụng được dây an toàn cho người lớn. Luật đối với booster được áp dụng tại Mỹ từ năm 2000.

Đến nay, ghế trẻ em trên ôtô là bắt buộc tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tùy từng nơi, quy định cụ thể có khác nhau.

Tại một số quốc gia, như Australia và Mỹ, cấm đặt ghế trẻ em kiểu quay mặt ra sau ở hàng ghế trước có túi khí. Khi đó, phần đầu của trẻ rất gần với túi khí và khi túi khí bung có thể gây thương tích hay thậm chí chết người. Một số mẫu xe hiện đại có tính năng khóa túi khí ở ghế lái phụ cho mục đích sử dụng ghế trẻ em.

Trẻ lớn, khoảng từ 18 kg, có thể ngồi trên bệ để nâng chiều cao giúp phù hợp với dây an toàn của xe. Ảnh: CNT-nar

Trẻ lớn, khoảng từ 18 kg, có thể ngồi trên bệ để nâng chiều cao giúp phù hợp với dây an toàn của xe. Ảnh: CNT-nar

Trẻ dưới hai tuổi thường được khuyến nghị ngồi ghế đặt quay mặt ra sau và ghế nên đặt ở giữa hàng ghế sau.

Theo một nghiên cứu từ dữ liệu tai nạn xe hơi ở 16 bang tại Mỹ, trẻ dưới 3 tuổi có nguy cơ bị thương thấp hơn 43% nếu ghế của trẻ được đặt ở giữa hàng ghế sau so với những vị trí khác. Kết quả dựa trên dữ liệu từ 4.790 vụ tai nạn liên quan đến trẻ dưới 3 tuổi trong thời gian 1998-2006. Cũng theo đó, phần giữa hàng ghế sau là nơi an toàn nhất nhưng lại ít được sử dụng nhất.

Trẻ em không cần ngồi ghế riêng khi đi ôtô tùy thuộc quy định mỗi nơi, với tối đa là 14 tuổi.

Theo vnexpress.net