Thứ 6, 29/03/2024, 17:12[GMT+7]

60 năm hòa nhịp dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam Kỳ 4: Định hướng đắc lực về tiếp tục đổi mới, hội nhập

Thứ 4, 29/12/2021 | 08:22:14
2,168 lượt xem
Sau 5 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cùng với cả nước, Thái Bình đã giành được một số kết quả bước đầu song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nếu như những năm đầu 1990 là sự chao đảo của các đơn vị kinh tế thì những năm 1997 - 1998 lại là sự mất ổn định nông thôn diễn ra ở nhiều địa phương. Báo Thái Bình vẫn bám sát các định hướng, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, tích cực tuyên truyền các nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là giữ vững ổn định chính trị, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nguyệt san Thái Bình.

Định hướng tích cực về đổi mới

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII diễn ra cuối tháng 6/1991 đã thông qua chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 với mục tiêu tổng quát: Đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, phấn đấu vượt qua tình trạng nước nghèo và kém phát triển. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV năm 1991 đề ra nhiệm vụ trọng tâm: Giữ vững ổn định chính trị, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung sức phát triển nhanh nền kinh tế hàng hóa, trọng tâm là sản xuất nông nghiệp... 

Trước những đòi hỏi về công tác tuyên truyền, cuối năm 1991, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có cuộc làm việc với Báo Thái Bình về sự cần thiết phải đổi mới tờ báo. Báo Thái Bình được tăng biên chế lên gần 30 người, duy trì xuất bản 2 kỳ báo/tuần; từ đầu năm 1992 kỳ báo ra thứ bảy tăng lên 8 trang. Nhiều chuyên mục tiếp tục được duy trì và xây dựng mới phù hợp với tình hình như: xây dựng Đảng, sinh hoạt tư tưởng, vấn đề hôm nay, mỗi tuần một chuyện, kinh tế - tiền tệ - ngân hàng, gương sản xuất giỏi, chiến sĩ an ninh kể chuyện, tin trong nước, quốc tế...

Bám sát định hướng của tỉnh, Báo tập trung tuyên truyền công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới sinh hoạt đảng; phản ánh các vấn đề trọng tâm của sản xuất nông nghiệp như: chuyển đổi cơ cấu giống lúa, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, nâng cao vai trò tự chủ của người nông dân trong sản xuất, xây dựng nông thôn mới, gương sản xuất giỏi... Sau 5 năm xóa bỏ bao cấp, từng bước chuyển sang tự hạch toán, các đơn vị kinh tế quốc doanh đứng trước thử thách gay gắt, chưa đủ sức cạnh tranh, phát huy vai trò chủ đạo trên thị trường, nhiều đơn vị kinh tế quốc doanh trong tỉnh hoạt động thua lỗ, không thể trụ vững. Phải đổi mới thì mới tồn tại và phát triển, đó là bài toán đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh. 

Nhà báo Hoàng Duy Phán, nguyên phóng viên Phòng Kinh tế, Báo Thái Bình chia sẻ: Hầu hết phóng viên đều ít có người được học và am hiểu về kinh tế, khái niệm kinh tế thị trường cũng còn mới mẻ; song bằng kinh nghiệm nghề nghiệp và tinh thần tự học hỏi, xông xáo nắm bắt thực tế, phóng viên Báo Thái Bình đã thực hiện nhiều bài viết về sắp xếp lại bộ máy, lực lượng lao động, chuyển hướng sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa ngành nghề… Những kinh nghiệm hay trong tháo gỡ khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh của các đơn vị như: Xí nghiệp Cơ khí Đoàn kết, Nhà máy Xe đạp Thái Bình, Công ty Vật liệu chất đốt... được Báo biểu dương, cổ vũ đã tạo thêm niềm tin, cú hích cho các đơn vị kinh tế về đổi mới cơ chế trong thời điểm đó. 

Bà Nguyễn Thị Hiền, nguyên Phó Giám đốc Công ty Thương nghiệp tỉnh cho biết: Trước những khó khăn khi đối mặt với cơ chế thị trường, các đơn vị nhanh nhạy thì thích ứng, thậm chí phát triển nhanh, những đơn vị chậm đổi mới vẫn muốn quay về cơ chế được Nhà nước bao cấp, chưa chấp nhận thay đổi. Vì vậy, dưới tác động tuyên truyền, cổ vũ, nêu gương của báo chí, đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong tỉnh là Báo Thái Bình, các đơn vị cũng dần vỡ vạc, nhận thấy phải đổi mới để thích ứng cơ chế mới, qua đó đóng góp nhanh vào tiến trình cổ phần hóa của các đơn vị kinh tế quốc doanh trong tỉnh.

Cũng trong giai đoạn đầu của thời kỳ mở cửa, như đã cảnh báo, chúng ta được đón những làn gió mát đồng thời cũng phải hứng chịu những bụi bặm và âm thanh xô bồ từ bên ngoài tác động, vì vậy các vấn đề xã hội mới phát sinh như ma túy, số đề, karaoke không lành mạnh... đã được Báo Thái Bình phản ánh qua các tác phẩm của đội ngũ phóng viên và cộng tác viên. Thời điểm này, trên các trang báo xuất hiện nhiều quảng cáo, rao vặt, báo hiệu cho một thời kỳ kinh tế mở cửa đồng thời cũng phát sinh các vấn đề xã hội mới phức tạp hơn, đặt ra đòi hỏi cao hơn trong công tác tuyên truyền, định hướng xã hội của báo chí.

Góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, ổn định chính trị, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Đến năm 1995, kinh tế Thái Bình có bước tăng trưởng khá, tổng sản phẩm của tỉnh tăng 79% so với năm 1990. Tháng 4/1996, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Bám sát nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, Báo Thái Bình tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm mà tỉnh đề ra. Trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Thái Bình nổi bật với phong trào xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn “điện, đường, trường, trạm”, tuy nhiên đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế trong lãnh đạo, triển khai. Ở không ít địa phương xuất hiện tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo cán bộ tham nhũng, tiêu cực trong quản lý kinh tế. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là năm 1997, nhiều phần tử xấu đã lợi dụng việc đó để thực hiện ý đồ trả thù cá nhân khiến tình hình mất ổn định trở nên nghiêm trọng. 

Nhà báo Thiếu Văn Sơn, nguyên Phó Tổng biên tập, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Bình chia sẻ: Trước một vấn đề lớn chưa từng xảy ra, chủ trương của Ban biên tập là không vội vàng, phải bám sát sự chỉ đạo của tỉnh để bảo đảm việc tuyên truyền phải đạt kết quả tốt nhất; vấn đề cốt lõi là phải định hướng tư tưởng cho nhân dân, không để nhân dân bị các phần tử xấu kích động, lôi kéo, xúi giục. Đội ngũ phóng viên được giao bám địa bàn, nắm chắc tình hình cơ sở, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, khi có lệnh là viết. 

Bản thân nhà báo Thiếu Văn Sơn khi ấy mặc dù ở cương vị lãnh đạo vẫn nhiều lần về cơ sở, trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân. Đầu năm 1998, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU đề ra những giải pháp ổn định tình hình trong tỉnh. Lúc này, các vấn đề gây mất ổn định tại một số địa phương đã được thanh tra “ba năm rõ mười”. Báo Thái Bình khởi động lại chuyên mục “Vấn đề hôm nay”, “Nghe dân nói, nói dân nghe” một cách rất đậm nét, đăng tải các bài phân tích sâu sắc về các vấn đề, giải pháp cấp bách để ổn định tình hình. Chuyên mục “Vấn đề hôm nay” đã thu hút sự quan tâm, trao đổi, thảo luận của cả người viết lẫn bạn đọc, qua đó làm rõ hơn các nội dung: dân chủ hiểu sao cho đúng, mỗi người cần có trách nhiệm xóa “điểm nóng”, không dân chủ một cách tùy tiện, bất chấp pháp luật... Hầu hết phóng viên Báo Thái Bình vào thời điểm ấy như Hoàng Lương, Hoàng Duy Phán, Phạm Viết Thanh... đều vào cuộc phản ánh việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của các ngành, các cấp, công tác giải quyết, xử lý đúng người, đúng tội sau thanh tra... góp phần củng cố niềm tin của nhân dân sau các giải pháp ổn định tình hình. Nhà báo Thiếu Văn Sơn, khi ấy đã có một bài ký nổi bật được các đồng chí lãnh đạo tỉnh, giới báo chí đánh giá cao: “Quỳnh Hoa - cái gạch nối màu xanh”. Vấn đề chính trị nhưng đã được ông mềm hóa qua thể loại ký báo chí, viết về một địa phương nhưng lại là bài học cho nhiều địa phương, ở một địa phương nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa đối với địa phương lớn. 

Ông Phạm Văn Bài, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhận xét:  Cùng với các ngành, các cấp, Báo Thái Bình có đóng góp không nhỏ vào công tác định hướng tư tưởng, tạo dựng lại niềm tin trong nhân dân để Thái Bình sớm vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Sau 1 năm, tình hình các địa phương đã cơ bản ổn định, kinh tế - xã hội được tập trung phát triển.

Đáng chú ý, trong giai đoạn này, nhiều vấn đề xã hội được đội ngũ phóng viên Báo Thái Bình quan tâm phản ánh như loạt bài “Thủ tục làm người còn sống”, các loạt bài về nỗi đau da cam của nhà báo Minh Chuyên đã đưa Báo Thái Bình là một trong những tờ báo Đảng địa phương khởi xướng tuyên truyền các vấn đề hậu chiến tranh, trong đó có ảnh hưởng của chất độc da cam. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, thời kỳ này Báo Thái Bình tăng cường các hoạt động xã hội như: phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, tổ chức thường xuyên giải việt dã, giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng tranh cúp Báo Thái Bình, qua đó đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của Báo Thái Bình. Đây cũng là giai đoạn Báo Thái Bình xuất bản ấn phẩm mới “Nguyệt san Thái Bình” theo hình thức tự chủ kinh phí, phát hành trong và ngoài tỉnh được bạn đọc đón nhận mở ra một định hướng mới về phát triển nhiều ấn phẩm báo chí của tòa soạn. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, nhiều hạn chế cũng đã bộc lộ như Báo chậm đổi mới về hình thức, nội dung, tính thời sự của thông tin mờ nhạt, chưa kịp thời. Suốt gần 40 năm (1965 - 2001) Báo vẫn phát hành 2 kỳ/tuần, vì vậy tính thời sự của thông tin có nhiều hạn chế.

Từ năm 2002, Báo Thái Bình chuyển sang khổ lớn, phát hành 3 kỳ/tuần vào thứ hai, thứ tư, thứ sáu. Thời điểm này, hình thức thể hiện, chất lượng nội dung cũng được nâng lên một bước, sắp chữ điện tử, in off-set, báo thường tăng trang, ra báo màu vào các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước và của tỉnh, lượng phát hành khoảng 7.000 bản. Theo thời gian và vận hội mới, Báo ngày càng hiện đại hơn, nội dung và hình thức chuyên nghiệp, ngôn ngữ, phong cách viết cũng đã đổi khác, sẵn sàng cùng toàn tỉnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số.

(còn nữa)
Trần Hương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày