Thứ 7, 18/05/2024, 12:00[GMT+7]

Châm ngôn về tính cách người Thái Bình

Thứ 2, 24/01/2022 | 08:39:48
28,817 lượt xem
Cư dân Thái Bình vốn có nguồn gốc từ tứ xứ đổ về hợp cư nên nếp ăn, nếp ở, tính cách của cư dân mỗi làng thường mang những dấu ấn riêng. Văn học dân gian đã tổng kết về nét riêng của người ở mỗi làng bằng những câu phương ngôn, châm ngôn, tục ngữ, ca dao được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư).

Thuở trước, mỗi vùng miền thường lưu truyền những câu “tứ vật”. Theo nghĩa của chữ Hán thì “tứ vật” là “bốn điều chớ”. Phần nhiều những câu “tứ vật” này thường mang tính trào lộng, hóm hỉnh, có một mô típ chung và được lưu truyền với nhiều dị bản: Các làng xã giáp ranh hai huyện Thái Ninh và Đông Quan (cũ) có: “Vật vấn Phúc Khê tự, vật thú Quài Hữu thê, vật tín Thượng Tầm tâm, vật giao Đông Động xã”. Nghĩa là: Chớ  hỏi chữ người làng Phúc Khê, chớ lấy vợ người làng Quài Hữu, chớ tin người làng Thượng Tầm, chớ chơi với người xã Đông Động. Làng Phúc Khê nay thuộc xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy là làng có truyền thống học hành khoa bảng, tiêu biểu là anh em Thám hoa Quách Đình Bảo và Hoàng giáp Quách Hữu Nghiêm ở thế kỷ XV. Làng Quài Hữu nay thuộc xã Sơn Hà, huyện Thái Thụy có chợ Quài. Con gái làng chợ thường “năng động”. Làng Thượng Tầm nay thuộc xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, dân gian lưu truyền là người làng này khéo nói. Làng Đông Động nay thuộc xã Đông Các, huyện Đông Hưng. Thuở trước, người làng này nổi tiếng khôn ngoan.

Ở huyện Kiến Xương có: “Vật vấn An Bồi tự, vật thú Động Trung thê, vật giao Phú Mỹ tửu, vật thực Lại Trì kê”. Nghĩa là: Chớ hỏi chữ người làng An Bồi, chớ lấy vợ người làng Động Trung, chớ giao du với người làng Phú Mỹ, chớ ăn thịt gà làng Lại Trì. Làng An Bồi nay thuộc thị trấn Kiến Xương, thuở trước vốn có nhiều người học hành, đỗ đạt. Làng Động Trung nay thuộc hai xã Vũ Quý và Vũ Trung có chợ Phủ Sóc. Con gái làng chợ thường “năng động”. Làng Phú Mỹ nay thuộc xã Bình Minh. Dân gian truyền là thuở xưa làng này thường có nhiều người ngỗ nghịch. Làng Lại Trì nay thuộc xã Tây Sơn. Có thuyết cho là thuở trước làng này có nghề săn chim cuốc nên ăn thịt gà ở làng này dễ nhầm với thịt chim cuốc. Lại có thuyết cho là làng Lại Trì đồng bãi, nuôi gà bằng ngô, thịt không ngon bằng gà ăn thóc. Cũng lại có thuyết cho là khi tiếp khách người làng Lại Trì thường giết nhầm gà của hàng xóm...

Lại có dị bản: “Vật vấn An Bồi tự, vật thú Động Trung thê, vật giao Dưỡng Thông hữu, vật ẩm Tam Lạc thủy”... Làng Dưỡng Thông nay thuộc xã Thượng Hiền, cận kề làng Phú Mỹ của xã Bình Minh. Làng Tam Lạc nay thuộc thành phố Thái Bình, thuở xưa phần nhiều ăn nước ao tù có cầu tiêu làm cận kề cầu ao.

Huyện Thái Thụy thường lưu truyền: “Vật du Kha Lý thị, vật thú Bao Hàm thê, vật thính Ô Trình ngôn, vật ngư Hạ Đồng táp”. Nghĩa là: Chớ đi chơi chợ Kha Lý, chớ lấy vợ người làng Bao Hàm, chớ nghe người làng Ô Trình nói, chớ mua cá giống của người làng Hạ Đồng. Chợ Kha Lý nay thuộc xã Thụy Quỳnh. Xưa có nhiều kẻ gian xa gần về chợ này móc túi. Làng Bao Hàm xưa là huyện lỵ huyện Thụy Anh. Làng Ô Trình nay thuộc xã Thụy Trình. Dân gian lưu truyền là người làng này nói khéo. Làng Hạ Đồng nay thuộc xã Thụy Sơn, xưa nổi tiếng nghề cá giống. Dân gian lưu truyền giai thoại về người bán cá giống thường đếm: “Một hai ba bốn, cá năm nay tốt, hăm mốt, hăm hai, năm ngoái ông mua của ai, ba mốt, ba hai...”.

Lại có dị bản: “Vật giao Tu Trình hữu, vật thú Diêm Điền thê, vật du Kha Lý thị, vật thính Ô Trình ngôn”... Làng Tu Trình nay thuộc xã Hồng Dũng, làng Diêm Điền là nơi đặt lỵ sở huyện Thụy Anh.

Huyện Hưng Hà có: “Vật giao Bùi Xá hữu, vật thú Phú Nông thê, vật ẩm Truy Đình thủy, vật đả Cổ Trai đề”. Làng Bùi Xá nay thuộc xã Độc Lập. Làng Phú Nông nay thuộc xã Điệp Nông. Làng Truy Đình nay thuộc xã Văn Cẩm. Làng Cổ Trai nay thuộc xã Hồng Minh. Thuở trước hội làng Cổ Trai có tục thi đánh đáo lỗ, dân ngoài làng đến chơi thường bị thua.

Các làng xã thuộc phủ Tiên Hưng xưa có: “Vật giao Trình Uyên hữu, vật thú Nguyên Xá thê, vật du Đô Kỳ thị, vật ẩm An Lạc thủy”. Làng Trình Uyên nay thuộc xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ là làng có truyền thống thượng võ. Chợ Đô Kỳ nay thuộc xã Đông Đô, huyện Hưng Hà. Làng Nguyên Xá nay là xã Nguyên Xá và làng An Lạc thuộc xã Mê Linh cùng huyện Đông Hưng.

Còn có thể tập hợp được khá nhiều câu “tứ  vật” được lưu truyền ở các làng xã thuộc tỉnh Thái Bình. Về một phương diện nào đó, từ những câu “tứ vật” này cũng có thể nhận biết được nét riêng của mỗi làng quê.

Điều dễ nhận thấy qua những câu châm ngôn này là người nông dân thuở trước vốn chất phác, thật thà nên họ thường đố kỵ với sự lanh lợi, giảo hoạt của người làng chợ, làng nghề hoặc người phố phủ, phố huyện. Ví dụ:

- Chơi với Động Trung mất cả vung lẫn nồi/Chơi với Phủ Sóc thì khóc mà về... Làng Động Trung nay thuộc xã Vũ Quý và xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương nơi đặt lỵ sở của phủ Kiến Xương có chợ Phủ Sóc.

- Chơi với làng Keo mất cả kèo lẫn cột. Làng Keo nay thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư.
- Chơi với Nguyên Xá mất cả má lẫn mông. Làng Nguyên Xá nay là xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng.
- Chơi với phố Tăng, răng không còn... Phố Tăng là nơi đặt lỵ sở phủ Tiên Hưng thuở trước...
- Giặc ba bê không bằng Cọi Khê đến nhà. Cọi Khê nay thuộc xã Vũ Hội huyện Vũ Thư, nơi đặt lỵ sở huyện Vũ Tiên thuở trước.
- Gặp người làng Bo thì co mình lại. Làng Bo, nay thuộc thành phố Thái Bình, thời cổ gọi là Kẻ Bo, nơi đặt lỵ sở huyện Bố sau là lỵ sở phủ Kiến Xương rồi là nơi đặt lỵ sở tỉnh Thái Bình...

Ngoài ra còn những câu châm ngôn phản ánh những nét trội về tố chất của người từng làng hoặc là sự nổi trội về sản vật của làng này được so sánh với sự nổi trội về tài năng, tính cách của người làng khác... Ví dụ:

- Phú quý Quan Đình, thi thư Cổ Đẳng. Làng Quan Đình xưa nhiều ruộng, lắm người giàu có. Làng Cổ Đẳng nhiều người học hành, đỗ đạt. Nay hai làng này đều thuộc xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ.
- Thứ nhất Thanh Mai, thứ hai Cổ Đẳng. Làng Thanh Mai nay thuộc xã An Thanh, huyện Quỳnh Phụ. Trong truyền thống vốn có học phong nổi trội hơn làng Cổ Đẳng.
- Quan làng Tò, bò làng Hệ. Làng Tò nay thuộc xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ vốn có nhiều người làm quan. Làng Hệ nay thuộc xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy nằm kề triền đê sông Hóa, nuôi nhiều bò.
- Trai Đào Động, gái Lộng Khê. Làng Đào Động nay thuộc xã An Lễ. Làng Lộng Khê nay thuộc xã An Khê, hai xã này đều thuộc huyện Quỳnh Phụ. Dân gian truyền rằng trai làng Đào Động khỏe khoắn với tục bơi chải, gái làng Lộng Khê mềm mại, khéo léo với tục múa bát dật trong ngày hội làng.
- Trai làng Ngái, gái Động Trung. Tương truyền trai làng Ngái ngỗ nghịch, gái làng Động Trung giảo hoạt. Lại có dị bản: “Trai làng Ngái, gái Đồng Xâm”. Ý nói trai làng Ngái cứng cỏi, gái Đồng Xâm xinh giòn...
- Dưa Quài, khoai Bái, gái Vạn Đồn. Làng Quài nay thuộc xã Sơn Hà, làng Bái nay thuộc xã Hòa An, làng Vạn Đồn nay thuộc xã Hồng Dũng. Các làng này đều thuộc huyện Thái Thụy. Thuở trước, làng Vạn Đồn có nghề đan vó lưới, con gái trắng xinh.
- Khôn ngoan Luyến Khuyết/Ráo riết Hải Đô/Buôn bán Đông Hồ/Lờ ngờ Phong Lẫm. Bốn làng này đều thuộc xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy.

Nhất ngọt là mía làng Niềm,
Trai khôn Tống Vũ gái mềm Cọi Khê.

Làng Niềm nay thuộc xã Vũ Ninh huyện Kiến Xương. Làng Tống Vũ nay thuộc xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình. Làng Cọi Khê nay thuộc xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư.
Hoặc:

Nhất ngọt là mía làng Niềm,
Trai khôn Phủ Sóc gái mềm Cọi Khê.

Vùng đất phía Nam tỉnh Thái Bình lưu truyền:
Nhất chua con gái làng Mèn,
Nhất ngọt Trà Lũ, nhất mềm Vũ Lăng...

Làng Mèn nay thuộc xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải. Làng Trà Lũ nay thuộc huyện Kiến Xương. Làng Vũ Lăng nay là xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải.

Có khi tính cách con người của các làng từ phía Bắc xuống phía Nam đã được dân gian tổng kết trong cùng một bài: Hay đế Bồ Trang/Nói ngang Ngọc Quế/Cậy thế  Vĩnh Ninh/Lấp lửng Ô Trình/Lập lờ Dương Liễu... Bồ Trang và Ngọc Quế là hai làng thuộc xã Quỳnh Hoa. Làng Vĩnh Ninh thuộc xã Quỳnh Trang, hai xã này đều thuộc huyện Quỳnh Phụ. Làng Ô Trình thuộc xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy. Làng Dương Liễu nay thuộc xã Bình Định, huyện Kiến Xương.

Còn nhiều, nhiều lắm, nhiều vô kể những câu châm ngôn, tục ngữ ca dao nói về người và đất Thái Bình. Thiết nghĩ, trong quá trình giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước hiện nay và mai sau cần trang bị những tri thức về văn học dân gian của mỗi địa phương vốn từng được các thế hệ trước đã đúc kết, sáng tạo và trao truyền lại. Thuở trước là những câu truyền khẩu. Nếu không ghi chép lại, e là sẽ có thể thất truyền trong tâm thức của người Thái Bình hôm nay và mai sau và các sắc thái riêng có trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của Thái Bình sẽ bị nhạt nhòa dần.

Nguyễn Thanh
Vũ Quý, Kiến Xương