Thứ 6, 29/03/2024, 21:14[GMT+7]

Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ tư (26/3/1962 - 26/3/2022) Bài nói chuyện của Bác Hồ với nhân dân và cán bộ tỉnh Thái Bình ngày 26/3/1962

Thứ 2, 21/03/2022 | 08:29:04
12,314 lượt xem
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến phong trào cách mạng của địa phương, trong đó có phong trào cách mạng Thái Bình và Thái Bình cũng là tỉnh vinh dự được năm lần đón Bác về thăm. Năm 1962, được biết Thái Bình có phong trào lấn biển khai hoang và toàn tỉnh đạt thành tích cao trong sản xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và động viên phong trào. Người đến thăm HTX Nam Cường, xã điển hình trong công tác khai hoang lấn biển; thăm và dự hội nghị phát động phong trào sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh tại xã Đông Lâm (Tiền Hải). Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ tư (26/3/1962 - 26/3/2022), Báo Thái Bình đăng bài nói chuyện của Bác Hồ với nhân dân và cán bộ tỉnh Thái Bình, ngày 26/3/1962.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ và nhân dân Thái Bình tại đình Nho Lâm, xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải, ngày 26/3/1962. Ảnh tư liệu

Thưa đồng bào và các đồng chí!

So với ba năm rưỡi trước đây (từ tháng 10/1958), Bác về thăm Thái Bình lần trước thì năm nay tỉnh nhà có tiến bộ về nhiều mặt như tăng vụ, vỡ hoang, thủy lợi, phân bón... Đó là do sự cố gắng của đồng bào và cán bộ. Đó là điều đáng khen.

Tuy vậy, so với nhu cầu của nhân dân và so với các nơi khác, thì tỉnh nhà tiến bộ còn chậm, vài ví dụ:
Về mặt sản xuất chỉ có hoa màu tăng, còn các thứ khác đều không đạt kế hoạch, như:

- Lúa chỉ đạt 78%.

- Các cây công nghiệp như bông chỉ đạt: 60%, lạc: 50%, mía: 45%.

- Cây trồng khá nhiều nhưng vì săn sóc kém, cho nên trồng nhiều mà sống được ít.

- Về chăn nuôi, thì số lợn, trâu, bò, cá biển đều sụt.

- Thu mua thóc cho Nhà nước chỉ đạt 82%, thu nợ của ngân hàng còn kém.

- Vì sao vậy? Các cấp ủy đảng, các cán bộ từ tỉnh đến huyện, đến xã cần phải phụ trách, trả lời câu hỏi ấy và phải tìm ra biện pháp thiết thực để tiến lên.

Hiện nay ở tỉnh nhà, 88% tổng số nông hộ đã vào hợp tác xã, trong số đó gần 50% số hợp tác xã có từ 100 hộ trở lên. Về số lượng như thế là vừa tốt. Mỗi hợp tác xã, số xã viên không nên quá ít, vì quá ít thì không đủ sức để phát triển, cũng không nên quá nhiều, vì quá nhiều thì khó quản lý.

Hợp tác xã nên tổ chức và quản lý thế nào cho tốt? Muốn biết rõ điều đó, tất cả đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động là xã viên hợp tác xã cần phải nghiên cứu kỹ “Nghị quyết của Hội nghị lần thứ năm của Trung ương Đảng về vấn đề phát triển nông nghiệp trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất” và bài nói chuyện của Bác về Nghị quyết đó. Cần nghiên cứu kỹ và thực hiện theo đúng Nghị quyết.

Ở đây, Bác chỉ nêu vài điểm:

- Ở tỉnh nhà, bình quân mỗi mẫu tây chỉ bón non 8 tấn phân như thế là còn ít; trong khi đó thì các tỉnh khác đang hăng hái thi đua với hợp tác xã Tân Khang bón mỗi mẫu 54 tấn phân các loại, tức là gần gấp 7 lần ở Thái Bình.

- Số ngày lao động quá ít, bình quân mỗi người mỗi năm chỉ làm việc 180 ngày cả thảy. Như vậy là trong một năm 365 ngày, chỉ lao động một ngày lại nằm nghỉ một ngày! Lao động ít thì sản xuất được ít. Sản xuất ít thì thu nhập được ít. Thu nhập ít thì cải thiện đời sống không được nhiều.

- Ở trong tỉnh có nhiều kinh nghiệm tốt, như:

Hợp tác xã Hiệp Hòa và Đông Lâm tăng vụ, tăng năng suất, tăng nghề phụ khá.

Hợp tác xã Đông Mỹ cải tiến nông cụ khá.

Hợp tác xã Đông Phú chăn nuôi khá.

Hợp tác xã An Cầu tăng năng suất khá...

Nhưng cán bộ chưa biết phổ biến những kinh nghiệm tốt đó và các hợp tác xã chưa biết học hỏi lẫn nhau.

- Hợp tác xã của đồng bào Công giáo phát triển chậm. Nguyên nhân là do lãnh đạo và cán bộ không đi sâu đi sát.

Chúng ta có những hợp tác xã của đồng bào Công giáo phát triển rất tốt. Vài ví dụ: Ngay ở tỉnh nhà, hợp tác xã Xứ Riến lúc thành lập (mùa thu 1959) chỉ có 5 hộ, nay đã tăng đến 65 hộ. Năng suất mỗi mùa mỗi tăng, đời sống xã viên được cải thiện rõ rệt. Vì vậy mà bà con ngày càng tin tưởng và gắn bó với hợp tác xã.

Hợp tác xã Ngọc Sơn (Thanh Hóa) lúc đầu chỉ có 13 hộ, nay đã tiến lên toàn thôn. Thu hoạch có hộ gấp rưỡi, có hộ gấp đôi. Bà con xã viên đã nói: “Hợp tác xã chúng tôi bây giờ có vác gậy đuổi cũng không ai ra!”.

Đó là mấy kinh nghiệm tốt mà lãnh đạo và cán bộ cần phải phổ biến.

- Về công nghiệp và thủ công nghiệp đều có cố gắng. Nhưng còn phải cố gắng hơn nữa để phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp và nhu cầu của nhân dân.

- Về văn hóa giáo dục, số người học bổ túc văn hóa tăng nhiều. Ở cơ quan, xí nghiệp, nông trường, số người đi học gần được 100%. Như thế là tốt. Nhưng cần phải nâng cao chất lượng hơn nữa. (Kỳ thi giữa năm, trong 105.000 học viên thì chỉ có 24.000 người đỗ).

- Giáo dục phổ thông - Các trường học đều có tiến bộ. Nhưng các lớp mẫu giáo chỉ có 850 cháu, như thế là quá ít. Cần phải cố gắng mở rộng thêm.

- Vệ sinh phòng bệnh - Số giếng ăn nước và hố xí kiểu mới đều có tăng, cần phải tiếp tục tăng thêm nữa.

- Đời sống mới - Những thói mê tín như đồng bóng, bói toán, cúng lễ đã giảm nhiều. Nhưng thói phô trương lãng phí trong lúc ma chay, cưới hỏi vẫn còn.
Xấu nhất là tệ đánh đập vợ, ép duyên con, thói tảo hôn chưa hoàn toàn chấm dứt.
Thái Bình phải cố gắng trở thành một tỉnh gương mẫu về mỹ tục thuần phong.

- Về trật tự trị an - Bộ đội, công an và dân quân đều cố gắng làm trọn nhiệm vụ. Đồng thời, toàn Đảng và toàn dân ta phải luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, luôn luôn sẵn sàng giúp sức bộ đội, công an và dân quân ngăn chặn những kẻ gian phi và đập tan mọi âm mưu địch phá hoại.

Công việc cấp bách trước mắt là đồng bào và cán bộ phải quyết tâm tranh thủ vụ Đông - Xuân thắng lợi và chuẩn bị tốt cho vụ thu và vụ mùa.

Kết luận: - Thái Bình là một trong những tỉnh nhiều người nhất. Nhân dân sẵn có truyền thống anh dũng và cần cù. Đất đai tốt. Thủy lợi tiện. Lương thực nhiều. Nông nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh.

Tỉnh ta lại có gần 77.000 đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động. Trung ương giao trách nhiệm cho mỗi đồng chí đảng viên và đoàn viên phải nâng cao tinh thần cách mạng, phấn đấu vươn lên, phải chống tư tưởng bảo thủ và chủ quan, chống tác phong quan liêu và đại khái, phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân; phải làm gương mẫu, làm đầu tàu cho đồng bào trong phong trào thi đua yêu nước tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, để xây dựng Tổ quốc giàu mạnh và nâng cao đời sống của nhân dân. Phải ra sức củng cố và phát triển tốt chi bộ và phân đoàn. Đồng bào và cán bộ phải có quyết tâm làm cho Thái Bình trở nên một trong những tỉnh khá nhất, để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, làm nền tảng vững mạnh cho công cuộc thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà.

Bác nhờ các đồng chí chuyển lời thân ái của Trung ương và của Bác đến đồng bào, bộ đội và cán bộ các nơi. Bác đặc biệt gửi lời khen ngợi các cháu thanh niên và các xã viên đang hăng hái xung phong đi vỡ hoang ở các nơi.

(Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.10, tr.534-537)