Thứ 6, 22/11/2024, 17:26[GMT+7]

10 năm xây biệt thự trên vách đá

Thứ 2, 21/03/2022 | 11:23:08
702 lượt xem
Khi thấy mảnh đất khô cằn trên vách đá ở Bali được rao bán năm 2002, vợ chồng Renee Zecha quyết định mua vì tin rằng đó là một kho báu.

"Tầm nhìn ấy đáng giá hàng triệu USD", Zecha, cựu chuyên gia đầu tư ngân hàng, nhớ lại lý do mình mua mảnh đất rộng hơn 5.000 m2, tại Uluwatu, một trong những vùng hoang vu nhất của hòn đảo du lịch Bali.

"Thời điểm đó Bali đã phát triển nhưng Uluwatu chỉ có vài túp lều để kinh doanh lướt sóng và cà phê. Chúng tôi biết không có nhiều cơ hội như vậy nên quyết định nắm lấy", nữ gia chủ nói thêm.

Mảnh đất của Zecha nằm ngay vách đá, nhìn ra Ấn Độ Dương. Ảnh: Uluwatu Estate

Renee Zecha quyết định dựng thiên đường của mình trên mảnh đất này. Quá trình xây dựng bắt đầu từ năm 2009, chia làm ba giai đoạn. Trong bốn năm đầu, các kiến trúc sư thiết kế và thi công phòng khách, bốn phòng ngủ, các cây cầu và lối đi cùng bể bơi vô cực.

Giai đoạn hai, Zecha bổ sung thêm bốn phòng ngủ và khu spa để tiện đón người thân và bạn bè tới nghỉ. Mỗi phòng ngủ là một căn hộ riêng với phong cách riêng biệt. Ví dụ, có phòng được bao quanh bởi hồ cá Koi, có phòng lại toàn nội thất gỗ với sân trồng cây hoa đại.

Giai đoạn ba, gia chủ cho xây một tòa nhà hai tầng dùng làm phòng chơi game và chỗ cho người giúp việc.

Mục tiêu của gia chủ là mọi phòng đều được tận hưởng "view" triệu đô. Ảnh: Uluwatu Estate

Ngoài vị trí khó tiếp cận, khu đất bị chia cắt bởi một rãnh sâu 15 mét. Nó thậm chí còn chưa có điện nước nên đội ngũ xây dựng phải lắp đặt máy phát điện và ống dẫn nước. Họ cũng dọn bớt đá vôi để các phương tiện xây dựng có thể vào tới địa điểm xây nhà. Số đá vôi này sau được làm nền và tường cho biệt thự.

Bằng cách đặt không gian trên những độ cao khác nhau, nhóm thiết kế đảm bảo mỗi phòng đều nhìn ra được đại dương. Biệt thự được chia thành nhiều phần, kết nối với nhau bằng các cây cầu và lối đi nhỏ, nhờ đó tránh được rãnh nước.

Bể bơi vô cực sát vác đá là một trong những điểm nhấn của công trình. Ảnh: Uluwatu Estate 

Nội thất nhà chủ yếu sử dụng gỗ tếch. Nhằm tăng tính bản địa, gia chủ dùng các dụng cụ lao động, sinh hoạt truyền thống của người Bali làm đồ trang trí. Những lọ thủy ngân 400 năm tuổi được trục vớt từ các con tàu đắm trở thành đèn, tạo điểm nhấn cho căn nhà. 

Công trình hoàn thiện vào năm 2019. Zecha từ chối chia sẻ chi phí xây dựng song thừa nhận tiền nội thất còn nhiều hơn tiền mua mảnh đất.

Tốn thời gian và số tiền lớn song Zecha khẳng định những gì nhận được hoàn toàn xứng đáng. Chị tiết lộ thêm mỗi tháng, gia đình mình đến biệt thự ít nhất một lần. "Mỗi khi tới đây, tôi đều không muốn rời đi. Nó rất bình yên và cảnh quan thì kỳ diệu", Zecha chia sẻ.

Theo vnexpress.net