Chủ nhật, 22/12/2024, 11:50[GMT+7]

Xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm

Thứ 6, 01/04/2022 | 08:18:04
1,030 lượt xem
Ngày 31/3, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 (khóa XIII) do đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dẫn đầu, đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Đoàn khảo sát Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X).

Báo cáo về kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết trên địa bàn thành phố đã đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các phương thức lãnh đạo, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiếu đấu của Đảng bộ thành phố; tạo sự đoàn kết trong nội bộ, sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần tạo sự phát triển kinh tế-xã hội của Đà Nẵng thời gian qua.

Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 1997-2021 đạt khoảng 9%/năm; GRDP bình quân đầu người hiện nay gấp hơn 15 lần so với năm 1997; không gian đô thị mở rộng 3,5 lần theo hướng văn minh, hiện đại; nhiều chính sách an sinh xã hội thiết thực, mang đậm tính nhân văn, mang thương hiệu riêng của Đà Nẵng như chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” đã mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Nhiều năm liền Đà Nẵng đứng đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính, quản trị công, chuyển đổi số và sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin. Tốc độ tăng trưởng kinh tế-xã hội, bảo đảm đời sống người dân của Đà Nẵng được xếp vào nhóm địa phương dẫn đầu cả nước.

Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị quyết vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc. Việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết ở một số địa phương, đơn vị chưa thật sự bảo đảm chất lượng, tiến độ; một số cấp ủy vẫn chưa nhận thức đầy đủ, toàn diện về nội dung phương thức lãnh đạo của Đảng; việc rà soát, bổ sung, xây dựng mới các quy chế, quy định, quy trình công tác để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nhất là các quy chế phối hợp trên một số mặt còn chậm.  

Chất lượng đội ngũ cán bộ chưa đồng đều; việc thiếu cán bộ trong khi khối lượng công việc ngày càng tăng dẫn đến một số khó khăn trong lãnh đạo, điều hành... Ở một số nơi, một số khâu, hoạt động của tổ chức Đảng, hệ thống chính trị còn bất cập; năng lực một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu; sau những vụ việc thanh tra, điều tra... liên quan các dự án có yếu tố “lịch sử để lại”, một bộ phận cán bộ, công chức có tâm lý lo sợ, e ngại, chưa mạnh dạn đề xuất công việc.

Sau khi nghe các thành viên Đoàn khảo sát và lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng đã trao đổi, thảo luận về những kết quả, bài học và kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình triển khai Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Đoàn Khảo sát biểu dương và đánh giá cao công tác đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị ở Đà Nẵng.

Đồng chí Trương Thị Mai khẳng định: Đảng ta luôn chú trọng đến công tác đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, Trung ương Đảng cũng đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết nêu rõ vai trò, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị.

Chuẩn bị cho giai đoạn mới, Đảng xác định, việc đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị không chỉ trong một nhiệm kỳ, mà phải tiến hành thường xuyên, liên tục và có sự đổi mới. Tại Đại hội lần thứ 13 của Đảng, công tác đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị được xác định là một trong mười nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng.

Công tác lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị phải được thể chế hóa, thực hiện thường xuyên, có rà soát, bổ sung, cụ thể hóa bằng quy trình và phải công khai để cho cán bộ, đảng viên, nhân dân biết và giám sát. Phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, có kiểm tra giám sát để chống tha hóa quyền lực, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thông suốt, hiệu quả của Đảng đối với hệ thống chính trị.

Đảng bộ Đà Nẵng cần tiếp tục giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, xây dựng quan hệ giữa tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Dấu ấn của người đứng đầu trong kết quả chung của tập thể lãnh đạo ở Đà Nẵng thể hiện khá rõ và cần được phát huy hơn nữa, phải tạo điều kiện để người đứng đầu thể hiện tinh thần sáng tạo, trong sáng, lành mạnh, lan tỏa cả tập thể, mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao đời sống nhân dân.

Ban Tổ chức Trung ương được giao nghiên cứu cơ chế thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ dưới quyền. Người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm về hiệu quả, năng lực của cán bộ cấp dưới trực tiếp, được tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết nếu phát hiện vi phạm.

Sắp tới sẽ thí điểm chủ trương người đứng đầu được lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử bổ nhiệm cấp phó, được giới thiệu cán bộ cấp dưới trực tiếp. Thí điểm giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch đối với cấp dưới trực tiếp.

Chú trọng công tác xây dựng Đảng thể hiện ở sự đồng thuận của nhân dân. Nhân dân có đồng thuận và chung tay thì đất nước mới phát triển, mới xây dựng được Đảng trong sạch vững mạnh. Đây là mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó mật thiết. Thực tế cho thấy địa phương nào thật sự tôn trọng người dân thì đều mang lại những hiệu quả thiết thực, rõ nét, cụ thể cho tiến trình phát triển.

Về công tác dân vận, cần tăng cường mối quan hệ của Đảng với nhân dân. Cái gì tạo động lực cho người dân gắn bó với Đảng thì phải kiên quyết thực hiện, phải phát huy dân chủ, lắng nghe người dân, thật sự phải quan tâm đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng và cuộc sống của nhân dân. Có thể nói gọn công tác dân vận là “Thực tâm-thực chất”.

Đà Nẵng đang thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, với 6 quận, 45 phường không có Hội đồng nhân dân. Hội đồng nhân dân thành phố giám sát toàn bộ hoạt động của quận, phường. Vì thế cần nghiên cứu, xây dựng quy chế hoạt động, về mối quan hệ giữa Hội đồng nhân dân thành phố với Ban Thường vụ các quận, phường.

Đà Nẵng cũng cần chủ động triển khai thực hiện thí điểm mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở cấp quận huyện, xã phường. Phân cấp phân quyền, nhưng phải luôn thống nhất nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, thông suốt từ Trung ương đến tận cơ sở, điều đó phụ thuộc vào năng lực tổ chức của các cấp ủy Đảng, năng lực cụ thể hóa chủ trương đường lối của Đảng.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng chính là nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Phải xây dựng sự đồng thuận và niềm tin của nhân dân để bảo đảm các nhiệm vụ thắng lợi các nhiệm vụ của Đảng.

Đà Nẵng vẫn được đánh giá là một địa phương năng động, sáng tạo, với triển vọng phát triển rất tốt so với nhiều địa phương trong cả nước. Vì thế, Đà Nẵng cần phải tiếp tục phát huy, phải phấn đấu trở thành trung tâm của miền trung, như Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị đã đề ra, người dân Đà Nẵng phải có mức sống thuộc nhóm dẫn đầu của cả nước, với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo.

Trước đó, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 (khóa XIII) đã đi thực tế, làm việc và trao đổi một số kinh nghiệm về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị tại Quận ủy Sơn Trà. Những kiến nghị đề xuất của các đồng chí sẽ được Ban Chỉ đạo Trung ương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu báo cáo bổ sung hoàn thiện các nội dung, các vấn đề liên quan đến đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị.

Theo: nhandan.vn