Thứ 5, 26/12/2024, 23:43[GMT+7]

Chuyển đổi số - bắt kịp, đi cùng, vượt lên phát triển kinh tế - xã hội Kỳ 3: Kinh tế số - từ doanh nghiệp đến nông dân đều khởi động

Thứ 4, 06/04/2022 | 08:39:03
903 lượt xem
Kinh tế số là nền kinh tế dựa trên công nghệ số và nền tảng số, với các hoạt động kinh tế bằng công nghệ số và nền tảng số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành trên internet. Trên địa bàn tỉnh, đến nay, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng mạng internet trong giao dịch kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, áp dụng tự động hóa trong sản xuất; một số nông sản được tiếp thị, quảng bá trên mạng xã hội; đã xuất hiện một số hình thức sản xuất, kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số.

Công ty Cổ phần May Hà Thành, xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ) đầu tư hơn 4 tỷ đồng mua sắm máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Khởi động sớm, thành công sớm

Hơn 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, lây lan trong doanh nghiệp khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn: lưu thông hàng hóa ngưng trệ, hàng hóa bị ùn ứ, người lao động phải nghỉ việc luân phiên hoặc phải nghỉ việc... Trước thách thức đó, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi tư duy, đổi mới phương thức hoạt động để thích ứng với đòi hỏi thực tế. Nhiều doanh nghiệp nhanh nhạy đổi mới, trong đó có việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thay đổi cách tiếp cận thị trường chuyển đổi từ thị trường truyền thống sang thị trường thương mại điện tử để bảo đảm và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Những doanh nghiệp sớm ứng dụng CNTT và thực hiện chuyển đổi số đã khẳng định sự phát triển bền vững, kể cả trong những điều kiện bất ngờ và bất lợi như Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Chi nhánh Thái Bình (Công ty Tân Đệ) là một ví dụ. Công ty hiện có 10 nhà máy với gần 20.000 lao động. Ngay từ khi thành lập và trải qua thời gian phát triển, đến nay Công ty đã xây dựng lộ trình trong đó từng bước ứng dụng việc số hóa vào sản xuất, kinh doanh. 

Ông Lê Tuấn Thiên, Bí thư Đảng ủy Công ty cho biết: Xác định tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ khi thành lập Công ty đã có những giải pháp, định hướng chiến lược trong kinh doanh, trong đó trọng tâm xây dựng thị trường và xây dựng lực lượng lao động. Công ty đã từng bước đẩy mạnh đầu tư cho chuyển đổi số từ hệ thống quản trị điều hành, trang thiết bị, công cụ phục vụ cho công tác quản lý, thống kê, xây dựng kế hoạch sản xuất... Hiện nay, Công ty là doanh nghiệp đi đầu trong thực hiện chữ ký số trong doanh nghiệp. Các nhà máy của Công ty đều quản lý con người trên hệ thống phần mềm hiện đại; người lao động được đào tạo để từng bước làm chủ các phương tiện kỹ thuật cao và ứng dụng CNTT trong các khâu từ điều hành đến sản xuất. Do đó, khi dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng tới doanh nghiệp, các ứng dụng CNTT đã phát huy tác dụng trong việc điều tra, truy vết thông tin, quản lý người lao động nhiễm Covid-19. Đặc biệt, cuối năm 2021 Công ty triển khai ứng dụng nội bộ “Tân Đệ App Mobile”  giúp người lao động có thể tra cứu thông tin cá nhân, kiểm tra số ngày được nghỉ phép, nhận phiếu thanh toán lương hàng tháng, đặt câu hỏi cho ban tư vấn về nhiều lĩnh vực liên quan từ công việc đến chăm sóc sức khỏe cá nhân... Ứng dụng hướng đến người lao động nhằm tạo môi trường làm việc tốt hơn cho người lao động. Bởi sự khởi đầu sớm, chuẩn bị dài hơi, khi dịch Covid-19 bùng phát làm ảnh hưởng đến hàng loạt doanh nghiệp, trong đó không ít doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động thì hoạt động kinh doanh của Công ty Tân Đệ không những không bị ảnh hưởng mà vẫn có chiều hướng phát triển tốt.

Không chỉ những doanh nghiệp lớn có hàng chục nghìn lao động như Công ty Tân Đệ mà ngay cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ có ít lao động cũng đang từng bước ứng dụng công nghệ số như Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật (xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương) do anh Lại Văn Điệp làm Giám đốc. 

Anh Điệp cho biết: Từ khi có dịch Covid-19, giao thông nói chung và lưu thông hàng hóa nói riêng có thời điểm phải ngưng trệ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty bị ảnh hưởng nhiều. Để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, anh em trong Công ty bắt đầu tăng cường chia sẻ hình ảnh, clip giới thiệu về sản phẩm của Công ty trên facebook, zalo cá nhân. Những đơn hàng trực tuyến đã xuất hiện và ngày càng tăng cao nên tôi quyết định đưa tất cả các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của Công ty lên mạng xã hội để quảng bá và bán hàng. Tôi cũng không ngờ hiệu quả lại cao như vậy, doanh số bán hàng tăng gấp 5 lần so với trước. Có nguồn khách hàng ổn định và bước đầu thành công trong hoạt động thương mại điện tử đã giúp doanh thu Công ty không ngừng tăng: Năm 2011, khi mới thành lập doanh thu chỉ đạt 500 triệu đồng/năm, năm 2016 tăng lên hơn 2 tỷ đồng thì đến năm 2021 doanh thu của Công ty ước đạt 7 tỷ đồng, thu nhập của công nhân được cải thiện, bình quân đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 7.000 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc doanh nghiệp ứng dụng CNTT trong quản lý, giám sát, áp dụng tự động hóa trong sản xuất đã được triển khai nhưng từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và kéo dài thì ứng dụng CNTT và chuyển đổi số thực sự giúp doanh nghiệp đứng vững.

Thương mại điện tử kết nối nhà nông

Vài năm gần đây, khi internet được sử dụng rộng rãi và ngày càng phát triển, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên môi trường thương mại điện tử ngày càng phổ biến. Nắm bắt xu thế đó, không chỉ các doanh nghiệp mà các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, người dân cũng tận dụng thời cơ để giao dịch, quảng bá sản phẩm, nhất là trong tình hình dịch bệnh phức tạp, mở ra cơ hội trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. 

Điển hình như HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên, xã Đông Xuyên (Tiền Hải). Từ một tổ hợp chăn nuôi tổng hợp với phương thức bán hàng truyền thống là liên lạc trực tiếp thì nay sản phẩm của HTX đã xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử, nhất là khi sản phẩm vịt biển và trứng vịt biển được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao vào năm 2020. 

Ông Ngô Văn Duẩn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX chia sẻ: HTX hiện có 53 thành viên, chủ yếu là lao động nông thôn. Để sản phẩm đến được với người dân, lúc đầu anh em trong HTX chủ động liên hệ với các siêu thị, nhà hàng giới thiệu và quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, phương thức bán hàng thủ công này rất mất thời gian, sản phẩm tiêu thụ chậm. Với sự hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, chúng tôi lập website, làm catalogue, dựng clip, chụp ảnh đưa lên website để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và được nhiều người biết đến, nhất là khi sản phẩm được cấp tem, nhãn mác chứng nhận sản phẩm sạch. Năm 2021, với nhiệm vụ hỗ trợ đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn, Bưu điện tỉnh đã hỗ trợ đưa sản phẩm vịt biển và trứng vịt biển của HTX lên sàn thương mại điện tử postmart.vn của Bưu điện Việt Nam. Các sản phẩm vịt biển, trứng vịt biển được thị trường các tỉnh, thành phố biết đến và đặt hàng qua mạng, nhờ đó việc chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm của HTX rất thuận lợi.

Trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất bánh đa Quỳnh Côi, thôn Dụ Đại 1, xã Đông Hải (Quỳnh Phụ) do anh Hoàng Phó Nam làm chủ sản xuất trên 4 tấn sản phẩm các loại, tạo việc làm cho 13 lao động trực tiếp và tiêu thụ sản phẩm cho nhiều cơ sở vệ tinh trong xã. Bánh đa Quỳnh Côi đã được công nhận sản phẩm OCOP năm 2021. Cùng với việc từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, là một người trẻ nên anh Nam rất chú trọng khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Anh chia sẻ: Hiện nay, ngoài cung cấp cho các thương lái trong và ngoài tỉnh, cơ sở còn đẩy mạnh bán hàng  qua các trang thương mại điện tử như voso.vn, postmart.vn... Ban đầu, việc đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhận thấy việc bán hàng trên mạng sẽ là xu thế, anh em trong cơ sở đã không ngừng nỗ lực tìm tòi để đưa sản phẩm đến đúng trang có đông lượng tương tác, qua đó thương hiệu bánh đa Quỳnh Côi được khách hàng trong và ngoài nước biết đến.

Ông Trương Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho biết: Hiện nay, rất nhiều nông sản của Thái Bình đã được đưa lên sàn giao dịch điện tử như: gạo làng Giắng, xã Đông Tân (Đông Hưng); bánh cáy làng Nguyễn, xã Nguyên Xá (Đông Hưng); gạo chợ Gốc, xã Bình Thanh (Kiến Xương); bánh đa Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ)... Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh Viettel Thái Bình, Bưu điện tỉnh kết nối với các tỉnh, thành phố để cung ứng nông sản trực tiếp cho các sàn thương mại. Từ các sàn thương mại điện tử kết hợp với các đầu mối cung ứng nông sản là các HTX, nông dân mà các sở, ngành trong tỉnh đã kết nối trước đó, Thái Bình đã hình thành nên một mô hình cung ứng nông sản mới trên nền tảng số, hạn chế khâu trung gian góp phần giúp nông dân bán giá cao, người tiêu dùng mua được giá hợp lý.

Không chỉ có các doanh nghiệp lớn, cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể cũng đang thay đổi phương thức kinh doanh, một tiệm cà phê, một cửa hàng bán quần áo cũng đang tích cực kết hợp phương thức bán hàng truyền thống và bán hàng trực tuyến. Để thúc đẩy lĩnh vực thương mại điện tử, Cổng thông tin điện tử của Sở Công Thương đã tích hợp phần mềm danh bạ điện tử và danh bạ doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp đăng tải thông tin, hình ảnh, sản phẩm tiêu biểu. Kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021 - 2025 do Sở Công Thương xây dựng cũng đề ra nhiệm vụ: Triển khai phát triển thương mại điện tử quốc gia trên địa bàn; phát triển các ứng dụng: sàn thương mại điện tử của tỉnh tích hợp thông tin các doanh nghiệp, sản phẩm, hệ thống thu thập và quản lý thông tin xuất nhập khẩu tỉnh Thái Bình.

Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Chi nhánh Thái Bình (Công ty Tân Đệ) số hóa quy trình sản xuất, kinh doanh và quản lý người lao động.

Ông Nguyễn Doãn Chung, Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp và Lao động, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh

Chuyển đổi số thực sự đã tạo bước tiến mới không chỉ giúp doanh nghiệp đứng trước những khó khăn, thách thức mà còn vươn lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh số doanh nghiệp ứng dụng thành công chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh mới chỉ dừng ở những doanh nghiệp có quy mô lớn còn với những doanh nghiệp vừa và nhỏ việc tiếp cận còn hạn chế. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển như vũ bão, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, vì vậy các doanh nghiệp cần hiểu rõ và có chiến lược thực hiện cụ thể, có sự đầu tư đúng đắn, trong đó cần tập trung việc xây dựng cơ sở hạ tầng, con người để từng bước hướng tới xây dựng doanh nghiệp số.

Ông Trần Ngọc Trà, Trưởng phòng Kinh doanh HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên, xã Đông Xuyên, huyện Tiền Hải

Hiệu quả của việc ứng dụng CNTT trong chuyển đổi số là rất rõ. Tuy nhiên với những HTX mới thành lập từ những lao động nông thôn, trình độ học vấn còn thấp, việc tiếp cận CNTT hạn chế. Vì vậy, để khẳng định thương hiệu sản phẩm, thời gian tới chúng tôi  rất mong các cấp, các ngành trong tỉnh, trong huyện có sự hỗ trợ trang thiết bị, hỗ trợ về kiến thức trong lĩnh vực chuyển đổi số thông qua các buổi tập huấn, tư vấn, hướng dẫn để có thể làm chủ CNTT, từ đó ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh thuận lợi.


(còn nữa)
Trần Hương - Nguyễn Cường