Chủ nhật, 19/05/2024, 17:44[GMT+7]

Chuyển đổi số - bắt kịp, đi cùng, vượt lên phát triển kinh tế - xã hội Kỳ 4: Xã hội số - Biến thách thức thành cơ hội

Thứ 5, 07/04/2022 | 08:33:32
787 lượt xem
Cùng với hai trụ cột: chính quyền số và kinh tế số, xã hội số đang từng bước được khởi động. Truy cập internet tốc độ cao phủ kín trên phạm vi toàn tỉnh; việc họp, học, giải trí trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến; sử dụng ngân hàng số thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng gia tăng; mua bán hàng qua mạng trở thành xu thế... Không chỉ có người trẻ, người cao tuổi cũng tự học để trở thành công dân số.

Trường Tiểu học và THCS Quỳnh Bảo (Quỳnh Phụ) duy trì việc dạy học trực tiếp và trực tuyến.

Cú hích thay đổi tư duy giáo dục

Đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 xuất hiện, bùng phát và lây lan, cùng với các ngành, hoạt động giáo dục và đào tạo chịu ảnh hưởng lớn trong việc bảo đảm chương trình học cho học sinh bởi nhiều trường trong tỉnh phải cho học sinh nghỉ học. Đặc biệt, đầu năm 2022, khi dịch Covid-19 lây lan vào trường học, số lượng giáo viên, học sinh mắc Covid-19 tăng cao, hàng loạt trường học buộc phải tạm dừng cho học sinh đến trường, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy và học đã không còn là một cuộc thử nghiệm mà đã trở thành một nhiệm vụ cấp bách đối với mỗi cơ sở giáo dục, giáo viên và học sinh. Sự tập dượt học qua truyền hình, học trực tuyến từ những năm học trước đã để lại những kinh nghiệm lớn đối với cả đội ngũ giáo viên và học sinh. Với phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học” các trường đã khẩn trương lên các phương án dạy và học thích ứng với tình hình mới. 

Cô giáo Trần Thị Hồng Thiện, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Vũ Thắng (Kiến Xương) cho biết, nếu như năm học 2020 - 2021 giáo viên mới làm quen với việc dạy học trực tuyến và còn nhiều bỡ ngỡ thì sang năm học 2021 - 2022 giáo viên đã hoàn toàn chủ động được các giờ giảng trực tuyến đồng thời còn tích hợp vừa dạy học trực tiếp trên lớp đồng thời dạy trực tuyến trong một tiết học. Ví dụ cụ thể: Nếu như năm học trước, học sinh là F0, F1 sẽ nghỉ học, được cô giáo hỗ trợ bài học, giao bài tập thì sang năm học này các em là F0, F1 vẫn sẽ được học cùng các bạn, cô giáo sẽ vừa dạy trực tiếp phấn trắng, bảng đen trên lớp đồng thời tích hợp ứng dụng phần mềm Zoom để các em là F0, F1 học trực tuyến. Vì đã hoàn toàn làm chủ ứng dụng học trực tuyến qua phần mềm Zoom nên kể cả với những lớp học chưa được trang bị tivi thông minh, giáo viên sẽ sử dụng điện thoại thông minh hỗ trợ bài giảng.

Trong hai năm 2020, 2021, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT đã giúp gần 400.000 học sinh toàn tỉnh không ngừng việc học khi phải tạm dừng đến trường do dịch Covid-19. Việc ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy học đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy, học tập truyền thống. 

Ông Trần Đức Cường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Hưng cho biết: Hai năm vừa qua, ngành giáo dục đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của đội ngũ cán bộ, giáo viên và các em học sinh khi chủ động các biện pháp, hình thức, phương pháp dạy và học phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Dịch Covid-19 đã khiến ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn nhưng cũng không thể phủ nhận toàn ngành đã biến thách thức, khó khăn thành cơ hội để thay đổi tư duy và phương thức dạy học cũng như quản lý, đây sẽ là cú hích lớn cho việc chuyển đổi số.

Không chỉ dừng ở việc ứng dụng rộng rãi CNTT trong dạy và học, đến nay, ngành giáo dục Thái Bình đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT đáp ứng cho mục tiêu chuyển đổi số trong ngành giáo dục, bao gồm các nội dung: Số hóa cơ sở dữ liệu ngành giáo dục thành hệ thống tổng thể từ nhà trường đến các cấp quản lý; dạy học trực tuyến; triển khai kho học liệu điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm phục vụ học tập, ôn luyện kiến thức trực tuyến cho học sinh. Đồng thời, tích hợp nghiệp vụ quản lý trường học như sổ điểm điện tử, học bạ điện tử và triển khai chương trình bồi dưỡng cán bộ, viên chức, giáo viên nhằm nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT trong dạy và học; các chương trình, giáo trình giảng dạy CNTT nhằm đào tạo nguồn nhân lực giỏi về CNTT từng bước chuyển đổi số trong toàn ngành.

Biến thách thức thành cơ hội

Đã lâu không đi khám bệnh, lần này đến bệnh viện bà Hoàng Thị Xíu (xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ) có nhiều ngỡ ngàng bởi đến đây bà mới biết nếu có căn cước công dân gắn chíp điện tử thì bà không cần phải mang thẻ bảo hiểm y tế và chứng minh nhân dân như trước nữa. Chỉ một cái căn cước gắn chíp đã thay thế mọi giấy tờ tùy thân. Việc khám chữa bệnh cũng thuận lợi hơn, không chen ngang, cứ theo thứ tự ai đến trước khám trước. Khi cần chiếu chụp cũng không mất thời gian ngồi chờ lấy kết quả, kết quả siêu âm, chụp X-quang... của bệnh nhân sẽ tự động chuyển qua hệ thống.

Người bệnh sử dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử đi khám chữa bệnh BHYT, không mất nhiều thời gian chờ đợi như trước đây, để đạt được kết quả này tất cả nhờ việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. 

Ông Hà Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trước thực tế cấp bách về sự quá tải tại các bệnh viện, cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh là một trong những nội dung cốt yếu của hoạt động y tế. Dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế và sự chủ động của các đơn vị khám chữa bệnh, đến nay 100% bệnh viện đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện; 100% bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện hiệu quả phần mềm giám định BHYT; bước đầu triển khai khám chữa bệnh từ xa tại một số bệnh viện đầu ngành như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi. Việc sử dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử trong khám chữa bệnh BHYT đi vào triển khai thí điểm từ tháng 3/2022, mục tiêu tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, tiết kiệm thời gian cho cán bộ y tế và người bệnh, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới.

Nhiều năm nay, lĩnh vực y tế là một trong những lĩnh vực ứng dụng CNTT mạnh mẽ nhất. Giữa bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động y tế và cuộc sống, sức khỏe của người dân như hai năm qua, việc ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch được ngành y tế tăng cường thực hiện. Truy vết người liên quan đến ổ dịch, tiêm vắc-xin, hướng dẫn người dân phòng và điều trị Covid-19..., tất cả những nội dung quan trọng này đã được triển khai qua các phần mềm công nghệ bởi sự phối hợp giữa ngành y tế và ngành thông tin và truyền thông như: phần mềm khai báo y tế tự nguyện; phần mềm quản lý tiêm chủng; tổng đài áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để trả lời các thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19...

Không chỉ có giáo dục hay y tế, để thúc đẩy xã hội số, đến nay nhiều ngành như công an, lao động - thương binh và xã hội, thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, văn hóa - thể thao và du lịch... đã hoàn thành xây dựng và đưa vào ứng dụng cơ sở dữ liệu quản lý của ngành, phần mềm quản lý chuyên ngành; các doanh nghiệp du lịch cũng tăng cường ứng dụng CNTT trong xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu, tăng cường kết nối với các đơn vị lữ hành ngoài tỉnh nhằm thu hút nguồn khách du lịch về Thái Bình... 

Hơn hai năm dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội. Song, biến những thách thức thành cơ hội, nhiều sự đột phá, sáng tạo ở các lĩnh vực đã xuất hiện. Họp, học trực tuyến diễn ra phổ biến và thường xuyên; trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong mọi lĩnh vực; thanh toán không dùng tiền mặt gia tăng; mua bán hàng qua mạng trở thành xu thế... CNTT, chuyển đổi số đã khắc phục những đứt gãy trong hoạt động, đưa con người kết nối gần nhau hơn để sẵn sàng bước vào một xã hội số, bắt kịp những thay đổi lớn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Thực tiễn cho thấy, với sự linh hoạt ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục đã hoàn thành nhiệm vụ kép vừa hoàn thành chương trình học vừa bảo đảm sức khỏe cho học sinh, giáo viên. Có thể thấy, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động giáo dục nhưng đồng thời cũng tạo ra động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong giáo dục là công việc không phải một sớm một chiều có thể thực hiện được. Song, nếu chúng ta tận dụng thời cơ, bắt đầu ngay và làm thường xuyên, đây sẽ là cú hích làm thay đổi tư duy giáo dục, quản trị giáo dục, thay đổi phương thức của người dạy và hoạt động của người học, hướng tới giải quyết những vấn đề mang tính bền vững, lâu dài trong ngành giáo dục.

Ông Hà Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động, ngành y tế đang chuyển đổi sử dụng bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy tại các cơ sở khám chữa bệnh và việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám chữa bệnh trên nền tảng thanh toán của Cổng dịch vụ công quốc gia. Mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 50% cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh có bộ phận khám chữa bệnh từ xa kết nối với nền tảng hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa do Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế phối hợp thực hiện để hỗ trợ người dân được khám chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải tại các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.

Đại tá Trần Quang Thành, Trưởng Công an huyện Quỳnh Phụ

Việc triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử để khám chữa bệnh BHYT do ba ngành công an, bảo hiểm xã hội, y tế phối hợp thực hiện là minh chứng rõ nét trong việc hướng tới nền hành chính hiện đại, tiết giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục khám chữa bệnh. Từ ngày 27/2/2022, Công an huyện Quỳnh Phụ đã triển khai cấp tài khoản định danh điện tử thông qua công tác cấp căn cước công dân. Thời điểm hiện tại công dân có thể tích hợp thông tin giấy phép lái xe, đăng ký xe, mã số thuế, mã số bảo hiểm xã hội vào tài khoản định danh điện tử. Thời gian tới, Công an huyện Quỳnh Phụ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các tiện ích khi công dân đăng ký tài khoản định danh điện tử để tích cực hưởng ứng, đăng ký tài khoản định danh điện tử.


(còn nữa)
Trần Hương - Nguyễn Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày