Thứ 7, 11/01/2025, 22:49[GMT+7]

Quân dân Thái Bình: Anh hùng trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ

Thứ 3, 21/04/2020 | 10:05:39
33,634 lượt xem
Dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ lấy cớ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc bằng không quân. Trong điều kiện địch đánh phá ác liệt, quân và dân Thái Bình vẫn “vững tay cày, chắc tay súng” đánh trả các đợt không kích của không quân Mỹ, góp phần cùng cả nước làm thất bại âm mưu của kẻ thù, bảo vệ vững chắc hậu phương xã hội chủ nghĩa.

Các cựu chiến binh Thái Bình tham quan xác máy bay trinh sát không người lái của đế quốc Mỹ do Đại đội 4 pháo cao xạ tỉnh Thái Bình bắn rơi ở huyện Kim Động (Hưng Yên) cuối năm 1969.

Đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc nhằm phá hoại kinh tế, giao thông, chặn chi viện quốc tế cho Việt Nam và chặn đường chi viện của miền Bắc cho miền Nam, từ đó làm nhụt ý chí chống quân xâm lược của nhân dân ta. Với Thái Bình, máy bay Mỹ đánh phá lần thứ nhất từ ngày 13/8/1965 đến  ngày 31/8/1968, lần thứ hai từ ngày 16/4/1972 đến ngày 27/12/1972. Số ngày chúng đánh phá trong hai lần lên tới 1.015 ngày với 1.592 trận. Chúng đã sử dụng tới 7.783 lần chiếc máy bay các loại đánh vào 1.606 mục tiêu. Trong đó, mục tiêu dân cư chiếm 53% (80% số xã của tỉnh bị đánh bom), mục tiêu giao thông 31%, mục tiêu kinh tế 16%. Trong những năm tháng đó, đế quốc Mỹ đã dội xuống Thái Bình trên 2.425 tấn bom đạn các loại.

Tội ác do đế quốc Mỹ gây ra làm thương vong 4.007 người (1.544 người chết). Thiệt hại về kinh tế do hậu quả đánh phá của chúng không tính hết được. Thị xã Thái Bình hầu như bị san phẳng; cầu Bo, cầu Nguyễn và các cầu chính trên trục đường 10, đường 39 đều bị  sập; các cống lớn như cống Trà Linh, cống Lân... bị đánh hỏng; 27 đoạn đê với tổng chiều dài 4.500m của sông Trà Lý, sông Hồng, sông Luộc bị phá hỏng, để lại hậu quả lâu dài; mùa mưa bão năm 1971 có 125 điểm với tổng chiều dài hơn 12km đê bị sạt lở nghiêm trọng. Do chịu ảnh hưởng của bom đạn địch, 137 xí nghiệp, trạm trại, kho tàng, chân hàng bị thiệt hại nặng.

Để đánh trả và chiến thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, các cấp ủy đảng và ủy ban hành chính các cấp ở Thái Bình đã quán triệt, vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên vào thực tiễn địa phương; lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và lực lượng vũ trang của tỉnh kịp thời chuyển hướng từ thời bình sang thời chiến, khẩn trương triển khai lực lượng phòng không nhân dân. Từ năm 1965 - 1972, quân và dân trong tỉnh đã làm được 15.865 hầm xây mặt lát bê tông, 1.296.000 hầm kèo tre, 1.393.332 hố cá nhân, 195.249m giao thông hào, 266.395 hầm nuôi gia súc. Các cơ quan tỉnh, huyện, các xí nghiệp, trường học... đã sơ tán về 123 xã, 564 trường học chia làm 1.425 trường nhỏ, mỗi lớp không quá 50 học sinh; 206 cửa hàng chia thành 601 cửa hàng nhỏ; 78 kho chia thành 802 kho. Hơn 2 vạn dân thị xã Thái Bình vùng trọng điểm được sơ tán về các làng, xã trong tỉnh. Hệ thống phòng không “dân phòng” nhân dân gồm: báo động máy bay, cứu thương, cứu sập, cứu hỏa, bảo đảm giao thông, bảo vệ trị an... được tổ chức chặt chẽ và hoạt động tốt, nhờ vậy đã giảm được thương vong và thiệt hại cho nhân dân.

Vừa chiến đấu, vừa xây dựng, trưởng thành qua hai lần chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân Thái Bình đã bắn rơi 44 máy bay Mỹ các loại, bắt sống 2 giặc lái, diệt 1 giặc lái. Pháo binh bờ biển của tỉnh bắn cháy 4 tàu chiến địch khi chúng đánh phá ven biển huyện Tiền Hải. Khắc phục hậu quả bom đạn địch sau chiến đấu, quân và dân trong tỉnh đã đào, tháo gỡ 18 quả bom chờ nổ, rà phá 601 quả bom chờ nổ, thu nhặt và phá trên 1 vạn bom bi, bom xuyên con. Những thắng lợi của quân và dân Thái Bình cùng với quân và dân cả nước trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã giáng cho chúng những thất bại nặng nề, tạo bước chuyển chiến lược quan trọng, quyết định cục diện cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, buộc phía Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán Hiệp định Pa-ri (tháng 1/1973) và rút quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Ông Lê Đức Thanh, Phó Ban liên lạc Đại đội 4 pháo cao xạ, Bộ CHQS tỉnh
Nói về cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chúng tôi luôn tự hào về chiến công vang dội bắn rơi 8 máy bay địch của đơn vị. Trong giai đoạn 1966 - 1987, Đại đội liên tục đạt đơn vị quyết thắng, là lá cờ đầu của lực lượng vũ trang Quân khu 3, cùng thành tích chiến đấu trên 200 trận, trực tiếp bắn rơi 8 máy bay địch, phối hợp với các đơn vị bạn bắn rơi 3 chiếc khác. Với những thành tích đó, Đại đội được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1969. 54 năm trôi qua kể từ ngày thành lập đơn vị, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đại đội 4 pháo cao xạ, Bộ CHQS tỉnh luôn tự hào về một thời hoa lửa, một thời đem sức trẻ và tình yêu quê hương làm nên những chiến công, góp phần cùng quân và dân Thái Bình nói riêng, quân và dân cả nước nói chung làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.

Bà Trần Thị Tựa, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 4 dân quân gái tập trung huyện Tiền Hải
Tôi còn nhớ đầu năm 1971, khi đang là Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn xã Vũ Lăng (Tiền Hải), tôi được cấp trên điều động tăng cường cho Đại đội nữ dân quân pháo cao xạ 37 ly trực chiến bảo vệ cống Lân (Tiền Hải) và các mục tiêu quan trọng. Sau 4 tháng tăng cường, tôi được giao trọng trách Đại đội trưởng. Đơn vị ở tập trung, lại toàn là nữ. Những ngày tháng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tôi và các đồng đội gian khó không nản, đói bữa không kêu, tất cả với quyết tâm “đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Các chị em cùng bó bện bên nhau ngày đêm ứng trực sẵn sàng cùng với các đơn vị giăng “lưới lửa phòng không” khi máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời. 11 năm gắn bó với đơn vị, tôi đã trực tiếp chỉ huy chiến đấu trên 270 trận, đã bắn rơi 2 máy bay Mỹ, phối hợp với Đại đội 4 nam pháo cao xạ 37 ly bảo vệ vững chắc cống Lân cùng các mục tiêu quan trọng của tỉnh.
 
Bà Bùi Thị Nga, nguyên khẩu đội trưởng khẩu đội pháo cao xạ 37 ly, Xí nghiệp Dược phẩm Thái Bình
Năm 1969, Đại đội pháo cao xạ 37 ly thị xã Thái Bình thành lập dưới sự chỉ huy của Thị đội. Đơn vị bao gồm trên 100 thành viên là lực lượng dân quân, tự vệ từ các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn thị xã. Đơn vị chia thành 5 khẩu đội thay nhau trực chiến. Khi đó tôi là khẩu đội trưởng khẩu đội pháo cao xạ, Xí nghiệp Dược phẩm Thái Bình. Năm 1972, đế quốc Mỹ trở lại đánh phá miền Bắc, trong đó có Thái Bình. Tôi còn nhớ sáng ngày 19/8/1972, được tin báo máy bay địch đã vào vùng trời thị xã, đơn vị tôi nhận lệnh sẵn sàng chuẩn bị chiến đấu. Chỉ ít phút sau, một tốp máy bay địch bay dọc sông Trà Lý bất ngờ bổ nhào xuống bắn phá cầu Bo, khu vực ngã tư An Tập và Bệnh viện Việt - Bun. Nhận được số liệu từ trinh sát và trắc thủ, khẩu pháo của Xí nghiệp Dược phẩm cùng 4 khẩu pháo còn lại đồng loạt khai hỏa sáng rực bầu trời. Chiếc F4H đi đầu bị trúng đạn bốc cháy, những chiếc khác quay đầu tháo chạy. Tin Đại đội pháo cao xạ bắn rơi máy bay Mỹ làm nức lòng quân và dân trong tỉnh. Sau chiến công đó, chị em trong Đại đội càng thêm hăng say chiến đấu, quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược.


Nguyễn Hình - Tất Đạt