Chủ nhật, 28/07/2024, 05:25[GMT+7]

Để luật không nằm trên giấy

Thứ 6, 24/08/2012 | 08:38:52
365 lượt xem
Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, đây cũng là quá trình xây dựng một Nhà nước pháp quyền. Nhưng sẽ là vô nghĩa và gây tốn kém cả về thời gian và tiền bạc khi một văn bản quy phạm pháp luật được dự thảo, ban hành mà không được thực thi trong thực tế.

Thanh niên tình nguyện tham gia hướng dẫn giao thông. Ảnh: Hiền Trâm

Có câu chuyện thời bao cấp được kể lại rằng, biết vị giám đốc một xí nghiệp cơ khí nông nghiệp nọ không có trình độ chuyên môn, mấy công nhân đã láu lỉnh xin duyệt 4 công đi khênh bugi sấy nóng máy cày. Bản tính cẩn thận, đa nghi, lãnh đạo xí nghiệp hỏi cái bugi quan trọng thế nào mà cần đến 4 công, các công nhân nói bugi là vật quan trọng, thiếu nó máy cày không thể hoạt động được. Vụ mùa gấp gáp, thấy “tầm quan trọng” của bugi như vậy nên vị giám đốc đã duyệt theo đề nghị của công nhân. Người ta thường gọi những quyết định như vậy là quyết định “trên trời” và đương nhiên người ra quyết định là người “cõi trên”. Đó là chuyện cũ, dường như không còn ở thời nay, nhưng thực tế, khi ra các quyết định dưới hình thức ban hành các văn bản quy phạm pháp luật không ít trường hợp dở khóc, dở cười, do không phản ánh được thực tiễn khách quan.

Còn nhớ, khi bàn về các giải pháp giải quyết ùn tắc giao thông ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có ý kiến đề xuất phương án ô tô và xe máy lưu hành vào nội thành theo biển số chẵn, lẻ. Theo đó, số chẵn, lẻ được xác định bằng số cuối của biển số xe và biển chẵn đi vào các ngày thứ hai, tư, sáu, biển lẻ đi ngày thứ ba, năm, bảy. Riêng ngày Chủ nhật không phân biệt chẵn, lẻ.

Đặt ra quy định là một chuyện, song để đảm bảo đúng xe chẵn lưu thông ngày chẵn - xe lẻ lưu thông ngày lẻ lại là chuyện khác. Nhiệm vụ chính của CSGT là điều tiết giao thông, chứ không thể suốt ngày căng mắt nhìn biển số từng ô tô trên đường để xử phạt theo ngày chẵn - lẻ. Các nước tiên tiến có hệ thống giao thông thông minh có thể giám sát hiệu quả và xử phạt “nguội”, trong khi ở ta, giữa một dòng xe đang lưu thông, nếu CSGT chặn các ô tô vi phạm để xử phạt sẽ càng gây rối loạn và ùn tắc.

Đã hơn 2 năm Điều 16 của Nghị định 45 quy định về xử phạt đối với các hành vi hút thuốc lá nơi công cộng có hiệu lực, nhưng mặc dù các tấm biển rất to “Không hút thuốc lá” có biểu tượng cấm hút thuốc được trưng lên vẫn dễ dàng bắt gặp cảnh “vô tư” hút thuốc. Số lượng xử phạt người hút thuốc lá vi phạm trên cả nước đếm được trên đầu ngón tay, do vậy nhiều người dân cho rằng quy định đưa ra để “cho vui”. Trong Nghị định số 34/2010/NĐ-CP có chế tài xử phạt vi phạm đối với người đi bộ, nhưng theo các CSGT cho biết, đối với người đi bộ, đặc biệt người không mang theo giấy tờ tùy thân, tiền thì chẳng biết phạt bằng cách nào. Mà họ có mang theo nhưng không tự giác thì cũng “bó tay” bởi không thể khám người hoặc tạm giữ người vi phạm. Không xử phạt được nên luật chỉ nằm trên... giấy. 

Gần đây nhất, có hai quy định được ban hành, xem ra là điều cần làm và đáng mừng vì nó bảo vệ quyền lợi, tính mạng, tài sản của người dân. Điều 5, Thông tư 33/2012/TT- BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định: “Không được dùng hóa chất để bảo quản thịt và phụ phẩm tươi sống. Thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8h kể từ khi giết mổ...”. Quy định rất hay, rất tốt do môi trường khí hậu Việt Nam nóng, ẩm sau 8 giờ dễ dẫn đến thịt sống bị phân hủy, tạo ra độc tố, nhưng người dân băn khoăn không hiểu cơ quan chức năng kiểm soát thế nào trong khi các hàng thịt được bày bán khắp thôn, xóm, len lỏi trong từng ngõ ngách.

Thêm vào đó, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nhiều người dân, nhất là người nghèo đôi khi cũng chấp nhận mua thịt cuối ngày vì giá rẻ. Ngày 5/8 vừa qua, Nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Phòng cháy chữa cháy, có hiệu lực thi hành. Theo đó, hành vi sử dụng điện thoại di động tại cây xăng không chỉ dừng ở cấm mà còn bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng. Tuy nhiên, khảo sát ở các cây xăng thành phố, nhiều người vẫn thản nhiên... A lô! Khi được hỏi, phần lớn ngớ ra vì không biết có quy định này, một số người có biết, nhưng theo họ “có ai phạt đâu mà sợ”.

Một điều đáng lo ngại, một số điều luật, quy định tương tự như trên lại đang được “sinh sản vô tính” trong các bộ, ngành. Chẳng hạn dự thảo Nghị định về kinh doanh khí hóa lỏng, quy định mỗi thương nhân phân phối phải đảm bảo một số chuẩn, mà để đạt chuẩn đó chưa tính tiền thuê đất, mỗi doanh nhân phải có vốn khoảng 200 tỷ đồng, điều này khiến Bộ Công thương gặp phải phản ứng quyết liệt từ các doanh nghiệp, họ cho rằng nếu xét về quy mô kinh doanh, những “chuẩn” đó là không cần thiết, gây lãng phí lớn cho doanh nghiệp. Hoặc ngày 10/8/2012, Cục Kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) có Văn bản số 151/KTrVB đề nghị “xem xét kỹ tính hợp pháp đối với nội dung quy định về việc ghi tên cha, mẹ của công dân vào Chứng minh thư nhân dân đã được quy định tại Nghị định số 05 và Nghị định số 170”.

Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, đây cũng là quá trình xây dựng một Nhà nước pháp quyền. Nhưng sẽ là vô nghĩa và gây tốn kém cả về thời gian và tiền bạc khi một văn bản quy phạm pháp luật được dự thảo, ban hành mà không được thực thi trong thực tế. Để luật đi vào cuộc sống thiết nghĩ trước khi ban hành cần nghiêm túc trong việc lấy ý kiến theo quy định của Luật Ban hành văn bản pháp luật. Ban soạn thảo cần tập trung chú ý tới việc tổng kết tình hình thực tiễn, đánh giá tác động (tiêu cực và tích cực), thực sự lắng nghe ý kiến người dân,  tránh tình trạng áp đặt ý chí chủ quan cá nhân (hoặc một nhóm lợi ích) vào văn bản pháp luật. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành và mọi người dân.

Phan Lợi


  • Từ khóa