Chủ nhật, 12/01/2025, 01:48[GMT+7]

Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2020) Viết tiếp truyền thống anh hùng

Thứ 3, 14/07/2020 | 08:18:29
9,229 lượt xem
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2020), phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Hoàng Công Ánh, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh về truyền thống anh hùng của lực lượng TNXP.

Hội Cựu TNXP tỉnh tặng quà cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn của xã Đông Hòa, thành phố Thái Bình.

Cách đây 70 năm, ngày 15/7/1950, theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành lập Đội Thanh niên xung phong (TNXP) công tác Trung ương đầu tiên phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ đó đến nay, các thế hệ TNXP Việt Nam nói chung, TNXP Thái Bình nói riêng đã xây đắp nên truyền thống “Thanh niên xung phong - chiến đấu dũng cảm - lao động sáng tạo”, lập nhiều chiến công xuất sắc. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2020), phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Hoàng Công Ánh, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh về truyền thống anh hùng của lực lượng TNXP.

Phóng viên: Trong hành trình 70 năm, màu áo xanh TNXP đã luôn là biểu tượng của sức sống, niềm tin, khát vọng và sự tự hào của các thế hệ thanh niên Việt Nam. Những dấu son đáng tự hào mà lực lượng TNXP Thái Bình đã đạt được trong suốt hành trình là gì, thưa ông?

Ông Hoàng Công Ánh: Là tỉnh sớm có phong trào TNXP, giữa năm 1953, trong vùng căn cứ du kích chống thực dân Pháp, đơn vị TNXP đầu tiên của tỉnh Thái Bình được thành lập gồm 180 đoàn viên thanh niên cứu quốc. Đơn vị nhận nhiệm vụ lên chiến khu Việt Bắc và gia nhập Đoàn TNXP Trung ương hợp thành đội quân xung kích tiếp lương, tải đạn, bảo đảm giao thông thông suốt ở các tọa độ lửa: đèo Pha Đin, ngã ba Cò Nòi, cầu Tà Vài..., góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hòa bình lập lại ở miền Bắc, hơn 6.000 TNXP Thái Bình lại có mặt ở các công trình thanh niên: lò cao khu gang thép Thái Nguyên, đường sắt Đông Anh - Thái Nguyên, làm đường chiến lược 12B Hòa Bình... Chiến công xuất sắc của TNXP Thái Bình còn mãi với thời gian của công trường đại thủy nông Nậm Rốm tỉnh Điện Biên - kế tục và làm vẻ vang truyền thống của thế hệ TNXP kháng chiến chống thực dân Pháp.

Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hơn 30.000 TNXP Thái Bình đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, gắn bó tuổi xuân của mình với những chiến công oanh liệt ở những cung đường: 10, 12, 15, 20 Quyết thắng; ở những trọng điểm: cua chữ A, phà Xuân Sơn, núi Nhồi, ga Núi Gôi... Và ở ngay trên mảnh đất quê hương, 2.500 TNXP phòng, chống lụt, bão đã góp công dệt nên mùa vàng 5 tấn, kiêu hãnh gửi ra tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần vào chiến thắng lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Bước vào thời kỳ cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, với ý chí quyết tâm “Xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, với tinh thần “Tổ quốc đẹp giầu, đâu cũng là quê hương”, nhân dân Thái Bình lại tiễn đưa trên 20.000 “lao động tiền trạm xây dựng vùng kinh tế mới” vào các tỉnh phía Nam, trong đó có hàng nghìn thanh niên Thái Bình tình nguyện gia nhập các đội TNXP (tập trung) làm nhiệm vụ xung kích khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng kinh tế mới, phục vụ chiến đấu và chiến đấu dũng cảm bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, gần 500 TNXP Thái Bình đã anh dũng hy sinh, trên 3.000 người bị thương tật và nhiễm chất độc hóa học, mang bệnh suốt đời. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ TNXP Thái Bình được tặng thưởng huân, huy chương các loại, trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, doanh nhân, nông dân lao động sản xuất, kinh doanh giỏi, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương... Tiêu biểu cho những chiến công và gương hy sinh dũng cảm của TNXP Thái Bình là Đại đội 895 - N89, Tiểu đội xung kích Đại đội 873 - N87, liệt sĩ Nguyễn Thị Hồng Mùi, cựu TNXP Vũ Tiến Đề được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...

Phóng viên: Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam cũng là dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Cựu TNXP tỉnh và nhìn lại 15 năm phong trào thi đua yêu nước cựu TNXP nguyện nêu gương sáng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xin ông cho biết những hiệu quả thiết thực mà phong trào mang lại?

Ông Hoàng Công Ánh: Gần 25.000 cựu TNXP tham gia tổ chức hội đã tạo nên sức mạnh tinh thần mới, khơi dậy khí thế hào hùng trong quá khứ, động viên, cổ vũ nhau tiếp tục phát huy truyền thống, bản chất TNXP, nêu gương sáng làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những hoạt động thiết thực. Cùng với tổ chức hội, các cựu TNXP đã làm tốt vai trò nhân chứng lịch sử, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết các chế độ, chính sách đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Đến nay, hơn 9.000 cựu TNXP đã được hưởng chế độ trợ cấp một lần và trợ cấp thường xuyên; 455 TNXP hy sinh đã được công nhận liệt sĩ; 2.160 TNXP bị thương tật đã được hưởng chế độ như thương binh. Tổ chức hội chủ động phối hợp với các cơ quan lập hồ sơ đề nghị và đã được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho các tập thể và cá nhân TNXP tỉnh Thái Bình; cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận phiên hiệu cho các đơn vị TNXP qua các thời kỳ.

Hiện nay, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, hoạt động “Vì nghĩa tình đồng đội” của hội cựu TNXP đã trở thành phong trào quần chúng với nhiều hình thức phong phú và nghĩa cử cao đẹp. 15 năm qua, các cấp hội đã tuyên truyền, vận động và tiếp nhận từ nhiều nguồn ủng hộ với số tiền gần 25 tỷ đồng để tặng 378 sổ tiết kiệm trị giá 1,252 tỷ đồng cho các nữ cựu TNXP nghèo; xây tặng 661 nhà tình nghĩa cho gia đình cựu TNXP nghèo trị giá 14,775 tỷ đồng; tặng trên 35.000 suất quà cho cựu TNXP gặp khó khăn; giúp đỡ hàng trăm gia đình cựu TNXP thoát nghèo bền vững...

Phóng viên: Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như hiện nay, Hội làm thế nào để tập hợp và phát huy hết sức mạnh của cựu TNXP vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước và tỉnh Thái Bình, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ?

Ông Hoàng Công Ánh: Tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, Hội Cựu TNXP tỉnh thực hiện tốt hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động xã hội, lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động “Vì nghĩa tình đồng đội”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”; giúp nhau vượt khó vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống; làm tốt hơn nữa vai trò nhân chứng lịch sử, tham gia giải quyết chế độ, chính sách đối với TNXP hoàn thành nhiệm vụ. Các cấp hội cũng nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của tổ chức hội, cùng chung sức chung lòng xây dựng Hội là ngôi nhà chung của hội viên hội cựu TNXP. Bên cạnh đó, Hội luôn coi trọng công tác giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, truyền thống TNXP cho thế hệ trẻ, phối hợp với đoàn thanh niên tổ chức nhiều đoàn về nguồn, thăm các di tích lịch sử. Từ phong trào thi đua yêu nước cựu TNXP nêu gương sáng làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, trở thành những điển hình cho thế hệ trẻ noi theo.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!


Ông Đỗ Nguyên Mĩn, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Đông Hưng

Huyện Đông Hưng có trên 10.000 TNXP tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Trở về với đời thường, cựu TNXP chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực học và làm theo gương Bác; tham gia xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế. Với vai trò là nhân chứng lịch sử, Hội đã tham mưu cấp ủy, chính quyền trong việc giải quyết các chế độ, chính sách còn tồn đọng cho cựu TNXP; giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, truyền thống quê hương và truyền thống anh hùng của lực lượng TNXP cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, với hoạt động “Vì nghĩa tình đồng đội”, 5 năm qua các cấp hội đã trao 4.500 suất quà cho cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn; hàng năm trao hơn 20 sổ tiết kiệm cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức cho cán bộ, hội viên thăm lại chiến trường xưa; quyên góp, ủng hộ 45 triệu đồng để tu sửa 3 nghĩa trang của TNXP tại Quảng Bình.

Ông Đỗ Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ)
Phát huy truyền thống TNXP “Nơi nào cần thanh niên có, nơi nào khó có thanh niên”, sau khi trở về đời thường, được sự động viên, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương và hội TNXP các cấp, nhiều cựu TNXP ở địa phương đã khắc phục mọi khó khăn để phát triển kinh tế. Với tôi, năm 2003, khi về nghỉ chế độ, tôi mở cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi, ban đầu gặp nhiều khó khăn nhưng sau đó đã dần ổn định. Cửa hàng mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Mấy năm gần đây, giá thịt lợn bấp bênh, dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến người chăn nuôi, tôi đã giúp đỡ người chăn nuôi, trong đó có nhiều cựu TNXP bằng cách thanh toán trả chậm, không lấy lãi. Bên cạnh đó, gia đình tôi cũng tích cực ủng hộ phong trào xây dựng nông thôn mới, các hoạt động an sinh xã hội, gần đây là ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương với mong muốn góp một phần nhỏ bé giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.


Bà Đào Thị Nhật, cựu TNXP Đại đội 395, Đội 39
Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” của đoàn thanh niên, chúng tôi ai cũng mong muốn được gia nhập quân đội hoặc lực lượng TNXP để lên đường đánh Mỹ. Nhiều anh chị em chưa đủ tuổi thì khai tăng tuổi, không đủ cân nặng thì đeo đá hoặc nhờ người cân hộ. Đơn vị chúng tôi làm nhiệm vụ trên đường 20 Quyết thắng. Chiến trường gian khổ, hiểm nguy, nhất là đối với phụ nữ thì thiếu thốn vô cùng. Mặc dù vậy, chúng tôi quyết bám đường, bám cầu với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, vì hòa bình, độc lập, thống nhất nước nhà. Trong gian khổ, hy sinh, tình đồng chí, đồng đội và ý chí quyết tâm cống hiến hết mình cho Tổ quốc đã giúp các đơn vị TNXP hoàn thành nhiệm vụ, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. TNXP là trường học lớn giúp chúng tôi vững bước trưởng thành.

Anh Nguyễn Xuân Trường, Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Hưng Hà (Hưng Hà)
Nếu như trong chiến tranh, bao thế hệ cha anh không ngại “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hiến trọn tuổi thanh xuân chiến đấu bảo vệ nước nhà thì nay thế hệ trẻ chúng tôi vẫn luôn tự hào và tiếp bước truyền thống dân tộc anh hùng, kiên cường, bất khuất bằng những hành động, việc làm cụ thể. Chúng tôi đã và đang phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện thực hiện thành công các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ như: “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Trong đó, nổi bật là các hoạt động tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thăm hỏi, tặng quà các em thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật; tích cực tham gia hiến máu nhân đạo; sáng tạo trong phát triển kinh tế. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tuổi trẻ chúng tôi đã tư vấn sức khỏe, tặng quà thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, cựu TNXP. Những công trình, phần việc thanh niên đã được ghi nhận bởi đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Xuân Phương