Chủ nhật, 12/01/2025, 03:57[GMT+7]

Hành trình Việt Nam chinh phục Tank Biathlon

Thứ 7, 05/09/2020 | 13:27:51
8,419 lượt xem
Việt Nam khởi đầu Tank Biathlon 2020 với tư cách đương kim á quân Bảng 2 và giành chức vô địch đầu tiên sau 5 trận đấu đầy khó khăn.

Đội xe tăng Việt Nam nâng cúp vô địch tại lễ trao giải ở thao trường Alabino, Moskva hôm 4/9. Ảnh: BQP Nga.

Đội xe tăng với nòng cốt là ba kíp thi đấu, mỗi kíp ba người, cùng 10 đội tuyển khác của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày 10/8 lên đường tới Nga tham dự hội thao quân sự Army Games 2020 và trải qua ba ngày cách ly tại thủ đô Moskva nhằm đề phòng Covid-19 lây lan.

Đua xe tăng (Tank Biathlon) là nội dung quan trọng nhất và thu hút sự chú ý nhiều nhất tại hội thao quân sự quốc tế thường niên (Army Games) được Nga chủ trì tổ chức. Giải đua xe tăng này có nguồn gốc là cuộc Đua tài Quốc tế diễn ra tại Moskva năm 2013 với chỉ 4 đội tham gia. Giải đấu được đổi tên thành Tank Biathlon từ năm 2014 và năm nay là lần thứ 7 giải đua xe tăng quốc tế diễn ra.

Việt Nam lần đầu tham dự Tank Biathlon năm 2018 với mục tiêu học hỏi, cọ xát, khi chỉ có vài ngày làm quen với xe tăng T-72B3 dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Nga. Đến năm 2019, luật thi đấu được thay đổi, chia giải làm hai bảng thi đấu riêng rẽ. Bảng 1 gồm những đội được đánh giá mạnh hơn và có kinh nghiệm vận hành xe tăng T-72 hơn, trong khi Bảng 2 là những đội yếu hơn.

Việt Nam tiếp tục tham dự Tank Biathlon 2019 ở Bảng 2 và đã gây bất ngờ lớn khi giành huy chương bạc, chỉ xếp sau Uzbekistan trong trận chung kết. Năm nay là lần thứ ba Việt Nam cử đội tuyển tham gia Tank Biathlon và vẫn thi đấu ở Bảng 2, cùng các đội Myanmar, Qatar, Nam Ossetia, Lào, Tajikistan, Congo và Abkhazia.

Các kíp xe Việt Nam bắt đầu hành trình chinh phục Tank Biathlon 2020 bằng việc tiếp nhận 4 xe tăng T-72B3 sơn màu vàng theo kết quả bốc thăm vòng loại tại thao trường Alabino, ngoại ô thủ đô Moskva, hôm 17/8 và tiến hành kiểm tra kỹ thuật, bảo dưỡng, làm quen khí tài hôm 18/8. Toàn bộ xe được xác nhận trong tình trạng kỹ thuật tốt, đủ điều kiện tham gia thi đấu.

Đội Việt Nam chỉ có vài ngày để làm quen trang bị khí tài và địa hình thao trường, trước khi bắt đầu ra quân trong lượt trận đầu tiên vòng loại Bảng 2 Tank Biathlon 2020 vào ngày 24/8.

Ở trận ra quân, kíp xe số 1 (VN1) gồm trưởng xe Trần Việt Hải, pháo thủ Lê Quang Hiệp và lái xe Hoàng Mạnh Tuấn thi đấu với các đối thủ Myanmar, Nam Ossetia và Qatar. Với tinh thần "đánh thắng trận đầu", kíp xe VN1 thể hiện rất tốt khi hạ 5/5 mục tiêu, trong đó hai mục tiêu suýt bị tiêu diệt ngay trong loạt đạn đầu, và về đích nhanh nhất với thành tích 28 phút 20 giây.

Tuy nhiên, tổ trọng tài Nga sau đó trừ lỗi kỹ thuật của các đội, kết luận đội Việt Nam chỉ giành vị trí thứ hai với thành tích 32 phút 20 giây, đứng sau Nam Ossetia với kết quả 31 phút 49 giây.

Kíp xe Việt Nam 2 (VN2) thi đấu ngày 28/8 với kíp lái gồm trưởng xe Vũ Bá Trọng, pháo thủ Trần Ngọc Bình và lái xe Nguyễn Quốc Tuấn. VN2 xuất phát tốt khi nhanh chóng vượt chướng ngại vật dích dắc và tiến vào tuyến bắn, nhưng pháo thủ Trần Ngọc Bình thi đấu không tốt khi cả 3 phát bắn đều hụt tầm và cày đất phía trước mục tiêu.

Tuy nhiên, lái xe Nguyễn Quốc Tuấn đã thể hiện khả năng điều khiển điêu luyện khi liên tục tăng tốc và vượt chướng ngại vật, rút ngắn khoảng cách xuống chỉ hơn một phút so với đội dẫn trước là Nam Ossetia ở đầu vòng 2.

VN2 bắt đầu bứt phá khi trưởng xe Vũ Bá Trọng dùng súng máy 12,7 mm hạ mục tiêu mô phỏng trực thăng ở ngay loạt đạn đầu. Trong loạt bắn cuối, pháo thủ Trần Ngọc Bình nhanh chóng hạ mục tiêu để giúp kíp xe về đích nhanh nhất với thời gian 30 phút 05 giây, tính cả thời gian chạy phạt, đạt tốc độ tối đa 66 km/h.

Kíp xe Việt Nam 3 (VN3) thi đấu ngày 29/8 với kíp lái gồm trưởng xe Phạm Văn Anh, pháo thủ Phan Anh Tuấn và lái xe Nguyễn Tiến Chiến. VN3 xuất phát tốt khi nhanh chóng vượt chướng ngại vật dích dắc và tiến vào tuyến bắn, pháo thủ Phan Anh Tuấn thể hiện tốt khi nhanh chóng diệt cả 3 mục tiêu mô phỏng xe tăng địch.

Lái xe và trưởng xe VN3 thể hiện tốt khi vượt qua các đối thủ xuất phát trước và nhanh chóng hạ mục tiêu bằng súng máy 12,7 mm. Tuy nhiên, xe tăng T-72B3 của VN3 gặp sự cố cháy động cơ, buộc đội Việt Nam phải chuyển sang sử dụng xe tăng dự phòng và mất khá nhiều thời gian chờ đợi, khiến Myanmar 3 và Qatar 3 tranh thủ thời cơ vượt lên.

Trong loạt bắn cuối, pháo thủ Phan Anh Tuấn có vẻ bị tâm lý và không hạ được mục tiêu mô phỏng lính diệt tăng. Dù vậy, kíp xe VN3 vẫn rất nỗ lực và về đích thứ hai với kết quả 38 phút và hạ 4/5 mục tiêu, trong khi đội về nhất Myanmar không bắn trúng bia nào.

Xe tăng Việt Nam thi đấu ở trận bán kết hôm 1/9. Ảnh: QĐND.

Xe tăng Việt Nam thi đấu ở trận bán kết hôm 1/9. Ảnh: QĐND.

Sau ba lượt thi đấu, đội Việt Nam giành vé vào bán kết nhờ vị trí thứ hai vòng loại Bảng 2 với tổng thành tích 1 giờ 44 phút 18 giây. Đội Tajikistan đứng ở vị trí nhất bảng với tổng thành tích 1 giờ 31 phút 40 giây, vị trí thứ ba thuộc về đội Lào với thành tích 1 giờ 44 phút 43 giây.

Trong trận bán kết đầu tiên của Bảng 2 hôm 1/9, ba kíp xe tăng Việt Nam sử dụng xe tăng T-72B3 màu vàng thi đấu với Myanmar. Kíp xe VN1 thi đấu tốt khi bỏ xa đối thủ ngay từ vạch xuất phát và hạ 7/8 mục tiêu, chỉ trượt một phát bắn pháo 125 mm khi hành tiến.

Kíp xe VN2 khởi đầu không thành công khi để Myanmar 2 vượt lên trước, nhưng sau đó giành lại vị trí khi Myanmar 2 liên tục chạy phạt. Trưởng xe và pháo thủ lần lượt hạ 1/2 và 2/3 mục tiêu trong hai vòng chạy đầu, sau đó gia tăng khoảng cách ở vòng thứ ba.

Sự cố nghiêm trọng xảy ra ở phần thi bắn pháo trong hành tiến. Pháo thủ Trần Ngọc Bình hạ được mục tiêu đầu tiên, nhưng hệ thống điều khiển hỏa lực gặp trục trặc, buộc chỉ huy ra lệnh tắt thiết bị ổn định nòng pháo, khiến độ chính xác khi bắn hành tiến giảm đáng kể. Sau phát bắn thứ hai, bộ phận bọc cách nhiệt đầu nòng pháo bị bung ra, buộc đội Việt Nam ngừng thi đấu để đổi xe.

Kíp xe VN3 đã rất nỗ lực để rút ngắn khoảng cách, có thời điểm vượt qua Myanmar 3 ở vòng chạy thứ ba. Tuy nhiên, phần thi bắn pháo 125 mm trong hành tiến không thành công khi VN3 không diệt được mục tiêu nào, dường như việc phải ngắm bắn gần thẳng hướng Mặt trời lặn và bia mục tiêu màu vàng đã gây khó khăn cho pháo thủ Việt Nam.

Trong khi đó, các kíp xe Myanmar đều áp dụng chiến thuật xả đạn bừa để chạy phạt nhằm rút ngắn thời gian. Đội Myanmar hoàn thành phần thi bán kết với kết quả 2 giờ 17 phút 46 giây và hạ 9/24 mục tiêu, Việt Nam kết thúc trận đấu với kết quả 2 giờ 21 phút 05 giây và hạ 13/24 mục tiêu.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn giành vé vào chung kết nhờ xếp thứ hai về thời gian hoàn thành phần thi. Việt Nam cũng là đội có tỷ lệ bắn trúng đích cao nhất bán kết với 13/24 bia bị hạ.

Trong trận chung kết Bảng 2 vào chiều 4/9, đội Việt Nam tiếp tục bốc thăm vào xe T-72B3 màu vàng để thi đấu với các đối thủ Lào, Myanmar và Tajikistan. Trong 4 quốc gia thi đấu trận chung kết, Việt Nam là nước duy nhất không biên chế xe tăng T-72.

Kíp xe VN1 khởi đầu tốt khi liên tục bám đuổi đối phương. Trưởng xe Trần Việt Hải xuất sắc hạ hai bia mục tiêu trong phần bắn súng máy 12,7 mm. Pháo thủ Lê Quang Hiệp bắn trúng 2/3 mục tiêu bằng súng máy đồng trục PKT, nhưng không thành công khi bắn trượt cả 3 phát ở phần thi bắn pháo 125 mm trong hành tiến, nội dung bị coi là điểm yếu của đội Việt Nam.

Nỗ lực của kíp xe VN1 giúp khoảng cách với đội dẫn đầu Myanmar chỉ là 14 giây khi đổi sang kíp VN2. Trưởng xe Vũ Bá Trọng của VN2 thể hiện kỹ năng xạ kích khi hạ bia trực thăng ở loạt đạn đầu và nhanh chóng diệt mục tiêu còn lại.

Khi kíp VN2 đang tiến hành phần thi bắn súng máy đồng trục PKT thì Myanmar 2, đội đang dẫn đầu, gặp sự cố trong lúc bắn hành tiến. Phát hiện xe tăng Myanmar đang khựng lại, pháo thủ Trần Ngọc Bình nhanh chóng xả hết đạn. Dường như chỉ huy đội Việt Nam nhận ra việc xe tăng đội Myanmar gặp sự cố là thời cơ tốt nên đã chỉ đạo cho kíp VN2 nhanh chóng xả đạn để tranh thủ bứt phá vượt lên đối thủ.

Quyết định này giúp VN2 vượt lên trước Myanmar 2 và chỉ thua kém kíp xe Lào 2. Cuộc đua trở nên gay cấn với sự cạnh tranh quyết liệt giữa Việt Nam và Lào, đội cũng thể hiện kỹ năng xạ kích rất tốt khi liên tiếp tiêu diệt mục tiêu.

Lái xe Nguyễn Quốc Tuấn tranh thủ từng giây ở vòng chạy tốc độ, có thời điểm chiếc T-72B3 đạt đến tốc độ 72 km/h. Ở vòng bắn pháo 125 mm, hệ thống pháo không ổn định khiến kíp VN2 bắn trượt cả 3 mục tiêu, trong đó quả đạn cuối bay sượt rìa bia chỉ khoảng một centimet.

Nhận thấy sự không ổn định của chiếc xe đang thi đấu, chỉ huy Việt Nam quyết định đổi xe để bảo đảm khả năng cơ động và xạ kích vòng đấu cuối cùng. Với chiếc xe tăng mới, kíp VN3 thi đấu xuất sắc khi hạ toàn bộ mục tiêu trong phần thi đấu súng máy 12,7 mm và súng máy đồng trục PKT.

Khoảng cách với đội Lào tiếp tục được nới rộng khi VN3 thực hiện phần đua tốc độ, còn Lào bắn trượt mục tiêu ở vòng chạy thứ ba. Ở vòng chạy cuối, pháo thủ Phan Anh Tuấn xạ kích tốt, bắn trúng 2/3 mục tiêu bằng pháo 125 mm trong hành tiến, giúp kíp VN3 chỉ phải chạy một vòng phạt và băng băng về đích, trong khi đối thủ còn đang mải mê ngắm bắn mục tiêu.

Video: Hành_trình_Việt_Nam_chinh_phục_Tank_Biathlon_-_VnExpress.mp4

Đội tuyển Việt Nam về nhất trong trận chung kết với thành tích 2 giờ 12 phút 42 giây và hạ 13/24 mục tiêu. Lào về thứ hai với kết quả 2 giờ 22 phút 47 giây và bắn trúng 11/24 bia. Tajikistan về thứ ba với thời gian 2 giờ 32 phút 37 giây, hạ 2/24 mục tiêu. Myanmar về cuối với kết quả 2 giờ 35 phút 07 giây, bắn trúng 5/24 bia.

Theo kết quả được các trọng tài nhất trí sau trận đấu, Việt Nam bị cộng thêm 5 giây vào kết quả thi đấu, không ảnh hưởng đến vị trí dẫn đầu và giành chức vô địch Bảng 2 Tank Biathlon 2020. Đây là lần đầu tiên Việt Nam giành vị trí cao nhất tại giải đua tăng quốc tế này và rộng cửa lên thi đấu ở Bảng 1 tại Tank Biathlon 2021.

Theo vnexpress.net

  • Từ khóa