Thứ 7, 28/12/2024, 19:48[GMT+7]

Công tác Phòng Cháy, chữa cháy Không chủ quan lơ là, lấy phòng ngừa là cơ bản

Thứ 3, 02/10/2012 | 10:43:29
1,835 lượt xem
Những năm qua, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị đã tích cực triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp; số vụ cháy, nổ, thiệt hại về người, tài sản có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT.

Lực lượng Công an tỉnh, tập huấn phương án phòng cháy

Thống kê 8 tháng đầu năm 2012, đã xảy ra 31 vụ cháy, 06 vụ nổ làm chết 05 người, bị thương 16 người, thiệt hại về tài sản trên 7 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2011, tăng 12 vụ, 3 người chết, 7 người bị thương, thiệt hại tăng 1,2 tỷ đồng). Đáng chú ý, xảy ra 22 vụ cháy, nổ tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh (chiếm 60% tổng số vụ); có vụ gây hậu quả nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người (như vụ cháy, nổ tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH Hợp Thành - Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, Thành phố Thái Bình làm 03 người chết, 8 người bị thương).

Trước những diễn biến phức tạp và khó lường đó, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Công điện 242/CĐ-TTg về tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn PCCC; UBND tỉnh đã có Công văn số 359/UBND-NC, ngày 02/3/2012 chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ sở triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện, tập trung vào các địa bàn, cơ sở trọng điểm về cháy, nổ. Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo sâu sát, hiệu quả công tác bảo đảm an toàn PCCC theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an; chỉ đạo Công an các huyện, thành phố chủ động nắm tình hình, huy động lực lượng, phương tiện triển khai các giải pháp  bảo đảm an toàn PCCC theo quy định. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố đều đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến huyện, tổ chức kiểm tra công tác an toàn PCCC theo chuyên ngành, chuyên đề tại các cơ sở trọng điểm về PCCC; phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, nhằm hạn chế thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Công tác tuyên truyền vận động  nhân dân tích cực tham gia công tác PCCC được làm thường xuyên liên tục, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền; phát 04 phóng sự, đăng 15 tin, bài trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thái Bình; viết 20 tin, bài phát 986 lượt trên hệ thống truyền thanh đến cơ sở. Nội dung, tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định về công tác bảo đảm an toàn PCCC; thực trạng tình hình, nguyên nhân cháy, nổ và các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC; kiến thức phổ thông về phòng ngừa cháy nổ; cách xử lý khi xảy ra cháy nổ; cách bảo quản, sử dụng phương tiện, dụng cụ PCCC thông dụng; những điển hình tiên tiến trong việc thực hiện các quy định an toàn PCCC.

Ban chỉ đạo tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ tổ chức lễ mít tinh phát động tuần lễ Quốc gia an toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ năm 2012 tại huyện Tiền hải với trên 700 người tham gia, tạo khí thế sôi nổi, phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia PCCC. Các ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền lưu động 21 ngày; in sao 252 băng đĩa cấp phát cho các địa bàn trọng điểm về PCCC; hướng dẫn 372 cơ quan, doanh nghiệp, địa phương treo băng biển, khẩu hiệu tuyên truyền về công tác PCCC tại các trục đường giao thông, nơi tập trung đông người, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cổng trụ sở của các cơ quan, doanh nghiệp, trường học để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong công tác này. Công an tỉnh tổ chức 98 lớp tuyên truyền, huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho 8.709 lượt người là lực lượng PCCC cơ sở. Hướng dẫn cho trên 1.035 cơ quan, doanh nghiệp với 3.899 người tham gia ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC. Hướng dẫn 105 cơ sở củng cố kiện toàn lực lượng PCCC tại chỗ; 158 cơ sở xây dựng, bổ sung phương án chữa cháy; 16 cơ sở phối hợp lực lượng PCCC chuyên nghiệp thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; 53 cơ sở tự tổ chức thực tập phương án chữa cháy với trên 900 người tham gia.

Cùng với tuyên truyền, đẩy mạnh công tác phòng ngừa cháy, nổ, các ngành chức năng đã tăng cường công tác nắm tình hình các cơ sở, địa bàn trọng điểm về công tác PCCC; xác định 3.510 cơ sở có nguy cơ cháy, nổ. Thành lập 03 đoàn kiểm tra công tác PCCC tại các cơ sở có nguy hiểm cháy nổ. Đã kiểm tra 87 cửa hàng kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hỏa lỏng, lập 94 biên bản kiểm tra an toàn PCCC; phát hiện, kiến nghị khắc phục 37 sơ hở thiếu sót không bảo đảm an toàn; kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng cháy, cứu nạn tại 13 cơ sở, lập 13 biên bản, kiến nghị khắc phục 20 sơ hở thiếu sót. Tổng kiểm tra, phúc tra công tác an toàn PCCC  theo chuyên ngành, chuyên đề tại 2.307 lượt cơ sở, tập trung vào các cơ sở dệt, may, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, cơ sở kinh doanh, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng và các kho chứa nhiều hàng hóa... phát hiện, kiến nghị khắc phục 2.890 sơ hở thiếu sót không bảo đảm an toàn về PCCC. Xử phạt hành chính 54 trường hợp, với số tiền 59 triệu đồng với các vi phạm chủ yếu là: vi phạm quy định trong sử dụng hệ thống điện, không tổ chức huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC; không xây dựng, bổ sung, tổ chức diễn tập phương án chữa cháy theo quy định; phương tiện PCCC chất lượng kém hoặc bị hư hỏng, chưa trang bị đủ hệ thống, phương tiện PCCC theo quy định; để hàng hóa cản trở lối thoát nạn, ảnh hưởng đến giao thông, nguồn nước tổ chức chữa cháy khi xảy ra cháy, nổ...

Bài, ảnh : Nguyễn Tùng

  • Từ khóa