Thứ 6, 26/04/2024, 17:24[GMT+7]

Ký ức tàu không số

Thứ 5, 11/02/2021 | 13:16:44
6,130 lượt xem
Gần 25 năm quân ngũ, cựu chiến binh (CCB) Ngô Quốc Huy ở thôn Tân Tiến, xã Thái Đô (Thái Thụy) có 7 năm làm nhiệm vụ trên đoàn tàu không số.

Cầm trên tay cuốn Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam và cuốn nhật ký mà CCB Ngô Quốc Huy ghi lại những năm tháng cùng đồng đội chiến đấu trong đội hình đoàn tàu không số của Hải quân nhân dân Việt Nam những năm đánh Mỹ ác liệt, ông bồi hồi xúc động. Ông đã khóc vì nhớ về những người đồng đội đã mãi nằm lại biển khơi, giữa ngàn trùng sóng vỗ.

Ông nhớ và kể lại chuyến vượt biển đầu tiên: Tất cả chiến sĩ trên tàu không ai được biên thư về nhà. Lộ trình, thời gian đi của tàu đều được giữ bí mật đến phút chót, ông và đồng đội trên con tàu 154 rời bến Đồ Sơn, Hải Phòng từ ngày 20/12/1964. Lặng lẽ ngày đêm trên biển, đến ngày 8/1/1965 tàu cập bến tỉnh Bạc Liêu. Chuyến đi thứ nhất tàu không số 154 đã vận chuyển vào miền Nam gần 68 tấn vũ khí, trang bị bổ sung cho các đơn vị quân giải phóng đánh Mỹ. Và đặc biệt hơn trong chuyến vượt biển đầu tiên, tàu không số 154 còn có vinh dự đưa 4 cán bộ cao cấp của Đảng và quân đội tăng cường cho miền Nam, trong đó có Đại tá Lê Đức Anh (sau này là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Sau chuyến vượt biển tiếp hàng vào Nam lần thứ nhất thành công xuất sắc, thủy thủ Ngô Quốc Huy còn cùng đồng đội thêm 4 chuyến vượt biển bằng tàu không số đưa vũ khí quân sự vào Nam.

Trong ký ức về tàu không số, Ngô Quốc Huy khắc cốt ghi tâm chuyến vượt biển lần thứ 6 khi ông được vinh dự trong đội hình tàu không số 176 xuất phát từ Hải Phòng ngày 11/11/1970, chỉ huy tàu là sĩ quan Lê Xuân Ngọc và Huỳnh Trung. Tàu 176 bị máy bay Mỹ phát hiện ngày 17/11/1970 khi ở phía Đông Bắc Côn Đảo khoảng 60 hải lý. Một chiếc tuần dương hạm của hải quân Mỹ bám sát tàu 176. Sau 4 ngày tàu 176 dập dìu ngoài khơi tìm cơ hội vào đất liền, bất ngờ ngày 21/11/1970, tàu 176 của ta tăng tốc độ tiến vào cửa Cung Hầu, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Phát hiện tàu 176 hướng vào bờ, hải quân Mỹ điều thêm hai tàu chiến từ vịnh Thái Lan và Vũng Tàu tăng viện vây ráp tàu 176 của ta. Trên trời máy bay trinh sát của Mỹ bám sát hoạt động của tàu không số 176, ở phía trong Cung Hầu có thêm 6 tàu của địch chờ sẵn với quyết tâm bắt sống cán bộ, chiến sĩ tàu 176 và hàng chục tấn vũ khí, khí tài quân sự của ta. 22 giờ ngày 21/11/1970 tàu địch bắt đầu hành động, chúng tiến sát tàu 176 khoảng cách 2000m, rồi 100m; chúng chiếu đèn pha soi sáng mặt biển và bắn đạn pháo 20 ly, ép tàu 176 dừng lại. Tàu 176 quay mũi tàu hướng ra biển, lập tức hai tàu của Mỹ ngụy nổ súng vào đài chỉ huy tàu 176. Trước tình thế nguy hiểm, tàu 176 bất ngờ chuyển hướng đâm thẳng vào tàu chiến của Mỹ, đồng thời nã đạn ĐKZ 75, đại liên, tiểu liên về phía tàu hải quân Mỹ, tàu Mỹ bị trúng đạn ở mũi tàu. Tận dụng thời cơ, tàu không số 176 quay mũi tăng tốc hướng vào bờ, tàu Mỹ ngụy bị bất ngờ, chúng quay lại tập trung pháo bắn hủy diệt tàu của ta. Hỏa lực các loại trên tàu địch như vãi đạn trùm lên con tàu 176 bé nhỏ. Tàu 176 bị trúng nhiều đạn pháo ở mũi và đài chỉ huy. Quyết không để con tàu thân yêu và vũ khí rơi vào tay kẻ thù, chỉ huy tàu hạ lệnh cho các thủy thủ rời tàu bơi vào bờ và ra lệnh cho nổ bộc phá phá tàu 176... Trận này 10 cán bộ chiến sĩ thủy thủ tàu 176 và 3 chiến sĩ đặc công nước tăng cường đã nằm lại với biển khơi; thuyền phó Nguyễn Đình Quốc và thủy thủ Trần Hóa bị địch bắt và được trao trả tự do sau Hiệp định Pari tháng 1/1973; thuyền trưởng Lê Xuân Ngọc, chính trị viên Trần Huỳnh Trung, thuyền phó Vũ Hữu Suông, thủy thủ Nguyễn Quang Nhất, chiến sĩ báo vụ Nguyễn Văn Quốc và thủy thủ Ngô Quốc Huy bơi được vào bờ và được sống trở về. CCB Ngô Quốc Huy nhắc tên những đồng đội là đồng hương Thái Bình trên tàu 176 đã hy sinh đó là Phạm Đức Lương, chiến sĩ cơ yếu, quê ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư; là y tá Nguyễn Xuân Trình quê ở xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư.

Kể chuyện về chuyến vượt biển cuối cùng của tàu không số 176, nước mắt CCB Ngô Quốc Huy cứ rưng rưng, nhạt nhòa, ông ngồi lặng đi một hồi lâu rồi kể tiếp: Sau khi hẹn giờ điểm hỏa một tấn bộc phá hủy tàu 176, ông cùng đồng đội rời tàu và dập dềnh trên sóng. Ông đã bơi trên biển với một kỷ lục suốt từ cửa biển sông Hàm Luông, tỉnh Bến Tre dạt sang tới tận cửa Ba Lai, Cổ Chiên, huyện Bình Đại trên 30km, sau đó được nhân dân phát hiện cứu sống.

CCB Ngô Quốc Huy (người bên phải) kể về những kỷ niệm trên tàu không số.

Cưới vợ một ngày và xuống tàu không số

Tháng 9/1969 thủy thủ tàu không số Ngô Quốc Huy được đơn vị thưởng 5 ngày nghỉ phép. Dịp này ông mới có điều kiện thực hiện ý nguyện và lời hứa với bố mẹ trước ngày nhập ngũ 5 năm trước và sự chờ đợi của người yêu là cưới vợ. Hai bên gia đình và bà con lối xóm ở thôn Tân Tiến, xã Thái Đô, huyện Thái Thụy được chứng kiến đám cưới của chàng thủy thủ Ngô Quốc Huy ở tuổi 25 và cô dâu Giang Thị Đào tuổi đôi mươi thật hạnh phúc. Về sau chúng tôi mới có vinh dự được bà Đào kể lại đám cưới của ông bà thời chiến tranh, thật gấp gáp. Ngày ấy, bà Giang Thị Đào mới chỉ làm dâu trọn một ngày thì ông Ngô Quốc Huy phải nhận lệnh về  đơn vị gấp. Tình chưa nồng, hạnh phúc chưa êm chăn, bén gối, vợ chồng đã phải chia xa. Ông Huy phải về đơn vị trước 2 ngày phép để lên tàu không số 176 cùng đồng đội chuẩn bị cho chuyến vượt biển thứ 6 đưa vũ khí vào chiến trường miền Nam. Chuyến vượt biển số 6 của tàu không số 176 diễn ra từ ngày 11- 21/11/1970, ông Huy và đồng đội chạm trán với quân thù, một cuộc chiến không cân sức. Ông và đồng đội đã cho nổ bộc phá phá hủy tàu, chấp nhận 13 đồng đội phải nằm lại giữa biển khơi. Bà Đào kể tiếp: Gần một năm sau bà và gia đình mới được biết về sự kiện này. Đồng đội của ông Huy nhắn tin về gia đình rằng ông Huy không còn sống, đơn vị cũ cũng gửi về gia đình ba lô và một số quân tư trang; lúc ấy cả gia đình đều lặng chìm trong buồn đau, vô vọng. Bà Đào còn đón nhận cả những lời khuyên của bạn bè “Chờ đợi như vậy là đủ rồi, hy sinh như vậy là đủ rồi, hãy thắp hương cho ông Huy rồi đi tìm hạnh phúc... tuổi xuân của người phụ nữ có thì”. Bà đã nén nước mắt vào trong. Bà không tin chồng mình đã hy sinh và tự đặt câu hỏi: Vì sao ông Huy hy sinh mà đơn vị không làm thủ tục báo tử? Bà vẫn vững niềm tin ông còn sống và sẽ trở về. Niềm tin của bà Đào là có cơ sở, cuối năm 1973 bà và gia đình nhận tin vui, bức thư của ông Huy gửi qua đường giao liên từ khu 8 thông báo với gia đình và người vợ trẻ thủy thủ Ngô Quốc Huy còn sống đang cùng đồng đội chiến đấu tại chiến trường khu 8. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng ngày 30/4/1975, thủy thủ tàu không số Ngô Quốc Huy được về miền Bắc trong niềm vui của gia đình, quê hương và niềm vui vô bờ của người vợ thủy chung Giang Thị Đào. Ông Ngô Quốc Huy tiếp tục cuộc đời quân ngũ cho tới tháng 9/1988 thì được nghỉ hưu.

Gần 25 năm quân ngũ với 6 năm là thủy thủ trên đoàn tàu không số, CCB Ngô Quốc Huy đã cùng đồng đội thực hiện 6 chuyến vượt biển vận chuyển người, vũ khí, khí tài cho đồng bào miền Nam đánh Mỹ. Thủy thủ Ngô Quốc Huy còn tham gia chiến dịch VT5 vận chuyển an toàn 43 chuyến hàng gồm trang thiết bị quốc phòng, lương thực thực phẩm, thiết bị y tế từ cảng Hải Phòng vào cảng sông Gianh, Quảng Bình. Nhắc về những năm tháng là thủy thủ đoàn tàu không số, nhắc về những ký ức cùng đồng đội đạp sóng dữ, vượt phong ba, đối mặt với quân thù chỉ với một quyết tâm đưa hàng tới đích, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, CCB Ngô Quốc Huy rướm lệ. Ông đau đáu về những con tàu, đau đáu về tàu không số 176 và 13 đồng đội nằm lại giữa biển khơi. Ông bảo, thời khắc đó là lúc 22 giờ 44 phút ngày 21/11/1970, thương lắm đồng đội tôi đã nằm lại với biển để tôi được sống trở về và có được cuộc sống hạnh phúc như ngày hôm nay.

Nguyễn Công Liêm

(Thành phố Thái Bình)