Thứ 6, 22/11/2024, 16:36[GMT+7]

4 kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện Nghị định 161 của Chính phủ

Thứ 3, 27/11/2012 | 08:29:21
1,666 lượt xem
Có thể khẳng định, sau 10 năm thực hiện, Nghị định số 161 của Chính phủ đã đi vào cuộc sống, đạt được kết quả tích cực. Nhiều mô hình mới, cách làm mới hiệu quả đã xuất hiện, làm phong phú, sinh động thêm cả về nội dung, hình thức và phương pháp tham gia bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới biển.

Hoạt động nghiệp vụ của cán bộ Trạm Kiểm soát Tân Sơn (Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Diêm Điền)

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 161/2003/NĐ-CP ngày 18/12/2003 về Quy chế khu vực biên giới biển, Bộ Quốc phòng có Thông tư số 89/2004/TT-BQP ngày 19/6/2004 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 161 của Chính phủ, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch quán triệt, triển khai thực hiện Nghị định; đồng thời phối hợp với Ban Biên giới (Bộ Ngoại giao) tổ chức hội nghị quán triệt Nghị định, Thông tư, Luật Biên giới quốc gia cùng một số văn bản pháp lý khác có liên quan đến lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố. Chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ và nhân dân trong toàn tỉnh, nhất là trên địa bàn 14 xã, thị trấn khu vực biên giới biển.

Trong quá trình thực hiện Nghị định số 161, UBND tỉnh đã chỉ đạo bộ đội Biên phòng phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng chức năng như công an, quân sự, tư pháp, kế hoạch và đầu tư, nông nghiệp và phát triển nông thôn, hải quan và các địa phương thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển; phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế khu vực biên giới biển; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng - an ninh. Các lực lượng vũ trang đã làm tốt công tác nắm tình hình, đặc biệt là nắm, dự báo tình hình từ xa, trên biển, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, ý đồ độc chiếm biển Đông của nước ngoài… Quá trình điều tra, giải quyết, xử lý các vụ án, vụ việc của các lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương đã bảo đảm tốt yêu cầu về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, góp phần quan trọng giữ vững ổn định tình hình, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới biển, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Thông qua quá trình thực hiện Nghị định số 161, chất lượng tổng hợp của các lực lượng vũ trang được nâng lên, đủ sức nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Có thể khẳng định, sau 10 năm thực hiện, Nghị định số 161 của Chính phủ đã đi vào cuộc sống, đạt được kết quả tích cực. Nhiều mô hình mới, cách làm mới hiệu quả đã xuất hiện, làm phong phú, sinh động thêm cả về nội dung, hình thức và phương pháp tham gia bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới biển. Thực tiễn quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 161 có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, phải nhận thức đúng tầm quan trọng của Nghị định, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới biển. Đặc biệt là cán bộ, nhân dân khu vực biên giới biển cần nắm chắc các quy định của pháp luật về biên giới quốc gia cũng như Quy chế khu vực biên giới biển; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá nước ta của các thế lực thù địch, hoạt động của bọn tội phạm và các loại đối tượng, chủ động và có ý thức cao trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới biển. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh; tích cực lao động, sản xuất phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng khu vực biên giới biển phát triển bền vững.

Hai là, thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn cho các lực lượng chức năng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật; nắm vững và thực thi đúng chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tích cực đấu tranh phòng, chống, xử lý tội phạm và các loại đối tượng, duy trì thực hiện Quy chế khu vực biên giới biển ngày càng chặt chẽ và có hiệu quả cao.

Ba là, phối hợp chặt chẽ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân hướng về biên giới biển; chăm lo xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và nền biên phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển của Tổ quốc trong tình hình mới và tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển, giữ gìn an ninh trật tự địa bàn bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc, không để sơ hở, thiếu sót. Đồng thời quan tâm đầu tư kinh phí, phương tiện, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, vùng biển; có cơ chế, chính sách hỗ trợ, động viên, khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình thực thi pháp luật liên quan đến xây dựng, quản lý, bảo vệ khu vực biên giới biển.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

  • Từ khóa