Thứ 7, 06/07/2024, 10:27[GMT+7]

Thắp sáng niềm tin nẻo về

Thứ 2, 20/09/2021 | 11:36:42
3,205 lượt xem
Thời gian qua, cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, Công an tỉnh đã thực hiện tốt công tác giúp đỡ, hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Anh Nguyễn Tiến Đạt vượt qua mặc cảm trở thành tấm gương phát triển kinh tế ở xã Hồng Bạch (Đông Hưng).

20 năm trước, anh Nguyễn Tiến Đạt, thôn Văn Thụ, xã Hồng Bạch (Đông Hưng) khăn gói quả mướp vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm ăn. Cuộc sống nơi phồn hoa nhiều cám dỗ đã đưa đẩy anh vào con đường tội lỗi. Nguyễn Tiến Đạt bị Công an thành phố Vũng Tàu bắt và xử phạt 9 năm tù giam về tội “Cướp tài sản”. Hơn 5 năm chấp hành án tại trại giam Thủ Đức (Bình Thuận), anh nhận được sự quan tâm, động viên, chỉ bảo của cán bộ quản giáo. Cũng từ đây, anh lấy lại niềm tin, nghị lực để tích cực cải tạo, chấp hành các quy định của trại giam với mong muốn sớm được hoàn lương. 

Anh Đạt tâm sự: Tháng 9/2009, tôi được đặc xá tha tù trước thời hạn. Trở về quê hương, tôi đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, mặc cảm với xóm làng. Thời điểm đó, hoàn cảnh gia đình khó khăn đủ đường, mẹ mất, bố đã cao tuổi, các chị đều đi xây dựng gia đình. Sau nhiều đêm trằn trọc, cuối cùng tôi đã dám bước ra khỏi “vỏ bọc” mặc cảm để hòa nhập với cộng đồng. Nhờ sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng công an, sự quý mến của bà con xóm làng, tôi đã vượt qua khó khăn, tập trung xây dựng kinh tế gia đình...

12 năm ra tù, “chập chững” làm lại cuộc đời từ nghề hàn xì, đến năm 2013 anh Đạt lập gia đình và quyết định mở cửa hàng kinh doanh vật tư sắt thép. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn tạo việc làm cho 4 - 6 lao động với thu nhập ổn định. 

Ông Nguyễn Viết Việt, Phó Trưởng thôn Văn Thụ, xã Hồng Bạch cho biết: Ngay khi anh Đạt trở về địa phương, cấp ủy, chính quyền thôn đã phối hợp với lực lượng Công an xã thường xuyên động viên, khích lệ và tạo điều kiện giúp đỡ anh phát triển kinh tế. Đến nay, gia đình anh Đạt là một trong những gia đình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Ngoài ra, gia đình anh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội của thôn, xã. Vợ chồng anh Đạt sống hòa đồng, được người dân trong thôn, xã quý mến.

Cũng như anh Đạt, anh Trần Văn Thuẫn, thôn Đại Du, xã Tây Sơn (Kiến Xương) cũng là một người nghị lực, bước ra từ lầm lỗi và khẳng định được bản thân mình. Anh Thuẫn phạm tội “Cố ý gây thương tích” với mức án 2 năm tù giam.  Sau khi chấp hành xong bản án trở về gia đình, anh mong muốn được cống hiến cho quê hương và bù đắp những lỗi lầm của mình đã gây ra nên viết đơn xin được tham gia lực lượng công an xã bán chuyên trách... Được sự quan tâm, động viên và tạo điều kiện của chính quyền địa phương và Công an xã Tây Sơn, sau quá trình thử thách, anh Thuẫn đã được các cấp đồng ý và trở thành công an viên thuộc Công an xã Tây Sơn. 

Anh Thuẫn chia sẻ: Nhận thức được lỗi lầm trong quá khứ, tôi càng thấm thía phải cố gắng, nỗ lực cống hiến công sức nhỏ bé của mình cho quê hương. Được trở thành công an viên bán chuyên trách, tôi và gia đình rất vui và tự hào. Con đường hoàn lương của tôi không còn gập ghềnh bởi luôn có sự tin tưởng, đồng hành của chính quyền, lực lượng công an và nhân dân địa phương. 

Ông Trần Xuân Thỏa, bố anh Thuẫn cho biết: Chúng tôi rất vui khi thấy con mình được xã hội đón nhận, người dân không xa lánh. Đó cũng là động lực để con tôi hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội.

Anh Đạt, anh Thuẫn chỉ là hai trong hàng trăm người được tha tù, chấp hành xong án phạt tù để trở về hòa nhập cộng đồng trong những năm qua. Dù mỗi người một hoàn cảnh nhưng với họ, con đường làm lại cuộc đời cần có sự cảm thông, “đón nhận” của cộng đồng xã hội và gia đình. 

Trung tá Đào Trọng Bằng, Trưởng Công an xã Tây Sơn cho biết: Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương không kỳ thị, tích cực động viên, tạo mọi điều kiện giúp đỡ những người có một thời lầm lỡ về địa phương. Ngoài ra, Công an xã cũng tổ chức sơ kết, tổng kết định kỳ để đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ, nhân rộng các mô hình tái hòa nhập cộng đồng tiêu biểu; đồng thời, biểu dương, khen thưởng những người chấp hành xong án phạt tù tiêu biểu trong lao động, kinh doanh, sản xuất giỏi ở địa phương.

Đến nay 100% người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương được tiếp nhận, lập hồ sơ theo dõi, quản lý, giáo dục, giúp đỡ theo quy định. Cấp ủy, chính quyền và lực lượng công an cơ sở đã chủ động gặp gỡ thân nhân các gia đình có người chấp hành xong án phạt tù, vận động, giao trách nhiệm cụ thể để các thành viên trong gia đình, dòng tộc cùng phối hợp tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người thân có một thời lầm lỡ hòa nhập cộng đồng.

Thượng tá Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh: Các đơn vị, địa phương đã phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề cho người chấp hành xong án phạt tù; đồng thời các cơ quan nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng tạo điều kiện tiếp nhận, bố trí giải quyết việc làm cho những người này. Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện để họ vay vốn sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Nhiều người trước đây là tấm gương xấu khi bước con đường lầm lỗi, tù tội nhưng với nghị lực vươn lên trong cuộc sống họ đã trở thành tấm gương sáng về phát triển kinh tế, tham gia hoạt động xã hội, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cũng như ngăn chặn, kiềm chế gia tăng tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Anh Trần Văn Thuẫn nhắc nhở người dân thực hiện các quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Tất Đạt