Các địa phương, đơn vị chủ động phòng, chống bão số 7
* Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 9 giờ ngày 9/10
Theo tin của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 10 giờ ngày 9/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 khoảng 120km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và đi vào Vịnh Bắc Bộ.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thực hiện nghiêm Công điện khẩn số 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Công điện số 14/CĐ-PCTT của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 9 giờ ngày 9/10, khẩn trương kêu gọi, kiểm đếm, sắp xếp và hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu; di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy sản, hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm, các vùng bãi thấp ven sông, cửa sông, số ngư dân trên các phương tiện hoạt động trên sông, trên biển ở các huyện Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Thụy vào nơi an toàn; đóng các cửa khẩu, băng két qua đê biển, đê cửa sông. Các công việc này phải hoàn thành trước 18 giờ ngày 9/10; huy động tối đa nhân lực, phương tiện để thu hoạch lúa mùa, hoa màu đã đến kỳ thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; triển khai phương án phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với yêu cầu phòng, chống bão số 7 tại các khu cách ly tập trung bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân; các đơn vị quản lý thủy nông cử cán bộ thường trực 24/24 giờ theo dõi mực nước, mở tối đa các cống dưới đê, kể cả các cống qua đê bối tiêu triệt để nước trong hệ thống. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn khơi thông dòng chảy, tháo cạn nước trên mặt ruộng phục vụ thu hoạch lúa mùa, bảo vệ cây vụ đông đã trồng; triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu và các công trình đang thi công, chống tràn các vị trí đê thấp, đê bối tại các tuyến đê cửa sông, đê biển; bảo đảm an toàn cho người và tài sản ở khu vực bờ bao vùng cửa sông, ven biển đề phòng bão đổ bộ trong điều kiện triều cường kết hợp nước dâng do bão gây tràn, vỡ bờ bao. Nếu phát hiện thấy công trình không bảo đảm an toàn phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý, củng cố ngay; thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị của tỉnh và cán bộ kỹ thuật làm công tác phòng, chống thiên tai, lụt bão năm 2021 đến ngay vị trí được phân công để chỉ đạo, đôn đốc việc thu hoạch lúa mùa, xử lý các sự cố đê điều, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu đê, kè, cống trên tuyến đê cửa sông, đê biển ngay từ giờ đầu; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
* Tiền Hải
Theo thống kê, huyện Tiền Hải có số tàu, thuyền là 603 phương tiện với 1.463 lao động; khu vực chòi ngao, nuôi trồng thủy sản ven biển là 1.644 lao động. Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 7, huyện Tiền Hải đã yêu cầu các địa phương ven biển rà soát, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động tại các vùng biển di chuyển về nơi tránh trú, tổ chức neo đậu tàu thuyền an toàn. Các chủ hộ nuôi ngao chấp hành nghiêm việc di dời lao động từ chòi canh vào đất liền. Tính đến 9 giờ ngày 9/10, thực hiện Công điện số 14/CĐ-PCTT của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, huyện Tiền Hải đã phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa Lân kêu gọi 572 phương tiện neo đậu an toàn tại nơi tránh trú bão, đồng thời nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi trong thời điểm hiện nay.
Tàu thuyền của ngư dân huyện Tiền Hải nẹo đậu tại cảng cá Cửa Lân. Ảnh: Mạnh Thắng
Bên cạnh đó, huyện Tiền Hải cũng tích cực tuyên truyền nhân dân có biện pháp bảo vệ lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản, hệ thống đê điều. Đến nay, diện tích lúa của huyện Tiền Hải thu hoạch được 230ha/9.959ha; cây màu đã trồng 1.300ha.
* Thái Thụy
Thực hiện Công điện khẩn số 14 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, huyện Thái Thụy đã nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 9 giờ ngày 9/10, đồng thời khẩn trương kêu gọi, kiểm đếm, sắp xếp và hướng dẫn các tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn, không để xảy ra va chạm, chìm tàu tại nơi neo đậu.
Tàu thuyền của ngư dân Thái Thuỵ neo đậu vào nơi an toàn. Ảnh: Trần Tuấn
Toàn huyện Thái Thụy hiện có 525 tàu, thuyền/1.881 lao động khai thác thủy sản. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm cứu nạn huyện Thái Thụy, tính đến 11 giờ sáng ngày 9/10, các đồn biên phòng đóng trên địa bàn huyện đã liên lạc được với toàn bộ các chủ phương tiện và các tàu thuyền hướng dẫn vào nơi neo đậu tránh trú bão số 7. Trong đó, có 508 phương tiện đã vào nơi neo đậu an toàn, số còn lại hoạt động ở các vùng biển ngoài tỉnh đang di chuyển vào nơi neo đậu.
Cùng với công tác kêu gọi tàu thuyền, các ngành, đơn vị, địa phương trong huyện cũng đang tích cực thực hiện di dời số lao động tại các chòi ngao, nhà lều trông coi thủy sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm. Đến 11 giờ ngày 9/10, toàn bộ 156 lao động/186 chòi ngao tại khu vực bãi triều ven biển và 1.193 lao động/680 nhà lều trông coi thủy sản đã vào nơi an toàn. Việc di dời số hộ dân sinh sống ở khu vực ngoài, trong đê chính và ở những nhà yếu sẽ được các xã, thị trấn hoàn thành trước 18 giờ ngày 9/10.
* Hưng Hà
Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, đến nay huyện Hưng Hà đã thu hoạch được trên 10.000ha lúa mùa trong tổng số 10.572ha, một số xã như Tân Lễ, Tiến Đức, thị trấn Hưng Hà... đã thu hoạch xong. Bên cạnh đó, nông dân các địa phương cũng gieo trồng được trên 1.500ha cây vụ đông trong nội đồng và 1.500 ha cây vụ đông ngoài đất bãi.
Nông dân xã Hòa Bình, Hưng Hà khẩn trương thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Thanh Thủy
Để tránh thiệt hại cho lúa mùa và cây vụ đông do ảnh hưởng của bão số 7, huyện Hưng Hà chỉ đạo các địa phương tập trung phương tiện, nhân lực, bằng mọi biện pháp khẩn trương thu hoạch lúa mùa đã chín, kể cả những diện tích lúa chín được 80 - 90%, đến 9 giờ ngày 10/10 phải hoàn thành. Đồng thời, các ngành, đơn vị và các xã, thị trấn xây dựng phương án chủ động chống úng, che chắn bảo vệ cây vụ đông đã trồng; chuẩn bị nhân lực, vật tư sẵn sàng phương án tiêu thoát nước cục bộ. Giao Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện đóng các cống tưới, mở cống tiêu, triệt để tiêu nước đệm trong hệ thống; bố trí nhân lực thường xuyên kiểm tra mương máng và các công trình thủy lợi, kịp thời tu bổ, giải tỏa dòng chảy, bảo đảm tiêu thoát nước nhanh.
* Vũ Thư
Đến sáng ngày 9/10, huyện Vũ Thư đã thu hoạch được trên 6.000 ha lúa mùa. Toàn huyện còn 1.600 ha lúa mùa, chủ yếu là lúa trà muộn chưa thu hoạch, trên 2.000 ha cây vụ đông mới gieo trồng.
Sáng ngày 9/10, nông dân xã Hòa Bình (Vũ Thư) huy động nhân lực, máy móc khẩn trương thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Quỳnh Lưu
Để giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra, huyện chỉ đạo các địa phương, HTXNN tập trung cao tuyên truyền, vận động nông dân tranh thủ tối đa thời điểm thời tiết chưa mưa để huy động máy móc, nhân lực khẩn trương thu hoạch những diện tích lúa mùa đã chín từ 80% trở lên. Song song với việc huy động các máy gặt đập liên hợp công suất lớn, nông dân kết hợp sử dụng máy cắt lúa nhỏ, gặt thủ công với những diện tích nhỏ lẻ, tận dụng tối đa máy móc, nhân lực tiến hành thu hoạch nhanh gọn lúa, giảm thiểu tối đa thiệt hại có thể xảy ra do bão số 7.
Đối với diện tích cây màu vụ đông mới gieo trồng, nông dân chủ động ra thăm đồng, khơi rãnh thoát nước, khơi thông dòng chảy mương máng, kênh rạch đề phòng ngập úng. Với các diện tích lúa chưa kịp thu hoạch, nông dân cần thường xuyên kiểm tra, tiêu thoát nước trên đồng ruộng. Hướng dẫn bà con sử dụng rơm, rạ hoặc căng che lưới, nilon trên mặt luống nhằm bảo vệ diện tích cây vụ đông mới gieo trồng. Đối với những diện tích rau màu đã hoặc gần đến kỳ thu hoạch, bà con thu hoạch khẩn trương, tránh mưa úng làm thiệt hại.
* Thành phố
Để chủ động ứng phó với bão số 7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Thái Bình đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức chằng chống cây cối, nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan, đơn vị; la tỉa cành cây, giải phóng dòng chảy trên các sông, khơi thông hệ thống thoát nước trong khu dân cư.
Nông dân xã Vũ Phúc tập trung thu hoạch rau màu phòng, chống mưa bão. Ảnh: Minh Nguyệt
Các xã, phường có sản xuất nông nghiệp hướng dẫn nhân dân khẩn trương thu hoạch diện tích lúa mùa, hoa màu có thể thu hoạch được với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Chủ động kiểm tra chất lượng đê, kè, cống và các công trình phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, xác định rõ các khu vực trọng điểm, xung yếu cần bảo vệ, các công trình có nguy cơ mất an toàn. Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.
* Quỳnh Phụ
Do ảnh hưởng của cơn bão số 7, sáng ngày 9/10 trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ xuất hiện mưa kéo dài, lượng phổ biến trung bình 20mm. Để chủ động ứng phó với cơn bão số 7, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai các phương án ứng phó, trong đó tập trung thu hoạch lúa mùa, chống úng cho cây màu.
Nông dân xã Quỳnh Hội khơi thông dòng chảy bảo vệ rau màu. Ảnh: Nguyễn Cường
Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, đến nay toàn huyện đã thu hoạch được khoảng 7.000 ha lúa mùa, gieo trồng được 4.100 ha cây vụ đông các loại. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” đề phòng thời tiết bất thuận tiếp tục xảy ra, bảo vệ lúa mùa và cây màu vụ đông đã gieo trồng, UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa đã chín. Chỉ đạo các HTX DVNN tháo kiệt lớp nước mặt ruộng; thường xuyên giải phóng, khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh. Tập trung khơi thông dòng chảy tiêu thoát nước mặt ruộng để phòng mưa lớn có thể xảy ra gây ngập úng làm chết, ảnh hưởng đến cây vụ đông đã gieo trồng. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện tiếp tục tiêu kiệt, hạ thấp mực nước hệ thống phục vụ thu hoạch lúa mùa và cây trồng vụ đông. Thường xuyên cử cán bộ kiểm tra, phát hiện, sửa chữa hư hỏng các công trình thủy lợi theo phân cấp quản lý; tăng cường công tác giải phóng dòng chảy, khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh bảo đảm hệ thống kênh trục được thông thoáng, không ách tắc; rà soát phương án công tác thủy lợi phục vụ sản xuất, phương án phòng chống úng tại các vùng úng trọng điểm để triển khai trong trường hợp mưa lớn kéo dài trên diện rộng. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thuộc hệ thống thủy lợi được giao quản lý, khai thác.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trạm Trồng trọt Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông huyện phân công cán bộ tăng cường xuống cơ sở phối hợp với địa phương kiểm tra, đôn đốc nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa đã chín; hướng dẫn nông dân các biện pháp khắc phục do mưa lớn có thể xảy ra.
* Kiến Xương
Huyện Kiến Xương hiện đã thu hoạch được trên 3.000ha lúa mùa, còn khoảng 2.500 ha lúa chín chưa thu hoạch, 700ha cây rau màu vụ đông đã trồng. Để chủ động ứng phó với bão số 7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện yêu cầu các địa phương huy động tối đa nhân lực, phương tiện khẩn trương thu hoạch lúa mùa và hoa màu đã đến kỳ thu hoạch. Đóng tất cả các cống tưới, mở các cống tiêu, triệt để tiêu nước đệm trong hệ thống.
Xã Bình Định tranh thủ thời tiết thuận lợi thu hoạch lúa chín trước ngày 9/10 đề phòng mưa lớn. Ảnh: Thu Thủy
Kiểm tra hệ thống cống qua đê, trạm bơm, cống, đập nội đồng, khơi thông dòng chảy để bảo vệ sản xuất khi có mưa lớn gây ngập úng lúa, hoa màu. Chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện và các lồng bè, trang trại nuôi trồng thủy sản; sẵn sàng di dời toàn bộ lao động sinh sống trong khu vực nhà yếu nguy hiểm vào nơi an toàn, đóng các cửa khẩu, băng két qua đê. Kiểm tra, rà soát phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu, các công trình đang thi công ở các tuyến đê; bảo đảm an toàn cho người và tài sản khu vực bờ bao vùng của sông đề phòng bão đổ bộ trong điều kiện triều cường kết hợp với nước dâng gây tràn và vỡ bờ bao; nếu phát hiện thấy công trình không bảo đảm an toàn phải huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý, củng cố ngay.
* Đông Hưng
Trước diễn biến phức tạp của bão số 7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đông Hưng đã ra công điện khẩn số 11, 12 triển khai các nhiệm vụ cấp bách để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.
Cán bộ trạm bơm Hậu Thượng mở cống tiêu nước trong đồng bảo vệ lúa, cây vụ đông. Ảnh: Thu Hiền
Những ngày qua, các địa phương trên địa bàn huyện Đông Hưng đã huy động tối đa nhân lực, phương tiện thu hoạch lúa cả ban đêm cho bà con nông dân. Các địa phương tạo thuận lợi cho chủ máy gặt để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa. Đến trưa 9/10, tổng diện tích lúa đã gặt trên 63%, phần lớn diện tích còn lại tỷ lệ chín mới đạt 35 - 60%. Trên địa bàn huyện đã có mưa rải rác, tranh thủ những lúc thời tiết tạnh ráo hoặc mưa nhỏ bà con vẫn ra đồng gặt lúa. Hoa màu đến kỳ thu hoạch cũng được bà con nông dân khẩn trương thu hoạch. Cán bộ Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện trực 24/24giờ theo dõi mực nước, mở tối đa các cống dưới đê tiêu úng trong toàn hệ thống. Các xã huy động lực lượng tổ chức khơi thông dòng chảy, tháo cạn nước trên mặt ruộng phục vụ thu hoạch lúa mùa, bảo vệ cây vụ đông đã trồng. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện yêu cầu các ngành, địa phương triển khai phương án bảo vệ đê, kè, cống xung yếu, các công trình đang thi công, nếu phát hiện nơi nào không bảo đảm thì tập trung xử lý, củng cố ngay.
* Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 1.164 phương tiện tàu, thuyền với 3.423 lao động trên biển. Thực hiện điện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bão số 7 trên địa bàn và đơn vị. Theo dõi sát tình hình diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng hệ thống máy thông tin của đơn vị và phối hợp với gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng, chính quyền địa phương tổ chức thông báo cho 3.015 ngư dân trên các phương tiện đánh bắt trên biển biết vị trí, diễn biến của bão và hướng dẫn ngư dân thoát ra hoặc không đi vào vùng biển nguy hiểm. Triển khai cho các đơn vị thực hiện nghiêm lệnh cấm tàu thuyền ra khơi bắt đầu từ 9 giờ ngày 9/10/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trà Lý giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền tránh bão số 7. Ảnh: Trịnh Cường
Đến 15 giờ ngày 9/10, BĐBP đã kêu gọi được 1.150 phương tiện/3.359 lao động vào vị trí neo đậu an toàn tại các bến trong và ngoài tỉnh. Có 3 phương tiện/36 lao động đang hoạt động tại các tỉnh khác, 11 phương tiện/28 lao động đang hoạt động ven biển tỉnh Thái Bình. Trên địa bàn có 30 phương tiện/135 lao động của các tỉnh Nam Định, Quảng Ngãi, Hải Phòng và 1 tàu quốc tịch Panama/23 thuyền viên xin vào tránh trú bão tại địa bàn do Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Diêm Điền quản lý. 100% các phương tiện đều liên lạc với gia đình, không có phương tiện hoạt động trong vùng nguy hiểm.
Hiện có tổng số 4.304 lều, chòi/4.304 lao động do BĐBP quản lý, trong đó huyện Tiền Hải có 1.837 lều, chòi/1.837 lao động; huyện Thái Thụy có 2.467 lều, chòi/2.467 lao động. Tất cả các lều, chòi đều được gia cố, chằng buộc, 100% lao động đã vào vị trí an toàn.
BĐBP triển khai lực lượng lập các tổ chốt chặn 24/24 giờ tại các cửa sông, cửa biển, cảng cá, bến cá, kiên quyết không để ngư dân ra khơi trước, trong thời điểm bão đổ bộ vào bờ; phối hợp với các địa phương kêu gọi, vận động lao động tại các chòi canh trong, ngoài đê và các bãi triều nuôi trồng thủy hải sản vào bờ theo quy định. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn đẩy mạnh tuần tra trên các khu vực trọng điểm, tuyến đê xung yếu để kịp thời phát hiện và xử lý các tình huống xảy ra không để bị động bất ngờ; đồng thời tiếp tục làm tốt công tác chuẩn bị, bảo đảm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.
Nhóm phóng viên
Tin cùng chuyên mục
- Công ty Nhiệt điện Thái Bình: Tập huấn và diễn tập phòng cháy, chữa cháy 28.09.2024 | 18:27 PM
- Thông báo khu vực cấm biển trong diễn tập có bắn đạn thật của Trung đoàn bộ binh 8/Sư đoàn 395/Quân khu 3 13.09.2024 | 15:57 PM
- Tăng cường công tác tuần tra, canh gác và xử lý sự cố trên tuyến đê quốc gia 12.09.2024 | 10:20 AM
- Ứng phó với bão số 3 - tuyệt đối không chủ quan, lơ là 05.09.2024 | 16:01 PM
- Kỹ năng ứng phó với thiên tai, mưa bão, lũ lụt 05.09.2024 | 16:11 PM
- Trường Đại học Y Dược Thái Bình: Tổ chức ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc 16.08.2024 | 18:57 PM
- Thái Thụy: Triển khai nhiệm vụ, bồi dưỡng khung diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó bão mạnh, siêu bão năm 2024 28.06.2024 | 15:20 PM
- Bảo đảm an toàn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 – 2025 06.06.2024 | 16:20 PM
- 12.000 người hợp luyện diễu binh trên đường phố Điện Biên 28.04.2024 | 15:37 PM
- Tiếp tục xây dựng nền biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc 12.01.2024 | 19:39 PM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Quyết tâm đạt mục tiêu “5 không” trong bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán
- Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh: Kiểm điểm tập thể và cá nhân năm 2024
- Công tác tuyên giáo góp phần tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh
- Nhân lên sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025