Thứ 6, 22/11/2024, 10:42[GMT+7]

Thái Bình sau 11 năm thi hành Bộ luật Hình sự

Thứ 6, 22/02/2013 | 08:14:43
1,329 lượt xem
Qua 11 năm thi hành Bộ luật Hình sự (BLHS) tại Thái Bình đã góp phần nâng cao hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án của  hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế.

Nét mới trên quê hương Nam Thắng (Tiền Hải). Ảnh: Ngọc Linh

Các vụ án, bị can bị khởi tố điều tra đúng quy định của pháp luật hình sự, các chế tài của BLHS hiện hành được vận dụng thích hợp, các biện pháp kinh tế, hành chính, cải tạo và quản lý, giáo dục tại cộng đồng dân cư đạt hiệu quả, phát huy tính răn đe, giáo dục của pháp luật, tránh được khuynh hướng nặng nề về phạt tù. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo tính nghiêm minh, đúng pháp luật, công khai, minh bạch, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, xử lý các hành vi nguy hiểm cho xã hội, giữ nghiêm kỷ cương, đề cao tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh của các cơ quan thi hành, bảo vệ pháp luật.

 

Cũng trong 11 năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những bước chuyển biến, đời sống nhân dân được nâng lên; song những tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, tình trạng suy thoái đạo đức xã hội trong một bộ phận nhân dân, tình trạng thiếu việc làm, các biện pháp phòng ngừa xã hội thấp, hệ thống văn bản pháp luật bất cập trong xử lý vi phạm, phong trào toàn dân đoàn kết bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa sâu rộng, sự vào cuộc của các đoàn thể còn hình thức, hiệu quả chưa cao... đã làm cho an ninh của tỉnh, tình hình tội phạm có diễn biến phức tạp. Ngành Công an đã khởi tố điều tra tổng số 6.260 vụ đối với 9.470 bị can, nổi lên là tội phạm trong tuổi vị thành niên (chiếm 70% số tội phạm vi phạm về trật tự xã hội) gia tăng cả về số lượng và tính chất nguy hiểm của hành vi. Hoạt động chống đối của các thế lực thù địch, chúng tăng cường gây chiến tranh tâm lý, phát tán vào tỉnh số lượng lớn tài liệu có nội dung xấu, xuyên tạc đường lối của Đảng, kích động gây chia rẽ nội bộ, tuyên truyền tư tưởng chống Đảng và chế độ. Hoạt động của đối tượng phản động mới và bất mãn, khiếu kiện cố chấp kéo dài diễn ra phức tạp, phát tán nhiều tài liệu ngoài luồng; tải tài liệu lên mạng, trả lời phỏng vấn một số đài, báo nước ngoài với nội dung xấu tìm mọi cách ra mắt một số tổ chức chính trị đối lập trên địa bàn tỉnh.

 

Tội phạm về trật tự xã hội hình thành nhiều ổ nhóm tội phạm hoạt động lưu động có sử dụng hung khí, gây án nghiêm trọng và có tính cơ động cao. Tội phạm xâm phạm sở hữu cũng diễn biến phức tạp, chiếm tỷ lệ cao. Đáng chú ý là một số vụ tội phạm gây án nghiêm trọng, với thủ đoạn mới, trắng trợn kèm theo hành vi giết người như vụ: Giết người, cướp tiệm vàng ở huyện Tiền Hải, vụ án giết chủ nhà nghỉ Ngọc Giỏi, xã Minh Khai, huyện Hưng Hà, vụ giết người cướp tài sản của đối tượng Trần Quốc Thịnh, trú tại phường Lê Hồng Phong (Thành phố Thái Bình), vụ cướp tiền lĩnh từ Ngân hàng ở huyện Đông Hưng; gửi tin nhắn qua điện thoại di động để tống tiền… Tệ nạn cờ bạc, số đề xảy ra ở nhiều nơi; một số vụ có tính chất, giá trị và quy mô lớn, có đông đối tượng cả trong và ngoài tỉnh tham gia; tổ chức đánh lưu động, có dịch vụ tín dụng đen, cầm cố tài sản đi kèm, tổ chức canh coi chặt chẽ. Tội phạm về kinh tế có diễn biến cũng phức tạp, nổi lên là lĩnh vực quản lý kinh tế, thuế, đất đai; giải quyết chính sách xã hội và thực hiện các dự án… Tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng mới chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn trước đây nhưng đến thời điểm này đã tăng nhanh. Tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực đưa người đi xuất khẩu lao động, trong hoạt động tín dụng, vay vốn và chạy dự án xảy ra nhiều và gây hậu quả lớn. 

 

Đối với tội phạm về ma túy luôn có diễn biến phức tạp, tuy số vụ án bị bắt và xử lý có chiều hướng tăng, năm sau cao hơn năm trước nhưng số lượng vụ án về ma túy không có dấu hiệu giảm, luôn là nguyên nhân phát sinh của nhiều loại tội phạm khác. Đặc biệt, loại tội phạm này đã hình thành các đường dây mua bán vận chuyển ma túy chủ yếu từ tuyến Tây Bắc, Bắc miền Trung vào địa bàn tỉnh với thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt và có hành vi chống đối rất liều lĩnh khi bị các lực lượng truy bắt. Hành vi mua bán ma túy lẻ diễn ra ở nhiều nơi, nhất là các khu vực công cộng như bến xe, công viên… bằng nhiều hành vi, thủ đoạn khác nhau gây bức xúc dư luận và quần chúng nhân dân, có nơi phạm tội tại nhà kín cổng, cao tường đã nuôi chó dữ, tổ chức canh coi chặt chẽ, dùng cả hệ thống camera giám sát, dải dây điện trần xung quanh nhà để hỗ trợ việc thực hiện tội phạm của mình như tụ điểm nhà Bùi Mạnh Hùng, tổ 42 phường Kỳ Bá (Thành Phố) và Phan Văn Duẩn, xóm 4 xã Thụy Thanh (Thái Thụy). Có đối tượng là người già, người tàn tật, phụ nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi… được hoãn thi hành án, liên tục chửa đẻ tiếp tục hành vi phạm tội, những trường hợp này ngành Công an đã phối hợp với các ngành chức năng kiên quyết bắt thi hành án như: trường hợp Trương Thị Hoa, Tô Thị Hiên phường Kỳ Bá, Nguyễn Thị Lan ở phường Lê Hồng Phong, điển hình đối tượng Phạm Thị Dần 91 tuổi trú tại tổ 1 phường Quang Trung đã bị xử lý đến 9 lần với tổng mức án 100 năm tù… Ngoài ra còn có một số đối tượng lợi dụng cơ chế chính sách thương, bệnh binh của Nhà nước để hoạt động kinh doanh chất gây nghiện như trường hợp 1 thương binh loại 1/4 ở xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Phụ “sử dụng” 1.000 ống Moóc phin/1 tháng. Từ cuối năm 2008 đến nay địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp hay còn gọi là thuốc lắc và một số loại mới như ma túy “đá” được tổ chức sử dụng trong các nhà nghỉ, quán karaoke, số người dùng ma túy tổng hợp tăng ở thành thị và đang có xu hướng phát triển về các vùng nông thôn. Tội phạm trong lĩnh vực lợi dụng công nghệ cao, Internet, thương mại  điện tử ngày càng phát triển, gây thiệt hại lớn đến đời sống, kinh tế - xã hội và nhân dân. Gần đây ngành Công an đã bắt giữ, điều tra 02 đối tượng ở Thái Bình có hành vi tham gia vào đường dây của MB24 (muaban24) đặt chi nhánh trên địa bàn tỉnh... Thống kê 11 năm trở lại đây các loại tội phạm về hình sự, kinh tế và ma túy mỗi năm địa bàn tỉnh xảy ra khoảng trên 1.000 vụ. So với mức bình quân chung trên toàn quốc thì số vụ xảy ra không nhiều nhưng tính chất, mức độ, hành vi, thủ đoạt hoạt động tội phạm ngày càng nghiêm trọng và tinh vi hơn.

 

Nhìn chung, Bộ luật Hình sự và các nghị quyết, nghị định, thông tư hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình xử lý án đồng bộ, chặt chẽ, đảm bảo đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao. Qua công tác xét xử của ngành Tòa án nhận thấy các tội thường được xét xử nhiều đó là: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác (Điều 104); Tội giết người (Điều 93); Tội hiếp dâm (Điều 111) trong nhóm các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của con người. Tội trộm cắp tài sản (Điều 138); Tội cướp tài sản (Điều 133); Tội cướp giật tài sản (Điều 136); Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 135); Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139) và Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140) trong nhóm tội xâm phạm sở hữu. Các tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202); Tội tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ (Điều 232); Tội gây rối trật tự công cộng (Điều 245); Tội đánh bạc (Điều 248); Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc (Điều 249); Tội chứa mại dâm (Điều 245); Tội môi giới mại dâm (Điều 255) trong nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng và trật tự công cộng. Tội chống người thi hành công vụ (Điều 257); Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức (Điều 267) trong nhóm các tội xâm phạm quản lý hành chính. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 194); Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 197) trong nhóm các tội về ma túy. Tội tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm (Điều 155); Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165); Tội vận chuyển, lưu hành tiền giả (Điều 180) trong nhóm các tội xâm hại trật tự quản lý kinh tế. Tội tham ô tài sản (Điều 278); Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280); Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281); Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282) trong nhóm các tội về tham nhũng. Tội môi giới hối lộ (Điều 290); Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi (Điều 291) trong nhóm các tội phạm khác về chức vụ.

 

Việc thực hiện BLHS năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) trên địa bàn tỉnh Thái Bình 11 năm qua, về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh xã hội, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trong Bộ luật các khái niệm, tội danh, điều khoản, tương đối cụ thể, dễ hiểu. Tình hình chung tội phạm ở Thái Bình cũng chưa có hành vi vi phạm nào chưa được quy định trong BLHS. Tuy nhiên để công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân trong bối cảnh mới, khi sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường theo định hướng XHCN đặt ra cho hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng phải thực sự là công cụ pháp lý nhằm thúc đẩy và bảo vệ các quan hệ xã hội, các thành phần kinh tế phát triển. Trước sự thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, BLHS hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, một số điểm không còn phù hợp, gây khó khăn cho thực tiễn áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, cần sửa đổi, bổ sung, có thêm hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để thống nhất việc áp dụng pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW, Nghị quyết 48/NQ-TW, Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị, phù hợp với điều kiện thực tế, theo hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đổi mới căn bản cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Tô Hoàng

(Sở Tư pháp Thái Bình)

 

 

 

  • Từ khóa