Thứ 7, 27/07/2024, 23:14[GMT+7]

Giải pháp tăng cường công tác PCCC

Thứ 2, 25/03/2013 | 08:56:43
1,679 lượt xem
Thời gian qua, tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra trên 20 vụ cháy, trong đó có nhiều vụ cháy nổ lớn, gây thiệt hại lớn về người và của.

Lực lượng Cảnh sát diễn tập phương án PCCC

Ðiển hình như: Ngày 21/3/2012  xảy ra vụ nổ bình bảo ôn, tại Công ty TNHH Hợp Thành (Khu công nghiệp Nguyễn Ðức Cảnh, Thành phố Thái Bình) gây ra hỏa hoạn lớn làm chết 3 người, thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Gần đây nhất, khoảng 21 giờ 20 phút, ngày 26/2/3013, tại Công ty Bitexco Nam Long (số 102 đường Quang Trung, Thành phố Thái Bình) xảy ra vụ cháy lớn. Ðám cháy được phát hiện tại một kho của xưởng sản xuất gỗ ép (phần lớn là gỗ thông khoảng 1.000 khối gỗ), ngọn lửa bùng phát dữ dội cao tới 15m, sau 5 giờ đám cháy mới được dập tắt, làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

 Qua phân tích các vụ cháy cho thấy, nguyên nhân chính là do một bộ phận lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở và cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân nhận thức hạn chế, còn thiếu chủ động và thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC); chưa duy trì các điều kiện an toàn về PCCC; chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC và những kiến nghị của cơ quan Cảnh sát PCCC. Việc điều tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về PCCC chưa mạnh. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho công tác PCCC nói chung chưa cao, chưa đáp ứng được đòi hỏi của yêu cầu nhiệm vụ…

Thực tế này đòi hỏi cần tập trung nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác PCCC nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc đấu tranh ngăn chặn nguy cơ cháy, cháy lớn và hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra. Trong thời gian tới cần triển khai các biện pháp cụ thể: Trước hết, tiếp tục chỉ đạo triển khai và thực hiện có hiệu quả Luật PCCC, Chỉ thị 1634/CT-TTg ngày 31/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong công tác PCCC; bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC; đơn giản hóa các thủ tục hành chính về công tác PCCC theo Nghị quyết 25/CP, Nghị quyết 61/CP của Chính phủ. Hoàn thiện cơ sở pháp lý và triển khai có hiệu quả nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ (CNCH) hằng ngày.

Cần nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cơ sở trong việc tổ chức thực hiện công tác PCCC; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia công tác PCCC, hình thành thế trận toàn dân PCCC. Tập trung xây dựng và duy trì hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng, đặc biệt là ở những cơ sở, địa bàn trọng điểm có nhiều nguy cơ xảy ra cháy.Vấn đề hết sức quan trọng trong tình hình hiện nay là tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ PCCC: Nắm tình hình, điều tra cơ bản, nắm bắt kịp thời các chủ trương chính sách của Ðảng, Nhà nước và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó chủ động đề ra các giải pháp mang tính lâu dài cho các ngành, lĩnh vực kinh tế; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, kiểm tra, thẩm duyệt, chữa cháy và công tác nghiên cứu khoa học, điều tra nguyên nhân vụ cháy… Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác điều tra nguyên nhân vụ cháy và tăng cường công tác xử lý những trường hợp vi phạm quy định về PCCC. Ðối với những cơ sở có nhiều vi phạm nghiêm trọng quy định PCCC, không an toàn, có nguy cơ, nếu xảy ra cháy sẽ dẫn đến cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng và đe dọa tính mạng của nhiều người phải có biện pháp xử lý mạnh, kể cả tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động.

Ðối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định PCCC hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong PCCC gây hậu quả nghiêm trọng đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải khởi tố và xét xử. Ðể thực hiện tốt các yêu cầu trên, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; đầu tư đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ PCCC và CNCH đi đôi với việc nghiên cứu chế độ, chính sách phù hợp để thu hút cán bộ làm công tác PCCC và CNCH; đầu tư trang bị phương tiện, nhất là phương tiện PCCC đặc chủng, phương tiện CNCH để nâng cao hiệu quả thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cho lực lượng Cảnh sát PCCC; Cảnh sát CNCH, tiến tới xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chính quy, tinh nhuệ và hiện đại ngang tầm với năng lực và mô hình tổ chức của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Huấn, Phó phòng Cảnh sát PCCC và CHCN Công an tỉnh thì công tác chữa cháy mỗi khi có hỏa hoạn gặp rất nhiều khó khăn như: các trụ lấy nước cách xa, nhiều trụ bị mất nắp hoặc bị người cho đá vào gây khó khăn khi lấy nước; khi xe chữa cháy đi trên đường làm nhiệm vụ nhiều người vẫn không nhường đường; số điện thoại 114 bị các sim điện thoại di động trả trước gọi trêu chọc, gây ảnh hưởng đến việc báo tin cháy… Với nhiệm vụ sẵn sàng chữa cháy khi có tin báo, những năm qua lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp thường xuyên tổ chức huấn luyện, bảo dưỡng phương tiện, thường trực 24/24h với 100% cán bộ chiến sỹ theo đầu xe. Tuy nhiên, khi có sự cố cháy thường diễn ra rất nhanh, nhiều vụ cháy  khi lực lượng  chữa  cháy  chuyên nghiệp  tiếp  cận  thì đã muộn. Do vậy theo Thượng tá Nguyễn Văn Huấn, lực lượng nòng cốt quan trọng nhất và có thế ứng cứu kịp thời nhất khi xảy  ra cháy vẫn chính là lực lượng và phương tiện tại chỗ. Vì vậy, các cơ quan, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tích cực tập huấn cho lực lượng PCCC tại chỗ, đồng thời thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, đầu tư mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác PCCC đạt hiệu quả cao, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra cháy, nổ. Kiểm tra hệ thống điện tại nơi làm việc và khu sản xuất để kịp thời phát hiện các sự cố.

Bài, ảnh: Nguyễn Tùng

 

  • Từ khóa