Chủ nhật, 19/05/2024, 09:20[GMT+7]

Đấu tranh với tệ nạn ma túy Còn nhiều khó khăn, thách thức

Thứ 3, 02/04/2013 | 08:46:51
1,089 lượt xem
Ma túy được coi là một loại “hàng hóa đặc biệt”, thuộc loại siêu lợi nhuận, nên dù hình phạt rất nghiêm khắc, nhưng không ít kẻ hám lời vẫn lao vào. Để trốn tránh sự phát hiện của quần chúng và xử lý của pháp luật, chúng hoạt động rất tinh vi, xảo quyệt và liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lại quần chúng và lực lượng chức năng.

Xét xử lưu động buôn bán ma túy tại Quỳnh Phụ. Ảnh: Nguyễn Tùng

Ma túy được coi là một loại “hàng hóa đặc biệt”, thuộc loại siêu lợi nhuận, nên dù hình phạt rất nghiêm khắc, nhưng không ít kẻ hám lời vẫn lao vào. Để trốn tránh sự phát hiện của quần chúng và xử lý của pháp luật, chúng hoạt động rất tinh vi, xảo quyệt và liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lại quần chúng và lực lượng chức năng. Bọn tội phạm sử dụng nhiều thủ đoạn che mắt lực lượng chức năng, kể cả dùng người già, trẻ em hoặc phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ, thậm chí những người mắc bệnh tâm thần kinh thể nhẹ để vận chuyển ma túy. Tội phạm ma túy thuộc loại tội phạm “ẩn”.

Đấu tranh mạnh thì số vụ phát hiện nhiều và ngược lại, nên khó đánh giá đúng tình hình để có giải pháp phòng ngừa đấu tranh. Tình trạng mua bán ma túy lẻ, sử dụng trái phép ma túy nhất là ma túy “đá”, tiêm chích diễn ra ở nhiều nơi nhất là các nơi vắng người qua lại, công viên, nhà bỏ hoang, trong khách sạn, nhà nghỉ, quán bar, quán Internet... Việc cai nghiện rất khó khăn, phức tạp, nan giải. Biện pháp cai nghiện chưa được các cấp, các ngành và gia đình quan tâm đúng mức. Phương pháp cai nghiện và phục hồi sau cai chưa đầy đủ, nhiều người cho rằng cứ đi cai về là bỏ được nghiện, nên ít chú ý các biện pháp giáo dục, quản lý tiếp theo. Không ít gia đình có người nghiện đã bỏ mặc, hoặc lảng tránh, phó thác cho xã hội. Đặc biệt đối với những người nghiện sau khi cai về, việc quản lý của gia đình, chính quyền và đoàn thể ít được quan tâm, bị những phần tử xấu, nghiện hút rủ rê, lôi kéo làm cho họ tiếp tục trở lại con đường nghiện hút, nên tỷ lệ tái nghiện rất cao (trên 80%). Khi họ tái nghiện thì nản chí, hắt hủi, thậm chí xa lánh, bỏ mặc.

Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cán bộ nhân dân về phòng chống ma túy chưa thường xuyên, liên tục, mạnh mẽ và đồng bộ, chưa khơi dậy và tạo được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong cuộc đấu tranh. Ai cũng thấy ma túy là nguy hiểm, nhưng nhiều người còn né tránh, ít người dám mạnh dạn tố giác, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn vì sợ trả thù. Các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội... đều thấy rõ tính cấp bách của công tác phòng chống ma túy hiện nay, nhưng chuyển biến thành hành động cụ thể còn hạn chế.

Việc giải quyết tệ nạn ma túy ở cơ sở thời gian qua nhiều nơi làm khá tốt, tổ đảng, chi bộ làm hạt nhân, chính quyền là điểm tựa, một số nơi đã có các tổ tự quản phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy nhưng số này chưa được nhiều. Một số nơi cấp ủy đảng,  chính quyền cũng chưa thực sự vào cuộc, còn cho đây là việc của cơ quan chức năng, do đó việc xóa tụ điểm, đấu tranh chống tội phạm ma túy là hết sức khó khăn.

Công tác quản lý, giáo dục con em của nhiều gia đình chưa thật chặt chẽ. Nhiều gia đình do những nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, chưa quan tâm quản lý giáo dục con cái. Một số bố mẹ thiếu gương mẫu, thậm chí còn nuông chiều, để con cái chơi bời, hư hỏng, bị phần tử xấu rủ rê lôi kéo vào con đường nghiện hút... Một số cán bộ, đảng viên có con nghiện hút, nhưng sợ ảnh hưởng công tác, sợ dư luận lên án nên che dấu. Tuy nhiên, có những đối tượng đã cự tuyệt sự giáo dục của gia đình, thậm chí còn đánh, chửi lại bố mẹ.

Để kiềm chế và làm giảm tệ nạn ma túy, năm 2013 và những năm tới, Công an Thái Bình tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Tham mưu với Tỉnh ủy sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 21 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới làm cơ sở tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng chống ma túy giai đoạn 2012 – 2015; Chiến lược quốc gia phòng chống ma túy đến 2020 và định hướng đến năm 2030 theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an. Toàn tỉnh thực hiện kế hoạch tổng điều tra khảo sát người nghiện ma túy, mại dâm để có cơ sở đánh giá hiệu quả công tác phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, các hoạt động cai nghiện, quản lý sau cai, triển khai kế hoạch PCMT (tháng 6 hàng năm) phát động thành phong trào sâu rộng trong mọi tầng lớp dân cư, cộng đồng xã hội, đặc biệt nhóm có nguy cơ cao.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống ma túy các cấp, tập trung công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục tới mọi người dân, đặc biệt là trong học sinh, sinh viên và thanh, thiếu niên thấy rõ tác hại, hiểm họa của ma túy để tự phòng ngừa, đồng thời phát động quần chúng tích cực phát hiện, tố giác các đối tượng có biểu hiện buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; lập đường dây nóng để nhân dân có thể cung cấp kịp thời những thông tin về tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy cho cơ quan công an. Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về an ninh trật tự; phối hợp các lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ các tiền chất không để tội phạm lợi dụng hoạt động để sản xuất trái phép ma túy; kiểm tra, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh có điều kiện nhất là nhà nghỉ, khách sạn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, quán cà phê, karaoke, internet để phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động liên quan đến ma túy, mại dâm.

Lực lượng chức năng, chủ yếu là PC47, công an huyện, thành phố với vai trò nòng cốt có kế hoạch đấu tranh hiệu quả với 430 đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, 15 địa bàn 18 tụ điểm, 36 điểm phức tạp về ma túy đã được xác định. Tập trung đấu tranh quyết liệt đối với các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy vào tỉnh và từ trong tỉnh đi các tỉnh phía Nam; triệt phá các tụ điểm sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá tại các nhà hàng, quán bar; các điểm dịch vụ, vui chơi giải trí; tăng cường lập hồ sơ đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện bắt buộc. Sử dụng tổng hợp các biện pháp tác động về y tế, pháp luật, giáo dục, phục hồi sức khỏe, đạo đức, tâm lý, tư tưởng... tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện. Đặc biệt quan tâm việc giáo dục và quản lý sau cai, trong đó gia đình và bản thân người nghiện là yếu tố quyết định giúp người nghiện từ bỏ được ma túy.

Đoàn Hải Châu

(Công an tỉnh)

  • Từ khóa