Thứ 2, 13/01/2025, 16:05[GMT+7]

Chủ động phòng, chống cháy, nổ tại khu dân cư, hộ gia đình

Thứ 5, 03/11/2022 | 08:48:14
9,404 lượt xem
Thời gian gần đây, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy, nổ tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Vì vậy, để phòng ngừa cháy, nổ, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng cháy nhằm hạn chế thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hướng dẫn hộ kinh doanh thực hiện các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ.

Theo Thượng tá Nguyễn Viết Tân, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), Công an tỉnh: Năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ cháy, làm chết 2 người, bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính hàng tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, dù chưa xảy ra những vụ cháy lớn, gây thiệt hại về người song vẫn xảy ra một số vụ cháy nhà xưởng, cháy nhà dân, cháy nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh gây thiệt hại lớn về tài sản. Điều đáng lo ngại là nguy cơ xảy ra cháy, nổ luôn tiềm ẩn, tuy nhiên nhiều người dân vẫn còn chủ quan, chưa có ý thức trang bị và cải thiện các điều kiện về an toàn phòng cháy, thiếu các kiến thức, kỹ năng về PCCC.

Cụ thể, tại các khu dân cư, nhất là khu vực đô thị, đa phần nhà ở của các hộ dân thường được xây dựng theo dạng nhà ống liền kề, san sát nhau, không bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC. Để bảo đảm an ninh, nhiều nhà ống chỉ có 1 cửa ra vào, phía trên hoặc phía sau còn gia cố thêm các “chuồng cọp” bịt kín lối thoát hiểm, khi có sự cố cháy, nổ xảy ra sẽ rất nguy hiểm. Nhiều hộ dân kết hợp nhà để ở với sản xuất, kinh doanh sắp xếp hàng hóa không có lối di chuyển, thoát nạn; để các chất dễ cháy không bảo đảm khoảng cách an toàn, gần các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, gần khu vực thắp hương thờ cúng, khi xảy ra sự cố sẽ cháy lan sang chất dễ cháy gần đó. Việc bảo đảm an toàn trong sử dụng các thiết bị điện, gas trong quá trình đun nấu cũng chưa được chú trọng. Tại các hộ gia đình cũng chưa có ý thức trang bị các phương tiện PCCC, khi xảy ra sự cố cháy, nổ không phát hiện được sớm và không có phương tiện để xử lý, dẫn đến đám cháy phát triển tự do, gây ra cháy lớn... Đối với các khu dân cư đông đúc, dây điện, cáp viễn thông giăng mắc chằng chịt không an toàn, nhà không có thoát hiểm, ngõ nhỏ không có đường vào cứu hỏa... nếu xảy ra cháy, nổ không thể đưa phương tiện vào khu vực bị cháy nên hệ lụy sẽ rất lớn.

Để hạn chế thấp nhất các nguy cơ xảy ra cháy, nổ, thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH nhằm trang bị cho người dân các kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn phòng cháy tại chính ngôi nhà của mình. Phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông gửi tin nhắn đến các thuê bao di động khuyến cáo, hướng dẫn người dân các biện pháp PCCC; hướng dẫn, vận động người dân cài đặt ứng dụng báo cháy 114; tham mưu thành lập thí điểm các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” tại khu dân cư các huyện, thành phố. Cùng với đó, Công an tỉnh tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn PCCC nói chung, tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nói riêng; hướng dẫn các hộ gia đình trang bị các điều kiện an toàn PCCC, bảo đảm các điều kiện thoát nạn, tháo dỡ “chuồng cọp”, lồng sắt, tạo lối thoát nạn thứ hai.

Thiếu tá Nguyễn Quang Thái, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an thành phố Thái Bình cho biết: Thành phố là nơi tập trung đông dân cư, nhiều nhà ống liền kề, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Vì vậy, Đội đã phối hợp với các tổ dân phố đến từng hộ gia đình tuyên truyền, ký cam kết, khuyến cáo thực hiện nghiêm các biện pháp PCCC, tháo dỡ “chuồng cọp”, mở lối đi thông thoáng, tự trang bị bình bột chữa cháy ở khu vực sản xuất, kinh doanh sẵn sàng sử dụng khi xảy ra sự cố.

Bà Trần Thị Thục, tổ trưởng tổ dân phố số 1, phường Đề Thám (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Tổ dân phố số 1 có 285 hộ với hơn 500 nhân khẩu, trên địa bàn có một khu nhà tập thể cùng một số cơ quan, trường học, nhà xưởng sản xuất, kinh doanh. Với phương châm thêm một người hiểu biết về PCCC thì bớt đi thảm họa và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, chúng tôi đã phối hợp đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa cháy, nổ, tổ chức ký cam kết giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân; thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong PCCC.

Bà Trần Thị Kim Anh, chủ cửa hàng tự chọn Kim Anh, đường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình) cho biết: Là đơn vị kinh doanh nhiều mặt hàng phục vụ tiêu dùng nên chúng tôi luôn coi trọng việc phòng cháy, bảo đảm an toàn cho cá nhân và cộng đồng. Tại cửa hàng trang bị đầy đủ thiết bị PCCC. Tất cả các mặt hàng đều được xếp ngay ngắn theo từng khu, đường đi lại thông thoáng, khách vào mua hàng không được hút thuốc lá. Trước khi đóng cửa hàng, nhân viên phải kiểm tra các thiết bị điện bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Hiện đang là mùa hanh khô, chỉ cần người dân chủ quan, lơ là thì cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào; kết hợp với các điều kiện phòng cháy, điều kiện thoát nạn không bảo đảm sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Thượng tá Nguyễn Viết Tân cho biết thêm: Thời gian tới, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về mức độ nguy hiểm của cháy, nổ, từ đó chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng cháy tại các khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng công an cấp xã, đội PCCC tại cơ sở. Đây là lực lượng quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với các khu dân cư, hộ gia đình.

Lượng lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa cháy nổ.

Mạnh Cường - Minh Hưng