Thứ 2, 25/11/2024, 23:30[GMT+7]

Phòng cháy, chữa cháy tại làng nghề

Thứ 3, 11/04/2023 | 09:05:13
12,167 lượt xem
Những năm qua, hoạt động sản xuất ở các làng nghề truyền thống của tỉnh đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Thế nhưng, sự phát triển của các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề dệt, bông vải sợi... cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ. Trước thực trạng đó, lực lượng công an cơ sở đang đẩy mạnh xây dựng các mô hình phòng cháy, chữa cháy (PCCC) như “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng” phát huy hiệu quả, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Cảnh sát PCCC và CNCH tập huấn kỹ năng sử dụng bình chữa cháy cho các hộ sản xuất tại làng nghề.

Xã Thái Phương (Hưng Hà) có 8 thôn, dân số 10.720 người. Xã có làng nghề truyền thống dệt may Phương La chiếm hơn 40% dân số của xã. Làng nghề mang lại nguồn thu nhập cao và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hiện tại xã có 508 cơ sở sản xuất, kinh doanh dệt may. Việc sử dụng nguyên liệu bông, vải sợi là chất dễ cháy cùng với việc xây dựng nhà xưởng sản xuất chủ yếu là tôn, sắt dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ là rất cao nếu công tác PCCC không được coi trọng. Đặc biệt, trước đây tại xã đã xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại về tài sản của người dân.

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác PCCC tại làng nghề, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo triển khai xây dựng các mô hình an toàn PCCC. Công an xã tham mưu cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất, kinh doanh tại làng nghề tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”. Đồng thời, phối hợp các đội nghiệp vụ Công an huyện thường xuyên tổ chức tập huấn PCCC cho các hộ.

Đến nay, tại làng nghề dệt may Phương La đã xây dựng được 23 tổ liên gia an toàn PCCC và 8 điểm chữa cháy công cộng. Tổ liên gia an toàn PCCC được thành lập từ 8 hộ sản xuất liền kề nhau, các hộ tự trang bị bình chữa cháy, các dụng cụ phá dỡ thông thường, lắp chuông báo cháy trong và ngoài nhà. Nút ấn và chuông báo cháy của các hộ được liên kết với nhau, bảo đảm khi ấn bất kỳ nút nào toàn bộ chuông đều kêu để báo động cho các hộ trong cùng tổ liên gia biết, kịp thời hỗ trợ chữa cháy, cứu người, cứu tài sản. Qua đó tận dụng tối đa khoảng thời gian vàng trong chữa cháy, tránh để xảy ra cháy lớn, lan rộng. Cùng với đó, tại mỗi điểm chữa cháy công cộng được trang bị bình chữa cháy xách tay và các dụng cụ phá dỡ, thang tre... sử dụng để kịp thời chữa cháy, cứu người, cứu tài sản ngay khi sự cố xảy ra.

Ông Lê Văn Hợi, tổ trưởng tổ liên gia an toàn PCCC làng nghề dệt may Phương La cho biết: Tổ có 8 hộ sản xuất mặt hàng dệt may, trong đó chủ yếu là xen kẽ giữa nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ. Được sự tuyên truyền, hướng dẫn của Công an xã, chúng tôi đã vận động các hộ liền kề nhau thành lập tổ liên gia an toàn PCCC. Từ khi thành lập đến nay, ý thức, trách nhiệm, kỹ năng PCCC, tình hình an ninh trật tự của các hộ được cải thiện rõ rệt. Qua mô hình, tinh thần đoàn kết, quan tâm, sẻ chia của các hộ trong tổ liên gia được gắn kết chặt chẽ hơn.

Cùng suy nghĩ như ông Hợi, ông Lê Văn Bẩy, chủ một cơ sở sản xuất cho biết: Cơ sở sản xuất của gia đình tôi đã 2 lần xảy ra cháy nhỏ nên khi được Công an xã tuyên truyền, gia đình tôi đồng tình ủng hộ ngay. Tôi thấy mô hình tổ liên gia an toàn PCCC rất thiết thực. Nhờ được trang bị những kỹ năng PCCC và cứu nạn, cứu hộ, mỗi thành viên trong tổ sẽ xử lý nhanh khi có cháy xảy ra.

Sau một thời gian xây dựng mô hình, lực lượng công an các cấp đóng vai trò nòng cốt tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn toàn tỉnh. Từng bước nhân rộng các mô hình để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”, hướng tới mục tiêu phòng ngừa, ngăn chặn, kiềm chế gia tăng về số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, không để xảy ra cháy lớn...

Để nâng cao ý thức của các hộ sản xuất, kinh doanh tại làng nghề, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, chủ động “đến từng ngõ, gõ từng nhà” chỉ ra những tồn tại, hạn chế và giải pháp phòng tránh. Đồng thời, hướng dẫn các hộ cách xử lý tình huống khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Mục tiêu đặt ra sau ngày 30/6/2023 100% nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và liền kề nhau đều tham gia tổ liên gia an toàn PCCC; 100% khu phố trong khu dân cư, làng nghề, ngõ, hẻm tập trung đông dân cư có chiều dài từ 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được theo địa bàn khu dân cư có điểm chữa cháy công cộng.

Bình Vân
(Công an tỉnh)