Khúc tráng ca giữa trùng khơi
Cuộc vượt ngục gây chấn động
Trong không gian linh thiêng nơi đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đông Hưng tại xã Nguyên Xá, đúng dịp kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023), chúng tôi có dịp gặp gỡ các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy huyện Đông Hưng và huyện Quỳnh Phụ. Họ cùng nhau ôn lại ký ức một thời không thể lãng quên đấu tranh “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” nơi địa ngục trần gian – nhà tù Phú Quốc.
Hơn 50 năm trước, trong vòng kìm kẹp của kẻ thù, đã nếm đủ những trận đòn roi tra tấn dã man nhưng niềm khát khao tự do luôn nung nấu sau hàng rào dây thép gai. Cuộc vượt ngục đêm Noel năm 1971 là một trong 32 cuộc vượt ngục được tổ chức tại nhà tù Phú Quốc đã gây chấn động thế giới, gây tức tối cho đế quốc Mỹ và bè lũ tay sau trong thời gian dài.
CCB Đào Duy Thắng, xã An Thanh (Quỳnh Phụ) và CCB Phạm Quang Ruệ, xã Hồng Việt (Đông Hưng) là 2 trong số 23 người tù được phân công trực tiếp đào hầm và tham gia vượt ngục đêm ngày 23/12/1971 đều có mặt trong buổi gặp gỡ hôm nay. Tham gia tổ đào hầm năm đó, ông Thắng được Đảng ủy Phân khu A4 nhà lao giao nhiệm vụ tổ trưởng, còn ông Ruệ là thành viên. Đêm ngày 18/7/1971, tổ đào hầm bắt đầu “khởi công” theo kế hoạch. Vị trí lựa chọn để mở cửa hầm nằm ngay dưới gầm giường để qua mặt bọn lính gác và giám thị.
Cựu chiến binh Phạm Quang Ruệ giới thiệu sơ đồ hầm vượt ngục ở Nhà tù Phú Quốc do chính tay ông vẽ lại.
Dù khó khăn, gian khổ nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn tổ chức đào hầm bí mật để vượt ngục về với cách mạng.
CCB Phạm Quang Ruệ chia sẻ: Để có dụng cụ đào hầm, anh em trong phân khu phải tận dụng dụng cụ đựng thức ăn bằng i-nox ra làm cây xắn đất, cắt ca đựng nước US làm xẻng hoặc đoạn sắt chữ V đập dẹp đi làm thuổng. Tận dụng từng cái can, từng miếng vải quần áo rác để bện lại thành dây làm dụng cụ vận chuyển đất ra khỏi hầm. Tất cả mọi hoạt động đào hầm đều bí mật tuyệt đối.
Video: CCB_PHAM_QUANG_RUE.mp4?_t=1682734140
Một trong những khâu phức tạp và khó giải quyết nhất chính là làm sao “giải phóng” lượng lớn đất trong quá trình đào hầm. Tuy nhiên với sự khéo léo, linh hoạt và sáng tạo của những người tù nơi đây đã dần giải quyết được vấn đề này.
CCB Đào Duy Thắng nhớ lại: Ban đầu đất đào được bao nhiêu thì cho vào bao tải kéo ra dồn dự trữ vào hố để “tẩu tán” dần. Chúng tôi phát cho mỗi người tù một nắm đất, sáng dậy anh em giả vờ đi tập thể dục hoặc nhổ cỏ thì bỏ vào các lỗ vùi lại. Về sau, chúng tôi lợi dụng các đêm mưa, đổ đất xuống rãnh nước quanh nhà cho nước mưa xối đi. Cách nữa là bỏ đất vào thùng đựng thức ăn rồi khiêng ra giếng, hòa tan đất trong nước rồi trút xuống rãnh cho trôi đi. Sau hơn 5 tháng ròng rã kiên trì và bền bỉ, có những lúc tưởng chừng bị lộ nhưng được sự che chở của toàn thể đồng đội, tổ đào hầm cũng hoàn thành đoạn hầm dài gần 100m nối từ phòng giam, vượt qua các lớp hàng rào dây thép gai, bãi mìn, đường tuần tiễu ra đến đường giao thông.
Họ may mắn trở về trong khi nhiều đồng đội đã anh dũng hy sinh.
Cuộc vượt ngục diễn ra thành công, phía ta thoát ra 41 người, trong đó có 27 người đào thoát thành công về với cách mạng. Còn lại một số chiến sĩ bị địch bắt trở lại, có người hy sinh trên đường trốn thoát “địa ngục trần gian”.
Video: CCB_DAO_DUY_THANG.mp4?_t=1682734732
Những trận đòn roi hiểm ác
Ở nhà tù Phú Quốc, những chiến sĩ cách mạng phải chịu những hình phạt, tra tấn của đế quốc Mỹ và bọn tay sai Ngụy nhằm hủy hoại thể xác, tinh thần của người tù. Những hình phạt, tra tấn dã man như thời trung cổ trút lên thân thể những người tù. Song với ý chí kiên cường, dũng cảm mưu trí, anh em đã đối phó với kẻ thù bằng nhiều hình thức đấu tranh từ thấp đến cao, phân hóa hàng ngũ địch, tuyệt thực tập thể, diệt chiêu hồi...
Không được may mắn như ông Ruệ, ông Thắng vượt ngục thành công, CCB Vũ Đình Phán, xã Đông Động và CCB Đặng Chu Sơn, xã Đông Hợp (Đông Hưng) là 2 trong 4 chiến sĩ được tổ chức giao vượt ngục trong giai đoạn đó nhưng bị địch phát hiện và bắt giữ. Dù đã 50 năm trôi qua, họ vẫn không bao giờ quên được cái ngày từ cõi chết trở như vết thương thịt da còn hằn vết sẹo.
Ông Phán nhớ lại: Lợi dụng trời tối sau bữa cơm, anh em ra giếng rửa bát, chúng tôi bắt đầu cắt rào vượt ngục. Tuy nhiên, chúng tôi bị quân cảnh phát hiện. Chúng đã bắn 1 đồng chí tên là Xòe hy sinh ngay chỗ hàng rào, còn tôi, đồng chí Phùng, đồng chí Sơn bị bắt lại. Chúng tập trung toàn trại sau đó dẫn giải đồng chí Sơn về chuồng cọp biệt giam phân khu B2, còn tôi được đưa về chuồng cọp phân khu B4. Khi nó bắt lại thì nó đánh đập, tra tấn chúng tôi để bắt chúng tôi khai ra tổ chức nhà lao. Anh em chúng tôi đều nhận đó là tổ chức tự phát chứ không có một tổ chức nào.
Video: CCB_VU_DINH_PHAN.mp4?_t=1682734887
4 năm bị giam cầm ở nhà tù Phú Quốc, CCB Đặng Chu Sơn không nhớ mình đã trải qua bao nhiêu cực hình tra tấn trong tổng số khoảng 30 ngón đòn tàn độc mà bọn cai ngục áp dụng với tù binh Phú Quốc. Cùng với CCB Vũ Đình Phán, ông Sơn bị địch tống vào phòng biệt giam khu 2 – nơi được coi là “địa ngục” kinh hoàng nhất ở nhà tù này khi tổ chức vượt ngục không thành công.
Theo ông Sơn: Trong cuộc đối đầu không cân sức ấy, đã ngời sáng khí tiết cách mạng, nêu cao ý chí bất khuất, kiên trung của chiến sĩ cách mạng, chiến sĩ cộng sản bị địch bắt, tù đày, chống lại bọn đế quốc và tay sai buộc chúng phải chùn tay, nể sợ.
Video: CCB_DANG_CHU_SON.mp4?_t=1682734980
Biến đau thương thành sức mạnh chiến đấu
Nhà tù Phú Quốc nơi đế quốc Mỹ - Ngụy đã giam cầm, đọa đày các chiến sĩ cách mạng với quy mô, số lượng lớn nhất ở Việt Nam. Trong giai đoạn 1967 - 1973, nhà tù này giam giữ gần 40.000 lượt tù binh là những chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang và cán bộ cách mạng. Trong số những con người đã chiến thắng “cơn ác mộng Phú Quốc” ấy trở về và trong hơn 4.000 người đã bị kẻ địch sát hại, anh dũng ngã xuống với khí phách hiên ngang, có không ít những người con ưu tú của quê hương Thái Bình.
Lửa ngục trần gian không ngăn được trái tim khát vọng của người tù cộng sản luôn một lòng hướng về Đảng, về cách mạng, Bác Hồ với một niềm tin quyết thắng.
Niềm vui lớn nhất chính là còn được gặp lại nhau, ôn lại những ký ức hào hùng năm xưa.
CCB Đặng Văn Thanh, Trưởng ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Đông Hưng chia sẻ: Các chiến sĩ trước sau giữ trọn chí khí, một lòng theo Đảng, theo cách mạng, quyết đấu tranh với kẻ thù đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Trong nhà lao, chúng tôi chia nhau từng chén cơm, viên thuốc, chăm sóc nhau sau mỗi trận đòn roi tra tấn dã man; dành dụm, cất giấu từng hạt cơm, hạt muối để chuẩn bị cho anh em vượt ngục… Có ở trong hoàn cảnh ấy, có chứng kiến đồng đội hy sinh dưới sự đàn áp của kẻ thù mới thấy tình người, tình đồng chí thiêng liêng.
Video: CCB_NGUYEN_TRONG_UNG.mp4?_t=1682735340
Sau khi được trao trả tự do vào đầu năm 1973, những người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy là người con quê hương Thái Bình lại tiếp tục tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu cho đến ngày toàn thắng 30/4/1975. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có người tiếp tục cống hiến cho quân đội, tham gia các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả; có người chuyển ngành, trở về quê hương tiếp tục cống hiến cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong “mưa bom bão đạn” và những đòn roi tra tấn đớn hèn của kẻ thù đã tôi luyện ý chí kiên trung của những người lính Bộ đội Cụ Hồ, bất kể hoàn cảnh nào, khó khăn nào, họ cũng vượt qua.
Những hy sinh anh dũng của lớp lớp cha anh đi trước là sự nhắc nhớ thế hệ hôm nay về giá trị của hòa bình.
Trước anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng liệt sĩ, họ trở về đây dâng nén hương thơm tri ân và cùng nhau ôn lại ký ức gian khổ chốn địa ngục trần gian. Mỗi câu chuyện hôm nay là một phần của quá khứ hào hùng, những cái chết bi tráng của những người tù cộng sản dạ sắt, gan vàng đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do cho Tổ quốc để thế hệ hôm nay thấu cảm và trân trọng giá trị của hòa bình và luôn tự hào hơn về mảnh đất và phẩm chất truyền thống cách mạng của con người Thái Bình đã hòa cùng dân tộc viết nên trang sử sáng ngời.
Hoàng Linh – Minh Chiến
(Đài TT-TH Đông Hưng)
Tin cùng chuyên mục
- Công ty Nhiệt điện Thái Bình: Tập huấn và diễn tập phòng cháy, chữa cháy 28.09.2024 | 18:27 PM
- Thông báo khu vực cấm biển trong diễn tập có bắn đạn thật của Trung đoàn bộ binh 8/Sư đoàn 395/Quân khu 3 13.09.2024 | 15:57 PM
- Tăng cường công tác tuần tra, canh gác và xử lý sự cố trên tuyến đê quốc gia 12.09.2024 | 10:20 AM
- Ứng phó với bão số 3 - tuyệt đối không chủ quan, lơ là 05.09.2024 | 16:01 PM
- Kỹ năng ứng phó với thiên tai, mưa bão, lũ lụt 05.09.2024 | 16:11 PM
- Trường Đại học Y Dược Thái Bình: Tổ chức ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc 16.08.2024 | 18:57 PM
- Thái Thụy: Triển khai nhiệm vụ, bồi dưỡng khung diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó bão mạnh, siêu bão năm 2024 28.06.2024 | 15:20 PM
- Bảo đảm an toàn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 – 2025 06.06.2024 | 16:20 PM
- 12.000 người hợp luyện diễu binh trên đường phố Điện Biên 28.04.2024 | 15:37 PM
- Tiếp tục xây dựng nền biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc 12.01.2024 | 19:39 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng