Thứ 4, 15/01/2025, 06:38[GMT+7]

Cảnh giác với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Thứ 6, 12/05/2023 | 19:49:03
96,929 lượt xem
Thời gian qua, mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan công an đẩy mạnh tuyên truyền, liên tục đưa ra những cảnh báo nhưng số vụ, số người bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng vẫn liên tục gia tăng. Các đối tượng phạm tội hoạt động với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, ứng dụng công nghệ cao để thực hiện các hành vi lừa đảo, gây thiệt hại lớn về tài sản cho các bị hại, gây hoang mang trong dư luận nhân dân và gây mất an ninh trật tự.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nghiên cứu hồ sơ đấu tranh với các đối tượng lừa đảo qua không gian mạng.

“1001 kiểu” lừa đảo

Vừa qua, chị Phạm Thị Hà, xã Hà Giang (Đông Hưng) bị các đối tượng chiếm quyền sử dụng zalo của một đồng nghiệp rồi nhắn tin cho chị vay tiền. Do chủ quan, chị đã 3 lần chuyển tiền cho các đối tượng với số tiền 120 triệu đồng rồi mới biết mình bị lừa. Ngay sau đó, chị Hà làm đơn trình báo với cơ quan công an nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị. Chị Hà cho biết: Đây là tiền quỹ của cơ quan, tôi đã phải tự bỏ tiền của mình để trả cho tập thể. Đối tượng còn gọi cả zalo để tạo niềm tin. Chuyện lừa đảo chiếm quyền sử dụng facebook để vay tiền tôi có biết nhưng chiếm quyền sử dụng zalo thì tôi chưa nghe bao giờ nên mới mắc bẫy. Qua sự việc này, tôi muốn cảnh báo đến tất cả mọi người phải luôn cảnh giác đối với các tin nhắn, cuộc gọi vay tiền qua mạng xã hội phải xác thực lại thông tin bằng điện thoại chứ đừng để bị lừa mất tiền như tôi.

Để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân, các đối tượng phạm tội sử dụng “1001 kiểu” lừa đảo qua không gian mạng với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, khiến cho nạn nhân không thể lường trước được. Cùng với chiếm quyền sử dụng mạng xã hội để nhắn tin, sử dụng công nghệ deepfake gọi qua mạng xã hội mượn tiền của bạn bè, người thân, đồng nghiệp... rồi chiếm đoạt tiền của các bị hại chuyển đến, các đối tượng còn giả danh các nhà mạng gọi điện thông báo số thuê bao điện thoại của bạn đã trúng thưởng tài sản có giá trị lớn, để nhận được tài sản đó phải mất phí; giả danh cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát... gọi điện thông báo người dân có liên quan đến vụ án hoặc xử phạt nguội vi phạm giao thông, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để phục vụ công tác điều tra, xử lý. Hoặc thủ đoạn giả danh là cán bộ ngân hàng gọi điện thông báo với bị hại có người chuyển tiền vào tài khoản nhưng do bị lỗi nên chưa chuyển được hoặc thông báo phần mềm chuyển tiền internet banking của khách hàng bị lỗi... nên yêu cầu khách hàng cung cấp mã số thẻ và mã OTP để kiểm tra, sau đó các đối tượng sử dụng thông tin bị hại cung cấp để truy cập vào tài khoản và rút tiền của bị hại. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh của một số người dân, các đối tượng giả mạo người tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Với lời mời đầu tư vào các gói nhiệm vụ “thả tim”, chia sẻ video trên nền tảng tiktok, youtube kiếm tiền online “việc nhẹ lương cao”, nhiều người cũng “dính bẫy” rồi bị lừa.

Thời gian gần đây, nhiều bậc cha mẹ học sinh ở một số địa phương nhận được các cuộc điện thoại của các đối tượng lừa đảo mạo danh giáo viên, bác sĩ, nhân viên y tế báo tin con em bị tai nạn, đang cấp cứu tại bệnh viện, yêu cầu nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí, đã có trường hợp bị lừa với số tiền hàng trăm triệu đồng. Cũng có nhiều thuê bao di động nhận được cuộc gọi từ số lạ mạo danh tổng đài của Bộ Thông tin và Truyền thông dọa 2 tiếng nữa khóa sim; hoặc yêu cầu cung cấp tên tuổi, số căn cước công dân để phục vụ việc chuẩn hóa thông tin thuê bao, nếu không cung cấp, thuê bao sẽ bị khóa trong vài giờ. Khi người dùng điện thoại làm theo hướng dẫn, đối tượng chiếm đoạt sim, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, ví điện tử, rồi chiếm đoạt tiền...

Tăng cường đấu tranh

Theo Thiếu tá Lê Xuân Quang, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Thái Bình: Những vụ lừa đảo bằng hình thức khác nhau song đều có chung một kịch bản là yêu cầu bị hại chuyển tiền đến một tài khoản chỉ định hoặc cung cấp mã OTP xác thực chuyển tiền để kiểm tra, xác minh rồi chiếm đoạt. Do nhẹ dạ cả tin, chủ quan nhưng cũng do lòng tham vì được hứa tặng quà, kinh doanh lãi khủng, việc làm lương cao nên đã có rất nhiều người sập bẫy, dẫn đến mất trắng số tiền từ vài triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tập trung phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh điều tra, xác minh, xử lý 12 vụ việc liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Công an thành phố Thái Bình nhập hồ sơ dữ liệu liên quan đến hoạt động của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Cùng với đó, công an các huyện, thành phố, công an các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh liên tục đưa ra các khuyến cáo đến các khu dân cư để cảnh báo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác không bị mắc bẫy các đối tượng. 

Thiếu tá Phan Minh Hoàng, Phó Trưởng Công an thành phố Thái Bình cho biết: Thời gian qua, đơn vị cũng tiếp nhận nhiều tin báo tố giác tội phạm của công dân, các cơ quan, đơn vị về các đối tượng dùng các thủ đoạn liên hệ qua điện thoại, mạng xã hội thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua các nguồn tin tố giác tội phạm và công tác đấu tranh, đầu tháng 1/2023, Công an thành phố đã phát hiện đường dây lừa đảo hoạt động phạm tội có tổ chức với thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ cao, móc nối với người nước ngoài hoạt động ngoài lãnh thổ Việt Nam để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam ở trong nước với quy mô lớn, bắt giữ 19 đối tượng. Các đối tượng này giả danh cơ quan viễn thông ở Việt Nam liên lạc với bị hại, thông báo bị hại có hành vi vi phạm pháp luật và nối máy trực tiếp đến cơ quan chức năng để trình báo. Sau đó, các đối tượng tiếp tục giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát đề nghị hỗ trợ bị hại để giải quyết vụ việc, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào số tài khoản của các đối tượng để chiếm đoạt. Từ tháng 11/2022 đến hết ngày 31/12/2022, đường dây lừa đảo trên đã chiếm đoạt tổng số tiền trên 28 tỷ đồng. Tháng 11/2022, Công an thành phố Thái Bình cũng đã khởi tố, bắt tạm giam 14 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức bán nước hoa, tặng quà qua mạng xã hội với số lượng bị hại lên đến hơn 9.800 người ở 700 đơn vị hành chính cấp quận, huyện trên cả nước với số tiền chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

Công an thành phố Thái Bình bắt giữ các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vào tháng 1/2023. Ảnh: Công an Thái BìnhTang vật vụ án của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng do Công an thành phố Thái Bình bắt giữ tháng 1/2023. Ảnh: Công an Thái Bình 

Nâng cao cảnh giác

Theo Thiếu tá Lê Xuân Quang: Để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, cùng với công tác đấu tranh của lực lượng công an, thì mỗi người dân, tổ chức phải thường xuyên cập nhật, nắm bắt phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng, nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức phòng ngừa để tránh không bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Luôn đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Người dân cần chú ý, các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc qua điện thoại, qua mạng xã hội... Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ ai khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó. Đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định. Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội. Không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan như: căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản ngân hàng cho người không quen biết...

Khi có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người dân, các cơ quan, đơn vị kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết;

Hoặc liên hệ tới Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao qua trực ban Công an tỉnh, địa chỉ: Đường Lê Quý Đôn, thành phố Thái Bình hoặc số điện thoại trực ban của đơn vị: 069.276.0505.

Mạnh Cường